Saturday, August 1, 2020

THỔ THẦN VÀ TẬP TỤC CÚNG MÙNG 2, 16 CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Thổ thần hay Thổ địa, là một trong ba vị thần phổ biến và gần gũi nhất của người  Trung Hoa[1].


Trong tín ngưỡng dân gian, Thổ địa là phúc thần, chuyên trách bảo hộ địa phương. Thuở ban sơ, khi mới thiết chế lễ nghi, đã có tục thiên tử tế trời, sĩ đại phu tế đất, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thời hiện đại thì Thổ địa đã được biên chế chính quy, ngoài nhiệm vụ khuyến nông, thần còn ban phước, trợ tài, phù hộ bình an.

NGUỒN GỐC

Trước tiên là tự dạng: do chữ Thổ 土 có hình dạng như thập tự cắm trên mặt đất, nên có kẻ bàn đây là totem bộ lạc Hữu Hùng của Hiên Viên (Huỳnh đế). Đó là bàn láo, cốt giành hình tượng thánh giá chứ chẳng chứng cớ gì. Bởi thực ra, hai nét ngang của Thổ, nét trên tượng trưng mặt đất, nét dưới là lòng đất, nét sổ là thân cây bám rễ vươn cao.

“Thuyết văn giải tự” do đó giải nghĩa: Thổ dưỡng nuôi vạn vật. Lời này cho thấy chữ Thổ chỉ xuất hiện khi loài người đã biết trồng trọt, canh tác.

Đất bao dung cung cấp vật thực cho người, nên Thổ địa được tôn Phúc Đức chánh thần, Phúc Đức lão gia, Phúc Đức bá công…

Các cổ tịch Trung Hoa như Hiếu kinh, Tả truyện, Xuân thu Công Dương giải hỗ… đều có ghi chép về tục sùng bái Thổ thần. Theo đó thì xưa gọi thần đất là Xã[2], thần lúa là Tắc. Hai chữ Xã Tắc 社稷 vì vậy hàm nghĩa đất nước ông bà.

Lễ ký còn ghi rõ: Vào tháng Trọng xuân, lấy ngày đầu tháng làm lễ tế thần Xã trong dân[3].


Theo Tả truyện, cháu đời thứ 11 của Viêm đế (Thần Nông) tên Câu Long 句龍, có công bình định chín châu, được phong tước Công, quan làm Hậu Thổ 后土; sau khi mất, ông được thờ làm thần Xã. Lễ tế thần Xã chia Xuân thu nhị kỳ, là Xuân Xã và Thu Xã.

DÂN TỤC

Xã là thần đất, tất phải có cương vực phân minh; mỗi vùng đất lại có đặc thù riêng, khiến ông Xã được cách tân, thành thần Thổ địa để đáp ứng thổ nhưỡng tùy nơi, nên trong dân gian, mỗi vùng đất đều có truyền thuyết riêng về Thổ địa. Đây chỉ lược kê vài thuyết phổ biến:

1. Đời Chu có Trương Phúc Đức, sinh vào mùng 2 tháng Hai năm Châu Võ vương thứ 2 (1.134 tr.Cn). Đức từ nhỏ đã thông minh hiếu thuận, đến năm 36 tuổi đảm nhận quan Tổng thuế, một đời cần chính thanh liêm, thọ đến 102 tuổi. Dân chúng nhớ ơn, chất đá làm miếu thờ. Đồn rằng Đức sống thanh liêm nên chết đi còn hiển hách, vẫn phù hộ dân chúng làm ăn thịnh vượng; triều đình phong làm Phúc Đức chánh thần 福德正神.

2. Thuyết khác kể rằng: đời Chu có vị Thượng đại phu, do nhậm chức phương xa, để vợ con cùng nghĩa bộc Trương Minh Đức ở lại quê. Xảy có gia biến, phu nhân phải thác, nghĩa bộc đã không quản gian nguy, địu con chủ lên lưng, xông pha ngàn dặm giúp nó tìm cha. Dọc đường bị trận bão tuyết, Trương Minh Đức cởi áo bọc kín giữ ấm cho tiểu chủ. Khi Thượng đại phu hay tin tìm tới nơi thì con gái hãy còn thoi thóp, nhưng Đức đã chết cóng. Lúc ấy bỗng sấm nổ vang, mây hồng tụ lại thành hàng chữ: “Nam thiên môn đại tiên Phúc Đức chánh thần”. Châu Võ vương cảm động khen rằng: “Người trung nghĩa dường ấy xứng làm bậc đại phu”.

3. Thuyết khác lại kể: xưa có ông lão nhặt được quả trứng trong lùm, đem về cho gà ấp. Chừng nở ra thấy là con rắn, ông vẫn tận tâm nuôi nấng. Con rắn sau thành tinh quậy phá cả vùng. Ông lão cho là do mình gây nên tội nghiệt, nên thề quyết tự tay tru diệt yêu tà, rốt cuộc cả rắn lẫn người đều chết. Cảm ân đức ấy, dân làng lập đền thờ. Nhà vua biết chuyện, ban tước Công cho ông lão, sắc phong làm Thổ địa công.


CHỨC NĂNG

Thổ địa tuy là phúc thần, nhưng chức năng chỉ tương đương viên quan địa phương, bảo hộ dân chúng trong làng xóm. Chỉ khi được triều đình sắc phong, Thổ địa làng sẽ đội mão Tể tướng (do lời tán thán của Châu Võ vương), chính thức làm Phúc Đức chánh thần, tương đương Thành hoàng trong huyện thị.

Tập tục thời xưa, mỗi làng mạc đều có miếu Thổ địa. Trẻ mới sinh đầy tháng là được ẵm tới miếu làm lễ ra mắt Thổ địa, tương tự thời nay làm chứng nhận khai sinh hộ tịch. Người già mất đi, gia quyến cũng tới miếu thắp nhang, khấn rõ tuổi tên người chết, nhờ Thổ địa dẫn lối siêu sinh, ấy là làm chứng tử.

Người Mân Nam (tức Phúc Kiến, Hakka) tin rằng ngoài chức năng bảo hộ nông nghiệp, Thổ địa còn giúp phù trì công việc mua bán thuận lợi; nên ở Đài Loan, dân chúng đồng nhất Thổ địa với Thần tài, là thủ hộ cho công ty, hãng xưởng.

Ở Quảng Đông, Hong Kong, Macao, Triều Châu, Đài Loan, bên cạnh ông Thổ địa (Thổ địa công 土地公), còn đặt thêm tượng phối ngẫu của ông, tức bà Thổ địa (Thổ địa bà 土地婆) phụ trách đỡ đần bình an cho phụ nữ.

Người Phúc Kiến gọi Thổ địa là Bá công 伯公, kiêm thêm việc canh giữ mộ địa được yên lành, nên nghĩa trang Phúc Kiến luôn có miếu Bá công. Vào 16 tháng Chạp hàng năm, người ta ra thắp nhang dâng lễ, tạ ơn vất vả của Bá công, xong mới tảo mộ người thân.


HÌNH TƯỢNG

Về chất liệu, tượng Thổ địa được nắn đất, chạm gỗ, khắc đá, đúc đồng tùy nơi. Còn hình dạng chung thì Thổ địa thường là vị trưởng giả hiền từ, nhưng tướng mạo mỗi nơi có khác nhau: nơi thị tứ thì Thổ thần ra dáng phú ông, tay cầm thẻ ngọc Như ý hoặc đồng tiền, thoi vàng; chốn thôn quê thì Thổ thần chống gậy tiên phong đạo cốt; ở chỗ sơn lâm, Thổ thần cưỡi cả cọp, rồng, kỳ lân; đất văn học thì Thổ thần được tạo hình quan văn nho nhã.

Dân Đài Loan có truyền thuyết Thổ thần cai quản cả chúa sơn lâm[4], nên đặt thêm tượng cọp phủ phục dưới bệ thần, kêu bằng “Hổ tướng quân”, giúp đuổi tà ma dịch bệnh.

MIẾU THỜ

Miếu Thổ thần còn gọi miếu Phúc Đức (người Phúc Kiến gọi Bá công miếu 伯公廟), hầu hết đều do dân chúng tự dựng nên, xuất hiện khắp hương thôn tới thị thành.

Miếu đa phần đơn sơ, vách đất che rơm cũng linh thiêng, thậm chí có khi chỉ cần ba hòn đá chất vệ đường cũng thành miếu Thổ địa[5].


TỤC CÚNG MÙNG 2, 16

Lễ cúng miếu Thổ địa thuở xưa chia làm Xuân Xã 春社, nhằm mùng 2 tháng Hai âm lịch; và Thu Xã 秋社, trùng với tiết Trung thu. Dư dả thì dâng phẩm vật đủ tam sinh[6], lỡ eo hẹp thì miếng thịt hoặc ít trứng gà, trái cây cũng đủ tỏ tâm thành.

Thổ thần ngày thêm thân thiết, nên dần được người Tàu rước về thờ cúng tại gia, mỗi ngày thắp nhang đảnh lễ. Riêng các nhà làm nghề buôn bán, do đồng nhất Thổ thần với Tài thần, nên mỗi tháng vào mùng 2 và 16, đều làm lễ cúng Thổ thần để cầu mua may bán đắt. Lệ cúng này gọi Tác nha 作牙, hoặc Nha tế 牙祭.

