Không gì thú vị trong dịp Tết bằng những ngày trước Tết, nhất là ở miền quê xưa, nơi lưu giữ đậm nét phong vị của văn hóa cổ truyền.
Hãy cùng chiêm nghiệm những hoài niệm đẹp qua bài viết tái hiện khung cảnh đón Tết xưa của người dân Nam Bộ dưới đây.Chợ xuân. (Ảnh từ FB Sài Gòn Xưa)
”… mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa…”
Là gió chướng, là bông ô môi, là tiếng quết bánh phồng, là pháo nổ rộn ràng, là tâm trạng nôn tới Tết.
(Ảnh từ FB Sài Gòn Xưa)
Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh* xưa bước qua mùng 10 tháng Chạp là rần rần nôn Tết, tay chân quýnh hết trơn hết trọi, cập rập càng ràng vì hơi hám Tết ngày càng rộ, mấy dì, mấy thím ngồi cắt kiệu, lột tôm phơi khô còn giả đò làm bộ: “Mèn ơi! Tết tới mau dữ bây?”
Ngày 23, người ta lo tảo mộ, từ mùng 10 tháng Chạp đã lo đem lư ra phơi nắng để chùi. Bộ lư của dân Nam Kỳ gồm hai cái chân đèn, đỉnh trầm, trông rất to, khác với lư của người Bắc nhìn nho nhỏ trên bàn thờ. Bàn thờ ông bà cũng được dọn dẹp sạch sẽ, kỹ càng, gọn gàng vào dịp Tết.
(Ảnh từ FB Sài Gòn Xưa)
Bộ lư được chùi sạch boong, đánh lên nước đồng vàng bóng rực rỡ đặt trên bàn thờ. Bàn thờ thì được chưng đồ theo nguyên tắc “đông bình, tây quả”, bình bông bên tay phải, chò để dĩa trái cây bên tay trái.
Nam Kỳ là đất mới, nên người dân rất tâm linh. Tết mà nhìn bàn thờ ông bà giữa nhà tươm tất, nhang khói ấm cúng sẽ khiến lòng dạ người Lục Tỉnh thêm vững tin trong năm mới. Đó là sự viên mãn.
Tết ngoài cúng tổ tiên ông bà, người ta phải cúng đất đai, cúng cả những người đã khuất trong quá trình khai hoang, đó là sự “viên trạch”.
(Ảnh từ FB Sài Gòn Xưa)
Người Lục Tỉnh thích chưng dưa hấu trong dịp Tết. Dưa hấu Long Trì, dưa hấu Cổ Cò, dưa hấu Gò Công nổi tiếng ngọt, mát luôn được chưng trên bàn thờ.
Còn nói về bông để cúng, thì đầu tiên phải nhắc đến bông vạn thọ, là một loại cúc. Vạn thọ nghĩa là sống lâu muôn tuổi, vạn thọ vô cương.
Khổng Tử có câu:
“Lạc chỉ quân tử
Vạn thọ vô kỳ”.
Tạm dịch:
Thấy người ta những hân hoan
Chúc người trường thọ muôn vàn trước sau.
Bông vạn thọ màu vàng rực rỡ sẽ giúp cho không gian ngày Tết bừng sáng. Loài hoa này còn mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, sự trường thọ và may mắn, mùi thơm hăng hắc dân dã rất gần với người bình dân và quan trọng là chưng được rất lâu.
Sau vạn thọ phải kể đến mai vàng, đây là loại bông nở rộ trong những ngày Tết ở khắp Nam Kỳ.
Mai là thứ bông đứng đầu “tứ quý”, không sợ gió, chẳng sợ mưa, đứng vững trong nắng gắt, phong ba, vì thế nó tượng trưng cho người quân tử. Bông mai là thứ không có mùi, chỉ có sắc, nhưng là “quốc bông” của người Nam Kỳ trong ngày Tết.
Bông mai, bông vạn thọ, dưa hấu, bánh tét, củ kiệu, lạp xưởng, nồi khổ qua hầm, nồi thịt kho hột vịt, lì xì chính là những đặc trưng của Tết Lục Tỉnh…
(Ảnh từ FB Sài Gòn Xưa)
Tác giả: Gia Việt
Ghi chú: Nam Kỳ Lục Tỉnh hay Lục Tỉnh, là tên gọi xưa của miền Nam dưới thời nhà Nguyễn, gồm các tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Theo Sài Gòn Xưa
No comments:
Post a Comment