Theo truyền thống, lễ kỷ niệm năm mới của Trung Hoa kéo dài cho đến Lễ hội đèn lồng hay tết Nguyên tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch.
Theo truyền thống, lễ kỷ niệm năm mới của Trung Hoa kéo dài cho đến Lễ hội đèn lồng hay tết Nguyên tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch. Theo dương lịch, Lễ hội đèn lồng năm nay diễn ra vào ngày 5/3, đánh dấu sự kết thúc của hơn hai tuần Lễ mừng năm mới của Trung Hoa bắt đầu từ ngày 19/2.
Lễ hội đèn lồng đặc trưng bởi đủ loại đèn lồng rực rỡ và các hoạt động khác nhau thể hiện sự tôn kính với thần linh, cùng với việc làm và ăn một loại bánh bột có nhân tượng trưng cho sự đoàn tụ và hạnh phúc gia đình.
Lễ hội đèn lồng còn gọi là Lễ Nguyên tiêu hay Tết Nguyên tiêu, là kỳ trăng tròn đầu tiên của năm mới.
Thiên quan ban tài lộc
Có rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc của lễ hội. Một trong số đó đến từ thời Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), vị hoàng đế đầu tiên thống nhất đất nước sau khi chinh phục tất cả các quốc gia phong kiến khác thời đó.
Trong truyền thống Đạo giáo, Thiên quan, người chịu trách nhiệm ban tài lộc, sinh vào ngày Rằm tháng Giêng. Thiên quan nắm quyền cai quản nhân gian và quyết định thời điểm hạn hán hay thiên tai xảy ra cho nhân gian.
Bởi vì vị quan nhà trời này rất thích hội hè, nên hoàng đế đã ban lệnh tổ chức các hoạt động ăn mừng bao gồm treo đèn lồng nhiều màu sắc vào ngày sinh nhật của Thiên quan, đồng thời cũng cầu xin Thiên quan ban cho mưa thuận gió hòa và quốc thái dân an.
Thiên quan – người cai quản nhân gian theo Đạo giáo.
Một câu chuyện phổ biến khác là về Hán Minh Đế (28-75 SCN) của nhà Đông Hán (25-220 SCN). Ông vốn là một Phật tử mộ đạo, đã gửi đoàn tùy tùng đến Ấn Độ để tìm kiếm giáo lý Đức Phật.
Vị hoàng đế biết được rằng các nhà sư ở Ấn Độ cùng tụ hội để cúng Phật vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Do đó, ông cũng tổ chức các nghi lễ trong cung điện tối hôm đó, với rất nhiều đèn lồng thắp sáng để tỏ lòng tôn kính với Đức Phật. Người ta nói rằng, Đức Phật có thần thông quảng đại, có thể xua tan bóng tối.
Kể từ đó, các hoàng đế kế vị cũng duy trì nghi lễ lộng lẫy này hàng năm. Việc thắp đèn lồng kéo dài ba ngày trong thời nhà Đường (618-907 SCN) và năm ngày trong thời nhà Tống (960-1279 SCN).
Lễ hội sau này trở thành một sự kiện quan trọng được tất cả các tầng lớp xã hội tham gia. Nhiều loại đèn lồng đủ màu sắc, được sáng tạo thêm các hình vẽ từ những câu chuyện dân gian và nhiều mẫu mã đẹp mắt.
Ngày nay, tục treo đèn lồng vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch vẫn còn là sự kiện lễ hội lớn trên khắp Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình sum họp trong một bầu không khí vui tươi và ăn bánh nguyên tiêu, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp với nhiều nhân khác nhau được luộc chín.
Hán Minh Đế (28-75 SCN) vốn là một Phật tử mộ đạo, đã gửi đoàn tùy tùng đến Ấn Độ để tìm kiếm những lời dạy của Đức Phật.
Cung nữ hiếu thảo đoàn tụ gia đình
Loại bánh được gọi là nguyên tiêu, để thể hiện sự tôn vinh đối với một cung nữ hiếu thảo trong cung điện của Hán Vũ Đế (156-87 TCN) thời Tây Hán (206 TC -23 SCN).
Tên của nàng là Nguyên Tiêu và có tài làm bánh trôi ngon nhất cung điện. Nhưng buồn thay, sau khi vào cung, nàng bặc vô âm tín với phụ mẫu theo luật lệ. Ngày nọ, sau nhiều năm xa gia đình, vì quá đau khổ với nỗi nhớ nhà và không thể chăm sóc cho cha mẹ, nàng đã khóc trong vườn.
Đại thần Đông Phương Sóc, tình cờ đang hái hoa đào dâng cho hoàng đế, đã nhìn thấy nàng cung nữ đang rơi lệ. Khi nghe câu chuyện của nàng, Đông hứa sẽ giúp đỡ.
Đông đại phu nảy ra một ý tưởng. Hôm sau, ông mang bàn ghế ra chợ, dựng quầy như một thầy bói. Những người đến xem vận may đều nhặt một thẻ tre với lời cảnh báo “một ngọn lửa dữ dội vào ngày 15 tháng Giêng”. Điều này gây nên sự xao động lớn trong thiên hạ và đến tai hoàng thượng. Hán Vũ Đế đã cho triệu tập bá quan để bàn bạc.
Nhờ tài trí của Đại thần Đông Phương Sóc mà cung nữ Nguyên Tiêu đã gặp lại gia đình và hình thành nên Lễ hội đèn lồng hay tết Nguyên tiêu cho đến ngày nay.
Đại thần Đông Phương Sóc tâu rằng: “Người ta nói rằng Hỏa thần rất thích bánh trôi. Vậy chúng ta lệnh cho Nguyên Tiêu làm những chiếc bánh ngon nhất để dâng lên và tiến hành một nghi lễ vào tối đó, đồng thời tất cả dân chúng trong kinh thành đều phải thắp sáng đèn ở bên ngoài để xua đuổi vận rủi. Với ánh đèn khắp nơi, cả kinh thành sẽ giống như ngập chìm trong hỏa hoạn. Ngọc đế rất từ bi và có thể bảo Hỏa thần thôi trừng phạt chúng ta”.
Hán Vũ Đế ưng thuận ý tưởng này và bảo mọi người làm theo. Mọi ngã đường đều rất đông đúc vào đêm 15, Nguyên Tiêu cũng ở trong số đó, cùng các cung nữ khác. Mỗi người mang một bát bánh trôi mà Nguyên Tiêu làm hoặc cầm một chiếc đèn có cán tre dài.
Cha mẹ của Nguyên Tiêu cũng ở trong đám đông. Vì vậy, họ đã gặp được nhau. Không xảy ra đám cháy nào, món bánh trôi cũng như ngày lễ hội riêng của riêng nó, được gọi là Nguyên tiêu, thể hiện sự tưởng nhớ đến công lao xứng đáng của nàng cung nữ hiếu thảo.
Bánh nguyên tiêu kể từ đó đã trở thành một phần quan trọng trong Lễ hội đèn lồng.
Bánh nguyên tiêu đã trở thành một phần quan trọng trong Lễ hội đèn lồng.
Bánh gia đình đoàn viên
Nguyên tiêu được phát âm gần giống ‘đoàn viên’ trong tiếng Hoa. Vì vậy bánh trôi là biểu tượng cho gia đình bên nhau, và việc ăn bánh cũng được tin là mang đến hạnh phúc và vận may cho gia đình trong năm mới.
Thời xưa, bánh nguyên tiêu thường có vị ngọt với nhân làm từ đường, quả óc chó, vừng, cánh hoa hồng, vỏ quýt ngọt, đậu đỏ, chà là, hạt sen, trái cây, hoặc một sự kết hợp của các thành phần này. Ngày nay, một loại bánh mặn với nhân thịt băm, rau củ hoặc hỗn hợp, cũng khá phổ biến.
Nguyên tiêu được phát âm gần giống ‘đoàn viên’ trong tiếng Hoa. Vì vậy bánh trôi là biểu tượng cho gia đình bên nhau.
Theo Epoch times, tinhhoa