Sunday, February 14, 2021

"VÕ LÂM NGŨ BÁ" - DỰ NGÔN VỀ CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ TÀI TÌNH CỦA KIM DUNG

“Võ lâm ngũ bá” là cụm từ chỉ 5 nhân vật có võ công cao nhất trong “Xạ điêu tam bộ khúc” của Kim Dung, 4 người đến từ bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc và 1 người ở vị trí trung tâm, có người cho rằng họ chính là đại diện cho các nền văn hóa với những luồng tư tưởng khác nhau của những năm 50 thế kỷ trước, đây cũng có thể chính là nội hàm đằng sau hình tượng “võ lâm ngũ bá” mà Kim Dung xây dựng.

“Võ lâm ngũ bá” là cụm từ chỉ 5 nhân vật có võ công cao nhất trong “Xạ điêu tam bộ khúc” của Kim Dung. (Ảnh qua Nguoiduatin)

Đông Tà Hoàng Dược Sư

Đông Tà Hoàng Dược Sư đến từ đảo Đào Hoa. Trùng hợp thay, Nhật Bản cũng được gọi xứ sở hoa đào, quốc gia phương Đông, đất nước mặt trời mọc,… những điều này đều hợp ứng với Đông Tà, Đông Tà đích thị là tượng cho nước Nhật.

Người Nhật rất tài hoa, vậy nên Kim Dung đã dụng tâm khắc họa một Đông Tà tài cao học rộng, không gì không giỏi. Lại nói, điều đáng phục ở người Nhật là tính tự lập mà Đông Tà quả rất tự lập: đảo Đào Hoa là do một mình ông ta xây dựng, võ công của ông cũng đi theo một hướng riêng do chính ông sáng tạo ra, các loại học vấn khác của ông cũng đều khác với cổ nhân.

Vậy thì sao gọi là “Tà”? Người Nhật trong những năm chiến tranh Trung-Nhật, họ tràn vào Trung Quốc, mang văn hóa 5.000 năm của Trung Quốc ra chế nhạo, họ cầm cuốn sách của Lão Tử mà cười hô hố “Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật, là cái quái gì thế?”.

Đông Tà Hoàng Dược Sư đến từ đảo Đào Hoa tài cao học rộng, không gì không giỏi. (Ảnh: Kknews)

Đáng tiếc Trung Quốc khi ấy văn hóa suy vi, chẳng ai phản bác được họ nên đành chịu lép vế. Biểu hiện của Đông Tà chính là rất thích tìm lỗi trong các sách của cổ nhân, mặc dù ông ta chưa đến mức “khinh Chu bạc Khổng”, nhưng cũng rất hay bài bác, và vì không có nhà Nho nào cãi lại ông ta, nên ông ta càng cho rằng mình đúng. Bởi vậy thiên hạ gọi là “Tà”.

Tây Độc Âu Dương Phong

Tây Độc Âu Dương Phong đến từ Tây Vực. Ông ta chính là đại diện cho nền khoa học của văn minh phương Tây!

Bản lĩnh của Tây Độc rất lớn, khi ông xuất hiện trong truyện thì gần như không có đối thủ, cũng giống như nền khoa học từng bước làm chủ thế giới. Tuy vậy, Tây Độc không phải là người coi trọng đạo đức, dù là tài giỏi nhưng để thỏa mãn sự tiến bộ võ công của mình, việc ác gì ông ta cũng làm.

Đó chính là cái dở của khoa học! Tuy nó mang lại cho con người nhiều sáng tạo vĩ đại, nhưng khi chạy theo đà phát triển của nó thì con người dần quên lãng đi đạo đức truyền thống.

Bản lĩnh của Tây Độc rất lớn, khi ông xuất hiện trong truyện thì gần như không có đối thủ. (Ảnh: Sohu)

Con trai của Tây Độc đi đâu cũng ân ái với phụ nữ, coi chuyện nam nữ hết sức phóng túng, đây là điều được cho là bình thường của người phương Tây, nhưng với người phương Đông khi đó thì nó lại là “văn hóa rất độc”.

Về sau này, con nuôi của Tây Độc là Dương Quá càng quái hơn, cưới sư phụ của mình làm vợ, chọc ghẹo nhiều phụ nữ, tuyên bố thẳng thừng “ta chỉ trọng nữ mà khinh nam”, võ công của Dương Quá rất giỏi, tới ngũ bá cũng chào thua! Dương Quá chính là tiêu biểu cho nước Mỹ, dẫu sinh sau đẻ muộn nhưng rất ngạo nghễ, thế giới không ai đấu lại. Dẫu vậy, Dương Quá vẫn đứng về phía chính diện, có lòng nghĩa hiệp.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng

Nam Đế tuy là vua nhưng lại từ bỏ ngôi vị để đầu Phật, ông quy y lấy pháp danh là Nhất Đăng. Các nước phía Nam của Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện,… đều chung một điểm là tôn sùng Phật giáo. Nam Đế là đại diện chung cho các quốc gia này.

Nam Đế chỉ đứng ngoài vòng danh lợi mà mỉm cười, tuy ông ta có bản lĩnh rất cao thâm nhưng lại không tranh hơn thua với ai. (Ảnh: Sohu)

Trong khi mọi người tranh hùng trên Hoa Sơn, Nam Đế chỉ đứng ngoài vòng danh lợi mà mỉm cười, tuy ông ta có bản lĩnh rất cao thâm nhưng lại không tranh hơn thua với ai. Trong các cuộc thế chiến, các nước Đông Nam Á đều hầu như không thật sự tham dự vào.

Bắc Cái Hồng Thất Công

Vậy còn Bắc Cái Hồng Thất Công? Đáng buồn! Bắc Cái là con người rất chân chính và oai phong, đến mức kẻ đại ác như Cừu Thiên Nhẫn vừa bị ông trách mắng vài câu đã hổ thẹn lao xuống vực tự vẫn, kẻ hung hăng như Tây Độc chỉ chạm phải ánh mắt của ông thì cũng tự có phần nào ân hận về những hành vi tàn bạo của mình, thậm chí con người khinh đời như Đông Tà cũng phải khâm phục tính cách quang minh lỗi lạc của Bắc Cái.

Nhưng Kim Dung đã lầm! Một sai lầm vô cùng nghiêm trọng! Bắc Cái chính là đại diện cho Liên Xô! Nghĩ một chút là hiểu, ở phía Bắc của Trung Quốc chính là Liên Xô, đã vậy Bắc Cái còn là bang chủ Cái Bang (ăn mày), chẳng phải chỉ vào “giai cấp vô sản” thì là gì?

Bắc Cái còn là bang chủ Cái Bang (ăn mày), chẳng phải chỉ vào “giai cấp vô sản” thì là gì? (Ảnh: Sohu)

Những năm Kim Dung viết “Xạ Điêu Tam Bộ Khúc” thì Liên Xô quả vẫn chưa lộ rõ bản chất, đến nỗi ông cũng lầm tưởng rằng họ là những người anh hùng chân chính. Tất nhiên tiểu thuyết vẫn là tiểu thuyết, hình tượng của Bắc Cái đầu đội trời chân đạp đất, Liên Xô ngay vào thời đó dù là ngụy tạo cũng không thể oai được tới vậy. Là Kim Dung đã nói quá lên!

Mãi sau này trong những bộ tiểu thuyết khác của Kim Dung, Cái Bang dần tiêu biến khỏi giang hồ, có lẽ vì Kim Dung đã nhận ra bản chất thật của Liên Xô nên liền đổi sang châm biếm họ thay vì ca ngợi như thuở đầu. Ông đã dùng những môn phái tà ác hơn để tượng trưng cho Liên Xô.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương

Sau cùng là Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, Trung Thần Thông là tượng trưng cho ai? Nếu lấy phía Bắc là Liên Xô, phía Đông là Nhật Bản, phía Tây là các nước châu Âu, phía Nam là Đông Nam Á, vậy ở giữa chẳng phải chính là Trung Quốc sao? Trong ngũ bá thì Trung Thần Thông là người mạnh nhất, võ công cao cường nhất, ông lại là người tu Đạo nên vô cùng từ bi và hòa ái, nhưng khi bộ truyện bắt đầu thì ông đã qua đời được 20 năm rồi, những gì người ta biết về ông chỉ là qua lời kể của các nhân vật khác.

Trong ngũ bá thì Trung Thần Thông là người mạnh nhất, võ công cao cường nhất, ông lại là người tu Đạo nên vô cùng từ bi và hòa ái. (Ảnh: Pinterest)

Nền văn minh truyền thống của Trung Hoa phải chăng cao thâm và bí ẩn tới như vậy? Truyện kể rằng Trung Thần Thông khi còn sống tài giỏi hơn cả Đông Tà, có thể dùng một ngón tay mà đánh bại Tây Độc, phải chăng ngụ ý rằng nền văn minh chân chính của Trung Quốc thời cổ đại vốn dĩ còn cao hơn cả khoa học hiện đại của Nhật Bản và phương Tây?

Tuy nhiên, Trung Thần Thông đã chết, cũng như nền văn minh Trung Hoa đã thất truyền rồi! Sau khi Trung Thần Thông chết thì đệ tử của ông không đánh nổi vài chiêu với Đông Tà, Tây Độc – cũng như người Trung Quốc mất đi truyền thống thì đã triệt để thảm bại so với Nhật Bản và phương Tây, chính là cái ý như vậy!

Kim Dung không miêu tả lại võ công cũng như cách đối nhân xử thế của Trung Thần Thông lúc còn sống, càng có ngụ ý rằng văn minh truyền thống Trung Hoa vốn dĩ là quá cao thâm và cũng quá bí ẩn, người hiện đại chỉ có thể hiểu được chút vỏ ngoài mà thôi chứ không cách nào diễn tả nổi!

Các đệ tử của Trung Thần Thông tuy võ công không cao mấy, nhưng nếu họ dựa vào thế trận sư phụ để lại mà hợp lực với nhau, thì hoàn toàn có thể đấu ngang ngửa với Đông Tà – Tây Độc. Phải chăng nguyện vọng của Kim Dung chính là mong người Trung Quốc kết nối lại để khôi phục nền văn minh truyền thống?

Vậy nên phải chăng võ lâm ngũ bá là dự ngôn về chính trị tài tình của Kim Dung?

Tác giả: Nguyễn Neil
Theo: Tinh Hoa

No comments: