Trong rổ rau ăn với bánh xèo ở miệt vườn ngoài những loại rau sống còn có cải xanh, lá xoài non và nhất là phải có lá cách. Lá cách có vị thơm hơi hắc và nhân nhẫn, cuốn miếng bánh xèo với rau chấm nước mắm mà ăn thì thật là hết ý.
Lá cách mà người ta thường ăn nhất là món lươn um lá cách hay ếch xào lá cách,...và lá cách còn là một vị thuốc nữa.
CÂY CÁCH:
CÂY CÁCH:
-Tên gọi khác: Vọng cách, Cách biển.
-Tên tiếng Anh: Creek Premna
-Tên khoa học: Premna serratifolia L.
-Tên đồng nghĩa: Premna corymbosa (Burm. f.) Rottl. et Willd.; P.integrifolia L.; P. obtusifolia R. Br.; P. integrifolia var. obtusifolia (R. Br.) P'ei; Cornutia corymbosa Burm.
-Tên tiếng Anh: Creek Premna
-Tên khoa học: Premna serratifolia L.
-Tên đồng nghĩa: Premna corymbosa (Burm. f.) Rottl. et Willd.; P.integrifolia L.; P. obtusifolia R. Br.; P. integrifolia var. obtusifolia (R. Br.) P'ei; Cornutia corymbosa Burm.
Phân loại khoa học
Bộ (ordo): Hoa môi (Lamiales).
Họ (familia): Họ Cỏ Roi ngựa (Verbenaceae).
Phân họ (subfamilia): Viticoideae
Chi (genus): Premna
Loài (species): Premna serratifolia L.
Họ (familia): Họ Cỏ Roi ngựa (Verbenaceae).
Phân họ (subfamilia): Viticoideae
Chi (genus): Premna
Loài (species): Premna serratifolia L.
Phân bố
Cây cách có nguồn gốc ở Châu Á, phát sinh từ Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Hiện nay cây cách phát triển rộng ở Châu Á, Châu Phi, Châu Úc và các đảo Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, cây cách mọc hoang và được trồng ở đồng bằng và vùng núi để lấy lá làm gia vị ăn gỏi cá. Rễ, lá có thể thu hái quanh năm. Lá lấy về, rửa sạch, phơi hay sấy khô hoặc sao vàng mà dùng làm thuốc.
(theo Rau rừng Việt Nam)
Có một bài viết rất thú vị mời các bạn đọc:
HOANG DÃ, ĐÀO HOA LÁ CÁCH
Lần đầu về chơi Bến Tre cũng là lần đầu ra mắt nhà gái, tôi không khỏi xao xuyến trước… những rừng dừa bạt ngàn nơi đây và tự nhủ: không lấy được nhỏ này thì mình đi tìm nhỏ khác, nhưng nhất định phải làm rể Bến Tre! Chính vì vậy mà khi nghe nhà gái nói người ta đang đua nhau đốn dừa trồng nhãn, tôi nghe lòng xốn xang rồi buộc miệng: “Bến Tre mà không còn dừa thì không còn là Bến Tre nữa”. Không ngờ, chỉ vì câu nói ấy mà tôi được nhà gái “chấm điểm”.
Giết gà đãi cơm chàng rễ tương lai, ngoài các món gà quen thuộc, tôi thấy có món canh gà nấu với rau gì đó rất lạ. Nghe tôi thắc mắc hỏi đó là rau gì, chú Tư vốn tính bỗ bã lại hay cà rỡn hỏi ngược lại: “Bây lần đầu về chơi Bến Tre, chắc chưa nghe danh cô nàng La Thị Cách?”.
“Dạ chưa? Mà ai vậy chú Tư?”
“Một cô nàng hoang dã nhưng rất đào hoa.”
Cả nhà cười rần. Còn tôi thì ngơ ngác. Té ra, cô nàng “La Thị Cách” của chú Tư chính là…lá cách, loại lá mọc hoang ngoài vườn, quanh các bờ kênh, mé mương… vốn rất quen thuộc với người Bến Tre, nhưng với tôi thì hoàn toàn xa lạ.
Thấy tôi tấm tắc khen ngon, lại còn bình phẩm món canh có mùi thơm đặc trưng, không lẫn vào đâu được, chú Tư hể hả khoe thêm: “Không chỉ nấu canh với thịt gà không đâu, lá cách mà nấu canh với ếch, với thịt vịt cũng ngon không kém. Nói chung, lá cách làm được rất nhiều món, mà món nào cũng “bá cháy” hết.
Này nha, món bánh xèo thì khỏi nói rồi. Ăn bánh xèo mà thiếu lá cách thì khác nào bây cưới vợ mà không được động phòng vậy đó (!) Rồi món lá cách um lươn, lá cách xào lăn với ếch, lá cách nướng với thịt bò…. Nói tóm lại, cái nào nấu với lá cách cũng hợp, cũng ngon, cũng khiến người ăn ưng bụng. Bởi vậy cho nên, tao nói La Thị Cách hoang dã nhưng rất đào hoa là vậy đó. Nói cho bây biết nha, với người Bến Tre, ngoài dừa ra, Bến Tre này mà thiếu lá cách thì cũng không còn là Bến Tre nữa!”.
Thú thật, lúc đầu nghe chú nói, tôi cứ nghĩ trong bụng là ông già “si” Thị Cách nhà ta quá nên nói quá thế thôi, ai dè sau này có dịp ta bà khắp chốn xứ dừa, tôi càng thấy những gì chú Tư ngợi ca về lá cách đều rất chí lý.
Có thể lá cách ở đâu cũng có, nhưng với cách mà người dân Bến Tre gắn bó với nó thì khó có nơi đâu sánh bằng. Nếu như ở Sài Gòn, (kể cả những thành phố khác mà tôi từng qua), dù chợ nào cũng có những những người chuyên bán rau vườn đưa lên từ quê rất sớm, nhưng hỏi lá cách thì nhận ngay những cái lắc đầu, bảo phải dặn trước mới có. Trong khi đó ở Bến Tre, ngoại trừ chợ xã, chợ quê (vì lá cách ra vườn là có, sợ bán không ai mua), đến chợ trung tâm thành phố hầu như lá cách ngày nào cũng có. Có lẽ nhờ vậy mà từ làng mạc xa xôi, đến phố thị đông đúc, lá cách khá thường xuyên có mặt trong các món ăn, bất kể đó là bữa cơm gia đình hay những mồi ngon nơi nhà hàng, quán nhậu.
Vùng biển Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri vốn giàu hải sản, người ta um lá cách với cá đuối thay cho lươn, cho ếch. Về miệt Giồng Trôm, Mỏ Cày lúc rớt những cơn mưa đầu mùa, các mẹ, các chị vốn tính tằn tiện là thế nhưng thay vì đem mớ nấm mối đắt đỏ hái được ngoài vườn đem bán đổi lấy trăm ngàn, thì lại sẵn sàng dành lại để xào lá cách. Kẻ đắt đỏ, người rẻ bèo, nhưng khi nằm chung một dĩa, xem ra cả hai đều rất tâm đầu ý hợp vì suy cho cùng họ đều hoang dã như nhau. Còn ở phố chợ như Châu Thành, thành phố Bến Tre, nhà ai không sẵn gà, vịt, một miếng thịt bầm cũng có được một tô canh lá cách bốc khói thơm ngây ngất.
Xa quê đã hai mươi năm, bon chen sống giữa Sài thành đô hội, nàng Bến Tre của tôi bất chợt thèm một tô canh gà nấu với lá cách khi nằm nghe cơn mưa đêm đầu mùa se lạnh. Đồng cảm, tờ mờ sáng hôm sau, tôi chở nàng ra chợ Gò Vấp đón các chị chuyên bán rau vườn từ Hóc Môn lên nhưng đành thất vọng quay về bởi những cái lắc đầu vì không dặn trước. Chợt nhớ lại những lời chí lý của chú Tư năm nào tôi không khỏi tự nghĩ, tự bần thần: biết đâu một ngày biểu dâu, không còn bóng dừa, biểu tượng Bến Tre chỉ còn lại đơn độc một mình lá cách?
Có thể lắm chứ. Lá cách tuy hoang dã, rẻ tiền, dễ sống, dễ hòa đồng nên cũng dễ đứng ngoài những dòng xoáy lạnh lùng của tiền, của những toan tính hơn thiệt. Trong khi đó, cây dừa thì “cao sang” hơn nhiều nên số phận cũng dễ bị thời cuộc đẩy đưa, số phận của dừa cũng vì đó mà lắm bấp bênh. Qua khứ đã từng chứng minh: khi cây nhãn lên ngôi, người ta sẵn sàng đốn dừa hàng loạt để dành đất cho nhãn.
Thế mới thấy câu nói người xưa: “Quan nhất thời, dân vạn đại” thật vô cùng chí lý!
Văn Phát
(Sưu tầm trên mạng)