Tuesday, January 10, 2017

THỊT HEO TỨ ĐỨC, TAM TÒNG

Chúng tôi chỉ định ăn nhẹ tô mì quảng, rồi xuôi vào Hội An, nhưng chị Việt một hai thuyết phục ăn mỗi người một phần thịt heo Đại Lộc ở quán. Sau cùng bị “khuất phục” nên kêu mỗi người không đầy một phần.


Quả thật, đó là thứ thịt heo thượng đẳng mà tôi lần đầu tiên có cơ hội cảm thụ. Chút xíu nữa là bị lỡ một thứ duyên khởi.
Haiz! Miếng thịt heo xứ quê có đủ cả “tứ đức”: nạc và mở cân đối khác với heo nuôi theo hướng nạc hoá mà Đại Lộc đang hô hào; màu mỡ đùng đục, ít béo; thịt heo còn thơm nguyên mùi heo; và hội đủ đặc trưng của thịt ba chỉ.
Chỉ tiếc là heo đã lên dĩa, nên không nghe được tiếng ụt ịt giọng Quảng vừa hay hay vừa khó hiểu và hình dung những làng quê Đại Lộc.
Miếng thịt có lẽ được nuôi thủ công, được cho ăn chuối trồng nhiều ở xã Đại Hoà, nên mỡ không quá béo.
Thịt… ngon như heo Đại Lộc làm tôi nhớ đến câu chuyện của hai nữ đồng nghiệp kể về con heo làng Chuồn xứ Huế. Trong một chuyến đi công tác ở xứ Thần kinh, hai chị được một người dân địa phương đãi cơm trưa bằng thịt heo.

Ăn miếng thịt, họ không ngớt trầm trồ: heo nuôi làm sao mà thịt ngon quá! Ông chủ nhà nửa đùa nửa thật trả lời: “Heo thịt ngon là vì nó không đọc báo!”
Hai cô nhà báo vừa cười không ra tiếng vừa nghẹn họng. Nói theo thuyết của người đàn ông xứ Huế kia, có lẽ heo Đại Lộc cũng không đọc báo, càng không đọc báo mạng…
Một phần thịt xếp kín mặt dĩa gồm tám miếng thịt mỏng vừa, dài khoảng 12, 13 phân. Nhưng nếu chỉ có heo không, tầm cỡ của món đặc sản này sẽ thiếu “vuông vắn”. Nó còn cần tới mấy tòng.
Chị Việt hỏi và trong bàn ai cũng ăn được mắm nêm. Các hàng quán bán thịt heo đặc sản ở Đà Nẵng đều có công thức pha mắm nêm riêng. Mắm nêm ở đây vừa thơm, vừa thoảng mùi cá, lại chiều lòng khách với mắm nước và một vài con mắm cá cơm.

Chắc là quán pha thứ mắm đã ngấu thành nước với một ít mắm chưa ngấu – hai thứ được muối cách nhau cả tuần. Điều quan trọng nhất, là chắc mắm không có chất bảo quản, cũng như thêm đạm tự do. Mắm nêm mới là một tòng.
Ớt sừng thơm đặc trưng xứ Quảng, màu xanh ngăn ngắt, cay thâm trầm như nàng Hoạn đánh ghen với Kiều – bắt đàn ca cho mình nghe.
Nhưng tôi có cảm giác như hương ớt đã phôi pha ít nhiều, do giống càng ngày càng yếu chăng? Hay tại giống quê ra phố thị? Đại Lộc còn có xứ Bàu Tròn rau nổi tiếng không thua gì rau Trà Quế, Hội An. Rau và ớt là tòng thứ hai.
Bánh tráng và bánh mì là tòng thứ ba. Bánh tráng hôm đó là loại bánh tráng mỏng chớ không dày như bánh Đại Lộc được nhiều người đi miệt miền Trung này về ca ngợi. Có lẽ vì đã có bánh mì.

Thoạt nhìn tôi cứ lạ lẫm, ở đây sao lại cuốn thịt heo với bánh ướt. Mỗi miếng bánh mì dài gần bằng miếng thịt heo và to bản chừng năm phân.
Chị Việt giải thích bằng giọng Quảng: “Bánh mì là bánh để nấu mì quảng; lúc nớ người ta mới xắt sợi”. Bánh mì còn nóng hôi hổi.
Rồi chúng tôi còn được thọ giáo chuyện lấy miếng bánh mì ra như thế nào, thay vì dùng tay gỡ mà chúng vẫn không rã ra từng miếng mỏng: dán miếng bánh tráng tròn lên trên miếng bánh mì, dùng tay vuốt nhẹ bánh tráng cho miếng bánh mì dính vào và cứ thế mà giở miếng bánh tráng lên, kéo theo miếng bánh mì mỏng như sợi mì quảng. Đúng là ông bà dạy ăn cũng phải học.

Thịt heo Đại Lộc ngon nhất trong các loại thịt heo tôi được ăn từ trước tới nay, hoặc giả hồi nhỏ có ăn heo nhà xẻ vào những dịp tết, nhưng quên mất tiêu hương vị.
Nhưng bảo cái quán Quê Xưa này bán thịt heo ngon nhất Đà Nẵng, thì chắc là cái sự nhất đây của riêng chị Việt, vì chúng tôi không có dịp đối chiếu với những quán khác ở thành phố biển này…
Ngữ Yên
Theo: TGTT