Thursday, June 30, 2016

GIAI THOẠI BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC (楓橋夜泊)


Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继 Zhang Jì), tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ.

Nguyên tác bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.


楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船


Giai thoại kể rằng, một hôm nhà thơ Trương Kế đi chơi thuyền trên sông Cô Tô. giữa đêm khuya bên ngọn đèn dầu hiu hắt nhìn trăng khuya sắp tàn mà tức cảnh nhà thơ cao hứng cất lên hai câu thơ tuyệt tác:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠

Chỉ được đến đó, nhà thơ loay hoay tìm từ, tìm ý mãi vẫn không ra, gật gù ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cùng lúc đó, tại chùa Hàn Sơn ngoại thành Cô Tô, sư cụ trụ trì Hàn Sơn thức dậy để hành thiền. Trời êm cảnh tĩnh. Nhìn vầng trăng khuyết thượng tuần, mờ mờ, ảo ảo trong mây sắp ngã về Tây. Một cảnh khá trầm lắng, nên thơ. Sư Cụ cũng tức cảnh cảm hứng nghĩ ra 2 câu thơ:


Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung

初三初四月朦朧
半似銀鉤半似弓

Làm xong hai câu thơ trên, Sư Cụ loay hoay mãi vẫn chưa đặt thêm được các câu tiếp. Sư Cụ vừa nhắp trà, vừa đọc đi, đọc lại hai câu trên để tìm ý, tìm từ. Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mà mình mới nghĩ ra:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ đế bán phù không

一片玉胡分兩斷
半沈水底半浮空

nhưng cũng không làm tiếp được và cầu xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ thành một bài tứ tuyệt :


Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ đế bán phù không

初三初四月朦朧
半似銀鉤半似弓
一片玉胡分兩斷
半沈水底半浮空

Trần Trọng San đã dịch như sau:

Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không


Để tạ ơn Thần Phật, phá lệ thường, sư cụ cho dóng lên một hồi chuông giữa đêm khuya thanh vắng.

Nhà thơ Trương Kế, vẫn đang trằn trọc với hình ành “Nguyệt lạc ô đề” mà chưa ngủ được; bỗng đâu nghe tiếng chuông chùa vừa thực vừa hư gieo vào lòng ông thi hứng, thi nhân từ đó cảm hứng viết tiếp 2 câu cuối, và cũng là 2 câu thơ để lại nhiều tranh cãi luận bàn cho hậu thế:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Cả bài thơ tuyệt cú đã thành! Nguyễn Hàm Ninh xưa đã dịch bài thơ sang thể lục bát như sau:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Ngoài ra, bản dịch của nhà thơ Tản Đà thịnh hành và được yêu thích hơn:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Hình ảnh bài thơ đẹp và thi vị quá! Trải qua 13 thế kỷ, hai bài thơ tứ tuyệt trên vẫn đầy sức sống, vẫn kiến tạc nên một không gian hư ảo nhiều chiều, khiến người đọc như thấy được một phong cảnh trời nước hữu tình, mênh mông từ thành Cô Tô ra tới chùa Hàn Sơn. Hình ảnh con đò, dòng sông với ánh lửa chài và văng vẳng tiếng quạ kêu sương hiện lên vừa nên thơ, vừa thân thuộc. Thế rồi trong cái cô tịch khuya khoắt của đêm trăng mờ, chợt ngân lên tiếng chuông chùa vừa thái bình lại vừa xáo động. Những yếu tố đó kết hợp với nhau, cùng với những địa danh vùng Tô Châu - Thượng Hải, gieo vào lòng người đọc chút gì đó huyền thoại, lắng đọng, tất cả đều thanh tao, thơ mộng, thật hạnh phúc, thật tuyệt vời…

Trí Bửu Nguyễn Thừa

XANH HAY ĐEN ? TRÀ NÀO TỐT ?


Trên thực tế, lá trà đen hay xanh là do khác biệt trong tiến trình bào chế. Trà đen khác với trà xanh ở tiến trình ủ cho lên men sau khi phơi khô. Chính nhờ phản ứng lên men mà trà đen có mùi thơm đặc biệt và lá trà có màu đậm, từ đỏ hung đến đen tuyền. Cũng nhờ hiện tượng lên men mà trà đen chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng oxy-hóa, nghĩa là chống tình trạng lão hóa tế bào.
Trái với trà đen, trà xanh là sản phẩm được chế biến chủ yếu qua quá trình phơi nắng và hóng gió. Thời gian chế biến càng lâu, nghĩa là càng nhiều ngày trong nắng dịu dàng, trong gió hiu hiu, trà càng đắt giá, trà càng ngon. Lá trà nhờ đó còn giữ màu xanh hay khéo hơn nữa, có mặt dưới còn lớp lông mịn màu xám bạc.

Nếu xét về thành phần thì trà đen chứa nhiều chất chát, kalium và fluor hơn trà xanh. Trà xanh trái lại có nhiều sinh tố C, tiền sinh tố A và kẽm hơn trà đen. Nếu trà đen tốt cho răng và hữu ích để chống lão hóa thì trà xanh đa dạng hơn về mặt tác dụng nhờ nhóm hoạt chất thông mạch và phòng ngừa ung thư. Thầy thuốc ở Nhật Bản, Trung Quốc đã từ lâu xếp loại trà xanh vào nhóm thuốc hạ huyết áp và chống ung thư. Không ít thầy thuốc ở châu Âu, dựa vào kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, đã áp dụng trà xanh trong phác đồ điều trị rối loạn biến dưỡng chất mỡ trong máu cũng như cho người bị đe dọa vì bệnh mạch vành. Gần đây người ta phát hiện trong trà xanh tác dụng kháng khuẩn Helicobacter và chống tác hại của tia tử ngoại. Trà xanh nhờ tác dụng kháng oxy-hóa nổi bật cũng đã từ lâu là thành phần không còn xa lạ trong nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Nếu chấm điểm dựa vào khả năng hưng phấn thần kinh thì hai loại trà đều ngang ngửa về tác dụng. Trà đen tuy chỉ chứa khoảng 70% lượng cafein, nếu so sánh với hàm lượng trong trà xanh, nhưng cường độ tác dụng lại mạnh hơn. Nói cách khác cho nho nhã, trà đen hay xanh cũng thế nào đều có tác dụng… thái đức!

Thế thì nên chọn loại trà nào? Tất nhiên còn tùy mục đích của người uống trà, nhưng tốt nhất cứ thử cả 2 loạị một cách linh động. Tại sao lại không khi thì đen, lúc lại xanh, tùy theo hứng thú, khẩu vị, khả năng và phương tiện sẵn có. Việc gì phải gò bó trong chuyện chọn trà. Đã gọi là đạo mà câu nệ thì còn gì là đạo. Nếu xem đạo là đường tại sao không chọn trà như chọn con đường theo kiểu của văn hào Lỗ Tấn? Cứ đi rồi sẽ thành đường!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

DỊCH HAY PHÓNG TÁC ???

Có một bài post của anh Bulukhin nói về một bài ca dao Việt Nam mà anh đang gơi ý cho chúng ta là bài ca dao này là loại dịch hay phóng tác từ một bài thơ Trung Quốc. Mời các bạn đọc chơi cho biết.


DỊCH HAY PHÓNG TÁC ?

Trong số ca dao Việt Nam nói về nghề nông và giá trị hạt gạo thì bài: "Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi! bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần " có mặt trong nhiều tuyển tập, chẳng hạn: TỤC NGỮ CA DAO DÂN CA VIẾT NAM của học giả Vũ Ngọc Phan (1). TỤC NGỮ CA DAO VIỆT NAM của Hồng Khánh – Kỳ Anh sưu tầm biên soạn (2), CA DAO VIỆT NAM do Bích Hằng tuyển chọn (3). Không thấy các tác gỉả của ba tập sách trên chú thích gì về bốn câu đó, làm người đọc đinh ninh là ca dao Việt, thuần túy Việt Nam. Nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh cũng “yên trí đó là một trong những bài ca dao hay nhất của xứ ta từ trước” (4) Nhưng thực ra nó được dịch từ thơ Trung quốc (5).

鋤禾日當午
汗滴禾下土
誰知 盤中餐
粒粒 皆辛苦

* Phiên âm
Sừ hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

* Dịch thơ (chưa rõ dịch giả)
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.


Hiện nay có hai thuyết về tác giả bài thơ chữ Hán trên. Hoặc của Lý Thân (李紳,772-846) người Vô Tích tỉnh Giang Tô, hoặc của Nhiếp Di Trung (聶夷中, 837- 884) người Hà Đông. Có điều lạ, trong “Toàn Đường thi” (全唐詩) (5) bốn câu trên được xếp vào ngũ ngôn tứ tuyệt vừa để ở mục Nhiếp Di Trung vừa để ở mục Lí Thân.


Bu tui không hề có ý định xác minh Lí Thân hay Nhiếp Di Trung là tác giả, điều đó quá khó, vì chính các học gỉa thượng thặng của Tàu còn nói nước đôi, chưa dứt khoát được. Ở đây, bu muốn cùng các bạn luận giải xem tại sao từ: “sừ hòa nhật đương ngọ, hãn trích hòa hạ thổ, thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ” mà một người Việt nào đó đã dịch ra: “cày đồng đang buổi ban trưa , mồ hôi thánh thót như mưa rộng cày, ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”.


