Rượu gặp bạn hiền ngàn chén ít,
Lời không hợp ý nửa câu nhiều.
Trải qua hàng nghìn đời nay, việc uống rượu đã trở thành một nét sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của nhân loại. Nhưng uống rượu như thế nào cho lành mạnh và thực sự có văn hóa lại là một vấn đề khác, như góc nhìn sau đây của người trong cuộc về rượu và việc uống rượu…
Rượu có nguồn gốc từ xa xưa, được ưa chuộng rộng rãi trong giới quý tộc đến bàn dân trăm họ. Tuy nhiên, ngày nay văn hóa uống rượu đã ngày càng trở nên biến chất... (Ảnh: Shutterstock)
Từ đó đến nay, rượu đã trở thành một thức uống không thể vắng mặt dù là trong yến tiệc linh đình của những ông hoàng bà chúa, hay chỉ là bữa cơm với “mâm bát chạp xoàng” của kẻ thảo dã; từ việc hâm nóng những cuộc vui hào sảng của huynh đệ hải hồ, đến việc làm bạn với nỗi niềm thầm lặng sâu kín của kẻ độc ẩm.
Uống rượu làm vị giác được thỏa mãn, tinh thần cũng hưng phấn và thăng hoa hơn; ai e dè, thì bớt e dè hơn; ai vốn tính trầm lặng, có rượu vào lại thấy dễ mở lời; ai buồn đau, rượu sẽ giúp quên sầu nhân thế… Uống rượu và bình phẩm về rượu lại còn được coi là một trong những “lạc thú” của những kẻ sành chơi.
Từ chén rượu trong thi văn
Cũng vì những nguyên do trên mà rượu đã đi vào thi ca và văn đàn với muôn hình vạn trạng tình huống của cuộc sống. Chắc chẳng mấy ai là không biết câu: “Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu”. Người ta thấy quả thực là: Uống rượu ngàn chén với người tri kỷ thì hãy còn là thiếu. Tri kỷ xưa nay "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", lúc giao cảm tinh thần ít khi thiếu vắng rượu. Vì rượu đưa đẩy cho câu chuyện càng thêm nồng đượm, để “lòng mở với lòng, thơ kết duyên”.
Uống rượu làm vị giác được thỏa mãn, tinh thần cũng hưng phấn và thăng hoa hơn; ai e dè, thì bớt e dè hơn; ai vốn tính trầm lặng, có rượu vào lại thấy dễ mở lời; ai buồn đau, rượu sẽ giúp quên sầu nhân thế… (Ảnh: redsvn.net)
Thói thường phải có chén rượu thì mới có “xúc tác” để khơi nguồn cho những kiệt tác thi văn của danh sĩ. Cũng giống như Tô Đông Pha, uống rượu say rồi múa dưới bóng trăng mới có những vần thơ tuyệt phẩm:
“Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nào…”
(Trích: “Thủy điệu ca đầu”)
Còn khi buồn thì sao? Thi Tiên Lý Bạch viết: “Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu”. (Đại ý là: “Rút dao chém nước, nước trôi mau. Nâng chén tiêu sầu, sầu thêm sầu). Hoa đã trôi hữu ý, nước lại chảy vô tình. Ngày tháng qua đi chỉ còn lại trăm mối tơ vò trong lòng cảm hoài muôn thuở kiếp nhân sinh bất đắc ý. Muốn mượn chén rượu để quên sầu mà thấy khó thay!
Vậy lúc mất đi bạn vàng thì sao? cũng lại mượn hình ảnh chén rượu đầy vơi ra để khóc, như cụ nghè Nguyễn Khuyến khóc tri kỷ Dương Khuê:
“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
Đến sau thời kỳ bối cảnh lịch sử xã hội mà nhà thơ Nguyễn Khuyến từng sinh sống, các thi nhân Việt Nam thuộc phong trào “Thơ Mới” đã than thở nỗi chán chường thời thế và nhân thế của mình với bạn văn như thế nào? Ta hãy lắng nghe khí khái ngang tàng kiêu bạc của thi nhân Nguyễn Vỹ gửi tới bạn mình là giáo sư Trương Tửu:
“Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác
Mà coi đồng tiền như cái rác
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang
… Rồi ngủ một đêm mộng với mê
Sáng dậy, nhìn nhau cười hê hê”
(Trích: “Gửi Trương Tửu”)
Vậy đó, lại vẫn là những dòng thơ chếnh choáng hơi men và miên man mùi rượu!
Từ xưa đến nay, rượu đã trở thành một thức uống không thể vắng mặt dù là trong yến tiệc linh đình của những ông hoàng bà chúa, hay chỉ bữa cơm với “mâm bát chạp xoàng” của kẻ thảo dã... (Ảnh: Shutterstock)
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Dịch thơ:
“Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười ?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!”
(Bản dịch: Trần Trọng San)
Xưa nay đã là anh hùng hảo hán thì phải biết uống rượu. Như Võ Tòng chẳng hạn, mấy lần oanh oanh liệt liệt: đánh hổ trên đồi Cảnh Dương, đả bại Tưởng Môn Thần... đều là trong tình trạng ngất ngất ngư ngư sau hàng chục bát rượu mà vẫn tựa hồ chưa say, tựa hồ chưa thỏa. Nói chung, hảo hán Lương Sơn thời ấy là ăn thịt bằng cân, uống rượu bằng bát lớn.
Người ta cũng được thưởng thức phong cách hào sảng đó ở hảo hán Tiêu Phong, nhân vật Bang chủ Cái Bang trong tuyệt tác kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Người anh hùng mang dòng máu Khiết Đan này trọng bạn khinh sắc và mê nhất là rượu. Đến lúc Tiêu Phong buộc phải phân cuộc sinh tử với các bạn cũ ở Tụ Hiền Trang và Thiếu Lâm Tự, cũng là mời các bằng hữu uống một trận thỏa thích cho đoạn tình, rồi mới đến màn đao kiếm phân hùng, máu chảy đầu rơi!
Xưa nay đã là anh hùng hảo hán thì phải biết uống rượu. Hảo hán Lương Sơn thời ấy là ăn thịt bằng cân, uống rượu bằng bát lớn. (Ảnh: Shutterstock)
Nào là: uống rượu đất Phần phải dùng chén ngọc, để làm cho sắc rượu thêm phần rực rỡ; Rượu trắng ngoài quan ải phải uống bằng chén sừng tê thì mùi vị mới thuần mỹ phi thường; Rượu Bồ Đào thì phải uống chén dạ quang mới có hào khí; Rượu cao lương thì phải dùng chén “tước” bằng đồng xanh mà uống mới đủ cổ kính; lại như loại “Bách Thảo Tửu” vốn dĩ là thứ rượu ngâm với trăm loại hoa thơm cỏ lạ thì phải dùng chén bằng gỗ cổ đằng thì mùi thơm mới tăng lên bội phần... khiến cho Lệnh Hồ Xung, một kẻ quý rượu còn hơn cả sinh mệnh, tiếc rằng xưa nay chưa từng được tiếp cận với văn hóa ẩm tửu thú vị và đệ nhất công phu đến thế, cũng phải say sưa lắng nghe đến tròn mắt há miệng.
Không chỉ ở xứ Á Đông, người Phương Tây cũng rất coi trọng rượu. Athos, nhà quý tộc hoàn hảo của Ba chàng lính ngự lâm, là người rất sành về rượu. Để giải hòa những xích mích và nối lại tình bạn keo sơn sau 20 năm xa cách, Athos đã chẳng chút lưỡng lự mà gọi ra bốn chai rượu champagne. Dù cho mọi người đều biết anh ta vốn đã bỏ rượu từ lâu và ghê sợ nó đến mức nào.
Văn hóa uống rượu của Phương Tây cũng hết sức phong phú và tinh tế với rất nhiều dòng rượu khác nhau. Đằng sau mỗi chai rượu vang hay whisky là cả câu chuyện lịch sử thăng trầm của một dòng họ và dân tộc. Chẳng thế mà đến Hollywood cũng phải sản xuất những bộ phim nổi tiếng về đề tài ấy, như tác phẩm điện ảnh lãng mạn “A Walk in the Clouds” do tài tử Keanu Reeves đóng vai chính. Nếu như trong văn hóa Trung Hoa xưa có Đỗ Khang được phong danh là Tửu Thần, thì Phương Tây (Hy Lạp cổ) cũng sẽ có Tửu Thần Bacchus, thật là “Đông - Tây đề huề”.
Văn hóa rượu của Phương Tây cũng rất phong phú và tinh tế với nhiều dòng rượu khác nhau. Đằng sau mỗi chai rượu vang hay whisky là cả câu chuyện lịch sử thăng trầm của một dòng họ và dân tộc. (Ảnh: Pexels)
Đến văn hóa uống rượu hiện nay
Người viết bài này cũng từ chỗ “mê mẩn” với văn hóa uống rượu xưa mà trở thành một người không biết từ chối “cái sự khề khà”. Những cuộc vui bên mâm rượu dường như cũng không hề ít. Nhưng thông thường mọi sự mọi việc đều có hai mặt, rượu cũng thế. Rượu chỉ đẹp trong thơ văn và chỉ có ý nghĩa khi người ta biết uống có điểm dừng.
Bởi vì, tác hại của việc sa đà quá chén là hết sức khôn lường. Giống như một nhà hóa học nổi tiếng đã nói: “Một chất được coi là độc, là bởi nồng độ của nó”. Vì thế, uống đôi chén thì còn được, nhưng nhiều hơn nữa thì mọi việc dường như mỗi lúc lại trở nên không còn còn tốt nữa: “Ly thứ nhất: cạn; ly thứ hai: sóng sánh trên môi; ly thứ ba chao đảo phương trời; ly thứ tư lờ đờ nhân ảnh”!
Văn hóa uống rượu thời xưa đến nay đã mai một quá nhiều. Người ta không còn coi việc uống rượu là một thú chơi, một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, một sự thưởng thức tinh tế và có chừng mực. Nhiều người đã trở thành “con sâu rượu” khiến cho bản thân trở nên bị lệ thuộc và trở thành nô lệ của ma men: Bất kể có lý do gì cũng uống. Không có lý do gì cũng uống! Không có lý do thì tự nghĩ ra. Đông người cũng uống, một mình cũng uống!…
Đến cuộc vui mới ghê! Nhập tiệc mà không uống rượu, nhẹ thì bị kỳ thị, hắt hủi, mỉa mai. Nặng thì bị mắng chửi, bị đuổi ra! Có khi cũng chỉ vì chuyện uống rượu mà xảy ra xô xát. Lại còn có người coi cái việc uống rượu kia trở thành một cuộc thi đấu chết bỏ về bản lĩnh đàn ông! Mà việc uống rượu ấy đâu chỉ riêng có ở các đấng mày râu. Gần đây, cả cánh chị em cũng sa đà nhập cuộc. Họ uống đến mức không còn một chút lí trí và thực sự không còn biết rượu ngon hay không ngon ở chỗ nào nữa.
Văn hóa uống rượu thời xưa đến nay đã mai một quá nhiều. Nhiều người đã trở thành “con sâu rượu” khiến cho bản thân trở nên bị lệ thuộc và trở thành nô lệ của ma men...
Trong khi uống rượu, có những người như biến thành một kẻ hoàn toàn khác, họ phô bày hết các góc tối của tâm hồn mình. Có đôi khi, một vài hình ảnh trong cuộc nhậu làm người ta thấy buồn và thấy nhớ về một đoạn văn xưa: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…” (Trích: “Chí Phèo” – Nam Cao).
Có nhiều người, tuổi cũng đã quá độ: “tứ thập nhi bất hoặc”, tức là cái tuổi mà thời xưa các cụ cho rằng đã đủ hiểu sự đời; Họ "thân đã trải trăm trận", không phải là trận mạc oai hùng, mà là trận nhậu. Họ hiểu lắm lắm về tác hại của rượu, cho nên trong nhà cũng luôn tàng trữ các loại thuốc, thảo dược giải rượu. Ở bên ngoài thì họ nghiến răng chạm cốc, hết “cao bằng” đến “bắc cạn”, uống không dám để lại một chút xíu “long đen”; về đến nhà thì hộc tốc uống thuốc giải. Thấy sao mà xót xa!
Trang Tử có câu: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ”, tạm dịch là: “người quân tử kết giao nhạt như nước lã, tiểu nhân kết giao nồng như rượu”. Người quân tử lấy lòng thành mà đối đãi nhau, dẫu bề ngoài dường như có vẻ phẳng lặng chẳng vồn vã mà bên trong thực là chí tình chí nghĩa; đâu giống như kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi, bề ngoài chan chát cụng ly, chén tạc chén thù, mồm miệng thì tràn trề chúc tụng, thật là đầy vẻ ngon mắt và mùi tai... thế nhưng trong lòng lại nghĩ cách làm khó nhau đủ điều.
Ấy là nói về người, còn về rượu bây giờ cũng không còn giữ được sự thuần khiết của nó nữa. Có người cái gì cũng đem ngâm rượu, không chỉ rắn, rết, mà còn cả bọ cạp, chim chóc nguyên lông, bò sát nguyên nội tạng, đến cả quả và hoa anh túc… thôi thì đủ thứ đủ loại, Hỡi ôi, cứ gọi là loạn “bát nháo xì ngầu”. Chẳng hiểu cái văn hóa ấy ở đâu ra? Và nó bổ béo dựa trên cơ sở nào? Hay là sản phẩm tùy hứng? Uống những thứ ấy vào người có khi còn sinh bệnh lạ. Chưa kể đến vấn nạn rượu giả.
Đến mức ấy rồi thì uống rượu còn đâu vẻ đẹp, còn đâu chất thơ, còn đâu phong độ của bậc quân tử cao nhã!… Người say mê vẻ đẹp của “tiên tửu” cũng đành ngậm ngùi buông chén say sưa. Nhưng những cuộc rượu trong thiên hạ thì vẫn còn liên tu bất tận, để lại bao hậu quả đáng tiếc cho con người và xã hội. Và vì thế câu chuyện về rượu vẫn chưa có hồi kết. Xin hẹn gặp lại quý độc giả trong những kỳ tiếp theo về chủ đề rượu.
Chế Tửu / Theo: ntdvn
No comments:
Post a Comment