Wednesday, April 4, 2018

"GIÁO VIÊN QUYỀN LỰC" ĐỐI ĐẦU VỚI "MONSTER PARENTS": AI THẮNG AI?

Sự việc phụ huynh một trường tiểu học ở tỉnh Long An buộc cô giáo phải quỳ 40 phút vì trước đó đã phạt quỳ con mình làm cho dư luận và truyền thông dậy sóng. Cuộc “đụng độ” giữa giáo viên và phụ huynh này nằm trong một chuỗi các vụ việc khác thuộc về những hiện tượng giáo dục - xã hội nói lên mức độ nghiêm trọng của nền giáo dục cần phải được cải cách toàn diện. Ví dụ, chúng ta có thể thấy từ sự việc này hai hiện tượng điển hình của giáo dục trường học Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây: “giáo viên quyền lực” và “phụ huynh quái vật” (monster parents).


Ảnh: TL
Thế nào là “giáo viên quyền lực”?

Trong khoảng 20 năm trở lại đây khi internet trở nên phổ cập ở Việt Nam, những tin tức, hình ảnh về bạo lực học đường được lan truyền rộng, nhanh chóng và gây ra hiệu ứng dư luận mạnh mẽ.

Nhìn dưới góc độ lý luận “phản panopticon”, những “bức tường chắn” quanh các thiết chế xã hội bao gồm cả trường học đã dần trở nên trong suốt khiến cho người dân từ chỗ là người bị giám sát bởi tổ chức, nhà nước… đã dần trở thành người giám sát.

Cho dẫu vậy khi chỉ trích hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh, người Việt đã chủ yếu nhìn nhận các sự vụ dưới góc độ pháp luật hoặc xem xét quy chiếu hành vi của giáo viên với quy chế trường học hay phạm trù đạo đức thuần túy mà không lý giải sâu khi coi nó như một hiện tượng xã hội-nơi tập trung rất nhiều điểm yếu và mâu thuẫn của giáo dục trường học.

Về điểm này Tanaka Yoshitaka, một chuyên gia giáo dục người Nhật, người đã từng làm chuyên gia tư vấn cho Việt Nam (2004-2007), tác giả cuốn sách “Cải cách giáo dục ở Việt Nam: Liệu đã thực hiện được phương châm coi trẻ em là trung tâm? ” (Akashi Shoten, 2008) đã đưa ra sự lý giải sâu sắc gợi nhiều suy ngẫm cho chúng ta. Ông cho rằng tình trạng giáo viên bạo hành học sinh ở trường học Việt Nam trở nên trầm trọng là vì trên thực tế các giáo viên đã nhầm lẫn giữa “quyền lực” và “quyền uy”.

Theo ông, thì “quyền uy” của người thầy là việc người thầy cho dù có ý đồ hay không có ý đồ đi nữa thì những hành động, lời nói của họ vẫn có ảnh hưởng tới học sinh làm cho học sinh nghe theo, vâng lời.

Ngược lại “quyền lực” là thứ mà người thầy có thể đơn phương quyết định cho dù học sinh có thừa nhận, tâm phục khẩu phục hay không.

Như vậy có thể thấy người quyết định “quyền uy” của giáo viên là học sinh trong khi người thể hiện quyền lực lại là người thầy (chủ thể khác nhau). “Quyền uy” của người thầy được sinh ra khi học sinh cảm thấy giáo viên đó là người đáng kính trọng, là người mà mình nên lắng nghe, vâng lời, tức là học sinh tự nguyện trao “quyền uy” cho người thầy.

Điều đó có nghĩa là người thầy phải là người có tính ưu tú về tài năng và nhân cách, có sức hấp dẫn về nhân tính. Trong khi đó “quyền lực” lại là thứ giáo viên có thể đơn phương quyết định. Người thầy quyền lực sẽ có xu hướng coi mình tuyệt đối đúng, có xu hướng thích ra lệnh, trách phạt, ép buộc học sinh…

Khi trực tiếp, quan sát các giờ học ở trường tiểu học Việt Nam, Tanaka đã vô cùng ấn tượng với tư thế “quyền lực tuyệt đối” của người giáo viên khi họ dùng cây thước dài vụt chan chát vào bảng, bàn giáo viên để ra lệnh cho học trò.

Tanaka cũng thống kê và cho rằng số lượng các từ có tính chất mệnh lệnh mà giáo viên dùng trong giờ học có tần suất rất lớn và lớp học được giữ trong trật tự im lặng đến kinh ngạc. Ông kết luận rằng khi làm như vậy các giáo viên đã ngộ nhận quyền lực của nghề nghiệp là quyền lực của riêng mình dẫn tới lạm dụng quyền lực nghề nghiệp.

Khi soi chiếu sự phân tích này đối với những gì đang xảy ra trong trường học Việt Nam, chúng ta rất khó phủ nhận vị trí tuyệt đối nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy của người giáo viên.

Trong vụ việc cô giáo tiểu học phạt học sinh quỳ nói trên, cô đã đi quá xa khỏi quyền lực-quyền uy của một người giáo viên. Chuyện phạt học sinh quỳ trong thời phong kiến hay cận đại có thể là một hành động bình thường thậm chí được phụ huynh tán thưởng nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay nó không còn phù hợp và tạo ra sự phản kháng tất yếu.

Khi giải thích tại sao người giáo viên ở Việt Nam lại có quyền lực và quyền uy lớn, Tanaka Yoshitaka đưa ra mấy lý do:

Thứ nhất, ảnh hưởng của văn hóa Khổng - Mạnh làm cho người Việt coi trọng quan hệ trên dưới, trong đó có quan hệ thầy trò. Trong hệ quy chiếu đó người giáo viên không chỉ là thầy của học sinh mà còn là thầy của xã hội.

Thứ hai, giáo viên là người có tính chất ưu tú. Để trở thành giáo viên họ phải có bằng cấp, năng lực nhất định và có học vấn cao hơn mặt bằng chung.

Thứ ba, hệ thống hành chính giáo dục quan liêu tập quyền và cơ chế sách giáo khoa “quốc định” (cả nước dùng một bộ sách giáo khoa) đã làm cho giáo viên có vị trí “độc quyền chân lý” và trở thành người “ban phát” tri thức.

Như vậy, chúng ta thấy nếu như thừa nhận sự giải thích của Tanaka thì để giải quyết vấn đề giáo viên bạo hành học sinh, việc dân chủ hóa trường học là tất yếu.

Cải cách giáo dục cần phải đụng đến và giải quyết hòn đá tảng chặn đường hiện nay là cơ chế hành chính giáo dục quan liêu tập quyền. Hệ thống hành chính giáo dục tập quyền mang nặng tính mệnh lệnh từ trên xuống đã tạo ra rất nhiều hệ lụy. Nó đã biến người giáo viên thành “anh thợ dạy” khi không được tự chủ nội dung giáo dục, phá hủy mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên trong trường học, tạo ra mảnh đất tốt cho chủ nghĩa thành tích và sự giả dối phát triển.

Kết quả là trường học biến thành trung tâm luyện thi, sinh hoạt trường học chỉ thuần túy là khoa cử. Những áp lực ấy đè nặng lên giáo viên và cuối cùng giáo viên lại chuyển hóa áp lực ấy lên đầu học sinh.

Không phải ngẫu nhiên khi nhìn lại lịch sử giáo dục Nhật Bản sẽ thấy thời kỳ bạo lực học đường ở Nhật bùng phát đỉnh cao trong những năm 80-90 của thế kỉ 20 cũng chính là thời kỳ giáo dục bị đẩy vào vòng quay thi cử chóng mặt.


Thế nào là “phụ huynh quái vật”?

“Monster Parents” là một từ tiếng Anh kiểu Nhật. Nó có ý nghĩa chỉ những phụ huynh đưa ra những yêu cầu vô lý hoặc ích kỉ đối với giáo viên, trường học. Từ này ban đầu được tạo ra bởi Mukoyama Yoichi, một giáo viên tiểu học ở Nhật Bản nhưng về sau đã được truyền thông và người Nhật sử dụng rộng rãi.

“Monster Parents” đã và đang trở thành cơn ác mộng ở Nhật hiện nay. Năm 2008 bộ phim truyền hình có tên “Monster Parents” khi được công chiếu đã gây tiếng vang lớn ở Nhật Bản.

Đỉnh điểm của vấn đề “monster parents” là vụ tự sát của một giáo viên tiểu học ở thành phố Nishi Tokyo năm 2006. Người giáo viên này đã tự sát vì không chịu được áp lực khi bị phụ huynh phàn nàn bằng điện thoại liên tục vào đêm khuya và xúc phạm nhân cách bằng từ ngữ viết trong sổ liên lạc.

Năm 2010 cũng xảy ra vụ một giáo viên tiểu học thuộc thành phố Gyoda tỉnh Saitama kiện bố mẹ học sinh lớp 3 đòi bồi thường vì cho rằng họ đã có hành vi quấy rối liên tục gây nên chứng bệnh mất ngủ của bản thân.

Số liệu thống kê thu được từ các cuộc điều tra, nghiên cứu cũng nói lên mức độ nghiêm trọng của tình hình. Giáo sư Kaneko Motohisa (Đại học Tsukuba) đã tiến hành một cuộc điều tra bằng bảng hỏi đối với 1 vạn hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học cơ sở về tình hình liên quan tới “monster parents”.

Kết quả là ở trung học cơ sở có 78.7% hiệu trưởng cho rằng hành động ích kỉ của phụ huynh đang trở thành vấn đề đặt ra và ở tiểu học thì tỉ lệ này là 77.8%. Thông thường, những hành động phổ biến để nhận dạng “monster parents” sẽ là:

- Không muốn cho con mình chơi với một số bạn nào đó trong trường.

- Muốn chia lớp và cho con mình vào lớp với những học sinh được lựa chọn (hoặc không muốn con mình vào lớp với những học sinh nào đó).

- Yêu cầu nhà trường tiến hành các phương pháp giáo dục mà phụ huynh đọc thấy trong sách hay xem thấy trên tivi.

- Gọi điện đến nhà giáo viên hàng ngày bất kể giờ giấc.

- Can thiệp vào chuyện trẻ con đánh, cãi nhau, khăng khăng đổ lỗi cho con người khác và không bao giờ thừa nhận lỗi của con mình.

- Đưa ra đòi hỏi “phải cho con tôi học giáo viên tốt nhất”, “phải cho con tôi làm đại biểu của trường tham gia vào các sự kiện ở địa phương”…

- Khi trao đổi với nhà trường về phương châm, biện pháp giáo dục thì luôn nhắc đến vị trí công tác, nghề nghiệp của mình để đe dọa.

- Nói xấu, làm cho con ghét giáo viên…

Tại sao xuất hiện “Monster parents”?

Các học giả người Nhật đã đưa ra rất nhiều cách lý giải khác nhau. Ví dụ như giáo sư Onoda Masatoshi ở Đại học Tsukuba cho rằng vấn đề này nổi lên từ nửa sau thập kỉ 90 của thế kỷ trước. Bối cảnh đằng sau đã được nhà nghiên cứu Kadowaki Atsushi làm rõ khi cho rằng những phụ huynh có con trong độ tuổi đi học trong giai đoạn này sinh ra vào những năm 60 và là những người đã trải nghiệm bạo lực học đường trong giai đoạn những năm 80 sau đó.

Các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng nguyên nhân làm gia tăng các phụ huynh “quái vật” như thế là vì sự mạnh lên quá đà của “ý thức tiêu dùng” của phụ huynh. Do tâm lý này mà phụ huynh cảm thấy tức giận khi nghĩ con mình bị thiệt thòi ở trường trong khi mức đóng góp của các học sinh là như nhau, nghĩa là họ quan niệm “cùng trả một giá tiền thì phải cùng nhận được một sản phẩm giống nhau”.

Nếu suy ngẫm và liên tưởng về các vụ việc tương tự ở Việt Nam khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào trường học, bạo hành, làm nhục giáo viên thậm chí mang cả súng vào trường “nói chuyện” với giáo viên, chúng ta thấy tình hình ở Việt Nam còn nghiêm trọng hơn khi nó mang tính chất bạo lực rõ ràng và trực tiếp.

So với Nhật Bản, có khả năng tình hình này sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi hiện tượng “phụ huynh quái vật” được nâng đỡ bởi những yếu tố có tính chất đặc thù ở Việt Nam.

