Saturday, January 7, 2017

LỄ CẦU AN Ở XÓM CHÀI CẦN THƠ

Ra bến Ninh Kiều, các bạn nhìn qua bên kia sông là một vùng đất được gọi là "Xóm Chài" gần như biệt lập. Ngày xưa cũng vậy và ngày nay chỉ có khá hơn đôi chút. Nếu đêm xuống, bên đây bến Ninh Kiều đèn hoa rực rỡ, đông đúc, xe cộ tấp nập thì bên kia sông vẫn còn tối và gần như vắng lặng ngoại trừ mấy tấm quảng cáo có đèn màu.


Thuở nhỏ, tôi có theo bà nội tôi qua Xóm Chài thăm người bà con một đôi lần, lớn lên gần như tôi chưa từng qua bên ấy cho nên tôi không có một ấn tượng nào. Nghe nói bây giờ qua Xóm Chài không còn phải ngồi nghe qua sông mà bây giờ đã có phà lớn qua sông, có cầu nối hai bờ qua lại. và đang có một dự án lớn đề phát triển Xóm Chài.
Hồi đó ít qua Xóm Chài nên tôi không biết bên Xóm Chài có "Miếu Bà" thờ bà Thiên Hậu ngay đầu vàm, vì gần như dân sống và kiếm ăn trên sông nước ai cũng thờ Bà để được phò hộ và ban phúc. Hôm nay lên mạng mới biết được những chi tiết này và một tục lệ mà thời đó tôi thấy qua là lễ Tống Phong và một vài lần xem đua ghe ngo ở bến Ninh Kiều khoảng 40-50 năm về trước. Bây giờ xin kể lại một tập tục cho đến bây giờ vẫn còn:



LỄ CẦU AN


Lễ Cầu an- trước kia thường gọi là lễ Tống phong, Tống gió, Tống ôn- là một nghi lễ có từ lâu đời ở Nam bộ. Tại Cần Thơ, Lễ Cầu an có hình thức cúng bái ngày càng giản lược, nhưng vẫn còn giữ nguyên phần lễ, được tổ chức mang tính cộng đồng khá cao. Lễ Cầu an hằng năm thường được tiến hành từ ngày 13 cho tới Rằm tháng Giêng, nhưng cũng có nơi tổ chức sớm hoặc muộn hơn.



Lễ Cầu an mang ý nghĩa tống tiễn những điều xấu xa, xúi quẩy, phiền muộn và tật bệnh ra đi; đón lấy những ngọn gió lành, những điều may mắn, tốt đẹp về cho thôn xóm. Lễ này phản ánh đời sống tâm linh của tiền nhân thời khẩn hoang, thuở ĐBSCL còn là vùng đất hoang vu, với bao thiên tai, muỗi mòng rắn rết, tai ương tật bệnh: "Tới đây xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê" hoặc "Chèo ghe sợ sấu cắn chân. Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma". Sống trong môi trường như thế, ai ai cũng muốn tìm một chỗ dựa tinh thần và Lễ Tống phong xưa và Lễ Cầu an nay bắt nguồn từ đó.


Lễ thường diễn ra vào mùa xuân, tiết trời ấm áp. Những người làm Lễ Cầu an đều có chung một ước vọng là "an cư lạc nghiệp". Tất cả hoạt động cúng bái trong ngày lễ đều xuất phát từ khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Quy mô tổ chức lễ Cầu an mỗi nơi mỗi khác. Có nơi cúng tế khá bài bản, đầy đủ tiết lễ và hành lễ nghiêm cẩn với sự tham gia đông đảo của dân làng. Có nơi tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Dù hình thức tổ chức thế nào, dân làng vẫn coi đó là ngày "thiêng". Tất cả những người tham dự- phần lớn là nhân dân lao động, những người mua gánh bán bưng, nông ngư dân tay lấm chân bùn- đều thành kính hướng về đời sống tâm linh để bày tỏ ước vọng bình an, điều lành bước tới, điều dữ ra đi.


Lễ Cầu an ở Cần Thơ hiện nay được tổ chức khá trang nghiêm, cụ thể như miếu Bà ở khu vực 3 Xóm Chài; miếu Ông ở khu vực 9, gần cầu Phu Thê; miếu Tiên Sư ở khu vực 11, rạch Bà Trại thuộc quận Cái Răng. Còn tại Phong Điền, lễ Cầu an được tổ chức khá long trọng tại Nhơn Nghĩa, miếu Thổ thần ấp Nhơn Lộc I và nhiều địa điểm khác. Cụ Lê Quang Trinh, 84 tuổi, nhà ở Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ kể: "Từ xa xưa, miếu Bà ở Xóm Chài được dựng lên để thờ bà Thiên Hậu. Bà Thiên Hậu được xem là ân nhân của dân chài, một vị thần bảo hộ của ngư phủ nên những người làm nghề đánh bắt ở Xóm Chài rất tin tưởng và tôn kính bà. Sau đó, dân làng lại thờ thêm bà Chúa Xứ, cũng là một vị phúc thần hộ trì cho cư dân bản địa. Hơn nửa thế kỷ qua, chùa Bà- Xóm Chài năm nào cũng diễn ra cảnh đưa bè tống phong trước sự chứng giám của hai Bà gồm những nghi thức không thể thiếu là thả bè và đốt lửa.


Việc làm bè và thả bè là hoạt động chủ yếu trong lễ vì theo cách nghĩ của ngư dân vùng ven biển và sông rạch, bè là phương tiện biểu hiện cho việc tống tiễn những xui rủi, tật bệnh ra sông, ra biển, đồng thời cũng là phương tiện tiễn đưa những người khuất mặt về chốn thủy phủ và địa phủ. Do đó, bè cần phải được làm đúng quy cách, sao cho vững vàng để trôi nhanh, trôi thẳng. Nhiều người tin rằng năm nào bè trôi nhanh, trôi xa, trôi thẳng, dân làng sẽ bình an, no ấm, mọi chuyện hanh thông. Ngược lại, nếu bè trôi nửa chừng bị tắp, bị cản trở hoặc không may bị lật úp, năm đó dân làng làm ăn sẽ gặp bất trắc, cuộc sống bất ổn…


Kích thước bè không giống nhau. Trên bè, người ta dùng tre, trúc để kết nối thành khung thuyền, xung quanh được dán bằng giấy màu rực rỡ. Trên bè bố trí một số hình nhân trong tư thế chèo thuyền. Dọc theo hai bên hông bè treo nhiều quần áo bằng giấy màu, giấy hoa. Trên mui bè và cabin còn có thêm cờ xí lộng lẫy. Trong lúc chuẩn bị tiễn đưa hoặc hạ thủy bè, ban tế lễ thu gom một số đồ cúng, mỗi thứ một ít, cho vào khoang bè. Theo tục lệ, trong lúc khiêng bè xuống thuyền lớn, người khiêng phải đi thật nhanh, tuyệt đối không dừng, không quay lại.
Về thời điểm thả bè, có nơi cúng và tiễn bè ra sông vào lúc nước ròng, thường là buổi tối như ở Phong Điền. Có nơi tiễn bè lúc 2- 3 giờ chiều và hạ thủy đúng lúc nước lớn như ở khu vực 3 và khu vực 9, phường Hưng Phú. Nhiều người tin rằng thả bè lúc nước lớn tràn bờ sẽ gặp nhiều may mắn, mọi sự tròn đầy, viên mãn.


Về việc đốt lửa, cụ Văn Đắc Lành, 85 tuổi, người cố cựu đã từng tham gia lễ Tống gió từ năm 1945 đến nay, giải thích: Trong lúc tiễn đưa bè, bà con nhà nào cũng dùng lá dừa, lá chuối khô đốt lửa sáng lên. Ngọn lửa đó tượng trưng cho sức sống, lửa thiêu đốt tất cả những điều ô uế, xua đuổi tà ma, chướng khí và dẫn đường cho bè ra sông ra biển. Trong khi lửa cháy, nhiều người còn rải gạo muối vào lửa, nổ nghe rôm rả. Đó chính là tiếng nổ đẩy lùi tà khí. Cụ Lành nhớ lại: "Từ thưở nhỏ, tôi đã chứng kiến lễ Tống gió ở làng Nhơn Ái và từng tham gia tổ chức đưa tiễn bè thủy lục với nhiều hoạt động sôi nổi. Trước kia, cứ sau khi ra Giêng, mọi người trong xóm ấp đều nôn nao chuẩn bị cho ngày Tống gió. Bè thủy lục xưa kia làm bằng hai chiếc ghe lớn ghép lại theo kiểu thuyền rồng, xung quanh trang trí cờ hoa rực rỡ, màu sắc lộng lẫy. Phía trước bè bố trí các tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương. Theo ghe còn có đoàn lân và nhiều ghe xuồng hộ tống, diễu hành trên các sông rạch thật náo nhiệt. Lúc bè di chuyển trên sông, tiếng trống lân hòa cùng tiếng pháo tre và pháo thăng thiên giòn giã khiến mọi người, nhất là bà con đứng dọc hai bên bờ sông hoan hô vang dội".


