Tuesday, April 3, 2018

MÙA "QUẢ TÌNH" TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN


Cuối tháng 11, đầu tháng 12 về, là mùa mọi người tìm lên Hà Giang, tới cao nguyên đá Đồng Văn, để thưởng thức cái đẹp, cái thi vị khi ngắm hoa dã quỳ, tuy nhiên, tới đây còn một thức quà của thiên nhiên mà người ta gọi đó chính là “quả tình” vừa đắng, vừa cay vừa chua vừa chát, như chính vị của tình yêu vậy. Nhưng khi đã qua tất cả rồi, thì còn lại vị ngọt trên môi.

Người dân nơi đây, còn có bài hát về loài quả này, một đoạn trong đó miêu tả loài quả này như sau:

“Em gọi đó là cành thương nhớ, quả nhỏ bằng đầu ngón tay út, màu đỏ thẫm, mọc dại hai bên bờ taluy của con đường có cái tên Hạnh Phúc, ăn vào hơi chát, có vị đắng, để một lúc lại thấy ngòn ngọt nơi đầu môi. Hay em sẽ vì anh mà đặt tên cho quả đó là quả tình?”


Người Tày gọi thứ quả dại là mạc khẩu ên, loài quả này mọc ở ven đường, còn người Mông gọi đó là tri xả. Đơn giản đó là thứ quả dại, một thứ quà vặt mà thiên nhiên cao nguyên đá Đồng Văn ban tặng, ăn cho vui miệng, và theo như những người dân nơi đây, chưa bao giờ họ ăn nhiều tới mức… mà bị làm sao.


Mạc khẩu ên hay tri xả theo tiếng dân tộc là loại cây bụi, thân mảnh, có nhiều cành, nhiều gai, vào mùa thu thì hoa nở, đầu tiên có màu trắng sau đó chuyển sang màu hồng. Sau khi hoa tàn thì quả được hình thành, quả thành từng chùm, khi chín có mà đỏ rực, trông rất đẹp mắt. Quả không có giá trị kinh tế, ăn vào ban đầu thấy chát, nhưng để lâu thì lại có vị ngọt, vì thế mà người dân gọi nó là quả tình. Giống như tình yêu, lúc thăng trầm, lúc đắng lúc cay, lúc ngọt nhưng vẫn làm con người ta hạnh phúc vì được yêu.


Mỗi độ thu về, quả tình lại đơm hoa kết trái ở trên sườn núi cao nguyên đá Đồng Văn, bên lối mòn đi về phía cột mốc biên cương. Có thể nói, thứ quả tình này gắn với đàn bà và trẻ con vùng cao, trên đường đi ra chợ, hay lên rừng hái củi, đi nương hoặc tra ngô nó giúp mọi người đỡ buồn mồm hơn và nó như gắn liền với nơi đây.

Và tới cao nguyên đá Đồng Văn, không thể không ghé thăm hoa tam giác mạch, bởi nó thành đặc trưng của nơi đây. Hoa tam giác mạch vốn mọc trên lưng núi, lưng đèo, nhưng giờ được trồng vào bồn hoa và được xếp quanh hai bên đường hoặc phố chạy ngang thị trấn.


Thân cây tam giác mạch con con như cây cỏ, hoa tam giác mạch bé tí, và mong manh, thường được trồng bạt ngàn theo từng đồi lớn hay thung lũng, nhưng ngày nay nhiều nơi đem về trồng trong chậu, và ít, một hai cây, làm mất đi vẻ đẹp của cây. Phải tìm về những bản làng, những núi rừng, để thấy những vạt hoa reo vui nơi lưng chừng trời, hay kiên cường, đón những cơn gió lạnh tràn về từ trên núi xuống cao nguyên đá Đồng Văn.

“Nếu anh có đến Đồng Văn, hãy mang về giùm em một cành thương nhớ, một nắm quả tình, dù đắng, cay, chua, chát, nhưng giông tố qua rồi, vẫn còn lại vị ngọt ngào trên môi” – (Thương nhớ Đồng Văn).

OANH ĐỖ

No comments: