Những nụ cười tươi rói của các bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại Hòa Bình khiến dư luận bức xúc. Những câu nói ngượng ngạo như nâng điểm “không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò”, khiến người nghe bất giác nở một nụ cười méo xẹo. Những chức danh như “giáo viên giỏi cấp tỉnh”, “chiến sĩ thi đua cơ sở”, “cô giáo duyên dáng tài năng cấp tỉnh”… khiến người ta thở dài não nề. Nhưng cảm xúc tới từ phiên tòa đó còn chưa dừng lại. Tới khi một cựu trưởng phòng khảo thí lý giải cho việc nâng điểm của mình là vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, thì sự tức giận lan tỏa trong cộng đồng.
Hóa ra làm người, làm thầy dễ dãi vậy, không cần nguyên tắc, không cần bảo vệ đạo đức. Gió thổi mạnh chút là đám cỏ mềm dạt cả xuống khom mình dính chặt vào bùn bẩn.
Chưa có bằng chứng nào khẳng định 15 bị cáo này vì nhận tiền, vì được lợi về danh vị mà nâng điểm của học sinh. Nhưng dù là làm chỉ vì nể nang hay vì tình thương với học trò, vì “cơ hội mở ra cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời” cho học trò như họ nói, thì đó cũng là một hành động sai trái. Đó là sự bất công đối với những học sinh không được nâng điểm và bài học đầu đời lệch lạc đối với những học sinh được nâng điểm.
Không vụ lợi?
Ngày nay người ta dùng cái lý ai cũng thế, mình không thế thì thiệt để bảo vệ bản thân. Cuối cùng cũng là vì lợi ích của mình mà chà đạp lên lợi ích của người khác. Nói rằng nâng điểm vì tình thương, vì cả nể là không vụ lợi liệu có đúng? Chẳng phải cũng là tâm lý bảo vệ bản thân, tránh rước rắc rối vào người nên thỏa hiệp với cái sai sao?
Vì cái tiện lợi trước mắt của mình, vì sự thoải mái của bản thân, vì tránh thiệt hại thì chẳng phải cũng là vụ lợi, là tự tư sao?
Cái lý “điều mình không muốn chớ làm cho người khác” (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân) đã không còn, thay vào đó là bảo toàn lợi ích, sống sao thoải mải là được. Nói “tôi cốt không làm việc ác cho người là được chứ gì”, nhưng trong khi bảo vệ mình bằng cách thỏa hiệp với cái sai, chắc chắn bạn đã đang xâm hại lợi ích của người khác.
Thiện nghĩa là nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới mình, trái với nó chẳng phải là ác sao. Cũng bởi những triết học, đạo lý cơ bản trọng đạo đức khi xưa đã bị khoác lên tấm áo choàng lạc hậu, hủ lậu. Sự phá hoại văn hóa truyền thống, đề cao tính thực dụng đã khiến thế hệ sau lệch lạc về nhận thức, băng hoại về đạo đức, tàn nhẫn trong hành động.
Nếu ai cũng chỉ nghĩ tới lợi ích của mình, bảo vệ bản thân mà thỏa hiệp với cái sai, cúi rạp mình xuống mà sống, tự biến mình thành người gù về nhân cách, thì dần dần lẽ phải sẽ biến mất. Sẽ chẳng còn những hành động nhân văn, chẳng còn anh hùng, chẳng còn quân tử. Cả xã hội đều là những kẻ tiểu nhân chung sống bằng cách chà đạp lên nhau, kết bè có lợi cùng hưởng, có hoạn cùng thoát thân, trút bỏ lên người khác.
Nếu ai cũng là cỏ mềm
Nếu chỉ vì người quanh ta đều làm sai, đều khom lưng mà sống, ta vì thế cũng không thể đứng thẳng làm người tử tế, vậy thì nhân loại thực sự lâm nguy rồi. Sẽ không còn ai bảo vệ sợi dây vô hình níu giữ đạo đức của con người. Khổng Tử đã nói “người có đức nhân là con người vậy” (Nhân giả nhân dã), nên người không có đức nhân, không có đạo đức thì không thể làm người, xã hội nhân loại sẽ biến thành chuồng thú.
Cũng lại có giải thích vì sao con người không nên sống chỉ bo bo cho mình. Đạo đức Kinh viết:
“Trời đất trường cửu. Trời đất sở dĩ trường cửu được là bởi không sống riêng cho mình, nên mới đặng trường sinh.Vì vậy Thánh nhân để thân ra sau, nên thân mới được ở trước. Để thân ra ngoài, nên thân mới còn. Phải chăng vì không tự tư (vì mình), mà thành được việc riêng tư?”. - Đạo đức Kinh, Lão Tử
Trời Đất bao dung vị tha, nuôi nấng, chở che vạn vận nên mới trường cửu. Đó là cái lý phản đảo của Đạo trong triết học Lão Tử. Người đắc đạo (Thánh nhân) cũng vậy, vì người khác mà mới thành việc riêng, còn nếu muốn được việc riêng của mình mà cố kết, truy cầu thái quá thì ắt sẽ ảnh hưởng tới quân bình, lợi ích chung của cả xã hội. Nên đạo Trời hễ thấy ai muốn đi trước thì sẽ kéo ra sau để được quân bình. Vạn vật trường tồn được đều phải có đức hiếu sinh, từ bi, làm lợi chung chứ không vị tư ích kỷ riêng mình.
Người xưa nói: “Người không tu mình, Trời tru đất diệt”, sống trên đời phải nhớ sửa đổi tâm tính, bỏ đi những thứ xấu xí, dục vọng.
Người nay nói: “Người không vì mình, Trời tru đất diệt”. Chữ “vi” trong câu gốc “nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”, có hai âm đọc và hai nghĩa khác nhau, một là “học”, hai là “do, vì”. Nhưng cái nghĩa ban đầu là tu học sửa đổi bản thân lại bị hiểu thành vì bản thân.
Người xưa nói: “Suy bụng ta ra bụng người” có nghĩa là mình muốn được đối xử thế nào thì hãy làm thế với người khác. Bởi cái bụng người xưa trong sáng, thiện lương.
Người nay lại hiểu “suy bụng ta ra bụng người” là ý xấu, bởi cái bụng người nay đã có nhiều hơn những suy tính lợi ích cho bản thân, nghi kỵ người khác.
Người xưa nói: “Người không tu mình, Trời tru đất diệt”, sống trên đời phải nhớ sửa đổi tâm tính, bỏ đi những thứ xấu xí, dục vọng.
Người nay nói: “Người không vì mình, Trời tru đất diệt”. Chữ “vi” trong câu gốc “nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”, có hai âm đọc và hai nghĩa khác nhau, một là “học”, hai là “do, vì”. Nhưng cái nghĩa ban đầu là tu học sửa đổi bản thân lại bị hiểu thành vì bản thân.
Người xưa nói: “Suy bụng ta ra bụng người” có nghĩa là mình muốn được đối xử thế nào thì hãy làm thế với người khác. Bởi cái bụng người xưa trong sáng, thiện lương.
Người nay lại hiểu “suy bụng ta ra bụng người” là ý xấu, bởi cái bụng người nay đã có nhiều hơn những suy tính lợi ích cho bản thân, nghi kỵ người khác.
Ly khai với văn hóa truyền thống và đạo đức bất di bất dịch, đã khiến chúng ta mất đi phương hướng, bóp méo cả những lời giảng đạo đức và tùy ý thích gì làm nấy. Đến cả cách đứng thẳng làm người cũng không hiểu, lại nghĩ phải gù khi xung quanh ai cũng gù hoặc đang giả vờ gù.
Thuần Dương / Theo: ĐKN
No comments:
Post a Comment