Sunday, March 20, 2016

TRÁCH KỶ (責己)

Sách dạy: “Tiên xử kỷ nhi hậu xử bỉ”. Việc xét lại bản diện mình khó thật! Phê phán, soi mói chuyện thiên hạ (thiên hạ sự) là dễ, thường tình, đó là tiện tánh chung của người đời.

Song le, cái tiện tánh phần Thức nầy, duyên khởi tại nơi phần Thân mà ra. Nhục thể nhân sinh hay nhân thân (cơ thể con người) do tạo hoá nặn ra (design) chưa hoàn chỉnh. Cặp mắt ta chỉ nhìn về phía trước, không nhìn lui đằng sau được! Vậy chăng có phải là lỗi kỹ thuật, lỗi của Designer?
Trong luật thi lái xe của Mỹ, họ lưu ý, khuyên tài xế, ngoài việc thường xuyên nhìn vào ba cái kiếng chiếu hậu (back miror) còn nên quay nhìn về phía sau, cho chắc ăn.
Cổ nhân cũng đã khuyên ta nên “hậu xét”, tức nhìn lại cách hành xử của mình trong ngày qua, mỗi tối trước khi ta chuẩn bị lịm vào giấc điệp. Thế nhưng mấy ai thấy được cái sai quấy của mình trong ngày? Họa chăng các nhà hiền triết, cao hơn có Bồ Tát.

Bởi sao? Do có quan niệm hạn chế, bị định kiến chi phối, phân chia xấu hay đẹp, thích hay không thích. Phật pháp gọi là Sở Tri Chướng. Gọi Chướng, vì nó ngăn ngại Trí Bồ Đề. Ví như cá nhân tôi, mắc bệnh loét bao tử kinh niên từ thời học thi bằng Trung học ĐNC, nên sợ cơm khô, thích cơm nhão. Tôi cho nhão là ngon (mọi người trong gia đình nói trái lại). Mỗi buổi ăn thấy cơm khô là giận sôi gan. Giận ai, bà xã hay con dâu? Đâu có đâu! Tôi vướng mắc vào Vô minh, bị Sở Tri Chướng ấy mà.
Sách nói, mà sách lại được viết từ bản thân “con người hữu duyên” ở nhân gian hay trần thế, “ Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp”. Anh có thấy vậy không? Tôi có thấy được không? Hàng Bồ Tát lại thấy, Phật không thân, với báu thân tròn sáng thanh tịnh trùng khắp. Nhưng ở cõi địa ngục, ngạ quỷ thấy, Phật như chân voi đen, dài ba thước! (Ngài Hiền Thủ, Tổ thứ ba Tông Hoa Nghiêm)
Cũng một bóng trăng soi xuống nước, mà ta thấy nhiều hình ảnh biến hiện khác nhau, chỉ vì nó liên quan trực hay gián tiếp đến Duyên Nghiệp từng loài:


Nước trong, trăng tỏ.
Nước đục, trăng mờ.
Nước chao, trăng vỡ.
Nước lặng, trăng nguyên.
Chính con người trần tục tôi cũng vậy. Hồi ở quê nhà, sau 1975, tôi là kẻ buôn lậu. Ra xứ người, tỏ ra là văn nhân (có văn hóa và nhân ái). Xứ mình, không buôn lậu sao sống? Qua xã hội văn minh, buôn lậu bị vào tù! Ở môi trường nào, cái cốt tủy “tôi vẫn là tôi”. Chỉ có thể như loài kỳ nhông, đổi màu theo mùa, theo môi trường để sống còn, theo luật sinh tồn tạo hoá (Lizards or geckos change color to camouflage themselves).
Trở lại ý niệm Trách kỷ.
Con người dễ dàng bị tự kỷ ám thị. Ám là tối mò đó vậy.
Ai cũng đọc Tô Đông Pha, đời nhà Tống bên Tàu. Tuổi trẻ đỗ cao, thơ văn lỗi lạc, thói thường ngạo mạn, ông đã hơn một lần bị “hố” vì sửa thơ Tể tướng Vương An Thạch. Tô Đông Pha chê hai câu thơ của ngài Tể Tướng:

“Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”.
Là không thực. Ông lý luận, “Trăng thanh sao lại hót? Chó vàng sao nằm giữa cánh hoa?” Ông chỉnh văn lại:
“Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm”.
Thi sĩ đắc chí... “Trăng sáng chiếu trên đỉnh núi. Chó vàng núp dưới bóng hoa”. Thật tuyệt!
Trên bước hoạn lộ thăng trầm, vì một phần tánh khí ngã mạn, phần chống đối, muốn cải cách nền pháp trị đương quyền, ông bị đày xuôi nam xa xôi với chức quan nhỏ, giao du đó đây, té ngửa ra, ở vùng rừng núi phương nam có một loài chim được đặt tên là chim Minh Nguyệt (danh từ riêng), và một loài sâu có tên là Hoàng Khuyển. Từ chữ khiếu (hót) ra chữ chiếu (soi) rồi chữ tâm (giữa) qua chữ âm (bóng) mở thêm kiến thức cho chàng thi sĩ, vị quan trẻ tuổi, giảm bớt tánh ngạo mạn. Bài học, có kiến thức trường học chưa đủ, cần phải từng trải đó đây, lăn lóc trường đời nữa, đã giúp ông tìm chốn Thiền môn học hỏi. Ông nghiêng về Thiền, thường lui tới chùa Kim Sơn đàm đạo với ngài Thiền sư Phật Ấn.

Một hôm, hỏi Thiền sư:
- Thầy thấy con tọa thiền ra sao?
- Trang nghiêm như Phật; ngài Phật Ấn trả lời.
Nhìn vẻ phấn khởi của Tô Đông Pha, Thiền sư hỏi lại:
- Còn học sĩ thấy tôi tọa thiền thế nào?
Không bỏ hở cơ hội tỏ tánh cao ngạo của mình, mau mắn đáp:
- Như đống phân bò.
Chẳng thấy Thiền sư trả lời, Tô Đông Pha hí hửng trong bụng, phen nầy ta thắng Sư ông rồi. Sau đó đem câu chuyện kể cho em gái Tô tiểu muội nghe. Cô ta lắc đầu:
- Sư huynh ơi, tâm Thầy như tâm Phật, nên nhìn huynh trang nghiêm như Phật. Tâm huynh như phân bò, chẳng trách huynh nhìn Thầy như đống phân bò!
Mắt người thường lầm, đánh giá sai chân tướng của sự việc và sự vật. Duyên do nhãn lực tự có, cộng môi trường xúc tác bao quanh. Tại các chùa, thường thấy phụng thờ tượng hai vị: Một, mặt trắng đẹp hiền, ông Thiện. Một, mặt dữ, lưỡi dài mắt đỏ, ông Ác. Thật ra đó là ngài Tiêu Diệm, hiện thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát để giáo hoá cõi ngạ quỷ đó thôi.
Phản cầu chư kỷ, muốn đề cập (cái sai trái) của người khác, phải đòi hỏi nơi mình trước đã. Tức là về phương diện đạo đức, thì phải tự xét mình trước, rồi sẽ thẩm định, phê phán người khác sau. Làm thế nào hoá giải được hiện tượng gọi là “Tự kỷ thôi miên”, tức tự mình thôi miên mình, tự sai khiến mờ tối, vô tâm thức.
Để “Trách kỷ”, Nho giáo còn chủ trương “Khắc kỷ phục lễ”, sửa mình theo lễ:
Phi lễ vật thị, đừng ngó gì trái lễ (che mắt).
Phi lễ vật thính, đừng nghe gì trái lễ (bịt tai).
Phi lễ vật ngôn, đừng nói gì không thuận lễ (câm mồm).
Phi lễ vật động, đừng làm gì trái lễ (bó tay).


Từ đó con người ý thức, việc gì mà mình không muốn ai làm cho mình, thì đừng làm cho người khác, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” là vậy. (sách CN&ĐSM- Thành Ngữ Hán Việt Thông Dụng - Nguyễn Ngọc Phách dịch: Do not do to others that which you do not wish to be done to yourself).
Tôi đọc được một đoạn chuyển ngữ, không biết của ai viết, trên một website: “ Hãy yêu thương những ai đối xử đẹp với ta. Hãy cầu Trời tha thứ cho những kẻ…xử tệ với ta. Nhớ đừng lấy cộng rác nào của họ để rảy lên những người khác, nơi mình làm việc, trong gia đình mình, hay cho những người mình gặp trên đường phố. Rác rưởi càng chồng chất, thì họ lại càng muốn tìm được nơi nào trút bỏ, và đôi khi họ nhằm ngay chính bạn để trút đống rác đó. Vậy tại sao bạn lại phải chuốc lấy rác nầy nhỉ!” ( Lấy từ Vietnamese Single Network).
Là Phật tử hoặc chưa dám tự nhận là đệ tử của Phật, chúng con đi lễ Phật, nương bóng cửa Thiền, cận kề chư Tăng học Đạo, những mong thắp sáng nghiệp thức, hóa giải u ám, nghiệp chướng của mình. “Cha mẹ cho thân, Thầy cho trí. Trí giúp chuyển hoá những duyên nghiệp oan khiên trong đời, giúp ta vững vàng sống trong cõi vô thưòng tạm bợ”. Trong mối tương giao Thầy trò, cũng lắm đắng cay! Đôi lúc thấy Thầy quá nghiêm khắc, đôi khi thấy…khó ưa! Chúng con từng nhận những “cái tát, mắng” từ Thầy mình. Ví như đạo sinh Gisho nhận những cái tát nẩy lửa từ Thiền sư Inzan vậy. Dằn Tâm nếm trải. Nếm để trưởng thành. Nếm để hun đúc con người mình, tôi luyện thêm cứng cáp. Nếm để bất động với mọi xáo động vô thường, lừa phỉnh chung quanh. Được vậy không, nếu không huân tập được sức chịu đựng dẻo dai bản thân? Cho nên, thời nay Tu ít đạt, học Đạo khó thành. Cả hai đối tượng phản chiều, giới Tăng sĩ và giới Cư sĩ, Thầy lẫn trò, đều biết tựa vào nhau, có bổn phận tương kính nhau. Cố nén Tham Sân Si để đạt Đạo. Mặc dù lúc nào chúng con cũng vẫn tâm niệm: “ Không có Thầy bên cạnh giúp mình buông bỏ, thì rồi một kiếp tơ tầm lại hoàn một khiếp tầm tơ!”(Theo quyển Ý Tổ Sư Trên Đầu Ngọn Cỏ của Chân Hiền Tâm).


Cẩn khai trọng niệm Một câu Di Đà,

Một câu Di Đà
Cũng Có cũng Không
Núi sông như mộng
Hoa liễu như sương
Một câu Di Đà
Chẳng Có chẳng không
Cùng nhau biến chuyển
Trên lò nước trong
Một câu Di Đà
Không khó không dễ
Chín phẩm hoa sen
Một đời gắng sức.
( Trích đoạn - Tịnh Độ Giáo Nghĩa – Úc châu)
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Chớm Xuân nắng ấm Atlanta – March 2010
Đức Vân cư sĩ
(đăng trong trang mạng Phật Giáo Đại Chúng)

No comments: