Wednesday, February 10, 2021

"MƯỜI ROI" CŨNG CHỊU!

Nếu thống kê các danh từ y học đang là “mốt” thì bốn tiếng “xơ vữa động mạch” chắc chắn có mặt trong top ten. Tình trạng bệnh lý, qua đó mạch máu trở thành chai cứng và dẫn đến hậu quả thiếu máu, thiếu dưỡng khí, gây hoại tử… trong cơ quan tương ứng, sở dĩ được thầy thuốc hết sức chú trọng vì bệnh tim mạch trước sau vẫn “vô địch” về tỷ lệ tử vong!


Dùng thuốc nào cũng thế, biện pháp phòng ngừa xơ vữa mạch máu không thể ra ngoài một số nguyên tắc căn bản. Đó là:

• Tối ưu hóa tiến trình biến dưỡng chất béo của gan để giảm hàm lượng cholesterol trong máu.

• Ngăn ngừa dòng máu trở nên quá đậm đặc bằng cách ức chế phản ứng đông máu nội mạch để sợi đông huyết, tiểu cầu… đừng kết dính thành khối bên trong mạch máu.

• Bảo vệ cấu trúc của thành mạch máu để ngăn chận mảng xơ vữa trên mặt trong mạch máu.


Quả thật không thiếu thuốc đặc hiệu để đáp ứng một trong các yêu cầu kể trên. Nhưng chưa có thuốc hoàn toàn không phản ứng phụ. Ngay cả với hoạt chất thiên nhiên cũng thế, món ăn, cây thuốc có công năng ngăn ngừa chai mạch tuy không hiếm, nhưng rất ít trong số đó có thể cùng lúc đáp ứng cả ba mục tiêu điều trị nêu trên một cách hài hòa thông quá tác dụng cộng hưởng. Giải pháp ấy vậy mà đơn giản nhờ một loại trái rất quen thuộc ở xứ mình, trái bưởi, là thí dụ cụ thể cho giải pháp phòng chống bệnh tim mạch.

Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong hai thập niên gần đây, người ta đã chứng minh bưởi là loại trái hữu ích từ ngoài vào trong. Tinh dầu trong vỏ bưởi có tính sát trùng, hoạt chất trong hột bưởi diệt ký sinh, khử nấm mốc. Bưởi nhờ đó là nguyên liệu được ưa chuộng trong nhiều sản phẩm gia dụng, từ dầu gội đầu cho đến xà-phòng rửa chén. Nhưng lợi ích của trái bưởi không chỉ có thế. Với người bị đe dọa vì mối họa xơ vữa mạch máu, hoạt chất trong múi bưởi là quà tặng ưu ái của thiên nhiên. Nếu so sánh với các dược thảo thuộc nhóm thông mạch thì hoạt chất trong bưởi rõ ràng có điểm nổi bật vì bưởi vừa cải thiện tiến trình biến dưỡng chất béo trong lá gan, vừa giữ cho máu loãng và đồng thời chủ động nạo vét mảng xơ vữa đã bám chặt vào thành mạch.


Điều đó không có nghĩa là vì nội dung ngọt như bưởi của bài viết này rồi vét túi mua bưởi mà không cần đến thầy thuốc chuyên khoa. Ngược lại, nên hiểu cho đúng để chủ động dùng bưởi cho người chưa bị bệnh tim mạch và không muốn bị bệnh tim mạch. Với người đã bị bệnh tim, bưởi là món ăn trợ lực hữu hiệu cho mọi liệu pháp. Hoạt chất có tác dụng thông mạch của bưởi chứa nhiều trong lớp vỏ mỏng bao sát múi bưởi. Do đó, người còn nghĩ đến trái tim đừng lột vỏ quá sạch khi ăn bưởi. Hoạt tính của hợp chất chống chai mạch trong bưởi được gia tăng khi có sự hiện diện của thành phần sinh tố C nằm sẵn trong múi bưởi. Bưởi chua vì thế tuy không ngon miệng nhưng lại tốt cho tim mạch. Muốn bưởi “nên thuốc” thì phải chịu khó nhăn mặt ít lần khi ăn bưởi.

Huy chương nào cũng có hai mặt. Bưởi có hai nhược điểm nếu xét về điểm yếu. Trước hết, bưởi nếu quá chua thì tuy tốt cho tim nhưng không có lợi cho người có niêm mạc dạ dày thuộc loại quá nhạy cảm. Do đó, không nên ăn bưởi lúc bụng đói. Nên dùng bưởi như món tráng miệng sau bữa ăn nhiều thịt mỡ, để vừa ngừa bệnh tim, vừa tận dụng các yếu tố trợ lực cho tiêu hóa. Kế đến, nước bưởi trung hòa hoạt chất của một số dược phẩm, chẳng hạn thuốc hạ áp, thuốc giảm đau, thuốc canxi… Vì thế, không nên ăn bưởi ngay trước khi hay sau lúc vừa uống thuốc để rồi thuốc uống vào như không!


Không kể đến hương nồng nàn, sắc quyến rủ, vị độc đáo của bưởi, nếu chỉ xét riêng về tính hữu dụng của trái bưởi cho người bệnh tim mạch thì bưởi có đổi thành “bưởi mười roi” vẫn đáng công chịu đòn.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: