Tuesday, February 16, 2021

NÓNG GIẬN LÀ BẢN NĂNG, TĨNH LẶNG LÀ BẢN LĨNH

Có câu: “Nóng giận như hòn than nóng, chưa kịp ném vào người khác đã làm bỏng tay mình"...

Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh. (Ảnh: Shutterstock)

Cuộc nói chuyện của ông vua dầu mỏ Rockefeller

Chuyện xảy ra với ông Edward Bedford. Ông là thành viên ban giám đốc của công ty dầu lửa do John Rockefeller đứng đầu (Vào cuối thế kỷ 19, Rockefeller là người giàu nhất hành tinh, và công ty của ông chiếm vị trí số 1 thế giới về dầu mỏ). Bedford đã có một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn 2 triệu đôla.

Khi câu chuyện khủng khiếp về sự thiệt hại trên xảy ra, mọi người biết tin và ai cũng rất lo lắng nên tránh gặp mặt Rockefeller. Tất cả đều sợ liên lụy, chỉ trừ có một người, chính là người đã đưa ra quyết định sai lầm kia – Edward Bedford.

Rockefeller hẹn gặp Bedford. Bedford đến rất đúng giờ và chuẩn bị sẵn tinh thần để nghe những gì tồi tệ nhất từ Rockefeller. Ông cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận những thông tin đen tối nhất.

Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu lửa Rockefeller đang ngồi và chăm chú viết gì đó trên trang giấy. Khi Rockefeller ngẩng lên ông đã nói rằng: “Ồ, thì ra là anh, Edward Bedford. Tôi nghĩ chắc anh cũng đã biết tổn thất của chúng ta rồi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều”. Rồi Rockefeller đã đưa tờ giấy vừa ghi cho Bedford, trong đó đã ghi sẵn những gì mà ông muốn nói.

Khi cầm tờ giấy từ tay Rockefeller, Bedford đã đoán được rằng đó là quyết định cho nghỉ việc. Tuy nhiên, ông hoàn toàn bất ngờ khi trên tờ giấy mà ông vua dầu lửa vừa ghi lại là: “Những ưu điểm của Bedford”.

Ông hoàn toàn bất ngờ khi trên tờ giấy mà ông vua dầu lửa vừa ghi lại là: “Những ưu điểm của Bedford”. (Ảnh: Shutterstock)

Trong tờ giấy này Rockefeller liệt kê một loạt những đức tính tốt, những mặt mạnh của Bedford. Ông vua dầu lửa cũng ghi lại 3 quyết định đúng đắn của Bedford trước đây, và rằng số tiền kiếm được từ 3 quyết định đúng đó đã giúp công ty kiếm được số tiền lớn hơn rất nhiều so với tổn thất 2 triệu đô la của lần này.

Bedford vô cùng bất ngờ và xúc động. Kể từ đó ông đã cống hiến hết mình và để lại những thành quả vô cùng lớn lao cho doanh nghiệp sau này. Hơn nữa, khi biết tin, mọi người đã vô cùng khâm phục ông vua dầu lửa.

Lấy đức báo oán cảm hóa nước láng giềng

Hai nước láng giềng Lương và Sở có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp là nhờ sự bao dung của Tống Tựu (quan huyện lệnh biên giới của nước Lương).

Vốn là quân doanh ở biên giới nước Lương và nước Sở đều trồng dưa, nhưng cách trồng lại khác nhau. Quân lính nước Lương cần cù, thường xuyên chăm sóc cho ruộng dưa, nên dưa phát triển rất tốt; quân lính nước Sở lười biếng, ít khi chăm sóc ruộng dưa nên dưa chậm phát triển.

Huyện lệnh nước Sở thấy vậy, giận dữ trách mắng quân lính không biết trồng dưa. Quân lính nước Sở trong lòng ghen tỵ vì dưa nước Lương tốt hơn, trong đêm liền lén phá hoại ruộng dưa nước Lương, khiến cho cả ruộng dưa bị chết khô.

Quân lính nước Lương phát hiện ra sự việc này liền báo lên huyện lệnh, đồng thời họ cũng muốn phá hoại ruộng dưa nước Sở để trả thù.

Tống Tựu nghe trình báo vậy bèn nói: “Không được, sao có thể làm như vậy được. Kết thù báo oán là tự chuốc lấy tai họa. Người ta làm việc xấu mà mình cũng làm theo, tại sao lòng dạ lại hẹp hòi đến thế? Tôi có cách giải quyết thế này, hàng đêm sai người qua đó, âm thầm tưới cho ruộng dưa của họ mà không để cho họ biết”.

Thế là hàng đêm quân lính nước Lương đều qua tưới ruộng dưa cho nước Sở. Quân lính nước Sở sáng sớm đi thăm ruộng dưa, phát hiện dưa đều đã được tưới nước, ngày qua ngày sinh trưởng rất tốt. Lính nước Sở thấy kỳ lạ liền chú ý theo dõi mới phát hiện ra là quân lính nước Lương tưới giúp. Huyện lệnh nước Sở nghe được chuyện này thấy rất vui liền báo cáo tường tận cho vua nước Sở.

Vua nghe xong cảm thấy xấu hổ mà đỏ mặt, liền nói với các quan chủ quản: “Đây là người nước Lương ngầm trách móc chúng ta”.

Sau đó vua cho mang lễ vật đến tạ lỗi với Tống Tựu, đồng thời xin được kết giao với vua nước Lương. Từ đó quan hệ giữa hai nước Lương và Sở trở nên tốt đẹp.

Albert Einstein từng nói: “Giận dữ chỉ sinh tồn trong lồng ngực của kẻ ngu si”, cũng đồng nghĩa rằng người tức giận là người lấy cái sai sót của người khác để trừng phạt chính mình.

Albert Einstein từng nói: “Giận dữ chỉ sinh tồn trong lồng ngực của kẻ ngu si”. (Ảnh: Shutterstock)

Đem một nắm muối bỏ vào cốc nước, cốc nước trở nên mặn chát. Đem một nắm muối bỏ vào hồ nước, hồ nước vẫn ngọt lành. Lòng người cũng lại như thế, người càng nông cạn càng dễ biến chất, càng sâu sắc càng khó lung lay. Ý nghĩa của đời người không ngoài việc tu tâm dưỡng tính, để mở lòng ra bao la như biển hồ, trước những nắm muối thị phi của cuộc đời vẫn thản nhiên không xao động.

Có câu: “Nóng giận như hòn than nóng, chưa kịp ném vào người khác đã làm bỏng tay mình". Cuộc sống đâu thể lúc nào cũng thuận chiều như ý, chỉ có tình yêu thương, sự đoàn kết, mới giúp cho chúng ta tránh khỏi những va chạm, hiềm khích, và hóa giải mọi hận thù. Thế nên bao dung, tha thứ cho người khác mới là chân lý của cuộc đời, tha được cho người mới bao dung được cho mình, đừng vì giận người mà hại thân tổn đi phúc đức.

Minh Vũ