Nếu muốn được nhìn nhận và tôn trọng, hãy nỗ lực biến bản thân thành mặt hàng xa xỉ. Khi bạn có giá trị riêng của mình thì bạn nói gì cũng đúng, bạn mặc gì cũng thành hợp lý.
01.Trong một sự kiện thời trang, nữ diễn viên hạng B tốn rất nhiều công sức để khoác lên người một bộ váy cao cấp, giá trị xa xỉ. Những tưởng sẽ nhận được vô số lời khen, nhưng không, hình ảnh của cô được lan truyền trên mạng xã hội với một tràng cười nhạo. Họ “bóc phốt” cô này sử dụng con đường “không chính đáng” mới chạm tay được bộ váy này.
Tổng kết các lời chỉ trích bằng một câu, đó là do bạn không xứng.
Vì sao? Nhìn lại cùng thương hiệu đó, hàng loạt diễn viên hạng A nổi tiếng, khí chất và thần thái cũng yêu thích trang phục của hãng thời trang này. Cho nên, trong suy nghĩ đại đa số, quần áo mặc người chứ không phải người mặc quần áo. Chiếc váy đó không chỉ là váy, mà còn là biểu tượng của địa vị.
Về bản chất, quần áo được làm ra để phục vụ con người. Mọi người phối hợp quần áo là để tôn lên vẻ đẹp cá nhân. Chỉ có quần áo thích hợp hay không, tại sao lại có quần áo xứng hay không?
Còn về thực tế, tuy hàng xa xỉ làm nên đẳng cấp, nhưng đôi khi, dù bạn dùng lối sống xa xỉ để tô vẽ cho bản thân, chưa chắc người khác đã nhận định đẳng cấp của bạn.
02.
Vậy không đẳng cấp có được mua đồ xa xỉ không?
Vấn đề không phải được hay không, mà quan trọng là cái giá phải đánh đổi.
Nếu như lương tháng bạn 50 triệu, mua một chiếc điện thoại 30 triệu, ok. Nhưng nếu lương tháng bạn 5 triệu, muốn mua chiếc điện thoại 30 triệu, vậy vấn đề lại rất lớn. Có thể tháng đó và nhiều tháng sau nữa bạn đều phải chi tiêu tằn tiện, thắt lưng buộc bụng. Có thể bạn phải mặt dày mày dạn đi vay nợ khắp nơi. Thậm chí có thể bước vào những con đường kiếm tiền bất chính khác. Đây chính là cái giá đánh đổi, không chỉ mang ý nghĩa về mặt vật chất.
Cho nên, khi mua sắm những món đồ hàng hiệu đắt tiền, điều mà bạn cần quan tâm không phải là mình dùng nó có xứng hay không, mà là mình có đủ khả năng gánh vác những vấn đề hệ lụy đằng sau sự lựa chọn xa xỉ đó hay không.
Nếu đã nghĩ kỹ rồi, cảm thấy mình có thể gánh được, vậy mua gì và mặc gì là quyền tự do của cá nhân.
Sau tất cả, mọi người ai mà không khao khát một cuộc sống chất lượng cao. Đó chính là bản chất, và cũng là động lực để mọi người nỗ lực phấn đấu mỗi ngày.
03.
Bản năng của chúng ta là hy vọng được công nhận, nhỏ thì ở phạm vi những người xung quanh, lớn thì ở phạm vi cộng đồng xã hội. Việc bỏ ngoài tai nhận xét và phó mặc ánh mắt người đời không phải một việc dễ dàng.
Hãy tưởng tượng, khi chúng ta đi dạo phố mua sắm, bước vào một cửa hàng thời trang cao cấp. Bạn đang chọn được một bộ rất ưng ý, định lấy xuống để mặc thử thì nhận được ánh mắt đánh giá của nhân viên bán hàng và câu nói: “Bộ trang phục này có giá là xxx triệu.”
Kỳ thực, khi lựa chọn cửa hàng đó để bước vào, trong đầu bạn đã phần nào mường tượng giá cả của sản phẩm và không ngạc nhiên với mức giá đó. Nhưng cách nhân viên đề cập tới sẽ khiến chúng ta cực kỳ không thoải mái.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn có thể đi theo 2 con đường.
Thứ nhất, hãy sống như một mặt hàng xa xỉ.
Ai cũng có thể mua hàng hiệu đắt tiền, pháp luật không cấm người nghèo mua sắm. Nhưng hãy nghĩ đến trường hợp của nữ diễn viên hạng B đề cập ở đầu bài. Cô ấy khoác lên người hàng hiệu đắt tiền đó, nhưng kết quả thì sao?
Đừng quên, thứ đắt tiền nhất là bản thân bạn. Nếu muốn được nhìn nhận và tôn trọng, hãy nỗ lực biến bản thân thành mặt hàng xa xỉ. Khi bạn có giá trị riêng của mình thì bạn mặc gì cũng thành hợp lý, mặc gì cũng không ai dám nói một tiếng “không xứng” cả.
Nếu đứng ở vị trí đủ cao, bạn không cần dùng đến quần áo để “nâng tầm” bản thân. Sự thô tục khoác áo đắt tiền cũng không thể trở nên cao quý, sự cao quý dù có khoác áo giản dị cũng không giảm giá trị dù chỉ là một xu.
Thứ hai, luôn tạo ra hệ thống củng cố giá trị ổn định của riêng mình.
Trong cuốn sách “Tôi thực sự tuyệt vời” có nói: “Những người không thể tự xác định giá trị của bản thân thì càng khao khát được thế giới bên ngoài công nhận. Tức là khi tôi không chắc mình giỏi hay không, tôi cần bạn nói rằng tôi giỏi để tôi cảm thấy rằng tôi giỏi.”
Ví dụ, nếu bạn hoàn toàn phủ nhận bản thân và tự chấm mình -100 điểm. Bạn sẽ cần được người khác tán đồng với +100 điểm để đạt được sự cân bằng tâm lý. Nếu người khác cho bạn 30 điểm tán thành, điều đó vẫn chưa đủ khiến bạn hài lòng .
Nhưng khi bản thân bạn tự chấm cho mình 80 điểm, (vì tự chấm 100 điểm cho mình có vẻ hơi tự kiêu), tức là bạn đã tự làm bản thân hài lòng. Lúc này, sự công nhận của người khác không còn quan trọng nữa. Nếu được họ tán dương và cộng thêm điểm, vậy bạn cảm kích và thêm phần vui vẻ. Nhưng nếu họ phủ nhận bạn, trừ điểm bạn, bạn cũng đã có một hệ thống giá trị ổn định và vững chắc cho bản thân, cho nên có thể không bận tâm.
Để làm được điều này, điều quan trọng nhất là tăng cường sự tự tin cho bản thân. Khi đã làm được điều này, bạn đạt đã đạt tới một cột mốc thành công quan trọng. Ở đó, bạn sẽ không còn băn khoăn, bận lòng hay tự ám thị bản thân về sự coi thường và chán ghét từ người khác. Bạn cũng không đặt tâm tình của mình vào việc so bì với người xung quanh.
Cho nên, với nữ diễn viên hạng B kia, cô vốn không cần mượn một bộ quần áo đắt tiền để tôn vinh giá trị bản thân. Điều quan trọng mà cô cần làm là trau dồi năng lực, khẳng định vị thế của mình, đồng thời tự tin trong bất cứ trang phục nào cô khoác lên người.
Hãy tự định nghĩa chính mình chứ đừng đợi người khác phán xét và áp đặt tiêu chuẩn của họ lên bản thân.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