Monday, May 2, 2022

TẶNG NGƯỜI LỜI NÓI, QUÝ NHƯ CHÂU BÁU, HẠI NGƯỜI BẰNG LỜI, HƠN CẢ KIẾM GIÁO

Trong tiếng Hán, “Khẩu” (nói) còn có nghĩa là lưỡi dao, gươm… như: “đao khẩu” 刀口 (lưỡi đao), “kiếm khẩu” 劍口 (lưỡi kiếm). Khẩu cũng có nghĩa là Người (hộ khẩu: số người trong một hộ gia đình)


Từ nội hàm của chữ Hán có thể thấy, lời nói đại diện cho một người, lại có khả năng như một thứ vũ khí, có thể gây sát thương.

Tôn Tử có lời răn: “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”.

Lời nói, ngôn ngữ là phương tiện con người kết nối với nhau. Lời nói khiến mối quan hệ ấm áp cũng có thể khiến nó trở nên lạnh giá, khiến người cảm động mà cũng có thể gây nên oán hận suốt đời. Lời nói không có hình, âm thanh không có khối, nhưng sức mạnh của nó thật không thể xem thường.

Marshall Rosenberg – nhà tâm lý học, nhà hòa giải, tác giả và giáo viên người Mỹ, trong các nghiên cứu về giao tiếp xã hội của mình, thấy rằng: “Có lẽ chúng ta không cho rằng cách nói chuyện của mình là bạo lực, nhưng ngôn ngữ đích thị là thứ gây ra nỗi đau khổ giữa chúng ta và người khác”.

Lời nói đùa biến Lễ trao giải Oscar thành thảm họa

Sự cố hy hữu đi vào lịch sử trong Lễ trao giải Oscar năm nay khi Will Smith tát vào mặt Chris Rock, một diễn viên hài kiêm MC chương trình trước hàng chục triệu khán giả xem trực tiếp, là bằng chứng sống động cho thấy một lời nói đùa cợt kém duyên có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức nào.

Phản ứng của Will Smith sau đó trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt khi một nửa ngưỡng mộ việc anh ra tay bảo vệ người vợ bé nhỏ, trong khi một nửa còn lại lên án hành động bạo lực bột phát và thiếu kiểm soát nhân danh tình yêu của diễn viên gạo cội trải qua bốn thập kỷ vinh quang và hầu như không có vết nhơ.

Tất cả bắt đầu từ một câu đùa của người dẫn chương trình Chris khi so sánh cái đầu trọc của Jada – vợ Smith – với cái đầu trọc của diễn viên chính do Demi Moore thủ vai trong “G.I Jane”. “Jada, tôi mến cô vô cùng. Tôi mong chờ được xem G.I Jane phần 2”.

Demi Moore. Ảnh: Printerest

Nhưng nếu như trong phim G I Jane, Demi Moore tự cạo trọc đầu để vào vai cô gái đầu tiên của lịch sử đào tạo lính đặc nhiệm thì Jada Pinkett-Smith, bị một chứng bệnh rụng tóc có tên là Alopecia.

Đối với bất kỳ phụ nữ nào thì rụng tóc đều là một chuyện đáng sợ, chưa nói đến mức rụng hết tóc thì đó giống như một cơn ác mộng (ngoại trừ việc nó không phải là giấc mơ), nhất là khi Jada là một ca sĩ và diễn viên, lại là vợ của một ngôi sao điện ảnh danh tiếng, rõ ràng vẻ ngoài với cô vô cùng quan trọng.

Cũng phải nói thêm rằng Jada là người phụ nữ gốc Phi nơi mà những bộ tóc tết kiểu là một bản sắc văn hóa nổi bật, điều đó càng cho thấy việc rụng tóc đối với Jada là một sự mất mát lớn đối với vẻ đẹp nữ tính và nguồn gốc văn hóa sâu xa nơi cô thuộc về. Khi thấy tóc mình dần rụng thành từng mảng, Jada chia sẻ cô cảm thấy “cả cơ thể run rẩy trong sợ hãi”.

Trải qua những ngày tháng khó khăn chịu đựng căn bệnh quái ác, sau hơn 2 năm, Jada mới có đủ dũng cảm để chia sẻ về trải nghiệm đáng sợ của cô và đăng bức ảnh mình với cái đầu trọc trên trang cá nhân. Cô đã cố gắng chấp nhận nó như một phần của cuộc sống và xuất hiện tại các sự kiện lớn mà không cần đội tóc giả. Dường như cô đã học cách để tự hào về chính vẻ đẹp hiện tại của mình cho dù nó không như ý muốn.

Rõ ràng, sự mạnh mẽ của Jada chắc chắn cũng không hề kém Jane – nữ chiến binh kiên cường trong G.I Jane khi chấp nhận đối đầu với sự kỳ thị, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành một điệp vụ giải cứu nguy hiểm.

Nhưng chắc rằng người dẫn chương trình, Chris Rock không nhận ra sự khác biệt quan trọng khi anh ta ví Jada với Jane bởi vẻ ngoài trọc lốc của hai người phụ nữ.

Jada Pinkett Smith. Ảnh: Axelle/Bauer-Griffin / Getty Images

Bởi nếu như Jane tự nguyện cạo trọc đầu để chứng tỏ bản thân và chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt của mình thì Jada là nạn nhân của một căn bệnh cô không hề mong muốn. Cho nên hành động đem nỗi mất mát đau đớn của một người phụ nữ đang chịu đựng bệnh tật trong một sự kiện đang có cả triệu người theo dõi để pha trò khiến lời nói đùa của Rock trở nên kém duyên, gần như ác ý và gây tổn thương sâu sắc.

Hành động phản ứng bạo lực của Will để đáp trả lại câu đùa lố lăng của Smith gây tranh cãi dữ dội sau đó. Hầu hết mọi người tranh luận về việc nên hành động thế nào trong tình huống tương tự nhưng dường như họ lại coi việc một lời nói đùa cợt là chuyện bình thường, và vấn đề chỉ là chúng ta nên đáp trả lại ra sao.

Trong nhiều trường hợp, sự đùa cợt không chỉ không đem lại niềm vui mà thậm chí trở thành một thứ bạo lực tinh thần.

Việc đem các ngôi sao khác ra giễu cợt mua vui để chứng tỏ khiếu hài hước nhằm tạo tiếng cười cho khán giả không phải là chuyện xa lạ trên sân khấu Oscar. Nhưng đùa cợt là một con dao hai lưỡi mà ranh giới giữa giữa hài hước và khiếm nhã cực kỳ mong manh. Rõ ràng lời nói đùa kém duyên của một MC diễn viên hài đã khiến mọi chuyện đi quá xa hơn mức người ta có thể tưởng tượng trong bất cứ kịch bản phim nào.

Màn trêu đùa quá lố của Chris Rock là giọt nước tràn ly của những vụ đùa giỡn thiếu kiểm soát. Sự cố hy hữu đó sẽ là “vết nhơ” trong sự nghiệp hai ngôi sao cũng như đi vào lịch sử giải Oscar như một là bài học đắt giá về truyền thông và văn hóa ứng xử.

Tài tử Will Smith (bên phải) tát người dẫn chương trình Chris Rock khi anh Rock trình bày trên sân khấu trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 ở Hollywood, Los Angeles, California, hôm 27/03/2022. (Ảnh: Brian Snyder/Reuters)

Lời ác thương người rất khó phai

“Một cái lưỡi mềm mại cũng có thể chặt đứt gân cốt của một người, ngôn ngữ có thể làm tổn thương con người nhiều hơn là bạo lực”.

Chúng ta sử dụng lời nói mỗi ngày, nhưng ngôn từ không phải là thứ “gió cuốn đi”, chúng có sức mạnh của tính phục hồi và nâng cao hoặc của sự phá hủy đối với tinh thần. Ngày nay, việc sử dụng cơ hội để làm tổn thương người khác bằng lời nói đã vô cùng phổ biến.

“Gậy và đá có thể phá vỡ xương của tôi,
Nhưng lời nói… lời nói có thể làm tan nát trái tim tôi”.


“Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. “Khẩu” (cái miệng) này dẫn đến “tai họa”, cũng bởi phần lớn chúng ta đều “ăn nhanh nói gấp”, nói mà không suy nghĩ thấu đáo.

Người xưa nói “Dao kia cứa thịt còn lành được, lời ác thương người rất khó phai”. Sự tổn thương do lời nói gây ra trong tâm gan người khác thậm chí còn đau đớn hơn vạn lần vết thương gây ra trên thân thể.

Ngày nay không thiếu những vụ án mạng khởi nguồn từ một vài câu nói hơn thua hoặc vài câu mắng chửi. Thế nhưng sức kích động của nó thật khó lường dẫn đến cả việc hung thủ sát hại người thân không còn là chuyện lạ.

Vậy nên cổ nhân, các bậc Thánh hiền đều giảng việc cẩn trọng trong lời nói, không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến. Lời nói làm tổn hại người cuối cùng lại làm tổn hại chính mình.

Một lời nói ra có thể giúp người thành tựu, cũng có khả năng sẽ hủy hoại. Nói năng không cẩn thận, sẽ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn tự chuốc lấy phiền phức cho chính mình. Vì vậy, người có tu dưỡng đều sẽ không loạn ngôn. Luận Ngữ giảng rằng: “Nói năng ít sai trái, làm việc ít hối hận, thì phúc lộc tự nhiên nằm trong đó rồi”.


Những người tu hành thời cổ đại như các tăng nhân, đạo trưởng đều coi trọng tu khẩu. Họ thường ngậm miệng không nói gì vì sợ nói ra sẽ tạo nghiệp và phải hoàn trả. Bậc Thánh nhân, Quân Vương coi trọng lời nói như “miệng vàng lời ngọc”. Lời của Hoàng đế có thể khiến hưng quốc cũng có thể vong quốc, nên càng có ảnh hưởng tới số đông người thì lời nói càng không thể không thận trọng.

Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: “Họa từ miệng mà ra, một lời không thận trọng, chiêu mời vô lượng khổ”.

Trong mười nghiệp ác, khẩu ác nghiệp chiếm đến 4 loại. Đức Phật từng nói: “Người tạo khẩu nghiệp, sau này phải chịu thảm khổ cắt lưỡi dưới Địa Ngục.”

“Lời nói chính là Nhân tội lỗi dẫn đến khổ Quả, nên ngậm miệng như câm, như người gỗ. Ác độc là mầm tai hoạ, hiểu được những điều này thì những thứ chẳng lành sẽ rời xa thân ta”.

Thế nên người khôn ngoan, người có trí tuệ đều “Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”, tìm lời hay ý đẹp để nói với người khác, cũng là để “Thành nhân chi mỹ” (Thành tựu việc tốt đẹp cho người khác).

(Ảnh: Zhiching Chen/Epoch Times)

Chuyện kể rằng: Phật Thích Ca Mâu Ni từng dẫn dắt 500 tăng lữ đi đến đất nước Krishna hoang sơ lạc hậu để huyền dương Phật Pháp. Vì để cứu độ người có duyên, Mục Kiền Liên được lựa chọn làm người đầu tiên vào trong thành Krishna. Khi vị tôn giả nhìn thấy người Krishna có một số hành vi hoang đường không hợp lý, ngài liền mở miệng nói đạo lý nhân quả, thuyết rằng hành vi ngu si của dân chúng chắc chắn sẽ gặp quả báo và sẽ phải chịu khổ. Nghe những lời nói ấy, người Krishna không chấp nhận được, liền nổi giận đùng đùng đuổi Mục Kiền Liên ra ngoài thành, khiến chuyến đi đến nước Krishna của tôn giả trở thành vô ích.

Sau đó, Phật Đà phái Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đi đến nước Krishna. Khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bước vào trong thành, ngài không lập tức tuyên truyền Phật Pháp, mà trước tiên khen ngợi người dân Krishna là cần cù siêng năng, thuần khiết lương thiện. Những lời lẽ tốt đẹp của ngài làm người Krishna hân hoan vui mừng. Cuối cùng, họ dâng hoa tươi, bát dĩa, trân bảo, và chân thành cúng dường. Nhờ đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã đưa người dân Krishna đến với đất Phật, cung kính đỉnh lễ với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và lắng nghe tâm Pháp của Phật Đà.

Khẩu đức là phẩm đức

Người xưa dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”,

Kiểm soát được lời ăn tiếng nói, suy nghĩ cẩn trọng trước khi nói không những là thể hiện của tu dưỡng, của đạo đức, phẩm hạnh, mà còn là thể hiện của trí tuệ.

Trong kinh Tạp A Hàm, Phật khuyên người đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói: “Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác với mình, thì người khác cũng như thế. Vậy tại sao với người khác, ta lại mạ nhục họ?”.

Nói chuyện là một nghệ thuật cao thượng. Nói năng chừng mực là sự tu dưỡng và biểu hiện trưởng thành, thể hiện nguyên tắc làm người và tầng thứ nhân cách của của mỗi người.

 
Một phần bức tranh “Hoa sen” do Vương Đồ Bính người thời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Quý nhân ngữ trì

Đối với lời nói, người xưa có câu “quý nhân ngữ trì”, tức người cao quý nói năng cẩn trọng.

Tư Mã Ngưu vì lời nhiều mà rước họa nên có một lần hỏi Khổng Tử về Nhân, Khổng Tử đáp:

“Người Nhân, nói năng phải thận trọng”.

Tư Mã Ngưu liền hỏi: “Nói lời thận trọng đó được coi là làm điều Nhân rồi sao?”.

Khổng Tử đáp: “Làm được rất khó, lời nói ra có thể không thận trọng sao?”.

“Nhân quý tắc ngữ trì”, ý nói rằng, người tôn quý thì lời nói thường là từ tốn, chậm rãi. Trong đạo trung dung của Khổng Tử, chữ trung “中” chính là chữ khẩu “口” (miệng) được gạch một vạch thẳng ở giữa, ý tứ chính là khuyên bảo mọi người rằng khi nói không được nói loạn, nói lung tung bừa bãi. Bởi vì lời nói có thể gây hậu quả nghiêm trọng. “Quý nhân ngữ trì” chính là nói rằng con người hiểu rõ thấu đáo trách nhiệm khi nói thuyết, phải hiểu rõ lời nói của mình.

Trong “Mặc Tử ” có ghi chép rằng học trò của Mặc Tử hỏi ông: “Thưa thầy, nói nhiều có ích lợi gì không?”. Mặc Tử đáp rằng: “Cóc và ếch cốm cả ngày kêu không dừng, kêu tới mức lưỡi khô cổ khát, nhưng vẫn không có ai lắng nghe chúng. Sáng nay ta nhìn thấy một chú gà trống, cất tiếng gáy rất đúng giờ vào lúc bình minh, ai nấy đều tỉnh giấc. Nhiều lời có ích gì chứ? Chỉ trong tình huống hợp thời nói mới có tác dụng”.

Lời của Mặc Tử ý rằng, không nên nhiều lời, người biết nói chuyện thường biết nói những lời lẽ phù hợp tùy tình huống.

Cổ nhân giảng: “Quân tử không nói năng mập mờ, phát ngôn phải theo chữ “lý”.

“Nói năng mập mờ” nghĩa là lời nói không rõ ràng, nhất quán. Lời nói của người Quân tử phải theo chữ “lý”, không chỉ là trong lời nói có đạo lý, mà còn phải theo nguyên tắc hợp lý. Những lúc nên phát ngôn, thì nhất định phải lên tiếng, còn những lúc không nên nói, thì hãy im lặng. Vì “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (Quân tử nói một lời, bốn con ngựa tốt cũng không đuổi kịp).

Người quân tử nói ra một lời mà người ta cho mình là khôn, hay không khôn, cho nên không thể không thận trọng lời nói. Quân tử nhất ngôn dĩ vị trí, nhất ngôn dĩ vi bất tri, ngôn bất khả thận dã.

(Ảnh: Tài sản công)

“Lễ Ký” viết: “Quân tử bất thất túc ư nhân, bất thất sắc ư nhân, bất thất khẩu ư nhân”. Nghĩa là: Cử chỉ của người quân tử trước mặt người khác nên thận trọng, nét mặt lời nói cần đoan trang, đừng lỡ lời cũng đừng nói những lời không nên nói.

Lại giảng rõ: Khi làm việc công không nói những chuyện đùa cợt như khuyển mã. (Triều ngôn bất cập khuyển mã. Khúc Lễ Thượng – Lễ Ký). Cũng đừng nói về chuyện nữ sắc nơi làm việc công. (Công đình bất ngôn phụ nữ. Khúc Lễ Hạ – Lễ Ký)

Nói năng biểu hiện tầng thứ, nhân đức

Nhan Uyên hay còn gọi là Nhan Hồi (521 – 491 TCN) người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò được Khổng Tử yêu quý nhất trong số 72 học trò đứng đầu. Có một lần Nhan Hồi hỏi Khổng Tử thế nào mới là Nhân (nhân đức)?

Khổng Tử đáp: “Sửa mình theo Lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục Lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân.”

Nhan Hồi nghe thầy dạy như vậy lại hỏi: “Xin thầy lại dạy về điều mục của việc thực hành Nhân đức”.

Khổng Tử đáp: “Phàm những thứ không hợp với Lễ không nên nhìn, không hợp với Lễ không nên nghe, không hợp với Lễ không nên nói, không hợp với Lễ không nên làm”.

Bức tranh “Khổng Tử thánh tích đồ” miêu tả Hạnh Đàn nơi Khổng tử dạy Lễ Nhạc. (Ảnh: Tài sản công)

Lễ là những quy ước giúp kiểm soát hành vi, khiến người ta biết điều gì nên là hay không nên làm. Lễ là phương tiện để thực hành nhân đức. Cổ nhân cho rằng, nói năng thể hiện nhân đức của một người. Bởi vậy đối với việc làm người, lời nói theo Lễ vô cùng quan trọng.

Khổng Tử giảng: “Nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”, ý rằng: nói thì nên chậm còn làm thì nên nhanh nhạy.

Lễ Ký cũng dạy: Người quân tử ước thúc lời nói của mình, kẻ tiểu nhân tranh giành nói trước. (Quân tử ước ngôn, tiểu nhân tiên ngôn. Lễ Ký – Phường Ký)

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, lời nói và hành vi của một người thể hiện hàm dưỡng của bản thân người ấy.

Trong kinh nhà Phật, lời mà Phật nói, ngôn từ nhu mềm, biểu hiện của từ bi trí huệ. Chúng sinh mười Pháp giới đều rất thích được nghe Phật thuyết giảng.

Cách thức chúng ta giao tiếp với người khác và với chính bản thân mình xét cho cùng chính là những nhân tố quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Người biết nói chuyện không phải là người mồm miệng giảo hoạt, nói lời bóng bảy hoa mỹ mà là người biết tu dưỡng bản thân, luôn khiêm nhường và tôn kính người khác. Lễ Ký viết: Lễ tôn sùng sự khiêm nhường. (Thị ư quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã. Khúc Lễ Hạ – Lễ Ký).

Phong thái của người cao quý một phần được thể hiện qua chính cách nói chuyện, người nói năng từ tốn, khiêm cung, thận trọng, thân phận ắt không tầm thường, cũng là người có tôn nghiêm.

Đan Thư / Theo: eviet

No comments: