Nước Nga rộng lớn là nơi cư ngụ của hơn 190 dân tộc, nhưng những nét đặc trưng của xứ sở Bạch Dương chưa bao giờ mơ hồ trong lòng du khách.
Mái vòm “củ hành” – nét riêng độc đáo.
Tại sao kiểu mái vòm đặc trưng của Nga lại có cái tên ngộ ngĩnh “mái vòm củ hành”? Thật ra phần mái ban đầu được thiết kế với ý tưởng mô phỏng hình dáng của vòm trời hay ngọn lửa. Về sau, có thể nhiều người thấy mái vòm này giống hình củ hành hơn nên đã dùng cái tên quen thuộc này đặt để gọi – mái vòm “củ hành”.
Mái vòm “củ hành” có lẽ là điều đáng nhớ nhất nếu bạn đã từng đến Nga thăm nhà thờ thánh Basil hay Cung điện Catherine…
Trước đó, mái vòm Mũ bảo hiểm cũng từng thịnh hành ở Nga thế kỷ XIII và sau đó là dạng mái túp lều thế kỷ XVI. Nhưng tất cả đều không áp đảo được mái vòm củ hành vì những lợi thế “hợp thời” của nó.
Ở Nga tuyết nhiều nên hình dáng củ hành có lẽ là một giải pháp hữu hiệu để những hạt tuyết lướt trên mái vòm rồi nhẹ nhàng tiếp đất. Thêm vào đó, nguồn gỗ dư giả ở Nga thời điểm ấy thuận lợi cho các nghệ nhân thiết kế những mái vòm cong cong đầy tinh tế.
Cuối cùng, người Nga cũng sở hữu kiến trúc mái vòm độc đáo của riêng mình.
Múa ba lê thăng hoa kỳ diệu.
Nghệ thuật múa ba lê vốn xuất thân từ nước Ý và phát triển rộng rãi ở Pháp. Nhưng chỉ khi cập bến nước Nga, ba lê mới có cơ hội thăng hoa rực rỡ. Tận đến ngày nay, múa ba lê vẫn là nét nghệ thuật tiêu biểu của Xứ Sở Bạch Dương.
Người đặt nền móng cho sự phát triển ba lê ở Nga là Nữ hoàng Catherine Đại đế. Với tầm nhìn xa và sự mến mộ nghệ thuật của mình, bà đã cho mở khoa múa đầu tiên tại nhà hát Imperial, St.Petersburg.
Catherine được xem như người bảo hộ cho nghệ thuật múa ba lê ở Nga. Bà đã cất công mời đạo diễn múa nổi tiếng Domenico Angiolini đến Nga để phát triển bộ môn này.
Chỉ cần sự yêu thích và đầu tư của con người thì một môn nghệ thuật sẽ như hạt mầm trên đất tốt. Và vở ba lê Hồ Thiên Nga của Tchaikovski là một minh chứng cho sự ươm mầm nghệ thuật này ở Nga.
Triết lý Phật Giáo trong búp bê Matryoshka.
Trong một buổi giao lưu truyền thống ở Nga, ai đó đã mang đến 7 con búp bê Nhật Bản xếp theo thứ tự nhỏ dần. Nghệ sĩ người Nga Sergei Maliutin khi ấy đã vô cùng ấn tượng. Ông quyết định làm một bộ búp bê tương tự nhưng sẽ mang đặc thù nước Nga.
Và búp bê Matryoshka đầu tiên ra đời khi ông trưng bày một con búp bê lồng trong nó những con búp bê nhỏ dần.
Ở một góc nhìn nào đó, búp bê Nga thô cứng nhưng lại chứa đựng một triết lý sâu sắc của Phật giáo.
Mỗi con người cũng giống như búp bê Matryoshka – bên ngoài có vô vàn vỏ bọc và nhiều màu sắc. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài và nghĩ rằng bạn đã nhìn thấu tâm hồn họ thì hẳn không nên. Phải đi qua nhiều vỏ bọc để thấy được búp bê nhỏ nhất có khi không được vẽ mắt mũi gì.
Nhưng đó là con người chân thật và giản đơn như tâm bản nhiên trong mỗi con người mà Phật giáo thường đề cập.
Đến Nga mùa hè này hòa mình trong đêm trắng huyền diệu, ngắm nhìn những điệu múa ba lê huyền ảo dưới ánh đèn nhà thờ Thánh Basil, mua về những bộ búp bê Matryoshka ý nghĩa nhất dành tặng người thân sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Theo Carnivalvn
No comments:
Post a Comment