Monday, June 5, 2017

VẠN SỰ GIAI KHÔNG

Trăm năm trước thì ta không có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời có có không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi!


Kinh Bát Nhã chép: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Có như không, không mà có). Như vậy, “Vạn sự giai không” là một trong những quan điểm lớn lao của đạo Phật. Hiểu một cách chân phương, “Vạn sự giai không” nghĩa là mọi thứ trên đời đều tạm bợ, hư ảo, không thật. Nó thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan căn bản nhất của sự vô vi: anh không có, tôi cũng không có. Bạc tiền danh vọng không, nhan sắc không, tình yêu cũng không. Cả thế giới này là một chữ KHÔNG!

Kim Dung có lẽ là một đệ tử thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên trong các tiểu thuyết võ hiệp của ông tư tưởng ấy hiện ra một cách có hệ thống, trở thành nguồn tư tưởng phương Đông chủ đạo, bao trùm tác phẩm. Kim Dung thường nhắc đến sự tích Đức Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc qua Trung Quốc, diện bích trong 9 năm, hình thành hệ tư tưởng Thiền Tông Trung Hoa, từ đó Thiền Tông Thiếu Lâm mới ra đời, kinh văn Phạn ngữ được dịch ra Trung Văn và các thứ võ công danh tiếng mới mang dáng dấp Thiền tông nhiều đến vậy: Niêm Hoa Chỉ, Bát Nhã Chưởng, Thiếu Lâm Trường Quyền, Dịch Cân Kinh, Thiên Thủ Như Lai Chưởng, Kim Cương Chỉ, Đạt Ma Kiếm Pháp… Ngay cả vũ khí mà các nhà sư Thiếu Lâm sử dụng cũng mang dáng thiền: Thiền trượng.


Trong cách đặt tên nhân vật cho các nhà sư Thiếu Lâm, Kim Dung cũng cố gắng thể hiện chữ Không trong “Vạn sự giai không” rõ nét: Vô Tướng, Vô Sắc, Huyền Khổ, Huyền Nạn, Huyền Từ, Huyền Thống, Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp, Hư Trúc, Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tín… Các nhà sư Thiếu Lâm xuất hiện rất gọn nhẹ, bên mình không mang theo một thứ vật dụng gì. Thỉnh thoảng có người cầm theo cây gậy – đoản côn để làm vũ khí, nhưng khi cần chiến đấu với địch thủ, họ thường sử dụng đôi bàn tay thịt. Ở một góc độ nào đó, họ là một biểu hiện khá triệt để của chữ “không”.

Trên cơ sở chữ “không”, Kim Dung xây dựng những nhân vật rất lạ, ông thật sự thành công khi tạo cho độc giả nhận thức coi cái chết như một sự giải thoát, sự trở về. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhà sư Phương Sinh đứng trước xác bốn đệ tử bị Nhậm Doanh Doanh giết chỉ đọc một bài kinh siêu độ. Ông không tiến hành ma chay chôn cất ầm ĩ, cũng không trả thù Doanh Doanh bởi ông coi sống chết là lẽ thường tình, cái xác phàm tục của con người cũng chỉ là cái túi da. Tất cả đều trở về với cát bụi. Hay như Định Nhàn sư thái, chưởng môn phái Hằng Sơn; sau một trận chiến đấu hung hiểm đầy máu và lửa, bà xuất hiện với chiếc áo không lấm một vết than tro, khuôn mặt bình thản, tay lần chuỗi tràng hạt như không có chuyện gì xảy ra, đúng với ba chữ “vô ưu”, “vô uý”, “vô trần” của đạo Phật. Mà “vô” cũng chính là “không”. Trước khi chết trên chùa Thiếu Lâm, vị nữ ni này truyền chức chưởng môn lại cho Lệnh Hồ Xung mà vẫn không chịu nói ra ai đã giết mình. Ấy bởi vì kẻ giết bà chính là Nhạc Bất Quần, sư phụ của Lệnh Hồ Xung! Chữ “không” đã giúp bà quên đi mối thù. Bà chết nhưng chữ “không” vẫn long lanh trong sáng.


Trong Thiên Long Bát Bộ, Kiều Phong đau xót truy tìm cho được nguồn gốc của mình là người Hán hay người Khất Đan. Hơn đâu hết, ở Trung Hoa ngày xưa, mặc cảm dân tộc và sắc tộc rất lớn: người Hán mới là người; các dân tộc và sắc tộc khác chỉ là Rợ! Kiều Phong là bậc anh hùng đạt đạo những vẫn không thoát ra được tư tưởng dân tộc hẹp hòi, nên sợ bản thân mình thuộc dòng giống Khất Đan mọi rợ. Khi Kiều Phong tìm lên chùa Chỉ Quán, núi Thiên Thai xin gặp nhà sư Trí Quan để hỏi cho ra nguồn gốc, Trí Quan chỉ đọc một bài kệ lửng lơ:

Khất Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần


Cả bài kệ là một chữ “không”, kết thúc mọi vấn đề: dân tộc, ân oán, vinh nhục trên đời … chỉ là bụi trần, hỏi mà làm chi, biết mà làm chi! Sức học của Kiều Phong không cho phép ông hiểu ra ý nghĩa của bài kệ ngay thời điểm Trí Quan đọc. Nhưng khi ông nhìn nụ cười hiền từ nở ra trên đôi môi và cái chết đầy tính giải thoát của nhà sư khi đọc xong bài kệ, có lẽ ông nhận ra chữ “không” trong tư tưởng của nhà Phật.

Cũng trong tác phẩm này, một nhà sư già trong Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm đã hóa giải mối thù sâu như biển giữa Tiêu Viễn Sơn (người Khất Đan) và Mộ Dung Bác (người Tiên Ty). Bốn tay họ giao nhau, hai lòng cùng giác ngộ; họ chợt nhận ra những âm mưu, thủ đoạn, khát vọng trả thù chỉ là hư ảo. Và nhà sư Ba La Tinh (người Thiên Trúc) cũng nhận ra cái hư ảo trong giấc mộng ăn cắp kinh văn đem về Thiên Trúc của mình. Ông chợt nhận ra Thiên Trúc hay Trung Hoa đều là thế gian, và việc trở về Thiên Trúc là không cần thiết nữa. Còn nhà sư Huyền Thống đang hăng hái đánh nhau với bọn Hàm Cốc bát hữu, chỉ cần nghe nho sinh đọc câu: “Khổ hải vô biên hồi đầu thị ngạn” (bể khổ mênh mông, quay đầu là bờ) đã chợt ngộ ra chữ “không”, trên môi nở nụ cười mãn nguyện mà chết.


Chữ “Không” của Kim Dung cũng can thiệp vào tình yêu một cách tích cực. Ai yêu nhà sư Huyền Từ bằng Diệp Nhị Nương? Người phụ nữ này đã hiến thân cho Huyền Từ, sinh ra chàng Hư Trúc. Nhưng Huyền Từ là Phương trượng của chùa Thiếu Lâm do đó Diệp Nhị Nương cam chịu sống lẻ loi, không dám nhìn mặt người tình trong suốt 20 năm để cho Huyền Từ khỏi bị tai tiếng vì phạm phải chữ “dâm” ô nhục nằm hàng đầu trong Ngũ giới cấm của nhà Phật. Đến phút cuối, trước quần hùng tại sân chùa Thiếu Lâm, Huyền Từ, Diệp Nhị Nương và Hư Trúc mới đoàn tụ. Vợ chồng, cha mẹ, con cái trùng phùng, có hạnh phúc nào lớn hơn điều ấy? Thế nhưng, chữ “không” lại xuất hiện, can thiệp, biến khúc hoan ca thành bi khúc. Huyền Từ tự vẫn để tạ tội với chư tăng chùa Thiếu Lâm; Diệp Nhị Nương tự vẫn theo người tình cho có đôi có bạn. Tình yêu của họ cũng chỉ là hư không; chăn gối ngày xưa cũng chỉ là hư không, còn lại mình Hư Trúc, thoắt được tất cả, thoắt mất tất cả …


Than ôi, nghĩ đến những khát khao “nhiên tự như nhiên” nhất như tình yêu đôi lứa, hạnh phúc vợ chồng, cuộc đời tương ngộ … làm nên nguồn sống con người, đến một lúc nào đó hoá “Vạn sự giai không”, hoặc giả còn, nhưng lại biến thành một dạng “tự như nhiên” khác thì quả thật rất đáng buồn! Chắc Kim Dung hiểu, liệu con người có mấy ai đạt đạo mà chấp nhận cái “KHÔNG”, cái “VÔ” ai oán đó nên ông cố gắng biến “Không” cũng là “vô” nhưng đồng thời lại đưa ra biện chứng “Vô trung sinh hữu” – trong cái “không” sinh cái “có”. Đó là mâu thuẫn, giằng xé ở tự ngòi bút của Kim Dung hay đã tồn tại tự trong mỗi con người một khi chưa buông tay trở về với chữ “không” đầy cát bụi …?

Theo: cafeandbook

No comments: