Khái niệm nguyên khí này (原氣) có trong Nan kinh, còn Hoàng đế nội kinh tuy không nhắc đến hai từ nguyên khí nhưng có nhắc đến “Chân khí” (真氣) với ý nghĩa tương tự. Tất cả các khái niệm đó (元氣, 原氣, 真氣) có nội hàm giống nhau, đều chỉ về khí tiên thiên.
Theo lý luận y học phương Đông thì nguyên khí có nguồn gốc từ tinh của tiên thiên, được liên tục bồi đắp bởi chất tinh vi từ thủy cốc của hậu thiên. Cũng theo đó nguyên khí chủ yếu được hóa sinh từ tinh tiên thiên được tàng chứa ở Thận, thông qua hệ thống Tam tiêu mà lưu hành khắp thân thể, thứ tinh tiên thiên hóa sinh ra nguyên khí ấy sinh ra ở mệnh môn. Sách Nan kinh, nan thứ 36 có viết:
“Mệnh môn là nơi ở của thần và tinh, là nơi ràng buộc của nguyên khí”.
Các danh y sau này trong các tác phẩm y học cũng thường nhắc đến khái niệm nguyên khí này. Phùng Triệu Trương có viết:
“Nhân chi nguyên khí, nhất thái cực dã”
Tức là: Nguyên khí của con người là một thái cực vậy.
Theo các y gia nghiên cứu học thuyết Mệnh môn thủy hỏa thì ở vị trí đốt sống thứ 7, bên cạnh có 2 quả Thận thuộc về âm, ở giữa có 1 điểm chân dương, tạo thành "tượng nhất dương hãm ở nhị âm” (một hào dương đặt giữa 2 hào âm) của quẻ Khảm. Tại đó còn có chân thủy, chân hỏa vô hình, tất cả những thứ ấy tạo thành một Thái cực. Trong bộ Hải thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông cũng nhắc đến luận thuật tương tự.
Tinh tiên thiên ở Thận bẩm thụ từ thứ tinh sinh dục của cha mẹ, trong lúc bào thai đã có ở đấy rồi, sau khi sinh ra thì cần có sự tư dưỡng bổ sung liên tục từ tinh chất của đồ ăn thức uống do Tỳ vị hóa sinh. Chính vì vậy nguyên khí trong cơ thể con người có sung thịnh hay không, thì không chỉ dựa vào một nguồn tinh tiên thiên lấy từ cha mẹ.
Những thứ thuộc về hậu thiên, công năng vận hóa của Tỳ Vị, sự ăn uống dinh dưỡng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nếu do tiên thiên mà nguyên khí hư nhược thì có thể dựa vào hậu thiên bồi phụ phần nào. Trong phần Luận Tỳ Vị sách Cảnh Nhạc toàn thư cũng có nói:
“Con người ta từ lúc sinh ra đến khi già, phàm tiên thiên có chỗ không đầy đủ, mà đặc được sức bồi dưỡng của hậu thiên, học theo công lao vá trời, thì cũng có thể bổ thêm được quá nửa, ấy là cái khí của Tỳ Vị có liên quan đến sự sống con người không hề ít”.
Nguyên khí thông qua Tam tiêu lưu hành toàn bộ thân thể. Nan 66 sách Nan kinh viết:
"Tam tiêu là biệt sứ (sứ giả đặc biệt) của Nguyên khí, chủ về thông hành cả tam khí, nó trải qua suốt cả ngũ tạng lục phủ”.
Theo Đường Tông Hải thì Tam tiêu xuất phát từ Thận hệ (nơi treo quả thận vào cột sống) cũng tức là Mệnh môn, nguyên khí phát ra từ Thận, lấy Tam tiêu làm thông lộ, theo đó tuần hành toàn thân, trong thì khắp lục phủ ngũ tạng, ngoài thì hết cơ phu tấu lý, không nơi nào không đi đến, thực hiện công năng sinh lý của mình, làm thành thứ khí tối căn bản, tối trọng yếu của cơ thể.
Chức năng cơ bản của nguyên khí:
- Thúc đẩy và điều tiết sự sinh trưởng, phát dục và cơ năng sinh dục của con người.
- Thúc đẩy và khống chế hoạt động của tất cả các tạng phủ, kinh lạc, cơ quan… trong cơ thể.
Bàn về y học mà không bàn đến nguyên khí quả là một điều vô cùng thiếu sót, không hiểu về nguyên khí chắc chắn không thể nói đến chuyện phòng và điều trị bệnh được.
Đối với trời đất, nguyên khí chính là những vật chất sơ khai ban đầu, đối với quốc gia, Nguyên khí chính là gốc rễ, đối với con người nguyên khí chính là căn bản. Trong đạo của trời, đạo trị quốc, đạo dưỡng sinh, việc bảo tồn, tôn trọng nguyên khí luôn luôn là điều tối trọng yếu.
Nhạc Phong (theo YHHN)