Thứ nhất, sự mở rộng của mạng lưới đại học (đại chúng hóa) đã làm cho số lượng phụ huynh có bằng cấp, học vấn ngày càng cao. Nhiều người trong số họ có trình độ và bằng cấp vượt qua giáo viên. Cùng với nó là sự sa sút của các trường sư phạm. Điều này dẫn đến tâm lý “coi thường” giáo viên.

Thứ hai, xu hướng nhầm lẫn quyền lực với quyền uy trong nghề nghiệp của phụ huynh rất mạnh. Trong rất nhiều trường hợp phụ huynh khi đến trường bày tỏ sự bất mãn đã đe dọa giáo viên và gây sức ép bằng vị trí công tác, nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn trong vụ cô giáo bị ép quỳ, phụ huynh là người hành nghề luật-một sự việc có tính biểu tượng cao và đáng để chúng ta suy ngẫm.

Thứ ba, sự tan rã của gia đình truyền thống và xã hội truyền thống địa phương do đô thị hóa đã đẩy chức năng giáo dục ở gia đình, địa phương cho trường học. Song hành với nó là xu thế quan niệm đơn giản và lệch lạc về “xã hội hóa giáo dục” dẫn tới “thương mại hóa trường học” khiến cho phụ huynh kỳ vọng đầy ảo tưởng vào trường học trong khi không ý thức được vai trò lớn của giáo dục gia đình.

Cuối cùng, sự cộng hưởng của các yếu tố trên và sự bế tắc về lý luận giáo dục và cải cách giáo dục vĩ mô từ trên xuống làm cho vấn đề thêm trầm trọng và tạo ra “một vòng luẩn quẩn”.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội; nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản)... Đã viết và xuất bản nhiều sách về giáo dục. Trong ảnh: Tác giả Nguyễn Quốc Vương trong buổi trò chuyện về giáo dục tại Salon Văn hoá Cà phê thứ Bảy.Ảnh: TL 

Ai sẽ thắng ai?

Sẽ chẳng có ai thắng mà tất cả đều thua.

Giáo viên thì mất đi sức hấp dẫn đối với xã hội và học sinh. Phụ huynh thì trở thành những tấm gương xấu. Học sinh trở thành nạn nhân bị kẹt giữa hai “làn đạn” của giáo viên và phụ huynh.

Đất nước, dân tộc cũng thua vì với một nền giáo dục như thế, với chất lượng công dân như thế, trong khi tài nguyên cạn kiệt, tương lai quốc gia-dân tộc sẽ đi về đâu?

Đâu là lối thoát?

Những vấn đề của giáo dục đã phát triển trở thành vấn đề xã hội. Nhà nước, bộ giáo dục và toàn xã hội cần phải nghiêm túc nghiên cứu và đưa ra phương án, hành động thích hợp.

Một cuộc cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện thực sự với triết lý rõ ràng, nhân văn, có sức thuyết phục cao là công việc khẩn thiết và quan trọng.

Đối với vấn đề “monster parents”, ở Nhật các học giả đã đề xướng rất nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó. Nhìn chung họ thống nhất nhận thức rằng việc ứng phó theo kiểu trường hợp, sự vụ là bất khả đối với từng giáo viên, trường học.

Chính vì vậy mà “Hội đồng tái sinh giáo dục” (Cơ quan được thành lập ngày 10.10.2006 đảm nhận việc tiến hành cải cách giáo dục trong nội các của thủ tướng Abe) đã đề xướng việc lập ra “Đội trợ giúp giải quyết các vấn đề trường học” trong bản báo cáo lần thứ hai (1.6.2007). Các hoạt động thử nghiệm liên kết giữa trường học, xã hội địa phương cũng được tiến hành và phân tích kết quả.

Tháng 7.2007, Bộ giáo dục Nhật Bản cũng thu thập các đề án giải quyết vấn đề “monster parents” từ các Ủy ban giáo dục địa phương và trong đó đã lựa chọn ra 10 địa phương để thực hiện trong năm 2008 và tài trợ cho các địa phương này 80% kinh phí.

Hiện thực của giáo dục Nhật Bản và những cách thức giải quyết của họ nói trên rất có thể sẽ là một tham chiếu để cho những người làm giáo dục ở Việt Nam suy ngẫm và có những biện pháp thích hợp ở cả phương diện vĩ mô lẫn vi mô.

Nguyễn Quốc Vương
Nguồn: Người Đô Thị Online