Hiện nay, ngày càng có nhiều người bắt đầu coi trọng ý nghĩa tinh thần và tâm linh trong dịp Tết, và bắt đầu coi trọng, tìm hiểu các nghi lễ cổ xưa. Bởi vì chỉ có nghi lễ nghi thức trang trọng mới khiến chúng ta cảm thấy ngày Tết hoàn toàn khác biệt với ngày thường, và lưu giữ lại những ký ức sâu sắc, là hành trang giúp chúng ta vượt qua mọi bão giông, anh nhiên đi hết cuộc đời.
Đôi nét Tết xưa
Xưa kia mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà đều quét dọn sạch sẽ tươm tất, quét vôi lại nhà cửa từ trong ra ngoài trắng tinh, mua tranh Tết, dán câu đối, xin chữ ông Đồ về treo, trong đó luôn có chữ Phúc mực tàu trên nền giấy điều đỏ thắm.
Ngày 30 Tết, cả nhà ăn đoàn tu ăn bữa tất niên, cùng nhau quây quần gói bánh chưng, ngồi bên nồi bánh chưng vừa trò chuyện vừa náo nức chờ bánh chín, nghe tiếng pháo đì đẹt lác đác của đám trẻ túm tụm bên nhau đốt pháo cười giòn tan. Người chủ gia đình làm mâm cơm cúng Trời Đất Thần linh ngoài trời, và mâm cơm cúng ông bà tổ tiên trong nhà.
Thời khắc giao thừa đến, người chủ gia đình dâng hương cầu Thần Phật bảo hộ bình an, cầu anh linh tổ tiên phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Còn những người trẻ tuổi thì cũng lũ trẻ đốt pháo. Nhà nhà vang lên những tiếng pháo nổ đì đùng lách tách vui tai. Mùi khói pháo khen khét nồng nặc xua đi cái giá lạnh và âm ám của đêm đen, đón dương khí của một ngày mới, một mùa xuân mới, một năm mới trở về.
Sáng mồng một Tết, mọi người thay bộ quần áo đẹp nhất, con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ năm mới mạnh khỏe phúc - lộc - thọ - khang - ninh, người lớn mừng tuổi trẻ con năm mới chăm ngoan, là con ngoan trò giỏi, biết lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Sau đó người thì đi hàng xóm, họ hàng chúc Tết, người ở nhà nghênh đón người đến xông đất và chúc Tết đầu năm, để cả năm may mắn và thuận lợi.
Không khí Tết tràn ngập nơi nơi, người đi lễ chùa kính Trời lễ Phật, gột rửa những lo toan tất bật cả một năm, thanh tâm gạt bỏ những tạp niệm, đắm mình trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh trong khuôn viên ngôi chùa cổ kính. Có người thì đến xem lễ hội làng, nơi chơi cờ người, chỗ thì đấu vật, nơi đánh đu, chỗ ném còn, nơi hát đối, chỗ bịt mắt đập bị, nơi leo cột mỡ, chỗ múa rồng, múa lân…
Năm nay dịch bệnh lại quay trở lại trước Tết, tốc độ lanh nhanh và rộng hơn, có nơi khoanh vùng cách ly, người xa quê không thể về quê ăn Tết, người trong gia đình, mỗi người ăn Tết một phương, khiến cho không khí lễ Tết thời hiện đại đã nhạt lại càng nhạt thêm. Tuy nhiên người ta vẫn thường nói Tết Nhất, nghĩa là Tết là Nhất trong năm rồi, nên dẫu dịch bệnh u ám khắp nơi thì nhà nhà vẫn mua đào, mai, quất, hải đường, lay-ơn, hoa ly, hoa cúc và phong lan chơi Tết.
Tục chơi chữ Phúc với mong muốn năm mới có nhiều phúc khí đến
Ngoài ra nhiều người còn chơi chữ, trong đó chữ Phúc là phổ biến nhất, cũng là nguyện ước năm mới hạnh phúc, phúc lộc, phúc lành đến với gia đình. Cụ Nguyễn Công Trứ có câu đối nổi tiếng về chữ Phúc rằng:
Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng “Bần” ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông “Phúc” vào nhà
Chữ Phúc có thể chơi riêng lẻ, hoặc trong bộ Tam Đa: Phúc Lộc Thọ, hoặc trong bộ Ngũ Phúc: Phú Quý Thọ Khang Ninh. Có người treo, dán chữ Phúc đứng, có người treo, dán ngược, vậy thế nào mới đúng?
Có người nói, treo, dán chữ Phúc ngược nghĩa là Phúc Đảo, ngụ ý Phúc Đáo, nghĩa là phúc khí đến. Lại có người nói, chữ Phúc đảo ngược nghĩa là phúc khí bị đảo ngược, là không có phúc khí. Để biết cách chơi chữ Phúc thế nào cho đúng, chúng ta cùng xem nguồn gốc chữ Phúc và một số mẩu chuyện về chữ Phúc thì sẽ biết thế nào là đúng.
Chữ Phúc cổ xưa nhất được tìm thấy trên xương thú, gọi là chữ giáp cốt.
Chữ Phúc cổ xưa nhất được tìm thấy trên xương thú, gọi là chữ giáp cốt. Chữ Phúc 福 bên trái có bộ Kỳ 礻 biểu thị đàn tế, nghĩa là Thần Đất, cũng đại diện cho Trời Đất Thần linh. Bên phải là một vò rượu và hai bàn tay nâng. Hợp lại có nghĩa là: Người xưa dùng hai tay thành kính nâng vò rượu dâng lên đàn tế, ban thờ để cảm tạ Thần đã ban phúc.
Nếu treo, dán ngược thì rượu trong vò bị đổ ra hết đó sao, như thế thì làm sao có thể cầu phúc được. Do đó chữ Phúc nên treo, dán đứng, không nên treo, dán ngược.
Vậy treo, dán chữ Phúc có thực sự đem lại phúc khí không? Theo quan điểm của người hiện đại thì điều này không khoa học, làm sao có thể được?!
Tuy nhiên trong lịch sử đã thực sự tồn tại những câu chuyện chân thực về việc treo, dán chữ Phúc đã đem lại phúc khí.
Viết chữ Phúc cầu được phúc cho bà nội kéo dài tuổi thọ
Năm Khang Hy thứ 20, sắp đến lễ mừng thọ 60 của Hoàng Thái hậu Hiếu Trang tròn 60 tuổi thì đúng lúc đó bà bị bệnh nặng. Các thái y dốc hết sức chữa trị nhưng đành chịu bất lực bó tay.
Hoàng đế Khang Hy lòng lo ngay ngáy, ông xem các loại thư tịch cổ xem có phương pháp đặt biệt nào có thể chữa trị cho Hoàng Thái hậu được không. Cuối cùng ông phát hiện ra, thời kỳ thượng cổ có phép "thừa đế sự" thỉnh cầu phúc để kéo dài tuổi thọ. Ý nghĩa là, Hoàng đế là chân mệnh Thiên tử, phúc thọ vô cương, có thể dùng phúc phận của mình để thỉnh cầu phúc kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ hoặc người thân.
Là người con hiếu thuận, thế là Hoàng đế Khang Hy đã thành kính tắm gội trai giới 3 ngày, chọn ro một cây bút lông trên có khắc chữ "Tứ phúc thương sinh" (Ban phúc cho chúng sinh), sau đó ông viết chữ Phúc cao khoảng nửa mét, rồi dùng ngọc "Khang Hy ngự bút chi bảo" đóng dấu lên để gia trì.
Thật thần kỳ, sau khi Khang Hy viết chữ Phúc để cầu phúc thì bệnh tình của Hoàng Thái hậu Hiếu Trang đã tốt lên. Từ đó dân gian lan truyền rằng chữ Phúc mà Khang Hy viết này là "Thiên tứ hồng phúc" (Trời ban hồng phúc), còn gọi là "Thiên hạ đệ nhất Phúc" (Hình dưới)
Thiên hạ đệ nhất Phúc - chữ Phúc do Khang Hy viết
Nhìn chữ Phúc này có chứa dấu hiệu của Ngũ Phúc: Đa Thọ, Đa Điền, Đa Tử, Đa Tài, Đa Phúc.
Phía trên bên phải chữ Phúc này là chữ Đa 多 (nhiều), phía dưới bên phải là chữ Điền 田 hở (ruộng đất), tượng trưng cho "Phúc vô biên".
Chữ Phúc có bộ Kỳ 礻 giống với chữ Tử 子 (con), và cũng giống với chữ Tài 才 (tài trí, tài năng). Thế nên nói chữ Phúc này bao hàm ý nghĩa "Đa phúc, đa điền, đa tử, đa tài, đa phúc".
Nếu đơn thuần chỉ treo chữ Phúc thì chưa chắc đã có phúc khí. Sở dĩ Khang Hy viết chữ Phúc này mà có thể chiêu mời được phúc khí chủ yếu là do bản thân Khang Hy là vị vua nhân đức có đức hạnh sâu dày, do đó được Thượng Thiên bảo hộ và điểm hóa, để ông dùng phúc phận của mình đổi lấy sự kéo dài thọ mệnh của bà nội, đó là đức hiếu thuận lớn.
Tất nhiên chúng ta không thể so được với Khang Hy, vậy treo, dán chữ Phúc có tác dụng không? Chỉ cần chúng ta là người thiện lương thì đều có tác dụng. Sách "Thái thượng cảm ứng thiên" của Đạo giáo đã nói rằng: "Người thiện lương thì người người đều kính trọng, Đạo Trời bảo hộ, phúc lộc theo về, mọi thứ tà xa lánh, Thần linh bảo vệ, làm ắt sẽ thành".
Tại sao người thiện lương thì tránh được mọi thứ tà, tránh được tai họa, có được phúc khí? Câu chuyện dưới đây phần nào giải đáp câu hỏi này.
Thời triều Tống có Trạng nguyên Phùng Thời Hành. Khi ông còn chưa đỗ đạt làm quan, vào một ngày Tết Nguyên Đán, ông xuất hành rất sớm, gặp rất nhiều quỷ.
Phùng Thời Hành là người can đảm, không những không sợ hãi, ông còn quát mắng rằng: "Các ngươi muốn gì?"
Lũ quỷ đó nói: "Chúng tôi đều là Dịch quỷ, đầu năm đến nhân gia gieo rắc dịch bệnh".
Phùng Thời Hành hỏi: "Nhà ta có bị dịch bệnh không?"
Quỷ đáp: "Không".
Phùng Thời Hành hỏi: "Tại sao không?"
Quỷ nói: "Nhà ông 3 đời đều tích đức, thấy có người làm việc xấu thì ngăn lại, thấy có người làm việc tốt thì ca ngợi. Do đó con cháu nhà ông đều thành đạt, chúng tôi đâu dám vào nhà ông?" - nói rồi biến mất.
Năm đó dịch bệnh hoành hành, chỉ có nhà họ Phùng là bình an vô sự. Thế nên làm người tốt thì có thể tránh được dịch bệnh.
Tục dán chữ Phúc ngược có nguồn gốc từ đâu?
Mã Hoàng hậu của Chu Nguyên Chương, Hoàng đế sáng lập nên nhà Minh, là người có đôi bàn chân lớn, vì vậy bị một số người chê cười. Một năm nọ vào dịp Tết, Chu Nguyên Chương cải trang đi vi hành, thấy một nhà nọ treo đèn lồng có vẽ một người phụ nữ chân to, ông cho rằng đó là đem Mã Hoàng hậu ra làm trò cười, thế là đùng đùng nổi giận. Ông quyết định trở về cung rồi sau quân lính đến bắt người nhà treo đèn lồng này. Để giúp binh lính dễ nhận biết, ông lặng lẽ dán một chữ Phúc ngược trên cổng nhà người đó làm ký hiệu.
Sau khi Chu Nguyên Chương hồi cung, Mã Hoàng hậu thấy ông tức giận đùng đùng thì vội vàng hỏi nguyên do. Chu Nguyên Chương đem đầu đuôi câu chuyện kể lại.
Mã Hoàng hậu là một người thiện lương, nghe thấy có người sẽ vì chuyện treo đèn vẽ người phụ nữ chân to, ám chỉ mình mà phải mất mạng, trong lòng bà vô cùng xót thương, không nỡ lòng. Bà biết có khuyên giải Hoàng thượng lúc này cũng vô ích. Thế là bà nhanh trí ngầm sai người dán tất cả cổng từng nhà ở cả dãy phố đó một chữ Phúc ngược. Đến khi binh lính do Hoàng thượng sai đến bắt người thì họ ngây người ra, nhà nào cũng có chữ Phúc ngược, biết bắt ai đây? Nhờ thế mà nhà người bị tội kia vì có chữ Phúc ngược mà thoát được kiếp nạn. Từ đó tục dán chữ Phúc ngược lan truyền ra khắp nơi ở Trung Quốc, thậm chí ra cả một số nước khác ở Đông Á.
Thế nên, dán chữ Phúc ngược chỉ có thể tránh được một tai họa nhất thời còn muốn chiêu mời phúc khí thì phải dán, treo chữ Phúc đứng, chính trực, ngay thẳng. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, mà quan trọng nhất còn phải là người có đức hạnh, là người thiện lương.
Hoàng Mai
(Bài viết có sử dụng một phần bài viết của Epoch Times)
No comments:
Post a Comment