1- Trước tiên chúng ta tìm hiểu nghĩa một số chữ Hán (6)
- Sừ 鋤 : khi danh từ, sừ là cái cuốc.
Ví dụ: Nguyễn Trãi có nói với bạn là Hữu Nhân: 他年淽溪約, 短笠荷春鋤 : “Tha niên Nhị Khê ước, Đoản lạp hạ xuân sừ”, nghĩa là: Năm nào hẹn về Nhị Khê đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân.
Khi động từ, thì sừ (鋤) là cuốc, ví dụ: sừ địa 鋤 地 là cuốc đất (7)
- Hòa 禾: lúa chưa tuốt ra khỏi bông, chưa cắt ra khỏi rơm rạ. Kinh thi có câu: Thập nguyệt nạp hòa giá 十月納禾稼 Tháng mười thu vào thóc lúa.
- Bàn 盤: Cái mâm. Mâm, khay. TruyệnThủy hử có câu: Thác xuất nhất bàn, lưỡng cá đoạn tử, nhất bách lạng hoa ngân, tạ sư 托出一盤, 兩個段子, 一百兩花銀, 謝師 . Nghĩa là: Bưng ra một mâm (gồm) hai tấm đoạn, một trăm lạng hoa ngân (để) tặng thầy.


2- Có hai câu đáng quan tâm:
- Câu thứ nhất: Sừ hòa nhật đương ngọ (鋤 禾日當午) Nếu cứ máy móc theo nghĩa từng chữ thì phải hiểu là: Cuốc lúa đương lúc ban trưa. Như vậy vô lí, vì không ai lại đi cuốc lúa. Nếu cày đồng thì chữ Hán đã có từ canh điền ( 耕田)
- Câu thứ ba: Thùy tri bàn trung xan (誰知 盤中餐)
Nếu máy móc theo từng từ thì phải hiểu câu này là: có ai biết được cơm trên mâm
- Có lẽ do cũng băn khoăn như bu tui nên Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng đã dịch cả bài như sau:
Xới lúa, trời đứng bóng
Mồ hôi đổ xuống ruộng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng. (4)
Chữ sừ (鋤) là cuốc, được Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng gọi là xới. Sừ hòa 鋤 禾 là xới lúa, tức là động tác làm cỏ lúa của nông dân.


3- Bu tui xin dẫn ra hai câu thơ của Nhiếp Di Trung trong “Điền gia nhị thủ” (田家二首)(5)liên quan đến sự cày đồng để đối chiếu với sừ hòa 鋤 禾 đã nói trên:

父耕原上田
子削山下荒

Phiên âm:
Phụ canh nguyên thượng điền
Tử tước sơn hạ hoang

Dịch nghĩa:
Cha cày ruộng trên cao
Con vở hoang dưới núi

4- Từ luận giải trên, bu tui hồ nghi bài ca dao:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

Do một người Việt cực tài nào đó dựa vào bài thơ chữ Hán rồi phóng tác ra chứ không gọi là dịch được. Mong các bạn có lời chỉ giáo.------------------


(1) Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1971
(2) Nxb Đà Nẵng 2007
(3) Nxb Văn hóa Thông tin 2011
(4) http://www.thivien.net/viewwriting.php?ID=250
(5) huynhchuonghung.com
(6) Từ điển Hán Việt mạng.
(7) Từ điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh
Bulukhin Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)

TẢN MẠN VỀ THỜI GIAN

Vừa vào nhà mở cửa chạy vội vào phòng để mở ngay cái Computer vì muốn vội vàng ghi lại mấy chốt thoáng qua của thời gian sợ nó loãng ra và tan đi mất.
Hôm nay là ngày giổ bà nội, đi làm về là chúng tôi về nhà ba tôi để ăn giổ. Cả nhà quay quần trong bữa ăn với vịt quay, heo quay bánh hỏi, tả bín lù,,,huyên thuyên đủ thứ chuyện nào là "chủ nghĩa sen đầm quốc tế của Mỹ", Trung Quốc với "chủ nghĩa bá quyền", "linh nghiệm của sấm Trạng Trình"..vân vân...và vân vân.. chợt ba tôi nói sao bây giờ thấy ngày qua ngày nhanh quá, mới đầu tuần rồi lại cuối tuần. Tôi trả lời: Dạ ! Đúng rồi ba, khi người ta sống trong hạnh phúc, an lạc sẽ thấy ngày qua rất mau, tâm lý mà nói thì người ta muốn kéo dài mãi vì sợ mất. Ngược lại người sống trong đau khổ lo âu sẽ thấy ngày dài không dứt vì họ muốn nó chấm dứt nhanh để sang một ngày khác có ít nhiều cái tôt hơn. Ba nhớ không hồi đó còn ở VN, người lớn thì thấy ngày qua nhanh quá mới têt đó rồi lại tết, lại phải lo mua sắm quà tặng, cúng oải, trang hoàng nhà cửa..v.v... còn tụi con thì trông hoài mà không thấy tết, vì tết đến sẽ có đồ ăn ngon, áo quần mới và nhất là có lì xì....như vậy thời gian nhanh chậm đến với mình là do tâm lý và đếm bằng tâm lý". Ba tôi gật gù: "Nghe cũng có lý".



Có lý không hở bạn ? Với tôi không thể đếm một ngày có 24 tiếng, một tháng có 30-31 ngày hay một năm có 365 ngày cộng thêm mấy giờ lẽ nữa, rất đồng ý:

"Thời gian thắm thoát thoi đưa
Nó đi, đi mãi không chừa một ai"

nhưng trong những lúc khổ đau, tù túng thì:
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại"
Thời gian tâm lý khác thới gian hiện thực. Đồng hồ không đếm được thời gian (?).
30/06/2014



Tái bút:

Hơn 37 năm rồi đấy, sống ở xứ người có lẽ vì những nhu cầu vật chất quá đầy đủ và tinh thần không bị chi phối hay căng thẳng mà thời gian ở Úc qua rất nhanh. Sáng thức vậy đi làm về ăn cơm xem TV lên mạng rồi đi ngủ. Công thức lập đi lập lại vì cái cảm giác thời gian qua rất nhanh. Nó không phải là nhàm chán mà là cái sợ của tuổi già mau đến để mau kết thúc. Khi khổ người ta thường muốn chết đi cho rồi để trốn tránh nhưng khi sướng người ta sợ cái kết thúc quá mau.

Hồi nãy mới "chat" với đứa học trò của trường cũ mà ba nó là một bạn già. Ngày ra đi, ba nó có đãi một bữa cơm tối, tôi không có nói là sẽ đi nhưng ba nó cảm nhận và biết. Đầy ấp kỷ niệm của một thời gian qua quá nhanh. Về Cần Thơ 2 lần nhưng không gặp lại nhiều bạn cũ, ở mấy ngày rồi đi. 

Hy vọng thời gian không xóa được những quen biết, những kỷ niệm của một thời để khi gặp lại thì còn chút gì để nhớ, để hàn huyên.
30/06/2016 - 3:00AM

ĐÀN ÔNG, HOA VÀ PHIẾM

Lâu lâu post một bài phiếm về hoa và đàn bà, một chuyện phiếm vui vui. Xem xong rồi quên đi nha các bạn, miễn phê bình.


ĐÀN ÔNG, HOA VÀ PHIẾM
Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, đàn ông ngồi nghĩ về sự đời bên tách cà phê.
Mà sự đời thì có vô vàn ty tỷ thứ biến hóa khôn lường, như sách Kinh Dịch đã nói “thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, và bát quái biến hóa ra vạn vật trong vũ trụ”.
Thành ra, đàn ông nghĩ về sự đời chung chung thì có vẻ mông lung quá, không có tính chất thực tế, hiệu quả trong tư duy của đàn ông. Thôi. Đàn ông sẽ nghĩ về một sự vật, sự việc, hiện tượng cụ thể cho nó có vẻ triết học. Đàn ông nghĩ về hoa vậy.
Nói về hoa, người ta nghĩ ngay tới phụ nữ, chẳng ai nghĩ tới đàn ông cả. Nào là: nếu ở thành phố thì cô gái đẹp như hoa, mà hoa ở thành phố thì cơ man nhiều loại đẹp, nếu trên rừng thì sơn nữ như bông hoa rừng. Thậm chí, nếu ở dưới biển, người đẹp vẫn cứ là hoa, loài hoa muống biển như trong một bài hát nổi tiếng nào đó từ những thập niên 90 mà đàn ông khi còn là một cậu nhóc cũng đã nghe.


Tóm lại, hoa là phụ nữ, phụ nữ là hoa. 2 khái niệm đó tuy là 2 phạm trù nhưng lại có sự gắn kết như một, giống 2 mặt của một đồng tiền vậy.
Nhưng có một loại hoa nào tượng trưng cho đàn ông không? Không chừng đàn ông bị cho là "ái". Hoặc chí ít thì bị rủa cho là hoa… dại.


Nhưng xin thưa là có. Thậm chí hoa còn tượng trưng cho sự quân tử của đàn ông nữa.
Đó là 2 loài hoa của trong bộ tứ quý : Tùng, cúc, trúc, mai. Hoa cúc, hoa mai nở vào độ tiết đông, khi các loài hoa khác đã thu mình lại, thể hiện sự vượt lên trên nghịch cảnh của người quân tử.


Vậy là đàn ông cũng là hoa. Phụ nữ cũng là hoa. Đàn ông vừa là hoa, vừa yêu hoa, vừa thưởng hoa. Hoa là một thực thể vừa mang tính nội tại, nằm trong đàn ông, vừa mang tính ngoại tại, tức là một cái gì ngoài đàn ông. Chà. Hoa đúng là đàn bà. Vô cùng khó hiểu.


Để dễ hiểu hơn, nên nói về một loài hoa cụ thể, đặc trưng. Dĩ nhiên đó sẽ là hoa hồng. Khi nói về hoa hồng, các đàn khác sẽ nghĩ về một loài hoa có màu hồng, có hương vị thơm dịu nhẹ nhàng, và có gai. Còn đàn ông thì sẽ nghĩ ngay tới… em Hoa và em Hồng. Ôi, những cái tên cùng tên với các loài hoa. Đó sẽ là những cái tên vô cùng nhạy cảm trong đời đàn ông, có thể khơi nên một nỗi đau nhói đã được bụi thời gian tạm che phủ nhưng chưa bao giờ lành. Cũng có thể, những cái tên đó gợi về một cuộc tình đẹp nào đó khiến đàn ông rơi vào tình trạng mê mẩn tâm thần mà khi tỉnh ra, đàn ông thấy mình đang mỉm cười.


Chính vì điều này mà có một câu chuyện bi hài như sau:
Nô: - Mẹ ơi, mấy con bồ của con, bé Đào xóm trên, bé Hồng xóm dưới, bé Mai xóm giữa, con xin cưới đứa nào bố cũng không đồng ý, bảo bọn nó là em gái con đấy!
Mẹ Nô: - Ôi dào, tưởng gì, thích thì mày cưới tất cũng được. Mày cũng có phải con ông ấy đâu.



Ngày xưa, loài hoa biểu tượng cho người quân tử là hoa mai, hoa cúc. Ngày nay sẽ là hoa gì? Nếu lấy căn cứ là cái tên, liệu có phải là hoa… dâm bụt. Nếu căn cứ là mùi hương, phải chăng là "hoa ngũ sắc". Và nếu là độ "trâu", đó sẽ là hoa lan đuôi trâu???


Liệu có câu trả lời chính xác cho câu hỏi tất cả đàn ông thích nhất hoa gì không? Thưa là có. Đó không phải là hoa hồng, vì có đàn ông thích, đàn ông không. Tương tự như vậy thì đó cũng không phải là hoa mai, hoa cúc, hoa đào. Đó chỉ có thể là Hoa Hậu, loài hoa không chỉ có vẻ đẹp hoàn hảo nhất trong các loài hoa, có hương thơm ngây ngất nhất, giọng nói ma mị nhất. Loài hoa đó khiến đàn ông thăng hoa trên giường và thảm bại trên quan trường. Dầu vậy, có lẽ chính loài hoa này đã khiến từ điển có thêm từ "tuyệt trần" bởi vì nó "tuyệt" nhất khi ở... "trần".


Ngày xưa, người quân tử nơi quan trường hay anh hùng nơi trận mặc mà mang theo hoa thì quả là... không thể ngửi được. Nhưng ngày nay, nơi hẹn hò đầy lãng mạn, đó có thể là trên cây cầu bắc qua dòng sông hiền hòa, dưới ánh trăng vàng vạc, một "thanh niên cứng" mà lại không có hoa thì lại không còn gì là cứng nữa. Đó sẽ bị coi là kẻ ác ôn vùng nông thôn hay chí ít cũng là tên thô thiển, mất lịch sự.


Đàn ông phong độ ngày xưa, từ đẹp trai như Triệu Tử Long, thét lớn khiến đối thủ chết hộc máu như Trương Phi hay tín nghĩa như Quan Vân Trường, bên họ đều không thể thiếu thanh đao uy lực. Đàn ông phong độ ngày nay không cần đến những thứ đó. Đàn ông nào dại dột mang theo sẽ nhanh chóng dính "biên bản chưởng" với 141 ngay lập tức. Đàn ông phong độ thời nay chỉ cần lếch-xù, rượu vang và bông hoa trên tay. Dĩ nhiên ngồi đối diện họ phải là một người đàn bà đẹp. Đó là một hình ảnh đẹp mà đàn ông nào cũng nên hướng tới.


Đàn ông có yêu hoa không. Xin thưa là có. Hoa và phụ nữ đều mỏng manh, dịu dàng và cần được che chở. Đàn ông là những kẻ yêu cái đẹp. Mà hoa là cái đẹp. Nên phụ nữ được gọi là hoa. Chính vì thế sở dĩ phụ nữ được gọi là hoa không phải nguyên nhân là do phụ nữ, mà là do đàn ông. Phụ nữ yêu hoa, còn đàn ông yêu người yêu hoa. Còn gì đẹp hơn một người con gái bên một bông hoa. Đó là kết tụ của mọi vẻ đẹp, mọi tinh tú trong trời đất.


Hoa là vẻ đẹp tinh khiết nhất, toàn diện nhất trong vũ trụ. Đàn ông là một đàn yêu cái đẹp, say mê cái đẹp và cần cái đẹp. Trong cuộc đời, đàn ông cần có một bông hoa bên mình.
(Sưu tầm trên mạng)

KINH CUNG CHI ĐIỂU (驚弓之鳥)


KINH CUNG CHI ĐIỂU
驚弓之鳥

驚(kinh) – khiếp sợ, 弓(cung) – cung, 之(chi), 鳥(điểu) – chim
Trong thời kỳ Chiến Quốc có một cung thủ thiện xạ tên là Đại Lỗi.
Một ngày nọ khi Đại Lỗi tháp tùng Vua nước Ngụy trên một dải đất cao họ thấy những con chim đang bay trên đầu. Đại Lỗi nói: “Thần không cần tên. Thần chỉ cần giương cung và con chim sẽ rơi xuống và chết.” Vua nước Ngụy nói: “Khanh có thể làm được thật chứ?” Đại Lỗi nói, “Bẩm, thần có thể.”


Một lát sau một con ngỗng hoang bay từ phương đông tới. Đại Lỗi giương cung của ông ta và giả vờ bắn. Con chim lớn rơi xuống đất, Vua nước Ngụy nói, “Khanh đã không dùng đến tên; làm thế nào mà con chim đó lại có thể chết?” Đại Lỗi nói. “Bởi vì đây là một con chim bị thương.”. Vua hỏi, “Làm sao mà khanh biết điều đó?”. Đại Lỗi đáp, “Con ngỗng hoang này bay khá chậm và tiếng kêu của nó thật thảm hại; bay chậm bởi vì nó đã bị thương bởi một mũi tên, và âm thanh thê lương của nó cho thần biết được rằng nó đang sợ hãi vì nó bị đã tách khỏi đàn. Khi nó nghe thấy tiếng giương cung, nó trở nên hoảng sợ và cố gắng bay cao hơn. Vì vậy, vết thương cũ của nó bị toát ra, nên nó rơi xuống đất.”


Sau này, người ta sử dụng thành ngữ “kinh cung chi điểu” để mô tả người đã bị làm cho sợ hãi và trở nên bấn loạn khi gặp phải một tình huống tương tự trước đó đã xảy ra.
(Sưu tầm trên mạng)
驚弓之鳥
戰國時,魏國有一個叫更羸的射箭能手。有一天,更羸與魏王在京台之下,看見有一隻鳥從頭頂上飛過。更羸對魏王說:“大王,我可以不用箭,只要把弓拉一下,就能把天上飛著的鳥射下來。”“射箭能達到這樣的功夫?”魏王問。更羸說道:“可以。”


說話間,有雁從東方飛來。當雁飛近時,只見更羸舉起弓,不用箭,拉了一下弦,,隨著“咚”的一聲響,正飛著的大雁就從半空中掉了下來。魏王看到後大吃一驚,連聲說:“真有這樣的事情!”便問更羸不用箭怎麼將空中飛著的雁射下來的。更羸對魏王講:“沒什麼,這是一隻受過箭傷的大雁。”“你怎麼知道這只大雁受過箭傷呢?”魏王更加奇怪了。更羸繼續對魏王說:“這只大雁飛得慢,叫得悲。”更羸接著講:“飛得慢是因為它身上的箭傷在作痛,叫得悲是因為它離開同伴已很久了。傷口在作痛,還沒有好,它心裡又害怕。當聽到弓弦聲響後,害怕再次被箭射中,於是就拼命往高處飛。一使勁,本來未愈的傷口又裂開了,疼痛難忍,再也飛不動了,就從空中掉了下來。”
後來用“驚弓之鳥”比喻受過驚嚇的人遇到類似的情況就惶恐不安。
(網上搜查)

Wednesday, June 29, 2016

SỰ TÍCH HOA THỦY TINH



Hoa thủy tinh, khi đọc vào 3 từ này bạn sẽ nghĩ ngay tới loài hoa nào? Chắc có lẽ là 1 loài hoa giả, loài hoa được làm từ những mảnh thủy tinh, mảnh pha lê chăng? Hay 1 sự gì đó mong manh dễ vỡ. Nhưng bạn có biết rằng có 1 loài hoa thật, 1 loài hoa mang tên Thủy tinh. Thoáng qua ta cũng có thể hiểu được sự trong suốt của hoa, sự thanh cao, trong trắng, dễ vỡ của loài hoa này.

SỰ TÍCH HOA THỦY TINH

Chuyện kể rằng:

"Ngày xửa ngày xưa, trong một ngôi làng nọ, có hai vợ chồng nghèo, rất nghèo, họ nghèo đến nỗi không có nổi một căn nhà để ở, không có 1 mảnh ruộng để nuôi thân. Hai vợ chồng phải đi làm mướn cho những gia đình giàu có trong làng, và dựng 1 túp lều sát bìa rừng để ở.



Hàng ngày, họ phải thức dậy từ rất sớm, còng lưng ra làm thuê cuốc mướn cho đến tận khuya. Cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, may mắn lắm cũng chỉ kiếm đủ thức ăn cho họ trong ngày. 

Nhưng bù lại, họ sinh được 1 cô con gái, cô bé là nguồn động lực giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Họ đặt tên con là Hoa.



Hoa càng lớn càng siêng năng, ngoan ngoãn, thông minh và xinh xắn. Nàng giúp cha mẹ mình tất cả những công việc nhà và đôi khi giúp cha mẹ trồng và gặt lúa. Tuy nhà nghèo nhưng nàng có 1 tấm lòng rất nhân hậu. Nàng được cha mẹ và mọi người trong làng hết lòng yêu mến. Nàng là niềm tự hào của cha mẹ mình, nàng là người con rất có hiếu với cha mẹ của mình.


