Thursday, March 17, 2016

GIỌNG HUẾ CHI LẠ RỨA.

Bài này đăng trong trang mạng "Góc Nhỏ Sân Trường", thấy hay hay và cảm tình nên share lại cho mọi người đọc, để biết thêm chút xíu về Huế.


GIỌNG HUẾ CHI LẠ RỨA 

– Có khi mô bạn đến Huế chưa?
– Bạn thấy Huế răng?
– Giọng Huế răng chi lạ ri hấy? 

Đó là những câu nói thông thường mà người Huế vẫn hỏi những du khách đến Huế. Nhiều người đến với Huế đã ấn tượng với những con người nhẹ nhàng thân thiện, ấn tượng với những ngôn từ và âm giọng của những con người xứ Huế. Để rồi nặng lòng với Huế, nặng những lời thề, nặng tiếng dạ thưa của những cô con gái trong tà áo dài trắng ngất ngay. 

Tôi thấy lạ khi cùng một con người nhưng trong tiếng nói lại có những âm điệu khác nhau trong mỗi vùng miền. Nếu bạn là người Hà Nội gốc hay người Sài Gòn chính hiệu thì tiếng Huế trở nên vô cùng lạ lùng đối với bạn. Lạ lùng quá, nên chăng đã trở thành một nét riêng ấn tượng với du khách thập phương khi đến Huế. 

Giọng Huế đã lạ tiếng Huế còn lạ hơn, người nghe lạ tai vì những từ: chi, mô , răng, rứa, tề, chừ , nớ, ni, hả… tiếng Huế cũng lạ trong việc dùng từ chỉ vật. Ví như cùng một vật để thức ăn người Bắc gọi là “bát” người Huế gọi là “đọi” người Nam gọi là “tô”. Để chỉ động tác mất cân bằng rơi xuống đất người Bắc gọi là “ ngã” người Huế gọi là “bổ” người Nam gọi là “té”. Cùng loại trái cây người Bắc gọi là “dứa” người Huế gọi là “thơm” người Nam gọi là “khóm”. 

Ngôn ngữ trong dân gian cũng khác trong hoàng tộc như chữ “mệ” chữ mệ ở đây dùng để chỉ các ông hoàng còn trong hoàng tộc chữ “mệ” dùng để chỉ những người đàn bà cao tuổi hay hay để gọi bà nội bà ngoại.


Giọng nói còn có ý nghĩa tinh thần liên hệ với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi con người ta sinh ra và lớn lên. Vì nó như là biểu hiện âm thanh cho người ta nhận biết được quê quán xuất xứ của một người. Bởi vậy, chỉ cần nghe một câu nói là có thể phần nào hiểu được văn hoá của vùng: “Rứa khi mô anh vô trong nớ thì cho em gởi lời hỏi thăm người thân với hí”? 

Hay chính những dòng thơ cũng mang âm hưởng của âm điệu xứ Huế: 

Huế ơi...
Nhịp cầu cong mà con đường thì thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi mô
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

(Thu Bồn) 

Tôi vẫn nghe nhiều người nói: Giọng Huế thì chỉ riêng người Huế mới hiểu, hay nhiều nhất cũng chỉ những con người ở miền Trung may thay mới hiểu được khi người Huế cất giọng nói. Cơ mà sao người Huế có thể hiểu 1 cách dễ dàng những gì mà người Miền Nam hay người niềm Bắc nói. Phải chăng người Huế “ thông minh” hơn. 

Có người lại bảo rằng, đi xa, đi càng xa Huế mà bắt gặp giọng Huế thì như gặp được bạn cố tri. Tôi cũng nghĩ. Tour du lịch 4 ngày 3 đêm đưa tôi đến với đất nước Thái Lan. Quả thực mới có 4 ngày xa Huế mà đã thấy nhớ, nhớ nhiều thứ, nhớ nhiều cái lắm. Chính những cái làm tôi nhớ lúc ấy giờ lại làm tôi nhớ về những người đồng hương người Việt gốc Huế tại mảnh đất Thái Lan. Tôi nhớ, nhớ lúc đầu bập bẹ huơ tay múa chân ngả giá với 1 bác người Thái 1 lúc khá lâu. Ai ngờ bác lại hỏi “ cháu mua cái chi rứa?” Ngạc nhiên lạ lùng khi bác nói tiếng việt cơ đấy, lại còn tiếng Huế nửa chứ. Hỏi ra mới biết bác cũng là người Huế, sang đây định cư sinh sống. Bác bảo rằng nơi đây người Huế nhiều lắm, còn bác sống ở bờ Bắc của sông Hương trên con đường tên của một vị tướng, còn vị tướng nào thì tôi quên mất rồi. 

Tôi lại nhớ những ngày ở Quảng Bình, không người Huế, không một âm hưởng của giọng Huế, nên lâu tôi cũng thấy nhớ. Nhưng vui thay một buổi tối chúng tôi ngồi lai tám chuyện, câu chuyện được chúng tôi hào hứng là “chuyện” về giọng Huế.


Mấy anh hướng dẫn người Hà Nội gốc khó lòng hiểu được những gì chúng tôi đang trò chuyện, thế là không biết bao nhiêu cái thú vị từ ngôn ngữ trong cuộc nói chuyện. Nói chuyện có hẳn “người phiên dịch” nhé. Cứ mỗi một câu chúng tôi lại quay ngang hỏi anh hướng dẫn viên người Hà Nội như kiểu vừa trêu vừa đùa. Vậy mà Anh chỉ buông có câu: “Hiểu chết liền” 

Hay một lần đến chợ Đà Lạt, đang sử dụng tập tểnh một thứ giọng miền Nam trao đổi với người bán thì được "đáp lễ" bằng một giọng Huế chính hiệu, tôi cảm thấy vừa "quê" vừa vui, nhưng đúng là vui cùng quê vì tôi và người bán hàng cùng tâm đắc quê Huế. 

Có lẽ với tôi một điều dễ nhận thấy nhất, khi đi xa cách dễ dàng nhận ra là người cùng quê có lẽ đó chính là âm giọng của của tiếng nói. Tiếng nói tạo nên vùng miền tạo nên âm hưởng của sự truyền tải, nhiều khi đơn giản tiếng nói lắng lòng cho những người con xa quê, ngỡ ngàng và kết nối những người gọi là “ đồng hương” lại với nhau. Giọng nói gắn với con người và được sử dụng tự nhiên như là hơi thở, bình thường ít mấy ai quan tâm, chỉ khi đi xa lâu ngày thì nó trở thành nỗi nhớ nhung lạ thường.

(Hồng Vân sưu tầm)



No comments: