Wednesday, February 17, 2021

HOÀNG ĐIỂU CA - BÀI THƠ TÌNH ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ HÀN QUỐC

Bài thơ tình đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc: Tại sao ái thiếp vua Lưu Ly nổi giận bỏ về cố quốc?

“Dẫu có là vị vua trên ngôi cao kia thì cũng không thoát khỏi nỗi đau buồn vì cô độc khi đánh mất người mình yêu thương nhất”.


Đó là tinh thần chính được truyền tải qua bài thơ Hoàng Điểu ca (황조가), được sáng tác bởi Lưu Ly Vương (유리왕) nhà Cao Câu Ly (고구려) vào những năm 17 Trước Công Nguyên.

Theo những ghi chép còn lại cho đến ngày nay, bài thơ Hoàng Điều ca được công nhận là bài thơ tình đầu tiên và có tuổi đời lớn nhất trên cả chiều dài lịch sử văn học cổ đại Hàn Quốc. Tác giả của Hoàng Điểu ca là Lưu Ly Vương, vị vua đời thứ 2 của triều đại Cao Câu Ly (고구려), con trai của huyền thoại khai quốc Đông Minh Vương Chu Mông (주몽).

Tranh minh họa cảnh săn bắn của nhà vua

Lưu Ly Vương được miêu tả trong Tam Quốc Sử kí (삼국사기) là một vị vua có tài quân sự, tính cách mạnh mẽ. Một trong những chiến công nổi bật của Lưu Ly Vương là chinh phạt quân Hung Nô vào năm 3 TCN. Bên cạnh đó, Lưu Ly Vương còn là một người có khiếu làm thơ, và bài thơ nổi tiếng nhất cho đến ngày nay là Hoàng Điểu ca, được nhà vua viết dựa trên chính cuộc tình buồn của bản thân.

Hòa cơ (phải) – Trĩ cơ (trái), ảnh minh họa

Chuyện kể rằng vương hậu họ Tùng của Lưu Ly Vương mất sớm. Nhà vua không lập Kế hậu mà nạp thêm hai người thiếp. Một là Hoà cơ, con gái của quí tộc Cao Câu Ly, người còn lại là Trĩ cơ con gái của một gia đình gốc Hán (Trung Hoa xưa).

Hai vị ái thiếp luôn đối đầu nhau, ảnh minh họa

Hai vị thiếp vì tranh giành sủng ái của đại vương mà chưa từng có một ngày hoà thuận. Vì vậy, Lưu Ly Vương ban cho hai nàng hai cung điện xa nhau nhất, một người ở Đông Cung, một người ở Tây Cung. Đáng tiếc, hai mỹ nhân chung chồng thì không thể không đấu đá, dù có sắp đặt chỗ ở như vậy thì vẫn không thể ngăn được những màn cãi vã của cả hai.

Hòa cơ nặng lời mắng nhiếc Trĩ cơ, ảnh minh họa

Đỉnh điểm là vào một hôm khi Lưu Ly Vương đã vắng mặt ở hoàng cung tròn 7 ngày do bận đi săn bắn. Hoà cơ, vị thiếp xuất thân quý tộc Cao Câu Ly bỗng nhiên thân chinh đến tận tẩm cung của Trĩ cơ, vị thiếp người Hán để gây hấn. Giữa lúc lời qua tiếng lại, Hoà cỡ bỗng nhiên chỉ tay vào Trĩ cơ mà mắng “Thứ thô lỗ như ngươi sao có thể làm thiếp của đại vương”.

Trĩ cơ thẹn quá hóa giận bỏ về nhà mẹ, ảnh minh họa

Trước lời mắng nhiếc của Hoà cơ, Trĩ cơ thẹn quá hóa giận, bỏ hẳn hoàng cung Cao Câu Ly mà chạy về nhà mẹ ở nước Hán.

Nghe được tin ái thiếp bỏ đi giữa lúc đang đi săn, Lưu Ly Vương vội vã trở về kinh thành và đuổi theo Trĩ cơ, nhưng Trĩ cơ đã đi thật xa và không bao giờ quay lại nữa. Sau một chặng đường rong ruổi vất vả nhưng vẫn không đuổi kịp Trĩ cơ, Lưu Ly Vương bắt đầu cảm thấy mệt mỏi lẫn chán chường nên đã dừng bên một gốc cây vệ đường tạm nghỉ.

Nhà vua trên đường tìm Trĩ cơ

Giữa lúc đang suy nghĩ về Trĩ cơ, bỗng dưng hình ảnh một đôi chim hoàng điều đang quấn quýt bên nhau trên tán cây đập vào mắt nhà vua. Nhìn chim hoàng điểu trống mái có đôi mà bản thân lại cô độc, xót xa cho tình cảnh mình, nhà vua bèn dựa vào cảnh vật trước mắt mà viết ra một bài thơ để giải toả nỗi lòng. Bài thơ ấy chính là Hoàng điểu ca.

황조가 (Hoàng điểu ca)

편편황조
자웅상의
염아지독
수기여귀


黃鳥歌 (Hoàng điểu ca)

翩翩黃鳥
雌雄相依
念我之獨
誰其與歸

Phiên phiên hoàng điểu
Thư hùng tương y
Niệm ngã chi độc
Thuỳ kỳ dữ quy

(Bản dịch Hán Việt)

Hoàng anh phơi phới
Trống mái sống đôi
Xót ta cô độc
Biết về cùng ai

(Bản dịch thuần Việt – Phan Thị Thu Hiền)


Đến cả loài vật còn có đôi mà vui vầy bên nhau như thế, còn thân ta giờ đây một mình quạnh hiu cô độc. Thân là vua một nước nhưng vẫn phải chịu cảnh li biệt với người mình yêu. Tâm trạng nặng nề đến nỗi không dứt ra được. Từ nay về sau cả đời phải chịu cô độc, nào có ai bầu bạn quấn quýt như đôi chim kia.

Ý thơ nhớ nhung nồng nàn cùng xót xa vô cùng chứa đựng lời tâm sự của vị vua si tình cho ái thiếp đã rời đi xa.

Về sau, bài thơ được hậu thế viết thành một bài hát, cũng lấy tên là Hoàng điểu ca (황조가), là một bài tình ca có giai điệu nhẹ nhàng, êm ái, rất được ưa thích. Bản thân Hoàng điểu ca, bài thơ tình đầu tiên của lịch sử cũng dần trở nên quen thuộc với người Hàn Quốc khi trở thành một trong những nội dung cần ôn cho môn Quốc ngữ ở cả hai kì thi Đại học và thi Công chức.

Như Phương / Theo: TTHQ


No comments: