Thời biết đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, nhờ 2 tiệm cho mướn sách ở gần nhà nên tôi đọc nhiều lắm cho tới nay vẫn không quên. Bây giờ qua xứ người mần mò học thêm chút ít chữ Hán Việt nên có thể so sánh qua 2 mạng Việt và Hoa để tìm tài liệu post lên giới thiệu cho các bạn.
Các bạn trẻ thì không biết nhưng các bạn già thì nhất định phải mê vài bộ kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long mà phần nhiều do Hàn Giang Nhạn dịch. Nói qua , nói lại cũng để muốn nhắc lại một phần trong truyện võ hiệp Kim Dung mà nếu quên hay không biết "võ lâm ngũ bá" và "Hoa sơn luận kiếp" thì coi như hơi mù mờ trong lúc đọc tiểu thuyết của ông.
"Hoa sơn luận kiếm" đã xảy ra 3 lần nhưng trong truyện dịch ở VN, mình gọi là "võ lâm ngũ bá" nhưng theo bên Hoa ngữ thì họ gọi là "Thiên Hạ Ngũ Tuyệt" và lần đầu trong phần thượng của "Xạ điêu anh hùng truyện" còn bên VN thì lần đầu xảy ra trong bộ "võ lâm ngũ bá" nhưng thế nào đi nữa, phân đoạn ra bao nhiêu phần vẫn là dịch từ tiểu thuyết nguyên thủy của Kim Dung.
HOA SƠN LUẬN KIẾM
華山論劍
Thiên hạ ngũ tuyệt, Càn khôn ngũ tuyệt hay Võ lâm ngũ bá là những tên gọi khác nhau để chỉ cùng một nhóm năm người được coi như võ công cao nhất trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của Kim Dung. Năm người sẽ đại diện cho năm phương hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Nhóm này được bầu ra thông qua một cuộc Hoa Sơn luận kiếm.
Hoa Sơn luận kiếm là một sự kiện đặc biệt trong võ lâm đương thời. Trong đó những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt (天下五绝). Trong thời đại Xạ Điêu tam bộ khúc (射鵰三部曲), có tổng cộng ba lần Hoa Sơn luận kiếm.
Cuộc luận kiếm lần thứ nhất diễn ra trước khi câu truyện Anh hùng xạ điêu bắt đầu. Vào thời điểm này, trên giang hồ đang tranh giành quyết liệt bí kíp võ học Cửu Âm chân kinh (九阴真经). Vô số cao thủ, bang phái bị cuốn vào vòng tranh đoạt, gây ra rất nhiều tổn thất. Những cao thủ võ công bậc nhất quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn để định ra ai là người mạnh nhất. Người đó sẽ được giữ Cửu Âm chân kinh vì theo lí luận của họ, chẳng kẻ nào dám đến cướp bí kíp võ học trong tay người mạnh nhất võ lâm.
Sau nhiều người thi thố võ công, cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt (天下五绝) cũng được bầu ra gồm năm người:
Đông Tà Hoàng Dược Sư (東邪 黃藥師) hay còn gọi là Hoàng Lão Tà (黃老邪): Đảo chủ đảo Đào Hoa, tính tình quái dị, thường hành sự theo ý mình, coi thường thiên hạ. Ông có 6 đệ tử tài năng, nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần thông (彈指神通), Lạc Anh thần kiếm chưởng (落英神劍掌), Ngọc Tiêu kiếm pháp (玉蕭劍法).
Tây Độc Âu Dương Phong (西毒 歐陽鋒) còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật (老毒物): Chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt. Y nổi danh với tuyệt kỹ Hàm mô công (蛤蟆功), Linh xà trượng pháp (靈蛇杖法) và khả năng pha chế ra những loại độc dược chết người, không ai giải nổi.
Bắc Cái Hồng Thất Công (北丐 洪七公) còn được người đời gọi là Lão Ăn Mày: Bang chủ thứ mười tám của Cái Bang, tham ăn tham rượu nhưng hào hiệp, trượng nghĩa. Võ công của ông rất cao. Hồng Thất Công thường sử dụng Giáng Long thập bát chưởng (降龍十八掌) và Đả cẩu bổng pháp (打狗棒法).
Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (中神通 王重陽): Chưởng môn tổ sư Toàn Chân phái (全真派), vốn là một lãnh tụ chống Kim, sau thất bại quay về núi Chung Nam lập ra môn phái. Ông có bảy đệ tử rất giỏi giang nổi tiếng với Thiên cang bắc đẩu trận được giang hồ ca tụng gọi là Toàn Chân thất tử (全真七子). Môn võ công đắc ý của ông là Tiên thiên công (先天功) có thể giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.
Vương Trùng Dương được coi là người mạnh nhất, nên ông được giữ Cửu Âm chân kinh. Trong cuộc luận kiếm này có hai sự vắng mặt được cho là đáng tiếc đó là: Bang chủ Thiết Chưởng bang (鐵掌幫) (không phải Cừu Thiên Nhận 裘千仞) là Thượng Quan Kiếm Nam (上官剑南) và nữ hiệp Lâm Triều Anh (林朝英) của phái Cổ Mộ (古墓派).
Cuộc luận kiếm thứ hai diễn ra sau lần thứ nhất 25 năm vào cuối tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu (射雕英雄传). Lần luận kiếm này khá vắng vẻ chỉ có Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Quách Tĩnh tham gia. Đoàn Trí Hưng (khi này đã đi tu, đổi là Nhất Đăng đại sư), Cừu Thiên Nhận (裘千仞), Chu Bá Thông (周伯通) có đến nhưng không tham dự. Vì vậy cuộc luận kiếm này không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.
Lần này, do Quách Tĩnh (郭靖) là hậu bối so với Bắc Cái và Đông Tà nên Hoàng Dung (黃蓉) bày ra quy củ, hai người lần lượt thi đấu với Quách Tĩnh, trong 300 chiêu, ai hạ chàng trước thì thắng. Còn nếu sau 300 chiêu mà không ai đánh bại Quách Tĩnh thì chàng sẽ là người chiến thắng. Cả hai vị cao thủ đều biết ý Hoàng Dung muốn người yêu của mình thắng nên đều không đánh hết sức ngay từ đầu, không ai hạ chàng sau 300 chiêu. Đúng lúc đó Âu Dương Phong xuất hiện. Y vốn bị Quách Tĩnh đưa bản Cửu Âm chân kinh giả và Hoàng Dung chỉ dẫn tu luyện sai đường nên tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch hỗn loạn, trở nên điên cuồng. Nhưng vô tình điều này lại khiến cho võ công của y tăng tiến vượt bậc. Tuy vậy thiên hạ đệ nhất võ công lại có thể là Chu Bá Thông (周伯通).
Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai kết thúc mà không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.
Cuộc luận kiếm lần thứ ba diễn ra vào cuối tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ (神鵰俠侶). Bấy giờ, Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Âu Dương Phong đều đã qua đời nhưng cao thủ mới xuất hiện cũng rất nhiều. Lần luận kiếm này có khá đông cao thủ tham gia: Hoàng Dược Sư (黃藥師), Nhất Đăng đại sư (一燈大師), Quách Tĩnh (郭靖), Hoàng Dung (黃蓉), Dương Quá (楊過), Tiểu Long Nữ (小龍女), Chu Bá Thông (周伯通). Tuy vậy lần này mọi người không trực tiếp giao đấu mà chỉ tự phân chia thứ bậc thông qua hiểu biết về võ thuật của nhau. Cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt được bầu ra gồm có.
Đông tà Hoàng Dược Sư (東邪 黃藥師)
Tây cuồng Dương Quá (西狂 楊過): Cao thủ trẻ tuổi có biệt danh là Thần điêu đại hiệp (神鵰大俠). Chàng võ công rất cao, tu tập từ nhiều môn phái. Môn võ công nổi tiếng nhất của chàng là Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng (黯然銷魂掌).
Nam tăng Nhất Đăng Đại Sư (南僧 一燈大師).: Chính là Nam Đế Đoàn Trí Hưng khi xưa, giờ đã đi tu.
Trung Ngoan Đồng Chu Bá Thông (中顽童 周伯通): Sư đệ của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, tính nết như trẻ con, hay nghịch ngợm, chơi đùa, say mê võ học. Võ công nổi tiếng nhất của ông là Không Minh quyền (空明拳) và thuật Song thủ hỗ bác (雙手互搏).
Đây là lần Hoa Sơn luận kiếm cuối cùng. Từ đó về sau trong tiểu thuyết của Kim Dung không thấy có cuộc bầu chọn thiên hạ vô địch nào nữa.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment