Thursday, March 10, 2016

TRẦN BÌ (陳皮) HAY CÒN GỌI LÀ VỎ QUÝT KHÔ.

Cũng khá lâu rồi, tôi có xem một tập phim của TVB-HK, trong đó có nhiều câu chuyện ngắn mang tính suy đoán và cần phương pháp giải đáp như chuyện bí mật. Có một tập nói về hai anh em nhà nọ. Người cha lúc còn sống rất thương người con gái và ghét người con trai nhưng lúc chết thì di chúc để hết nhà cửa và tiệm làm ăn trong thành phố cho người con trai, còn phần cô con gái là cái kho hàng bỏ hoang ở ngoại ô. 


Cô con gái không tin và nghi ngờ về di chúc của cha bị đánh tráo, thế là 2 anh em lôi nhau ra tòa. Cuộc xét xử được đưa về cảnh sát HK để điều tra. Mấy nhân viên cảnh sát CID được giao cho nhiệm vụ. Họ đến kho hàng nhiều lần, trong đó có kho phế phẩm rất cũ gần như chẳng ai để ý hay ra vào. Các CID này vào mấy lần và chẳng có gì đặc biệt để ý. Ngày ra tòa đã gần kề nhưng việc tìm chứng cớ vẫn chẳng có tiến triển gì thêm. Một CID nghĩ ra một điều gì đó và anh lập tức trở lại nhà kho. Hôm sau, trước khi ra tòa vẫn còn có một lần hòa giải nữa. Anh CID này đưa cho cô con gái một tấm giấy, cô con gái bật khóc kêu cha trong thương cảm và đồng ý hòa giải với người anh và xin lỗi người anh. Anh em ôm nhau khóc rất cảm động. Sau đó mấy người CID khác mới hỏi anh chàng CID này. Anh ta đáp rất dễ dàng đó là người cha đã để lại một tài sản kết xù cho cô con gái. Các anh có để ý không, anh CID giải thích, mìnhvào trong cái kho hoang đó mà không có một con muỗi nào cắn, còn về đây hay ở nhà vẫn có muỗi cắn à. Tôi trở lại cái kho và nhìn kỷ, leo lên cái gác phía trên có một cái phòng để hàng chục cái bao cũ. Tôi trở lại ngửi và mở bao ra thì đó là các bao đựng vỏ quýt và mùi vỏ quýt làm muỗi sợ nơi này, tôi nghĩ đây có thề là vật đặc biệt nên mời một chuyên gia thẩm định giá trị. Ông ta cho biết các bao vỏ quýt ở đây rất quý, cả mấy chục năm. Cả đống ở đây là một gia sản kết xù.


Một câu chuyện khác, có người vào một nhà hàng ăn chè, ăn xong thì thấy cái hóa đơn tính tiền mà chóng mặt. Anh ta kêu người chủ tiệm đến để khiếu nại, chén chè đậu đỏ gần cả ngàn HK. Chủ tiệm mới nói, chè đậu đỏ thì không mắc nhưng cái món "trần bì" mà chúng tôi cho vào nồi chè có từ thời "Từ Hy Thái Hậu".
Hôm nay đọc được một bài vui vui của BS Lương Lễ Hoàng xin chia sẻ với các bạn. (LKH)

VẮT LUÔN CẢ VỎ

Để chỉ trích thái độ lợi dụng ông bà có câu “Vắt chanh bỏ vỏ”. Điều này lại không hoàn toàn chính xác cho người áp dụng hoa quả để trị bệnh, vì nhiều hoạt chất núp kín trong lớp vỏ. Trái quýt là một thí dụ điển hình. Vỏ quýt, bên cạnh vai trò tàng trữ tinh dầu để quýt nhờ đó có mùi thơm độc đáo, còn là một dược liệu đa năng. Vỏ quýt phơi khô, có tên hoa mỹ là Trần Bì, đã từ bao đời là vị thuốc quen thuộc trong Đông Y. Gừng già chưa biết còn cay thế nào, chứ vỏ quýt càng chai mặt trong chốn phong trần càng cao giá!


Không cần phải phơi khô mới nên thuốc, quýt và các “đồng nghiệp” như chanh, tắc… trước hết là nguồn cung cấp sinh tố C để phòng chống stress, giúp vết thương mau lành, khiến da lâu già.Theo kết quả nghiên cứu ở Florida, thành phần sinh tố C và tiền sinh tố A trong quít có tác dụng cộng hưởng, nhờ đó cơ thể có thể trì hoãn quy trình lão hóa, cụ thể là tình trạng xơ vữa mạch máu và thoái hóa võng mạc. Dọn ăn cho người cao tuổi mà quên trái quýt thì đúng là thiếu sót lớn.
Cụ thể hơn nữa, theo các chuyên gia ngành dinh dưỡng ở Montreal, hai hoạt chất trong quýt mang tên Tangeretin và Nobiletin có công năng phòng ngừa ung thư vú với tác dụng mạnh gấp 250 lần hoạt chất trong đậu nành. Quýt nhờ đó nên là món ăn tráng miệng nằm lòng cho quý bà vào tuỗi mãn kinh cũng như cho phụ nữ đang bị rối loạn nội tiết tố. Cũng theo các nhà nghiên cứu ở Canada, có thể tăng cường tác dụng ngừa ung thư vú nếu phối hợp hai nhóm hoạt chất trong quýt và đậu nành. Thầy thuốc ngành ung bướu ở Nhật đi xa hơn nữa khi xác minh hoạt chất trong quýt có khả năng ức chế tiến độ phát triển của ung thư máu với lợi điểm không gây hại trên tế bào bình thường.


Quýt ngọt ai lại không thích. Nhưng phần lớn hoạt chất chống ung thư của quýt lại nằm trong lớp vỏ. Do đó, khi dùng quýt, chanh, tắc như món ăn nên thuốc thì ráng tìm cách vớt vát phần vỏ, càng nhiều càng tốt. Tuy chưa hề qua lớp tu nghiệp về dinh dưỡng nhưng các bà mẹ Việt Nam đã từ bao thế hệ quá sành về cách ứng dụng hoạt chất trong vỏ tắc, vỏ chanh… nên dầm vỏ làm thuốc trị ho, giữ lớp vỏ lúc làm chanh muối, hay ô mai trần bì…Quýt và các đồng nghiệp như chanh, tắc không bao giờ thiếu ở nước mình. Có thiếu là thiếu lời khuyên của thầy thuốc có tầm nhìn rộng hơn phòng mổ, lớn hơn chiếc máy xạ trị, sâu hơn dược phẩm đặc hiệu.

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng


Các bạn biết không, ở Quảng Đông, có những vườn quýt bạt ngàn. Họ trồng chỉ để lấy vỏ vì trái rất chua và không ai ăn. Kỹ nghệ trồng quýt lấy vỏ làm "Trần Bì" rất phát triển vì loại vỏ quýt này không chỉ làm thuốc mà còn làm đồ ăn chơi rất phát đạt đó các bạn ạ. Còn ai biết dự trữ thì nên để dành đi. Ở HK, TQ, trần bì 25 năm khoảng vài chục ngàn 1 ký, còn loại trên 50 năm là cả trăm ngàn đồng, không phải tiền VN đâu nhé. (LKH)


No comments: