Mới đọc một bài post về trà thảo mộc có dùng trái vối trong đó. Hồi nào đến giờ trong sách có nói người miền Bắc hay uống nước vối như một loại chè xanh nhưng với tôi thì chưa từng thấy hay thử qua.
Lên mạng lục một hồi thì thấy nó là một loại cây thuốc dân gian xin share với các bạn một bài thơ và một bài viết:
NƯỚC VỐI QUÊ HƯƠNG
thơ: Nguyễn Trọng Định
Mẹ lên thành phố với con
Nhớ hoài cây vối vẫn còn dưới quê
Một năm may có dịp về
Mẹ ngồi bên gốc ủ ê nỗi buồn
Hắt hiu run rẩy cánh chuồn
Mây trời teo tóp mặt khuôn quê nhà
Quán hàng nước đầy Coca
Mẹ tôi ủ lá vối già làm vui
Thương cây gốc đã sần sùi
Ra đi Mẹ cứ ngậm ngùi vấn vương.
...Mẹ ơi!
Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?...
(thơ: Nguyễn Trọng Định)
VỐI - CÂY THUỐC TUYỆT VỜI
Cây vối có nhiều dược tính quý, chữa được nhiều loại bệnh như vàng da, gan, ghẻ lở, các bệnh tiêu hóa... Đặc biệt, vối hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường rất tốt
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae), là loại cây mọc nhiều ở nhiệt đới. Ở nước ta cây vối mọc hoang hoặc trồng. Cây vối thường cao chừng 5 - 6 m, cuống lá dài 1- 1,5 cm. Phiến lá cây vối dai, cứng. Hoa vối gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Quả vối hình trứng, đường kính 7 - 12 mm, có dịch. Lá, cành non và nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối.
Loài cây giàu dược tính
Ở nước ta, từ lâu, cây vối (lá, nụ, vỏ, rễ) được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Theo tài liệu nghiên cứu của GS Đỗ Tất Lợi, lá và nụ vối có chất kháng sinh thực vật, diệt được nhiều mầm vi khuẩn gây bệnh, kể cả vi trùng Gram- và Gram+. Theo đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.
Nghiên cứu của Viện Đông y cho thấy nụ vối và lá vối có tác dụng kháng sinh đối các nhiều loại vi khuẩn như Gram+, Gram-, Streptococus (hemolytic và staman), vi trùng bạch hầu, Staphyllococcus, Pneumcoccus, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis,... và không gây độc hại đối với cơ thể.
Cây vối có tiềm năng chữa bệnh rất cao. Nhiều nghiên cứu về dược tính của cây vối trong những năm qua cho thấy thành phần hoạt tính của nụ vối là một hợp chất polyphenol có tên là 2’,4’-dihydroxy-6’-methoxy-3’,5’dimethylchalcone. Chính chất này đã tạo ra hiệu ứng đảo ngược trên các tế bào ung thư đa kháng thuốc (Multidrug resistance).
Nụ vối hỗ trợ trị tiểu đường
Một nghiên cứu gây chú ý là tác dụng của nụ vối trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia (Việt Nam) và Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã chứng minh các hợp chất flavonoid trong chè nụ vối rất hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng và điều trị bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nếu uống thường xuyên chè nụ vối sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.
Chính những tác dụng chữa bệnh đa dạng và hiệu quả của nụ vối, hiện nay các nhà sản xuất đã có nhiều sản phẩm về nụ vối như trà vối túi lọc, cao vối… Giá nụ vối cũng không cao, khoảng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có bán ở nhiều tỉnh phía Bắc. Tại TPHCM cũng có thể mua được nụ vối ở nhiều nơi, nhiều nhất là trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), nơi bán các đặc sản miền Bắc.
Bác sĩ HOÀNG HÀ
(Sưu tầm trên mạng)