Nhưng hẳn nhiều người không biết rằng nếu Nhật Bản có geisha thì Hàn Quốc cũng có gisaeng với những đặc điểm vừa tương đồng vừa khác biệt. Họ là những người phụ nữ đóng vai trò không hề nhỏ trong chiều dài lịch sử và văn hóa Hàn Quốc.
Gisaeng (기생) – tức kỹ sinh (tên gọi khác là ginyo/기녀/ kỹ nữ) thường được biết tới là những người phụ nữ có đào tạo chuyên sâu về biểu diễn nghệ thuật ở Hàn Quốc thời xưa nhằm mục đích mua vui, giải trí cho nam giới. Gisaeng còn được có tên gọi là haeoehwa (해어화) – tức giải ngữ hoa – những bông hoa xinh đẹp hiểu được lời nói của người khác.
Nguồn gốc gisaeng
Gisaeng ra đời từ triều đại Cao Ly (Goryeo), giai đoạn 935 ~ 1394, sau đó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt triều đại Joseon từ năm 1394 ~ 1910.
Cái tên gisaeng được nhắc lên lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ 11, tuy nhiên nhiều người cho rằng ý nghĩa ban đầu của từ này được dùng để chỉ những người phụ nữ sở hữu tài nghệ nhất định như may vá, ca hát, y thuật… và kiếm sống dựa trên các kỹ năng đó.
Chỉ đến thời cai trị của vua Minh Tông (Myeongjong) từ 1170 ~ 1179, khi số lượng các gisaeng sinh sống và làm việc trong thành tăng lên đáng kể, vị trí và vai trò của họ mới chính thức được ghi nhận trong hệ thống xã hội.
Thân phận của gisaeng chứa đầy những mâu thuẫn. Về định nghĩa, gisaeng được xếp vào tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội – tầng lớp tiện dân (cheonmin) – đứng ngang hàng với kẻ ăn xin, đồ tể và bà đồng mudang. Tuy nhiên họ lại sở hữu một tài năng xuất chúng và trí tuệ không kém gì giới đàn ông thuộc tầng lớp cai trị. Một câu nói phổ biến về gisaeng đó là “천민의몸, 양반의머리” (thân thể tiện dân nhưng có đầu óc của hàng quý tộc).
Gisaeng mang thân phận nô lệ và thuộc quyền sở hữu của triều đình. Con gái của gisaeng lớn lên cũng trở thành một gisaeng giống như mẹ. Thân phận nô lệ của gisaeng kéo dài đến cuối triều đại Joseon cho đến khi được vua Cao Tông – vị vua cuối cùng của vương triều Joseon, đồng thời là vị quân chủ đầu tiên của Đại Hàn Đế Quốc – ban lệnh bãi bỏ trong Cuộc cải cách Gabo vào năm 1895.
Có thể nói, gisaeng am hiểu nghi thức xã giao và trí tuệ của bậc quý tộc, nhưng cả đời bị mắc kẹt trong thân phận của một nô lệ thấp kém đơn thuần. Trong dân gian thời Joseon có câu: “일생, 기생는 노래를 불러 손님을 위해 노래를 불렀다. 밤은 슬프고 슬픔에 울고 있었다.” (Kiếp kỹ sinh ban ngày cất tiếng ca mua vui cho quan khách, đêm về lại khóc tiếng sầu thương).
Dù vậy, với tài năng được đào tạo tỉ mỉ và năng lực văn hóa nghệ thuật không dễ gì có được, họ vẫn có được sự tôn trọng nhất định từ xã hội như những nghệ nhân thuộc tầng lớp tri thức.
Gisaeng được đào tạo tập trung tại trường học chuyên biệt được gọi là giáo phường (교방 – gyobang). Các bé gái được gửi vào giáo phường từ khi chưa đầy 10 tuổi để học ngâm thơ, đọc sách, kể chuyện, hát múa truyền thống, chơi 2 loại đàn tranh là gayageum và geomungo.
Gisaeng cũng được học làm thơ sijo cho đến trà đạo, thư pháp, trò chuyện, trang điểm… Mỗi cô gái đều phải khổ luyện để có thể trở thành một gisaeng tài năng và đủ năng lực tiếp đón, phục vụ giới quý tộc thời bấy giờ.
Đôi khi, gisaeng cũng được gọi tên theo năng lực nổi trội của mình như vũ kỹ (kỹ sinh chuyên về nhảy múa ), thanh kỹ/ca kỹ (kỹ sinh chuyên về hát), huyền kỹ (kỹ sinh chuyên về nhạc cụ) hay y kỹ (kỹ sinh hành nghề chăm sóc người ốm bệnh)…
Với tài năng sáng tác và biểu diễn ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, gisaeng xứng đáng được ghi nhận là những nghệ nhân thực thụ đóng vai trò to lớn trong việc phát triển và truyền bá văn hóa dân gian Hàn Quốc.
Không chỉ vậy, gisaeng cũng là hình mẫu cho một thế hệ phụ nữ kiểu mới (new woman) khi dũng cảm vượt trên mọi quy định lễ giáo hà khắc nhất của thời đại trọng nam khinh nữ nặng nề.
Thông qua việc bước chân ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nam giới ở mọi tầng lớp, có giáo dục, có tài năng, có nghề nghiệp và được tôn trọng về trí tuệ, gisaeng đã phá bỏ định kiến hẹp hòi về vai trò truyền thống của người phụ nữ, vốn chỉ được giấu mặt trong nhà để làm công việc gia đình và chăm sóc con cái.
Gisaeng được phân ra ba cấp bậc chính: nhất bài (일패), nhị bài (이패) và tam bài (삼패).
Đứng hạng đầu nhất bài là những gisaeng có tài năng bậc cao về nghệ thuật và học vấn. Trí tuệ của họ thậm chí còn xuất sắc hơn cả một số quý tộc hạng thường. Họ chủ yếu làm việc trong cung và biểu diễn nghệ thuật ở những sự kiện lớn của vua chúa và triều đình.
Gisaeng nhất bài là những người được tiếp xúc trực tiếp với vua và các quan lớn, một đặc ân mà ngay cả nhiều người trong giới thượng lưu cũng không hề có được trong suốt cuộc đời.
Đứng hạng giữa nhị bài là những gisaeng có tài nghệ thuật nhưng phục vụ chủ yếu cho quan lại hoặc giới quý tộc thông thường. Họ được chia ra làm việc như các quan kỹ (tiếp đãi quan lại) hoặc dân kỹ (tiếp đại quý tộc nói chung).
Mặc dù không thiếu những trường hợp gisaeng trở thành tì thiếp cho các quan lại hay người có tiền quyền nhưng cũng như gisaeng nhất bài, gisaeng nhị bài vẫn được xã hội coi trọng vì năng lực và vai trò của mình.
Đứng hạng chót tam bài là những gisaeng bậc thấp nhất, tài năng có hạn và chủ yếu phục vụ đón tiếp thường dân có tiền. Trái ngược với gisaeng hai bậc trên chỉ bán nghệ chứ không bán thân (매창불매음 – mại xướng phi mại dâm), gisaeng bậc ba có thể coi bán thân như một phương thức sinh nhai.
Nhục dục hóa hình ảnh gisaeng
Tương tự như các geisha ở Nhật Bản, gisaeng là những người phụ nữ kiếm sống bằng tài nghệ và trí tuệ bậc cao của mình. Tuy nhiên, khác với geisha hiện vẫn là một nét văn hóa được duy trì và tiếp nối, thân phận gisaeng đã sớm bị xóa nhòa trong dòng lịch sử.
Đáng tiếc hơn nữa, kết quả từ một số khảo sát cho biết, khi nhắc tới gisaeng, nhiều người vẫn thường nghĩ tới hình ảnh các cô gái hầu rượu cho giới quý tộc và thậm chí là hành nghề mại dâm. Không sai khi nói rằng ngành công nghiệp mại dâm của Hàn Quốc bắt nguồn từ gisaeng nhưng sẽ là hoàn toàn sai sót nếu cho rằng gisaeng là những cô gái hành nghề bán dâm.
Trong lịch sử Hàn Quốc, gisaeng – đặc biệt ở bậc nhất bài và nhị bài – vẫn được xã hội tôn trọng và kính nể. Tuy nhiên, hình ảnh của các gisaeng trong vai trò của những nghệ nhân hàng đầu đã dần bị xâm phạm và bôi đen khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn Nhật Trị (1910 – 1945).
Nói cách khác, khi quân đội Nhật Bản đặt chân vào bán đảo Triều Tiên, chính những người phụ nữ tài hoa này là nhóm đối tượng đầu tiên bị đẩy vào vai trò của “phụ nữ giải khuây”.
Dưới sự cai trị của quân đội Nhật, chế độ quan kỹ và các giáo phường dần bị hủy bỏ, gisaeng bậc cao mất đi vị trí vốn có của mình. Hàng nghìn gisaeng bị mất việc và buộc phải tìm kế sinh nhai mới tại các nhà hàng kiểu Hàn hay chốn mua vui, nơi thực khách hiếm khi hứng thú với tài năng nghệ thuật của họ.
Sự thay đổi lớn nhất diễn ra sau khi Quy định quản lý Gisaeng (기생단속령) và Quy định quản lý gái mại dâm (창기단속령) được Nhật Bản ban hành vào năm 1908 nhằm bảo vệ lính Nhật trước những “phụ nữ bản địa tha hóa”. Dưới các quy định này, tất cả mọi gisaeng đều phải đăng ký với phòng cảnh sát và xin giấy phép hoạt động.
Mặc dù được thiết lập nhằm kiểm soát sự hoạt động của các gisaeng, hệ thống cấp phép ngược lại đã khiến số lượng gisaeng gia tăng đáng kể. Trước đó, để có được thân phận gisaeng đòi hỏi sự khổ luyện và trau dồi văn hóa, đạo đức từ khi còn nhỏ và quy trình này được quản lý chặt chẽ bởi triều đình.
Dưới chế độ mới, chỉ cần có đủ tiền theo học khóa đào tạo gisaeng kéo dài 3 năm và xin được giấy phép hành nghề, bất kỳ cô gái nào cũng có thể trở thành một “gisaeng”.
Không còn là những cô gái tinh hoa chỉ tiếp xúc với vua chúa, quan lại và giới thượng lưu, hoạt động của gisaeng được tư nhân hóa và đại chúng hóa trong xã hội. Nếu trong quá khứ, chỉ giới quý tộc bậc cao mới có thể gặp gỡ gisaeng thì giờ đây “ngay cả một tên khốn cũng có thể tán tỉnh gisaeng hạng nhất, miễn sao hắn có vàng.”
Ngoài ra, việc các gisaeng được quản lý song song với gái bán dâm, hình ảnh của họ trong mắt công chúng đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Bằng các quy định mới đề ra, giới cai trị Nhật Bản đã làm mờ ranh giới giữa gisaeng và gái bán dâm, coi họ là những người có nguy cơ “làm đồi bại đạo đức xã hội”.
Đặc biệt từ sau những năm 1910, với sự du nhập của dòng người di cư và khách du lịch từ Nhật Bản, vị thế văn hóa của gisaeng sớm bị gạt bỏ và họ chủ yếu được coi như những đối tượng cung cấp dịch vụ tình dục đơn thuần.
Cũng trong thời gian này, gisaeng không ngừng được phác họa như những “đối tượng tình dục” trên các tấm bưu thiếp, tranh ảnh, haiku, sách hướng dẫn và quảng bá du lịch của Nhật Bản.
Thậm chí sau khi chính phủ Hàn Quốc chính thức ban hành lệnh cấm hoạt động đối với gisaeng vào năm 1947, hình ảnh về mối quan hệ giữa gisaeng và những gã thực dân vẫn không thể bị xóa mờ. Những chuyến du lịch sex tour tai tiếng của đàn ông Nhật tới Hàn Quốc về sau vẫn thường được gọi là “gisaeng tour”.
Gisaeng thời hiện đại….
Có thể nói những gisaeng truyền thống đã hoàn toàn biến mất trong dòng chảy của xã hội Hàn Quốc thời hiện đại. Những trường dạy gisaeng thực thụ không còn tồn tại dù một số lớp dạy cá nhân có được mở ra bởi số ít gisaeng cũ.
Hình ảnh gisaeng hầu như chỉ còn được tái hiện qua một số tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình hay các công trình nghệ thuật khác. Câu chuyện về gisaeng thường là những câu chuyện đẹp đẽ và tràn đầy cảm hứng về một thế hệ nữ quyền thời xưa, tài hoa, xinh đẹp, mạnh mẽ nhưng khó tránh khỏi một số phận u buồn.
Một trong số những nỗ lực nhằm khai thác và làm sống lại hình ảnh hình ảnh gisaeng trong một lịch sử đầy biến động và thăng hoa của Hàn Quốc phải kể đến “Hwang Jini”, “The Gisaeng”, “Non-gae”, “Love, Lies”… và đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả trong nước cũng như quốc tế.
Hương Trần / Theo: thongtinhanquoc
No comments:
Post a Comment