Lúc đó tôi không thích vì quan niệm "cách cho quý hơn của cho". Cho mà muốn tiếng tăm, muốn người khen tặng như vậy thì chỉ có "phúc" chớ không có "đức" . Tôi nhớ câu chuyện giữa vua Lương Vũ Đế và Bồ Đề Đạt Ma như thế này:
"Trong cuộc hội kiến lịch sử với Bồ Đề Đạt Ma vào năm đầu Đại Thông (527), vua Lương Vũ Đế đã nêu lên trăn trở: Trẫm một đời tạo tự, độ Tăng, thiết trai bố thí, được bao nhiêu công đức? Tổ Đạt Ma đáp: Không có công đức. Câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma như tiếng sét giữa trời quang, làm cho Lương Vũ Đế và cả triều đình nín lặng. Sau cuộc vấn đạo bất thành, Bồ Đề Đạt Ma đã vượt sông Dương Tử đi về mạn Bắc."
Cách giải thích của Đạt Ma đã làm sụp đổ hết niềm tin vào Phật pháp của Lương Vũ Đế. Ngày nay cũng vậy cứ ngồi đó chê bai đại gia show-off lấy tiếng thì các vị nghĩ lại đi: nếu tất cả người có tiền đều quay mặt với từ thiện thì các vị kiếm đâu ra quỹ để cứu trợ người nghèo. Tự phát cũng được, lấy tiếng cũng được "CÓ CHO QUÝ HƠN NÓI HAY MÀ CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ CHO". Biết tu, biết nói thời mạt pháp mà thấy những người có tâm mà còn chê trách là những hành động không phải theo Phật pháp, phải tự hỏi lại mình đã có bố thí chưa. Tôi thấy rất buồn cười khi xem những video clip của các chùa đi hành hương Ấn Độ, Miến Điện, đến những khu người nghèo các "sư" cầm tiền phát cho những người nghèo này một cách rất thoải mái. Các "sư" ở đâu có tiền mà phát một cách sung sướng như vậy với cái tâm bố thí ?
Tôi không dám viết thêm nhiều vì sợ đụng chạm, sợ thất đức và nhất là bị gán cho cái câu "ác khẩu". Tôi chỉ muốn nói với những nhà hảo tâm bố thí: Xin các vị cứ tiếp tục bố thí từ thiện, các vị có yêu cầu, đó là đúng đắn. Kiếp sau không ai biết có lên cỏi Phật được không nhưng chắc chắn một điều Phật lúc nào cũng muốn mình theo tu tập và hiểu luật "NHÂN và QUẢ". Mình gieo nhân tốt thì chắc chắn sẽ có quả tốt, lên được "cực lạc thế giới" hay không thì chẳng ai biết nhưng với cái quả tốt mà mình đã làm thì sẽ được chứng giám.
Đối với tôi, tôi muốn kiếp sau sẽ trở thành một người giàu có để tiếp tục cứu giúp đời. Trên thiên đàng vui không thì chẳng ai biết nhưng hạ giới có tiền thì là một sung sướng tuyệt vời nhưng với điều kiện phải biết bố thí và làm từ thiện với tâm từ bi.
Mời các bạn đọc bài sau đây của: Công Anh – Giang Thanh
TỪ THIỆN SÀI GÒN GIỮA DÒNG THỊ PHI
Gần đây, trên báo chí và các trang mạng xã hội diễn ra tranh luận bất tận về chuyện làm từ thiện liên quan đến cơm, cháo ở Sài Gòn – về chuyện như thế nào là từ thiện “thị” (phải) và từ thiện “phi” (trái).
Trách người cho
Chia sẻ trên báo điện tử của một tờ báo có tiếng ở Sài Gòn, tác giả Hà Đ viết: Ở rất nhiều hội nhóm từ thiện mà tôi biết, công khai tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm mà nhiều thành viên quan tâm nhưng ít ai dám lên tiếng vì ngại đụng chạm.
Họ bị rào cản tâm lý: “Đã từ thiện còn quan tâm đến chuyện tiền nong” hoặc vì tin vào cái “tâm sáng” của những người đứng ra thành lập hội nhóm từ thiện.
Theo tác giả Hà Đ, chúng ta đã có các quy định khi thành lập quỹ từ thiện. Tuy nhiên, người viết chưa tìm thấy những quy định hoặc chế tài xử phạt những người hoạt động từ thiện tự phát hoặc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các hoạt động từ thiện.
Chúng ta cũng chưa tuyên truyền, giáo dục kèm hướng dẫn pháp luật về việc tổ chức thực hiện từ thiện. Do vậy, cả xã hội ta đang hoạt động từ thiện một cách tự phát, mất kiểm soát, không có phương pháp, không có mục đích rõ ràng và đang gây ra những hệ luỵ tiêu cực cho xã hội.
Nếu không có sự can thiệp chấn chỉnh kịp thời […] hoạt động từ thiện sẽ biến tướng thành các hình thức lừa đảo, và đẩy lùi ý thức lao động của xã hội hoặc chỉ tạo thêm tệ nạn cho xã hội mà thôi.
Tương tự, chị Ngô Hồng Đào, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở Sài Gòn cho rằng, việc cấp phát cơm, cháo từ thiện hiện nay đa phần là vì tên tuổi của tổ chức từ thiện và các doanh nghiệp đứng đằng sau.
“Của cho không bằng cách cho”, chị Đào bức xúc và chia sẻ thêm: Ai đời, giữa trưa nắng, họ bắt người nghèo, người lấy cơm xếp hàng dài mồ hôi nhễ nhại, tạo đám đông chú ý để chỉ hòng đánh bóng tên tuổi, chứ đâu có nghĩ đến người nghèo đang “chới với” vì cơ cực.
Không phản bác hẳn quan điểm của tác giả Hà Đ hay chị Hồng Đào, nhưng đại đức Thích Quảng Viên lại chia sẻ về cái tâm, cái đức khi làm từ thiện. Người cho có tâm xấu, người nhận không xứng đáng thì họ phải gánh chịu những điều sai trái mình làm ra.
Do đó, việc cá nhân làm từ thiện, tư nhân làm từ thiện, Nhà nước làm từ thiện cũng như nhau mà thôi, vì hai chữ từ thiện đã nói lên tất cả. Theo đó, chúng ta phân biệt, xếp hạng những người làm từ thiện thì có gì đó lấn cấn. Bởi, ở đâu cũng có người này, người kia.
Nhà nước khi cấp gạo cứu đói cũng cấp “nhầm” gạo mốc – trong khi đơn vị cấp theo cách nói của nhiều người là hoạt động có ban bệ có kiểm soát gắt gao. “Giúp được người thì cứ giúp, cứ phát tâm”, đại đức Thích Quảng Viên chia sẻ.
Cứu khổ hàng vạn người
Trước những dòng thị phi ấy, chị Hoàng Ánh, quê Bến Tre, hiện đang nuôi con trai bệnh ở bệnh viện Nhi Đồng 2, nhìn nhận: Sài Gòn đang là thiên đường của người nghèo với những hộp cơm, chén cháo từ thiện có mặt khắp những nơi họ trú ngụ.
Chị nói: “Con trai bệnh nặng nên hai năm nay năm nào tui cũng phải nhờ đến cơm, cháo từ thiện ở đây ít nhất hai tháng. Không có thì thiệt tình không biết sống ra sao, vì ăn uống ở Sài Gòn đắt đỏ kinh khủng”.
Ở bệnh viện Nhi Đồng 2 hàng ngày có tới cả ngàn suất cơm, suất cháo cứu khổ bệnh nhân nghèo. Và cái đáng trân quý ở nơi đây nữa chính là chuyện người nuôi bệnh có nhà cửa đàng hoàng ở Sài Gòn không bao giờ tranh cơm, cháo từ thiện với người nghèo ở tỉnh lên.
“Trong phòng này tổng cộng sáu bé nằm điều trị, hai Sài Gòn, bốn tỉnh, coi nhau như người thân. Họ nghèo khó mình cho còn không hết, ai đời đi giành giật cơm, cháo”, chị Huyền, nhà quận Tân Bình đang nuôi con ở khoa hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 2, trải lòng.
Nơi phố hội mạnh ai nấy bươn chải cũng không thiếu những tấm lòng. Cứ vào các ngày lễ lớn, những ngày dành cho sự sum họp gia đình, luôn có không ít những nhóm thiện nguyện, tổ chức nấu từng phần cơm đem biếu cho những người không may mắn như mình.
Như hình ảnh dịp Noel vừa qua ở khu vực giáo xứ Tân Hương (quận Tân Phú), người dân xóm đạo đã thết đãi những người “ngoại đạo” cơ cực bằng một bữa ăn thịnh soạn trong không khí vui vẻ, ấm cúng của một gia đình lớn.
Và cũng thể không nói đến chuỗi quán cơm Nụ Cười. Nơi đây, vài năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người buôn gánh, bán bưng hòng chắt bóp từng đồng lẻ gửi về quê chăm lo, giúp đỡ gia đình.
“Không có quán cơm Nụ Cười này thì hai thằng cháu ngoại ngoài Bình Định của tôi khó bề mà theo học đến cấp 2”, ông Trần Văn Ninh, bán vé số, quê Bình Định, thổ lộ.
Ông Ninh liệt kê: ngày nào bán được nhiều vé số thì kiếm được tầm 170.000 đồng. Nếu chi tiêu dè sẻn lắm cũng mất đứt 70.000 đồng. Nhờ có cơm Nụ Cười mà mỗi tháng, ông Ninh gửi về quê hơn 2 triệu lo cho cháu ăn học.
Hàng triệu người đã được cứu khổ. Vậy đừng sợ thị phi giữa dòng đời mà hãy cứ làm đi nhé các bạn “từ thiện”, bạn đọc tên Hùng đã viết trong một diễn đàn đang tranh luận về “Từ thiện và mặt trái của nó”.
No comments:
Post a Comment