Nha 牙 ở đây là ngà voi. Số là vào cổ đại, trong mỗi quân doanh đều có lá đại kỳ, do chỗ cán của đại kỳ này, ở tay cầm thường làm bằng ngà voi, nên đại kỳ còn gọi Nha kỳ 牙旗, là tượng trưng chiến thần phù trợ đại quân. Mỗi tháng, trong quân đều long trọng tế Nha kỳ vào ngày mùng 2 và 16, vừa là cầu nguyện thần linh, cũng là dịp tiệc tùng thắt chặt tình đồng đội vào sinh ra tử. Vào 2 ngày này, các cửa hàng trong thành cũng được hưởng sái, từ thịt cá heo gà cho tới nhang đèn mắm muối, đều tấp nập người mua. Lệ Tác nha do đó dần thành tục cúng Thổ thần cả của giới doanh thương.

Vía Thổ thần mùng 2 tháng Hai được lấy làm ngày đầu tiên cúng Tác nha trong năm, nên gọi Đầu nha 頭牙; ngày 16 tháng Chạp theo đó là ngày cuối cúng Thổ thần trong năm, gọi Vĩ nha 尾牙. Vào hai ngày này, các chủ doanh nghiệp đều làm tiệc lớn, vừa là lễ tạ thần linh, vừa để khao thưởng nhân viên sau năm dài vất vả; nhất là Vĩ nha rất được trọng, là bữa lễ tất niên của mọi doanh nghiệp Tàu.


BÀN THỜ

Bàn thờ Thổ địa thường đặt dưới đất, dựa vô tường và quay ra cửa chính. Lệ đặt bàn thờ lối này có từ đời Minh, được cắt nghĩa bằng giai thoại về Chu Nguyên Chương.

Chương là kẻ thất phu lỗ mãng, nhưng từ khi lên ngôi thì chuyên tâm học hành, văn tài trở nên xuất chúng, có thể tự thảo chiếu thư, trước tác sách vở. Một hôm vi phục xuất tuần, Chương gặp Giám sinh nọ, đôi bên trò chuyện tương đắc, kéo nhau đi nhậu. Trong quán lúc đó đầy khách, Chương bèn rinh tượng Thổ thần trên bệ xuống đặt dựa vách, rồi phủi đít lên bàn thờ, ngồi đối ẩm với Giám sinh. Hỏi quê đâu thì Giám sinh nói ở Trùng Khánh. Chương nhân đó ra vế đối:

千里為重, 重水重山重慶府 Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn Trùng Khánh phủ;
(Ngàn dặm gặp nhau, trùng nước trùng non là phủ Trùng Khánh – Câu này ý tứ bình thường, ngặt chỗ chơi chữ: Trùng 重 trên là chữ Thiên 千, dưới chữ Lý 里).

Giám sinh đối lại:

一人成大, 大邦大國大明君 Nhất nhân thành đại, đại bang đại quốc đại minh quân
(Một người nên lớn, vừa lớn đất lớn nước, vừa lớn vị vua hiền – chữ Đại 大 gồm Nhất 一 và Nhân 人 ghép thành).

Được nịnh “minh quân” đối với Chương đã thành nhàm, ông chỉ lấy làm lạ: sao tên Giám sinh kia biết mình là vua. Vừa tính gặng hỏi thì Giám sinh đã phẩy tay áo, hóa gió bay mất.

Chương đi rồi, chủ quán bê Thổ thần đặt lên chỗ cũ. Đêm đó, chủ quán chiêm bao bị Thổ thần quở trách: “Hoàng đế đã định vị ta ngồi dưới đất, sao ngươi dám cãi đem để lên trên?”[7] Từ đó, bàn thờ Thổ địa được đặt dưới đất.

Tuy địa vị có phần thấp kém, không thể so với Ngọc hoàng Đại đế, Quan âm Bồ tát, Quan thánh Đế quân… Nhưng Thổ địa gần gũi thân thiết với dân hơn hết, nên được thờ cúng rộng rãi khắp mọi nhà.

Bài vị Thổ thần phía trên thường là 4 chữ lớn “Phúc đức chánh thần”, hai bên là đôi liễn:

福而有德千家敬 Phúc nhi hữu đức thiên gia kính;
正則為神萬世尊 Chánh tắc vi thần vạn thế tôn.

(Đã phúc lại đức, ngàn nhà kính ngưỡng; Ngay thẳng nên thần, muôn đời tôn sùng).


Hoặc có khi hàm súc, đanh gọn như lời nguyền:

安仁自安宅 An nhân tự an trạch;
有土必有神 Hữu thổ tất hữu thần.

(Giữ lòng nhân thì nhà cửa tự yên ổn; Có đất ấy tất phải có thần ấy).

