Đoàn Diên Khánh xuất hiện trong truyện là kẻ rất độc ác, đến mức người ta phong cho ông là “Thiên hạ đệ nhất ác nhân”. Những việc ác ông đã làm kể ra cũng không hết. Nhất là ở đoạn gần cuối, khi ông giết chết người nghĩa đệ Nam Hải Ngạc Thần, có lẽ ai cũng căm ghét, cho rằng kẻ như thế này nên nhận một kết cục vô cùng tàn khốc.
Tuy nhiên, nhà văn Kim Dung rất khoan hồng đối với các ác nhân:
• Lão quái Đinh Xuân Thu không bị giết, mà được chùa Thiếu Lâm giữ lại “giáo dục”.
• Cưu Ma Trí sau khi mất hết võ công liền tỉnh ngộ và sám hối,
• Hai “ông trùm” Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác rốt cuộc cũng được nhà sư vô danh cảm hóa,… Đoàn Diên Khánh so với họ lại còn “hạnh phúc” hơn nữa.
Ngay sau khi miêu tả Đoàn Diên Khánh là một kẻ ác hết thuốc chữa, Kim Dung bỗng “đổi nhịp”, dẫn người đọc về quá khứ của mấy chục năm trước, kể cho người đọc những gì mà Đoàn Diên Khánh đã trải qua.
Đoàn Diên Khánh nguyên là hoàng thái tử của nước Đại Lý, trong một đêm cha mẹ đều bị gian thần hại chết, bản thân ông phải bỏ trốn và bị truy sát. Rất nhiều kẻ thù bao vây để giết ông. Tuy sau cùng ông cũng đánh bại được tất cả, nhưng bản thân cũng bị thương rất nặng.
Cổ họng ông bị chém đứt nên không nói được, khuôn mặt tuấn tú bị rạch nát không còn nhân dạng, hai chân đều bị đánh gãy, các vết thương khắp người đều lở loét ra và bị ruồi bọ bâu vào, toàn thân ông bốc mùi hôi thối không chịu được, sức cùng lực kiệt, ngay cả muốn đập đầu vào gốc cây để tự sát cũng không còn sức,…
Ông nằm dưới gốc bồ đề chùa Thiên Long, người qua kẻ lại không ai dám lại gần ông, thậm chí họ kinh tởm đến mức không dám nhìn ông. Nếu ông chết, có lẽ còn thua cả một con chó hoang chết, chẳng ai dám tới để dọn xác! Đáng lẽ ông phải là người ngồi trên ngôi vị hoàng đế, sao lại phải chịu cái khổ không thể nói ra lời này?
Ông có thể oán hận ai bây giờ? Kẻ giết cha mẹ và cướp vương vị của ông đã chết. Kẻ đánh ông tàn phế, kẻ rạch nát mặt ông, kẻ cắt đứt cổ họng ông, kẻ làm toàn thân ông bị ruồi bọ bâu vào,… cũng đều đã chết. Nhưng điều đó đâu khiến nỗi đau thể xác và tinh thần của ông lành lại, mà càng khiến ông đau khổ hơn, bởi ngay cả đối tượng để trả thù ông cũng không có.
Kim Dung đã thuật lại cái khổ mà Đoàn Diên Khánh – một vị hoàng thái tử phải gánh chịu, để người đọc hiểu rằng vì sao ông trở thành “đệ nhất ác nhân”. Tất nhiên không thể nói đau khổ là cơ sở cho người ta làm chuyện ác, nhưng sau khi xem xong đoạn ấy rồi, hẳn là cảm giác căm ghét của người đọc đối với Đoàn Diên Khánh đã giảm đi quá nửa.
Thật ra trước đó trong một số chi tiết khác, nếu để ý kĩ người ta sẽ nhận ra Đoàn Diên Khánh không thật sự là một kẻ ác, ông là một người “không nên sống nữa nhưng vẫn sống”. Như chính ông đã nói, gọi là “nói”, chính xác thì Đoàn Diên Khánh dùng bụng để phát ra âm thanh, vì cổ họng của ông không hồi phục được.
Lần mà Đoàn Diên Khánh đấu với Bảo Định Đế, chi tiết này người đọc rất dễ bỏ qua, nhưng chính điều đó lại phản ánh sự thê lương trong lòng Đoàn Diên Khánh. Lúc đó Đoàn Diên Khánh đang bắt giữ Đoàn Dự, căn bản là đã làm chủ tình thế, nhưng khi Bảo Định Đế ra tay đánh, ông chỉ mỉm cười ưỡn ngực ra. Bảo Định Đế hỏi vì sao không né tránh, ông đáp: “Ta chết dưới tay ngươi thì tội của ngươi sẽ nặng thêm một bậc”. Điều này cho thấy Đoàn Diên Khánh cũng không có ý muốn sống.
Từ đầu tới cuối, tất cả những chuyện ông làm chỉ là để giành lại ngôi vị hoàng đế đáng lẽ nên thuộc về ông, nhưng kể cả khi giành được rồi, thì sao? Với hình dạng của một kẻ “người không ra người quỷ chẳng ra quỷ”, với đôi chân tàn phế, khuôn mặt bị hủy nát, ngay cả muốn nói chuyện bằng miệng cũng không được, ông làm sao đối diện với thần dân của mình?
Từ dân cho tới quan, ai sẽ chấp nhận hô “vạn tuế” với một kẻ có hình dạng ghê tởm như vậy? Điều này ông đã nghĩ qua rồi, cũng tức là: Dù thành công hay thất bại, ông vẫn “thất bại”! Vậy nên nhiều lúc ông chỉ muốn để cho kẻ địch giết chết.
Đã vậy, tại sao ông còn cố gắng trăm phương ngàn kế mà tranh đoạt ngôi vị? Thật ra đó là lý do sinh tồn của ông. Nói cách khác, chẳng qua ông chỉ còn dựa vào một việc như vậy để hy vọng, để sống mà thôi, không làm thì không nên sống nữa. Thê lương như vậy.
Tất nhiên còn một lý do nữa, đó là trong lúc ông tuyệt vọng nhất, ngày mà ông bị thương sắp chết trước chùa Thiên Long, tưởng như không ai nhìn ngó tới, thì một người phụ nữ áo trắng vô cùng xinh đẹp đã xuất hiện trước mặt ông, và rơi mấy giọt nước mắt. Nói ra cũng tức cười, đó chỉ là một phụ nữ vì ghen tuông với chồng mà khóc, nhưng Đoàn Diên Khánh đang mơ màng lại nghĩ bà là Quan Âm Bồ Tát, nhất định Quan Âm Bồ Tát vì thương xót cho số phận của ông, mà ban “cam lộ”.
Mặc dù ông không nói được, nhưng trong lòng ông dâng lên một ý niệm muốn sinh tồn. Bởi vì “Bồ Tát” đã hiện thân cho ông thấy, thì nhất định vì ông có mệnh đế vương, vậy thì ông không thể chết được. Ông phải giành về ngôi vị, “Bồ Tát” sẽ phù hộ cho ông, khi ông thành công rồi nhất định sẽ tạc tượng xây miếu, hoằng dương Phật Pháp để tạ ơn Bồ Tát – ông nghĩ như vậy.
Cũng từ điểm này, chúng ta không bao giờ có lối nghĩ đó. Đại Lý là một quốc gia tôn sùng Phật giáo, Đoàn Diên Khánh là hoàng thái tử, trong lúc đau khổ nhất liền nghĩ đến “Quan Âm Bồ Tát”, ít nhất chỉ ra rằng ông không đánh mất tín ngưỡng của mình!
Một chi tiết nữa cho thấy Đoàn Diên Khánh có “điểm tốt”, đó là khi đánh cờ ông bị Đinh Xuân Thu dùng tà pháp mê hoặc tinh thần, hòa thượng Hư Trúc đã la lên một tiếng khiến ông giật mình tỉnh lại. Về sau Đoàn Diên Khánh bèn ngầm chỉ cho Hư Trúc cách phá giải bàn cờ, lại lẳng lặng bảo vệ y không để y bị Đinh Xuân Thu hãm hại. Một kẻ ác thật sự lẽ nào biết “trả ơn”?
Những điều này đều nói lên con người Đoàn Diên Khánh vốn không xấu, nhưng vì ông “không nên sống nữa mà vẫn sống”, nên tự biến bản thân thành kẻ tàn nhẫn, thật ra trong lòng lúc nào cũng vô cùng thê lương mà không nói được với ai.
Ở đoạn kết của Đoàn Diên Khánh, ông phát hiện ra người sẽ thừa kế ngôi vị hoàng đế – Đoàn Dự – chính là con trai ruột của ông. Kim Dung đã sắp xếp việc này rất khéo léo, ngôi vị của cha ông đi một vòng lại quay về với con trai ông, Đoàn Diên Khánh vừa hạnh phúc vừa mãn nguyện. Kẻ được gọi là “thiên hạ đệ nhất ác nhân” ở trước mặt mọi người mà rơi nước mắt, chắp tay cảm tạ Quan Âm Bồ Tát.
Nhưng Đoàn Dự, vì những chuyện ác mà Đoàn Diên Khánh đã làm, chẳng thể nào nhận ông là cha được. Đoàn Diên Khánh liền bảo Đoàn Dự giết mình, xem như kết thúc một cuộc đời vô nghĩa. Tuy nhiên Đoàn Dự cũng không xuống tay giết ông.
Đoàn Diên Khánh hiểu rằng tuy Đoàn Dự không gọi “cha”, nhưng trong lòng đã nhận ông là cha rồi, ông cười một cách hạnh phúc, rồi chống gậy đi ra ngoài cửa, chỉ còn nghe từ nơi rất xa vẫn vọng lại tiếng cười mãn nguyện của ông.
Sau đó Đoàn Diên Khánh đã đi đâu? Không ai biết! Tác giả Kim Dung cũng không nói, nhưng chắc một điều rằng ông không còn làm chuyện xấu nữa.
Kim Dung đã “khoan hồng” với nhân vật phản diện của mình đến như vậy. Hay là vì tác giả muốn “an ủi” Đoàn Diên Khánh một chút, vì đã trót tạo cho ông một cuộc đời quá bi đát?
Quý độc giả nghĩ gì về nhân vật này?
Thế Di