Ngày nay, nhiều nơi tổ chức lễ Cầu an đã loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp với nếp sống văn minh như vẽ bùa, đuổi tà, bắt ấn, song lễ thức thì vẫn còn. Đặc biệt, trong các hoạt động tín ngưỡng về Tống phong, con người thường hướng về cầu an, cầu phúc, cầu thịnh, cầu mua may bán đắt… Ông Trần Ngọc Lầu, Trưởng ban tổ chức Lễ Cầu an ở ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, cho biết chương trình Lễ Cầu an hiện nay gồm có nghi thức cầu an, tiếp theo là các hoạt động văn hóa văn nghệ và sau cùng là đưa tiễn bè "tống gió" với hình thức diễu hành trên sông kèm múa lân, đốt lửa và các thủ tục cúng bái đơn giản, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống hiện nay.
Hiện nay, Lễ Cầu an vẫn được coi là một hình thức tín ngưỡng dân gian, đồng thời cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng hướng về cội nguồn, cầu cho dân làng ấm no hạnh phúc.
Hoài Phương 



"HẮT NƯỚC" VÀ "NÉM NƯỚC" VÀO NGƯỜI ĐỂ TỐNG TÀ KHÍ Ở MIỀN TÂY.

Chiều 4/3, tại Miếu Bà, Xóm Chài, khu vực 3, P.Hưng Phú, (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) diễn ra lễ cầu an của người dân sống trên vùng sông nước Cửu Long.

Ông Trần Văn Long – Phó BQL Miếu Bà cho biết, lễ hội cầu an trước đây thường gọi là lễ Tống phong, Tống gió, Tống ôn; một nghi lễ có hơn 100 năm qua của người dân địa phương. Lễ được tổ chức cúng trong những ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm.


Tại lễ Tống phong diễn ra ở Xóm Chài, người dân đốt muối và gạo trong 3 ngày ở trước nhà để tống đi những điều xui rủi, rước cái may mắn vào nhà.
Trước ngày hành lễ, ban tổ chức làm một chuyến thuyền bằng tre khá lớn rồi đặt trước miếu thờ, mũi bè hướng ra sông. Ban tế lễ bỏ nhang đèn, vàng mã, tiền thật, gạo, muối, bánh mứt, trái cây, gà, thịt, cá… vào khoang thuyền để cúng binh ôn và cô hồn.


Theo tục lệ, trong lúc đưa thuyền xuống sông người khiêng phải đi thật nhanh, tuyệt đối không dừng, quay đầu lại.
Vào khoảng 12 - 15h chiều, khi nước lớn là người dân đưa thuyền ra sông để thả. Họ tin rằng thả thuyền lúc nước lớn tràn bờ thì sẽ gặp nhiều may mắn, cái gì cũng tròn đầy, viên mãn.


Cụ Lê Quang Trinh (83 tuổi) kể miếu Bà ở xóm Chài được dựng lên để thờ bà Thiên Hậu - là ân nhân của dân chài, một vị thần bảo hộ của ngư phủ. Sau đó, dân làng thờ thêm bà Chúa Xứ, cũng là một vị phúc thần hộ trì cho cư dân bản địa.


Các thanh niên nhảy xuống nước đẩy thuyền ra thật xa để thuyền trôi nhanh, trôi thẳng mang đi những cái không hay, xui rủi. Sau khi thả thuyền xong, các thanh niên ăn mừng bằng cách hắt nước vào người nhau để tống tà khí, cầu may mắn giữa sông Hậu. Đổ nước vào túi nilon ném qua lại giữa các thuyền; thậm chí nhiều nam thanh niên múc nước xối thẳng khi các thuyền kề sát nhau. Sau đó nhảy xuống sông tắm để đuổi đi những điều không tốt đẹp ở năm cũ, đón điều may mắn trong năm mới.
(Sưu tầm trên mạng)