THỔ ĐỊA CỦA TỘC VIỆT

“Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Dễ nhận ra: cả Thổ công lẫn Hà bá của Việt tộc đều mang đậm ảnh hưởng của Tàu, và đặc biệt những chỗ biến cải lại thành ra tùy tiện, vô căn cớ.

Cổ tích Bắc Việt gom chung nguyên bộ Thổ địa, Thần tài với Táo quân thành mối tình tay ba, với người chồng trước làm “Thổ địa” trông coi nhà cửa, chồng sau làm “Thổ công” coi sóc bếp núc, và người vợ là “Thổ kỳ” quản việc chợ búa[8]. Nhưng trong thờ tự lúng túng lý giải không ra: tại sao lại có Thần tài đực rựa ngồi chung ban thờ với Thổ thần?

Ngộ nữa ở chỗ tạo hình: trong bàn thờ, Thổ địa là ông râu dài gầy gò nhưng quắc thước, còn Thần tài chính là ông ăn vận kiểu nông dân nhưng lại có bụng phệ. Tới chừng Tết múa lân thì ông Địa lại đổi dạng, ngó bộ y chang Thần tài. Vậy là sao?

Đó là những nghi vấn chẳng nhà văn hóa-phong tục nào, cả ta lẫn Tàu, có thể lý giải thỏa đáng, thôi cứ xí xái bỏ qua. Điều tệ hại nhất của Việt tộc không phải những tiểu tiết đó, mà ở tục cúng Mùng 2, 16.


Người Việt chỉ mới thờ cúng Thổ địa dạo gần đây. Đừng nói ngoài Bắc trước kia, dân chúng buộc phải tỏ ra vô thần cho hợp với “triết lý duy vật” của cộng sản; còn trong Nam, tuy có sống chung đụng với người Tàu, nhưng cũng chẳng người Việt nào thờ Thổ thần trong nhà, hoặc có chăng chỉ là hình thức “bàn Thông thiên” đặt ngoài sân. Việc cúng lạy vào Mùng 2, 16 Âm lịch lại càng không thể có.

Vậy mà khoảng hai, ba mươi năm trở lại đây, thì các nhà kinh doanh-dịch vụ, công ty đã đành mà công sở cũng vậy, từ khắp trong Nam ngoài Bắc đều có kiểu cúng cô hồn vào tối mùng 2, 16 hàng tháng. Việc này được giải thích là “phong tục cúng cô hồn”, là phát xuất tự cái tâm từ bi bác ái, thương tuốt âm binh cô hồn các đẳng. Nói thì hay nhưng thực tế thế nào? – Có nghe người Việt khấn vái mới hay: té ra người ta van nài âm binh đừng quấy rối!

Khác với người Tàu cúng thần minh bằng tâm thế hướng thiện tích cực, người Việt lạy cô hồn với tâm thế xua tà tiêu cực. Nên cúng xong, người Tàu ung dung dọn mâm cúng xuống, gia đình vui vẻ quây quần thưởng thức miếng ngon; còn người Việt cúng xong phải đổ bỏ lễ vật, chớ dám động tới.

Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Cúng thần linh thì tinh thần cũng nhờ đó thêm sáng láng; còn cứ cúng ma quỷ vong hồn thì chỉ tổ ngày càng u tối, riết sẽ thành âm binh cả lũ.

_________

[1] Gồm Thổ thần, Tài thần và Táo quân.

[2] Theo Tả truyện, Xã nguyên nghĩa là đơn vị hành chánh cơ bản, gồm 25 nóc gia: Nhị thập ngũ gia vi nhất xã 二十五家為一社.

[3] Nguyên văn: Trọng xuân chi nguyệt, trạch nguyên nhật mệnh dân Xã 仲春之月,擇元日命民社 (Trọng xuân là tháng Hai âm lịch].

[4] Thổ địa thần hạt sơn trung hổ 土地神轄山中虎.

[5] Miếu loại này gọi “miếu hình chữ Lỗi”, do chữ Lỗi 磊 gồm ba chữ Thạch 石 chồng lên nhau. Lối thờ tự bình dân này rất giống tục thờ ông Tà của người Kh’mer Nam bộ. “Ông Tà” tức Neak Ta, vị thần cai quản phum sóc. Có khi người Kh’mer chỉ cần đặt hòn đá trơn láng bên vệ đường, dưới gốc cây, là thành nơi thờ cúng ông Tà.

[6] Tam sinh 三牲: thời xưa gồm bò, dê và heo; thời nay đổi làm heo, gà và cá.

[7] Giai thoại Lý Công Uẩn đánh Hộ pháp Già lam, đày ra ba ngàn dặm, hình như là biến thể của tích này.

[8] Sự tích Ông đầu rau.

Vinhhuy Le