Phần lớn mọi người đã quá quen thuộc với những bộ hanbok nhiều màu sắc, kèm theo phụ kiện duyên dáng cài lên mái tóc thiếu nữ.
Nhưng mấy ai biết được, phụ nữ Joseon xưa từng mặc hanbok hở ngực. Hơn nữa đây còn là đặc quyền của một số người, không phải ai cũng có cơ hội diện trang phục này.
Hanbok – trang phục truyền thống của dân tộc Hàn
Theo tài liệu được ghi chép lại, hanbok xuất hiện lần đầu tiên tại triều Cao Câu Ly (고구려). Qua nhiều biến đổi trải dài suốt các triều đại lịch sử, hanbok hiện đại ngày nay khá giống với thời Joseon.
Quá trình biến đổi của hanbok thời trung – hậu kỳ Joseon
Hanbok gồm có 2 phần chính: jeogori (저고리: phần áo) và chima (치마: phần váy). Hanbok nam giới cũng được cấu tạo bởi phần áo và baji (바지: quần rộng đũng). Dân tộc Hàn khi xưa mặc hanbok trong sinh hoạt hàng ngày.
Phần váy của hanbok rộng và dài, tượng trưng cho mong ước cuộc sống sung túc, ấm no. Đồng thời, nó cũng nói lên tính cách đặc trưng của dân tộc Hàn: chất động nhiều hơn tĩnh, khẩn trương (do mang trong mình chất du mục săn bắn và chăn nuôi Siberia). Phần váy rộng che đi vóc dáng người nữ. Điểm này khác với chiếc áo dài của dân tộc Việt Nam, ôm khít đường cong của người phụ nữ, tôn lên vóc dáng của người phụ nữ.
Thời Joseon, hanbok còn được phân chia theo tầng lớp xã hội. Phụ nữ quý tộc có trang phục nhiều sắc màu, kỹ sinh (gisaeng) mặc hanbok diêm dúa, phụ nữ thường dân chỉ mặc hanbok trắng đơn giản.
Các bức tranh dân gian (풍속화) thời hậu Joseon họa lại hình ảnh phụ nữ thường dân với jeogori bị kéo lên quá cao khiến không ít người nhìn phụ nữ Joseon trong tranh dân gian mang nhiều nhục dục.
Đương thời, người nước ngoài cũng vô cùng bất ngờ khi nhìn vào trang phục của phụ nữ Joseon. Nhiều hình ảnh phụ nữ Joseon trong trang phục lộ ngực được người phương Tây chụp lại vào những năm 1900. Những bức hình này là chứng cứ khách quan cho thấy: quả thực, hình ảnh này có thật trong lịch sử bán đảo Hàn Quốc.
Tác phẩm của họa sỹ Paul Jacoulet (1896-1960), được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Hàn Quốc năm 2006.
Không chỉ người nước ngoài, nhiều người trẻ Hàn Quốc cũng thấy ngượng đỏ mặt khi xem cảnh tượng đó. Thực ra, trang phục Hanbok hở ngực này mang nhiều ý nghĩa về phong tục xưa, chứa đựng cả những trang sử đau thương của dân tộc Hàn.
Áo jeogori ngắn – hanbok “cách tân”
Thời hậu Joseon có nhiều họa sỹ tranh dân gian nổi tiếng như Kim Heung Do, Shin Youn Bok, Kim Deuk Shin… Tranh dân gian họa lại cuộc sống con người, và được phổ biến trong dân chúng.
Trong những sinh hoạt hàng ngày được họa nên có tầng lớp lưỡng ban, trung nhân, thường dân và cả nô lệ. Đây là nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu sau này khi tìm hiểu về xã hội Joseon. Và đương nhiên, trong đó có hanbok của phụ nữ thời đại này.
Jeogori vốn dĩ dài, thậm chí ở thời Tam Quốc, nó có thể che được eo của người nữ. Nhưng ở thời Joseon, jeogori co nhỏ, ngắn lại dần. Nhiều thuyết cho rằng trang phục “cách tân” này bắt nguồn từ kỹ sinh, sau đó được giới lưỡng ban học theo, cuối cùng đến tầng lớp bình dân.
Hanbok nước Silla, với jeogori dài
Khoảng những năm 1600, jeogori dài khoảng 60 ~ 80 cm. Đến những năm 1700, chiều dài của jeogori còn khoảng 45cm. Một thế kỷ sau, jeogori tiếp tục ngắn lên, dài khoảng 35 cm và đến những năm 1900 chỉ còn khoảng 22 cm.
Có thể thấy xu hướng ngắn dần, nhỏ dần ở jeogori. Nhiều học giả còn đặt ra giả thuyết độ dài của jeogori gắn liền với địa vị của người nữ. Thời Tam Quốc, người phụ nữ có vị thế trong xã hội, chỉ đến khi Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc thời Joseon, người nữ mất dần chỗ đứng. Đến cuối thời Joseon, jeogori ngắn tới mức không thể che được phần ngực phụ nữ.
Vì jeogori quá ngắn, nên phụ nữ Joseon dùng một lớp vải trắng (흰 천) để cuốn quanh ngực. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ có kỹ sinh và tầng lớp giàu có mới dùng tấm vải này. Do đó, các bức tranh dân gian vẽ phụ nữ tầng lớp thường dân trong trang phục đời thường để lộ phần ngực xuất hiện.
Thời điểm này, việc lộ ra phần chân hay phần đùi đối với người phụ nữ được cho là “hư hỏng” hơn so với để lộ phần ngực. Hơn nữa, có nhiều bức ảnh người phụ nữ cùng chồng và những đứa trẻ trong công việc thường ngày. Qua đó có thể thấy người Joseon không hề coi jeogori ngắn là suy đồi đạo đức.
Phụ nữ gội đầu, giặt giũ bên sông. Xa xa có người thợ săn, đã chạm mắt với người nữ. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường.
Hanbok hở ngực – chiến tích tự hào của phụ nữ Joseon
Tuy trở nên thịnh hành như một “thời trang” mới, nhưng không phải mọi phụ nữ Joseon đều mặc trang phục này. Ngoại trừ phụ nữ lưỡng ban và kỹ sinh mặc jeogori ngắn với chiếc khăn trắng cuốn che phần ngực, một số phụ nữ thường dân cũng mặc jeogori “cách tân”. Hanbok hở ngực trở thành niềm tự hào mà không phải người phụ nữ nào cũng có vinh dự mặc.
Không phải mọi phụ nữ Joseon đều mặc hanbok hở ngực. Kỹ sinh mặc hanbok với jeogori ngắn nhưng có lớp vải trắng cuốn bên trong.
Nho giáo du nhập vào bán đảo Hàn Quốc từ đầu triều đại Joseon, đến hậu kỳ, nó trở nên mạnh mẽ và “biến tướng” cực độ. Thiếu sót lớn nhất của Nho giáo là coi thường phụ nữ, yếu điểm này trở nên vô cùng khắt khe ở thời kỳ hậu Joseon.
Tại thời điểm này, sinh con trai được coi là “năng lực” của người phụ nữ, thậm chí sinh con trai đầu lòng lại càng tự hào. Chỉ những người nữ sinh được con trai mới có thể mặc hanbok có jeogori ngắn làm trang phục thường ngày. Do đó, trang phục “cách tân” này trở thành minh chứng cho năng lực của người nữ thời Joseon.
Bên cạnh đó, vào những ngày hè oi bức, sữa mẹ cũng trở nên nóng hơn và không tốt cho trẻ. Người phụ nữ có con mặc trang phục này để tiện cho con bú, mặt khác tránh làm nóng sữa. Do đó, hanbok lộ ngực còn được coi là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, được ca ngợi qua các bức họa.
Ngoài ra, người phụ nữ trong chiếc jeogori ngắn đang làm việc nhà cũng là chủ đề phổ biến của tranh dân gian thời kỳ này. Người nữ Joseon chăm chỉ, mải miết làm việc nhà khiến chiếc áo ngắn bị kéo lên. Những bức tranh để lại hàm ý ca ngợi đức tính này của người nữ.
Biểu tượng của tình mẫu tử của phụ nữ thời hậu Joseon
Cuối thời Joseon, văn hoá phương Tây như một làn gió mới thổi vào bán đảo Hàn Quốc. Nhận thức người dân được nâng cao do giao lưu văn hoá. Phân tầng giai cấp trong xã hội cũng dần mất đi. Hanbok hở ngực nhanh chóng “lỗi mốt” và biến mất khỏi bán đảo Hàn.
Jeogori ngắn, trang sử đau thương của dân tộc Hàn
Ba bức hình trên từng được coi là bằng chứng cho việc phụ nữ thời Joseon thường xuyên để lộ bầu ngực. Tuy nhiên, những chứng cứ này đã được chứng minh là giả mạo, không phải do chụp trong sinh hoạt, nhưng được dàn dựng tại studio.
Câu chuyện về những bức ảnh này được phát sóng vào ngày 19/08/2007, trong tập 96, tập đặc biệt của SBS. Buổi phát sóng có chủ đề “Bức ảnh Nhật trị, bí mật và dối trá” (일제사진, 그 비밀과 거짓말).
Nhật Bản đã dùng những hình ảnh này để làm bưu thiếp hoặc tem, sử dụng rộng rãi và gửi chúng đi khắp nơi. Qua đó, đế quốc Nhật xuyên tạc hình ảnh Joseon trước quốc tế: là một đất nước nguyên thủy, lạc hậu. Nhật đến để khai sáng, biến Joseon trở thành quốc gia hiện đại.
Nhật Bản có ý đồ khơi dậy sự tò mò mang tính nhục dục của quốc tế về một Joseon nguyên thủy. Cũng qua đó, họ tạo ra lý do hiển nhiên để thống trị Joseon.
Hàn Quốc phản bác lại rằng dù jeogori có ngắn đi chăng nữa, nhưng phần ngực sẽ không lộ liễu như trong ảnh. Hơn nữa, nếu bức ảnh chụp sinh hoạt hàng ngày, bức ảnh sẽ trông có hồn hơn. Trong khi những bức ảnh trên chỉ giống như người mẫu đứng vào khung ảnh và chụp theo yêu cầu, không có biểu hiện gì như đang sinh hoạt thường ngày.
“조선에서 온 사진엽서” của tác giả Kwon Hyuk Hee
Nhiều học giả cũng đã đề cập đến vấn đề này trong các tác phẩm, nghiên cứu của mình. Trong đó Kwon Hyuk Hee ở cuốn “조선에서 온 사진엽서” (tạm dịch: Những tấm bưu thiếp đến từ Joseon) trang 206 ~ 209 đã nhận định như sau:
“Trong số những tấm bưu thiếp phụ nữ Joseon, kích thích và thú vị nhất chính là hình ảnh bầu ngực bị đưa ra ngoài áo. Nhật Bản cố ý biến người phụ nữ Joseon trở thành đối tượng tình dục. Chúng muốn thấy tính nguyên thủy và lạc hậu nơi phụ nữ thuộc địa”.
“Những bưu thiếp này gồm 2 loại. Hình ảnh tình mẫu tử, khi người mẹ cho con bú, và hình ảnh người nữ đang làm việc nhà. Nổi bật trên đó là chiếc jeogori ngắn khiến bầu ngực lộ ra ngoài”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, những hình ảnh trong danh thiếp đều cho thấy rõ ý đồ của Nhật: cố ý tạo nên hình ảnh nhục dục. Bằng chứng là những tấm ảnh đều được chụp trong studio”.
“Dưới lớp jeogori ngắn không phải chỉ là thoáng qua, nhưng là hình ảnh toàn bộ bộ ngực người phụ nữ. Có thể thấy rằng họ đã cố tình dùng camera và yêu cầu cô gái làm mẫu chụp”.
Hình ảnh phụ nữ Joseon thời Nhật trị
Hanbok hở ngực đã từng là một nét văn hóa của thời kỳ hậu Joseon. Hình ảnh bộ hanbok là trang sử ghi lại chân thực một xã hội trọng nam, hà khắc với phụ nữ. Bên cạnh đó, nó vẫn gắn với hình ảnh tình mẫu tử thiêng liêng, ca ngợi vẻ đẹp cần cù của người phụ nữ Joseon.
Hình ảnh những bộ Hanbok với jeogori ngắn đến hở ngực nay chỉ còn lưu lại qua những tấm ảnh xưa. Đôi khi, chứng tích này khiến người trẻ “hốt hoảng” khi nhìn thấy chúng, tưởng là ảnh dâm tục. Nhưng hoá ra lại gắn liền với phong tục, ý nghĩa cao đẹp và cả giai đoạn lịch sử đau thương của Hàn Quốc.
Mai Huyên / Theo: thongtinhanquoc