Trước khi đèn điện chiếu sáng đường phố, người Pháp cũng đã thử nghiệm nhiều loại đèn chiếu thủ công, từ đèn dầu dừa, dầu lửa đến khí đốt. Tuy nhiên, kế hoạch thắp sáng bằng khí đốt thất bại bởi chi phí quá đắt đỏ.
Những năm thập niên 80 của thế kỷ XIX, ở Paris (Pháp) người ta đã dùng đèn điện để chiếu sáng một số trung tâm.
Việt Nam có điện từ bao giờ?
Đèn điện chiếu sáng xuất hiện ở nước ta khi Paul Doumer sang Việt Nam nhậm chức toàn quyền Đông Dương trong giai đoạn 1897-1902, theo cuốn hồi ký Xứ Đông Dương.
Trong khảo cứu của mình, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết thủ đô Hà Nội là thành phố đầu tiên ở Đông Dương có đường phố được thắp sáng bằng đèn điện trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của PGS.TS Trần Hữu Quang, nghiên cứu của ông cho biết Hải Phòng là nơi đầu tiên ở Việt Nam được đèn điện chiếu sáng vào năm 1892. Tiếp đó là Hà Nội rồi mới đến Sài Gòn. Như vậy, đây là 3 thành phố có đèn điện chiếu sáng đầu tiên ở nước ta.
Ảnh tư liệu: Phố Com méc (Rue de Commerce) - thường gọi là phố Bati, nay là phố Lý Thường Kiệt, Hải Phòng
Khi mà người Paris còn đang phải dùng điện một cách "rón rén" vì đắt đỏ, thì ở Việt Nam, Hải Phòng có điện chiếu sáng chính là một sự kiện lớn.
Theo tài liệu Những bóng đèn đường dùng điện đầu tiên ở Sài Gòn của PGS. TS. Trần Hữu Quang trước khi có đèn điện, ở Hải Phòng, Hà Nội hay Sài Gòn, người ta thắp đèn trên đường phố bằng những cây đèn lồng đốt bằng dầu dừa.
Trong tài liệu Lịch sử Nhà máy điện Hà Nội phát hành năm 1958 có ghi rằng, theo bản ký kết với Tòa đốc lý TP. Hà Nội ngày 6/12/1892, Hermenier và Planté đứng ra khởi công xây dựng nhà máy điện bên cạnh Hồ Gươm. Đến ngày 5/1/1895, nhà máy điện Bờ Hồ chạy thử thắp sáng được hơn 500 bóng đèn phục vụ nhu cầu của người châu Âu tại Hà Nội khi ấy.
Tại sao Hải Phòng là nơi có điện đầu tiên ở Việt Nam?
Năm 1892, người Pháp khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của Đông Dương tại Hải Phòng. Nhà máy này được gọi là Nhà đèn Vườn hoa, có công suất 750kW. Đây là chủ trương xây dựng Hải Phòng thành một "thủ đô kinh tế" tại Đông Dương của Toàn quyền Jean-Marie De Lannessan: "Trong những công trình đã làm và sẽ làm phải chú trọng mở mang ánh sáng điện và nước cho hai thành phố chính là Hà Nội và Hải Phòng để cải thiện sinh hoạt cho người châu Âu ở Bắc Kỳ". Điều này cho thấy thời gian sau, khi Toàn quyền Paul Doumer đến Hà Nội, đèn điện đã có rồi.
Lúc ấy, ai cũng biết Phủ toàn quyền Đông Dương được đặt tại Hà Nội, là nơi ở và làm việc của các vị Toàn quyền Đông Dương. Dinh Thống sứ và Phủ Khâm sai Bắc Kỳ cũng đặt tại Hà Nội, còn Dinh Thống đốc lẫn Phủ Thống đốc Nam Kỳ đặt tại Sài Gòn, Toà Khâm sứ Trung Kỳ được đặt tại Huế. Với thông tin này, lẽ ra Hà Nội hay Sài Gòn mới phải là nơi có điện trước tiên.
Như đã nói, người Pháp muốn xây dựng Hải Phòng thành một đầu não kinh tế mạnh của Đông Dương với những lợi thế của một thành phố Cảng. Từ năm 1888, người Pháp đã mạnh tay xây dựng Hải Phòng từ những làng chài thành cảng biến sôi động nhất miền Bắc.
Nhà đèn Vườn hoa là tiền thân của Công ty Điện lực Hải Phòng ngày nay.
Việc giao thương trên cảng được mở rộng, các tuyến hàng hải quốc tế phát triển. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Hà Nội được vận hành vào năm 1902. Chỉ vài chục năm sau đó, Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ với nhiều công ty chế tạo cơ khí, đóng tàu, luyện kim, các nhà máy sản xuất gạo, bia rượu.
Không chỉ vậy, Công ty xi măng Portland Đông Dương (Société des Ciments Portland artificiels de l'Indochine) cũng cho khởi công nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương vào năm 1899. Tất cả những hoạt động vừa nêu đều cần đến điện năng.
Thêm lý do nữa là vận chuyển than từ Quảng Ninh về Hải Phòng bằng đường thủy thuận lợi hơn so với việc chuyển ra Hà Nội. Vì thế, đây cũng là điều kiện giúp TP. Hải Phòng là nơi có đèn điện chiếu sáng đầu tiên.
Xuân Nguyên / Theo: phunuso