Cuộc sống tuy nghèo nhưng yên bình và hạnh phúc của họ sẽ cứ thế trôi qua, và sẽ vẫn như thế nếu không có một thảm họa xảy ra trong ngôi làng của họ.



Trong làng đột nhiên xuất hiện một con quái vật độc ác. Không ai có thể bắt và giết được con quái vật đó…Nhà vua ra lệnh cho tất cả đàn ông con trai trong làng thay phiên nhau đi tìm và mang đầu con quái vật đó về cho ngài.

Rất nhiều, rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng ra đi….Nhưng không một ai quay về…Cho đến một ngày, theo lệnh của nhà vua, cha của nàng cũng phải lên đường đi tìm giết con quái vật đó. Thấy cha buồn bã, nàng xin được đi thay. Nhưng cha nàng không đồng ý, vì nàng còn quá nhỏ, lúc đó nàng mới 12 tuổi.



Rồi sau đêm hôm đó, cha của nàng cũng không quay trở về…Nàng khóc vì thương cha, khóc suốt ba ngày ba đêm thì nàng mệt quá, ngủ thiếp đi.

Trong mơ, nàng gặp một bà tiên, bà nói cha của nàng chưa chết, ông và tất cả những thanh niên trai tráng trong làng chỉ bị phù phép bởi con quái vật độc ác, họ bị biến thành những pho tượng bằng đá. Và hiện đang bị giam giữ trong hang động nơi con quái vật trú ngụ. Bà chỉ cho nàng cách cứu thoát mọi người “Con quái vật đó sợ ánh ánh mặt trời, con hãy dùng những bông hoa được tạo ra từ nước mắt của con, cắm ngay trước hang động của nó khi mặt trời trên đỉnh ngọn tre, ánh sáng mặt trời từ những bông hoa ấy sẽ giết chết nó”



Khi tỉnh dậy, nàng nhìn quanh thì thấy từ chỗ những giọt nước mắt của nàng rơi xuống mọc lên những bông hoa kỳ lạ, trong suốt như những giọt nước mắt của nàng, những bông hoa thanh mảnh, xinh xắn, mỏng manh và dễ vỡ…

Nàng thích thú ngắm nhìn và lấy tất cả những bông hoa đó đem theo bên mình, rồi từ biệt mẹ lên đường đi tìm giết con quái vật để cứu cha.

Ròng rã một thời gian dài, ngày đi, đêm leo lên cây ngủ để tránh thú dữ. Cuối cùng nàng cũng đến được hang động của con quái vật. May mắn thay, lúc này là ban ngày nên con quái vật đang trốn trong hang. Nàng làm theo lời bà tiên, cắm tất cả những bông hoa trước cửa hang và chui vào một bụi cây để trốn.



Ánh sáng mặt trời hấp thụ qua những bông hoa rọi thẳng vào trong hang, con quái vật gầm lên, gào thét rên la một cách đau đớn. Một lát sau thì tiếng la im bặt…Nàng chui vào trong hang, đi sâu vào bên trong thì thấy con quái vật đã chết. Đi sâu hơn nữa, nàng nghe tiếng cha gọi. Ánh sáng từ những bông hoa thủy tinh chiếu vào cũng hóa giải mọi phù phép của con quái vật, giúp cho cha nàng và tất cả mọi người trở lại bình thường.



Nàng tìm chìa khóa mở cửa cho cha và mọi người. Hai cha con mừng rỡ ôm nhau khóc.

Họ cùng mọi người quay trở về ngôi làng, nàng dùng những bông hoa còn lại đem trồng xung quanh ngôi làng, ánh sáng kỳ diệu phát ra từ những bông hoa đó như những ngôi sao may mắn đem lại bình yên và may mắn cho ngôi làng của họ cho đến tận sau này.



Từ đó người đời gọi những bông hoa đó với một cái tên mộc mạc, đơn sơ đó là: Hoa Thủy Tinh và cả làng sống một cuộc sống thật thanh bình và hạnh phúc bên những bông hoa may mắn đó!"

Nguồn: Hoa Tươi Đà Nẵng

SUY NGẪM VỀ HAI CHỮ NGÃ

Tìm hiểu giáo lý nhà Phật, tôi thấy có hai chữ ngã: vô ngã và chấp ngã.


Từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống, chắc hẳn bản thân mỗi chúng ta đều nhận thấy nguồn gốc của những thành công và căn nguyên của nhiều sự thất bại, ở một phương diện nào đó, có liên quan mật thiết đến hai chữ ngã này.
Vậy ngã là gì? Nghĩa sinh học: Ngã là bản thân mỗi người - với tư cách là một cơ thể sống tồn tại tương đối độc lập trong môi trường sinh thái. Nghĩa xã hội: Ngã là cái tôi riêng lẻ, ngã là cái cá nhân. Hiểu ở một góc độ hẹp hơn nữa thì ngã là lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, quyền lợi riêng tư của bản thân mỗi người.


Vô ngã (trong nghĩa xã hội) là không có cái riêng cá nhân, không vì lợi ích riêng, không hành xử vì động cơ cá nhân, không vì bất cứ một cá nhân nào trong tập thể.
Ngược lại với vô ngã là chấp ngã. Chấp ngã luôn đề cao cá nhân, vì quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể. Vì lợi riêng thì khó mấy cũng làm, vì lợi chung thì dễ mấy cũng chối. Lỗi mình thì to mấy cũng bỏ qua, lỗi người thì nhỏ mấy cũng soi cho kỹ.
“Lỗi người thì bỏ túi sau
Lỗi mình túi trước lầm đâu được mà”.

(La Fontaine)
Nho giáo có khái niệm vị kỷ và vị tha cũng mang nghĩa tương tự như thế. Vị kỷ là vì mình, vị tha là vì người khác. Với những người làm công tác thực thi pháp luật, gìn giữ công bằng, dân chủ, kỷ cương và trật tự xã hội, ở đó mỗi hành vi, cử chỉ, mỗi lời nói việc làm đòi hỏi phải đặc biệt hiểu, coi trọng và thực hiện lối sống xả kỷ vô ngã, khắc phục từng bước lối sống chấp ngã, vị kỷ mới có thể hành xử công minh đem lại lợi ích cho dân, cho nước.


Từ thực tế các hoạt động của không ít cơ quan đơn vị với tính chấp ngã vị kỷ của không ít người đã trở thành một trở ngại lớn trong hoạt động của cơ quan, tập thể. Đơn cử một vài biểu hiện để cùng suy ngẫm: Khi tập thể tổ chức một số hoạt động từ thiện thì tham gia một cách miễn cưỡng vì cho rằng không đem lại lợi ích thiết thực. Khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng thì vắng, có người đến cuối buổi mới xuất hiện lấy lệ. Khi mình, thân nhân đau ốm rủi ro hoặc gia đình có việc đại sự thì cần mọi người có mặt giúp đỡ, còn việc của đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm thì mình lảng tránh. Hoặc công việc ở cơ quan chỉ cần biết thuận lợi cho mình, còn đồng nghiệp thì mặc kệ. Hoặc trước một vấn đề cần ý kiến tập thể thì im lặng vì nghĩ rằng nói chẳng được lợi gì, im lặng để giữ thân, được lợi thì hưởng, không được thì cũng chẳng ai oán trách theo kiểu:
“Dại chi cầm đuốc đốt giời
Giời kia chẳng cháy lửa rơi vào mình”.

(Ca dao)
Tất cả những ví dụ trên đều là biểu hiện của tính chấp ngã.


Xin kể câu chuyện xưa đại ý rằng: Xưa có một viên quan tính hay xu nịnh được vua sủng ái, cho nên nhiều đại thần ghen ghét tìm cơ hội để dạy cho ông ta một bài học. Một hôm vị quan này ăn một quả đào thấy ngon bèn đưa cho vua, vua khen là trung thần, có miếng ngon không nỡ hưởng mà không có vua. Hôm khác vua nói, mọi vị trên đời ta đều nếm qua duy chỉ có thịt người là chưa biết mùi. Viên quan nọ không ngần ngại về giết con lấy thịt dâng vua, vua khen tận trung báo quốc, vì vua mà cả con mình cũng không tiếc.
Ít lâu sau, tình cảm của vua đối với viên quan nọ không còn được như trước nữa. Các quan nhân đó mới tâu vua rằng: Viên quan nọ khinh vua nên ngày trước mới cho vua quả đào đang ăn dở; và rằng một người mà đến con ruột còn dám giết thì vua phỏng hắn có tha. Loại người đó sao có thể để sống cho được. Vua nghe và khép viên quan nọ vào tội chết vì bất trung, bất nghĩa.
Như vậy, cùng một sự việc nếu ta nhìn nhận, xử lý bằng những cái tâm khác nhau thì hậu quả và hiệu quả thu về cũng khác nhau. Nếu chúng ta cố tình xen vào công việc những toan tính cá nhân thì hậu quả không chỉ là thiệt hại về tài vật mà còn là tính mạng, danh dự của con người. Đó cũng là một trong những tác hại nguy hiểm của tính chấp ngã.


Vô ngã của nhà Phật là một đạo lý lớn mà có lẽ mỗi chúng ta hãy cố gắng để có được một phần. Chấp ngã là sự thật ở đời luôn luôn tồn tại và không thể không có trong cuộc sống mỗi cá nhân, song chúng ta cũng nên cố gắng giảm bớt một chút để cùng xây dựng tập thể, xã hội tốt đẹp hơn.
Theo Giác Ngộ