Saturday, October 5, 2024

VÌ SAO HOA ĐẠI ĐẸP NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC TRỒNG TRƯỚC NHÀ?

Hoa đại vừa đẹp vừa thơm nhưng thường chỉ được trồng ở đình, chùa và nơi công cộng, ít ai trồng cây này trước cửa nhà, vì sao?


Ở nước ta, cây hoa đại (còn gọi là cây bông sứ, hoa sứ trắng) thường được trồng ở các đình chùa và nhiều nơi vùng đồng bằng, miền núi vì dáng đẹp, hoa thơm. Loài cây này ưa sáng, chịu hạn tốt và không tốn nhiều công chăm sóc, càng lớn càng có nhiều hoa. Mặc dù rất được yêu thích, cây hoa đại thường không được trồng trước cửa nhà mà hầu như chỉ xuất hiện ở các không gian công cộng.

Vì sao hoa đại thường không được trồng trước nhà?

Cây hoa đại trong văn hoá Phật giáo có ý nghĩa rất thiêng liêng nên thường được trồng ở những khu di tích, chùa đình, miếu phủ, phổ biến nhất là trồng ở ngay phía trước hoặc ở hai bên di tích, ít khi được trồng ở phía sau. Cây hoa đại được nhận xét là mang vẻ đẹp xuất thế, khi lá rụng thì có những chùm hoa ở trên cao, làm tăng cảm giác linh thiêng trong không gian của các kiến trúc tôn giáo cổ truyền.

Cây đại được xem là cây thiên mệnh, có sinh khí mang linh hồn trời đất. Dân gian cho rằng loài cây này còn có khả năng hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống cho đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn. Trong nhiều nền văn hóa, hoa đại có ý nghĩa thiêng liêng. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, hoa đại thường được kết thành tràng hoa trong đám cưới thể hiện lời chúc may mắn hạnh phúc. Ở Lào, loài hoa này biểu trưng cho hạnh phúc, niềm vui chân thành...

Ở Việt Nam, hoa đại thường gắn liền với công trình tôn giáo, đình chùa nên tạo cho người dân cảm giác loài cây này hợp với nơi đình chùa miếu phủ. Dân gian thường quan niệm, cây của chùa thì không nên đem về nhà trồng, vì thế mà hình thành quan niệm kiêng trồng cây hoa đại ở tư gia.

Hoa đại đẹp nhưng nhiều người kiêng không trồng cây hoa đại trước nhà (Ảnh:Pinterest)

Mặc dù được trồng nhiều ở đình chùa miếu phủ, hoa đại cũng gần như không được dùng để thắp hương. Nguyên nhân là loài hoa này có hương thơm khá nồng, nếu đặt trong không gian thờ cúng có thể gây ngột ngạt, khó chịu, mệt mỏi. Những loài hoa có hương thơm quá đậm khác cũng thường không được dùng để dâng cúng.

Một số ý kiến cho rằng hoa đại không được dùng để thắp hương còn vì hình dáng của nó khi nở rộ trông không được tinh tế, thanh nhã.

Những loại cây dân gian thường kiêng trồng trước nhà

Không chỉ riêng hoa đại, người xưa cũng thường kiêng trồng trước cửa nhà những loại cây sau:

- Cây liễu: Trong tiếng Hán, "liễu" được phát âm giống với “lưu” nghĩa là "chảy đi". Vì thế, dân gian quan niệm việc trồng cây liễu trước nhà mang ý nghĩa tán gia, bại sản. Mặt khác, từ xưa, hình tượng buồn bã, ẻo lả của cây liễu luôn gắn với những người con gái có số phận lênh đênh, không may mắn.

- Cây dâu tằm: "Tang" chính là cây dâu tằm trong tiếng Hán; đồng âm với chữ “tang” trong "tang tóc", do đó nhiều người kiêng trồng loại cây này trước cửa nhà để tránh sự xui xẻo.

- Cây mít: Dân gian thường truyền tụng “Cây mít có ma, cây đa có thần”. Các nhà phong thủy cho rằng mít là loại cây có khả năng thu hút nhiều âm khí, tà khí, là nơi nhiều hồn ma trú ngụ. Do đó, người xưa thường tránh trồng mít ở vị trí trước cửa nhà vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

- Cây đa: Từ xa xưa, cây đa được biết đến là một cây rất linh thiêng, thường được trồng ở các miếu thờ, đầu làng để giúp các vị thần trú ngụ, cai quản. Cây đa được cho là chứa nguồn năng lượng lớn nên vị trí trước nhà riêng không phải là nơi thích hợp để trồng. Mặt khác, việc cây đa có bộ rễ phát triển rất lớn và sâu, lá rụng gây mất vệ sinh cũng là một lý do.

Minh Anh/VTC NEWS

No comments: