Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang đi đến chặng cuối. Ảnh: FT
Theo ấn phẩm cánh tả The Intercept (Mỹ), kết quả của 2 cuộc xung đột lớn nhất thế giới đang phụ thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mặc dù quân đội Mỹ không trực tiếp tham gia các cuộc chiến này.
Hiện tại, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều muốn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, ông Netanyahu đã có chuyến công du tới Mỹ và nhận được sự đón tiếp nồng ấm từ ông Trump. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lại đưa ra những thông điệp công khai về yêu cầu thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, khiến ông Netanyahu không hài lòng.
Về phía Nga, hôm 5/9, tại Diễn đàn Kinh tế miền Đông ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ bà Harris trong cuộc bầu cử năm nay. Nhà lãnh đạo Nga tiết lộ, tiếng cười của bà Harris là lý do khiến ông "ưa thích" bà hơn đối thủ Donald Trump.
Tuy nhiên sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ông Putin "chỉ nói đùa". Chia sẻ với Sky News, ông Lavrov nói rằng Tổng thống Nga là người có khiếu hài hước, thường có những phát ngôn dí dỏm trong các bài phát biểu và phỏng vấn nên việc ủng hộ bà Harris chỉ là lời nói đùa.
Hồi tháng 7, hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn từ tình báo Mỹ cho biết, Nga đã ủng hộ ông Trump giành trong các cuộc tranh cử năm 2016, 2020 và một lần nữa muốn cựu Tổng thống Mỹ giành chiến thắng trong năm nay.
"Chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi trong ưu tiên của Nga đối với cuộc đua Tổng thống Mỹ năm nay so với các cuộc bầu cử trước đây, xét tới vai trò của Mỹ đối với Ukraine và chính sách mở rộng đối với Nga" – Quan chức Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) cho hay.
Thủ tướng Israel Netanyahu gặp ông Donald Trump ngày 26/7/2024. Ảnh: Văn phòng báo chí Israel
Israel đợi "đèn xanh" từ ông Trump
Theo The Intercept, Thủ tướng Netanyahu cho rằng, nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, ông Trump sẽ "bật đèn xanh" cho Israel tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ hơn ở Gaza, miền nam Lebanon và Bờ Tây so với thời chính quyền ông Biden.
Mặc dù Tổng thống Biden đã kêu gọi giới hạn nỗ lực chiến tranh của ông Netanyahu nhưng cuối cùng đã không cản đường Israel, bất chấp làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng gia tăng trong Đảng Dân chủ.
"Liệu áp lực cử tri cuối cùng có thúc đẩy bà Harris đặt ra nhiều giới hạn cho Israel hay không?" vẫn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, ông Trump được dự đoán sẽ không gây áp lực buộc ông Netanyahu phải đồng ý ngừng bắn, và sẽ không yêu cầu Israel thông qua việc thành lập Nhà nước Palestine.
Một cuộc thăm dò vào tháng 9 cho thấy có tới 58% người Israel lựa chọn sẽ bỏ phiếu cho ông Trump nếu có thể.
Đối với ông Netanyahu, việc leo thang xung đột thành chiến tranh khu vực chống lại nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Iran cũng tạo ra một "bất ngờ tháng 10" có thể làm tổn hại đến cơ hội chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lần này.
Quyết định then chốt định đoạt số phận Ukraine
Trong khi đó, theo The Intercept, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ vẫn ở trong tình trạng lấp lửng cho tới khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được định đoạt. Nếu chiến thắng, ông Trump "gần như chắc chắn sẽ rút lại sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine". Đây được cho là một quyết định then chốt có thể định đoạt số phận cuộc chiến hiện nay.
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Mỹ có khả năng sẽ giảm hoặc chấm dứt cam kết của Washington đối với NATO. Điều này được dự đoán sẽ khiến các quốc gia Baltic và các quốc gia khác ở Đông Âu đối diện với "mối đe dọa" ngày càng gia tăng từ Nga.
Vai trò trung tâm của nền chính trị Mỹ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cuộc chiến của Israel ở Gaza, Lebanon đã bộc lộ rõ rệt trong những ngày qua, đỉnh điểm là cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel đêm 1/10.
Cuộc tấn công này đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông. Chính quyền ông Biden cho biết, Mỹ đã hỗ trợ Israel phòng thủ trước "cơn mưa" 200 tên lửa đạn đạo của Iran. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo về tình trạng "leo thang nối tiếp leo thang" và kêu gọi ngừng bắn.
Đáng lưu ý, cuộc tấn công tên lửa của Iran diễn ra ngay sau khi ông Netanyahu trở về Israel từ New York. Trong khuôn khổ chuyến đi, Thủ tướng Israel đã có bài phát biểu mang tính chiến đấu trước Đại Hội đồng LHQ, tuyên bố Israel sẽ không dừng lại cho tới khi đạt được "chiến thắng hoàn toàn".
Nếu chiến thắng Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ đưa ra quyết định có thể định đoạt số phận Ukraine. Ảnh: NBC News
Theo The Intercept, mặc dù phát biểu tại LHQ nhưng thực ra ông Netanyahu đang nhắm tới các cử tri Mỹ khi đưa ra thông điệp về "chiến thắng hoàn toàn" của mình, báo hiệu rằng ông sẽ phản đối bất cứ nỗ lực hòa bình nào mà Mỹ có thể yêu cầu nếu bà Harris thắng cử.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại Mỹ vào tuần trước, gặp gỡ cả ông Trump và bà Harris. Chính quyền ông Biden đã cam kết viện trợ thêm 8 tỷ USD cho Ukraine, trong khi Trump – người nhiều lần lên tiếng chỉ trích ông Zelensky – đã tỏ ra khó chịu và suýt chút nữa hủy bỏ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ukraine.
Khi gặp ông Zelensky, ông Trump nhấn mạnh rằng mình "có quan hệ rất tốt" với ông Putin. Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance – "Phó tướng" của ông Trump trong chiến dịch tranh cử lần này cũng chỉ trích ông Zelensky vì đã tới tham quan một nhà máy đạn dược ở Pennsylvania và cảm ơn những người công nhân đã cung cấp đạn pháo cho quân đội Ukraine.
Trái ngược với Trump, theo Viện nghiên cứu Brookings, bà Harris đã cam kết tại Đại hội Đảng Dân chủ vào tháng 8 rằng, bà "sẽ sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh NATO".
Bà Harris lần đầu gặp ông Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich năm 2022, vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Phó Thủ tướng Mỹ đã cảnh báo nhà lãnh đạo Ukraine về cuộc tấn công sắp diễn ra của Điện Kremlin và chia sẻ thông tin tình báo liên quan của Mỹ.
Kể từ sau đó, bà Harris nhiều lần gặp nhà lãnh đạo Ukraine và dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng 6/2024.
Trong cuộc tranh luận của Tổng thống, bà Harris đã nêu bật công việc của mình trong chính quyền Biden để hỗ trợ Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng, nếu ông Trump vẫn là Tổng thống, "ông Putin giờ đây sẽ ngồi ở Kiev".
Theo giới phân tích dự đoán, chính quyền của bà Harris không đủ khả năng để giành chiến thắng và đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine nhưng có thể tiếp tục chính sách của ông Biden là cung cấp cho Ukraine đủ sự hỗ trợ để nước này không thua cuộc trước Nga.
Minh Minh / Theo: doisongphapluat.nguoiduatin
Link tham khảo: