Wednesday, November 16, 2016

BÁNH GẬT GÙ

Theo Wikipedia, bánh Gật Gù được diễn tả và giải thích như thế này:


BÁNH GẬT GÙ

Bánh gật gù là một loại bánh giống như bánh phở hoặc bánh cuốn (bánh ướt), có thể ăn nóng ngay sau khi tráng bánh xong, bánh gật gù sau khi tráng thì được cuốn lại thành một cuộn dài. Vùng đất nổi tiếng với món bánh này là Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nguyên liệu để làm bánh gật gù giống như làm bánh phở, người ta lấy gạo ngon đã ngâm nước trước một hôm đem xay thành bột, điểm khác biệt đó là khi xay bột cho thêm vào đó cơm nguội để bánh sau khi tráng được dẻo, mềm và ngon miệng hơn

Nguồn gốc bánh gật gù là từ Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bởi vì nó có nguyên liệu gần giống với bánh phở nên những người làm bánh phở thường làm luôn cả loại bánh gật gù này. Thực chất, bánh gật gù này ra đời là vì gia đình làm ra nó bị thiếu ăn. Lý do món bánh có tên gọi là gật gù vì khi cầm bánh ăn, bánh cứ gật lên, gật xuống vì sự đàn hồi giống như đang gật đầu nhưng có nơi người ta sau khi ăn bánh thì đầu gật gù đầu khen ngon nên từ đó bánh có tên là bánh gật gù.

Bánh gật gù là đặc sản của vùng Tiên Yên (Quảng Ninh)

Bánh được làm từ bột xay ra từ các loại gạo ngon (gạo ngâm hôm trước thì hôm sau làm ngay, không để qua ngày) có trộn thêm cơm nguội trong quá trình xay. Đầu tiên, người thợ pha bột với nước, sau đó đổ bột lên khuôn 1 lớp dày chứ không đổ lớp mỏng như bánh cuốn, tráng đều bánh ra thành hình vòng tròn rồi đậy nắp lại chờ bánh chín. Sau khi chín, người ta dùng một que nứa khều bánh ra rồi một tay cầm bánh, tay kia nhanh chóng đổ một lớp bột mới vào khuôn xong xuôi rồi mới đưa bánh lên một cái bàn cao để quấn bánh thành cuộn dài rồi cắt bánh thành từng đoạn dài từ 15–20 cm cho dễ ăn. Công việc cứ lặp lại như thế. Điểm đặc biệt là khi xay bột bằng cối đá thì bánh sẽ có mùi vị thơm ngon hơn khi xay bằng máy vì khi xay máy, gạo không được ngâm kĩ nên bánh sẽ không dẻo và ngon bằng so với xay bột thủ công. Thường 1 kí gạo thì làm ra được khoảng từ 1,8 đến 2 kg bánh.

Theo truyền thống, bánh gật gù ngon nhất khi ăn chung với khâu nhục đôi khi ăn lại được ăn kèm với thịt chó mắm tôm. Bánh gật gù rất kén nước chấm, không phải nước chấm nào ăn kèm cũng ngon. Không thể ăn bánh này với nước mắm hoặc nước tương bình thường mà nước chấm ăn kèm với bánh này khá cầu kì và công phu, đó là nước mắm ngon chưng với mỡ gà, hành phi, ớt tươi, đôi lúc cho vào thêm một ít thịt băm để nước chấm có mùi vị ngon hơn. Nếu như ăn bánh không hết thì có thể cất giữ trong tủ lạnh rồi hôm sau đem ra xào lại với thịt bò hoặc ăn kèm với nước lèo xương như bún hoặc phở.
(Wikipedia)

Nước mắm chấm làm nên đặc sản bánh Gật Gù rất đa dạng tùy theo khẩu vị của người ăn là nước mắm cốt truyền thống, chưng với mỡ gà, hành phi, ớt, hoặc chấm với khâu nhục (thịt ba chỉ hầm).

TÌM ĂN BÁNH GẬT GÙ Ở QUẢNG NINH

Quảng Ninh được nhiều người biết đến với thế mạnh du lịch hơn là ẩm thực, nhưng vùng đất này cũng có nhiều món ngon, những loại bánh mà bạn không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm.

Những đặc sản Quảng Ninh thể kể đến là chả mực Hạ Long, tu hài Vân Đồn, sá sùng Quan Lạn, rượu mơ Yên Tử, bánh gật gù Tiên Yên… Những ngày lang thang nơi vùng đất này, tôi có cơ hội biết thêm nhiều điều thú vị.


Một buổi sáng đẹp trời, theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi đi tìm đặc sản bánh gật gù, cái tên nghe đã thú vị. Nghe nói người dân nơi đây thường dùng bánh ăn lót dạ đầu ngày, đến muộn sẽ không còn bánh để ăn.

Tìm hiểu về nguồn gốc cái tên gật gù, tôi được người dân địa phương giải thích: Ngày ấy tại Tiên Yên, một số hộ gia đình làm bánh phở bán. Do người già và trẻ con thường thích ăn bánh không nhân cuốn thành cuộn dài, bánh dẻo quẹo cứ gật lên gật xuống, khi ăn chấm nước mắm thấy rất ngon miệng, vừa ăn vừa gật gù tấm tắc khen ngon… nên cái tên gật gù có từ ngày đó.

Bánh gật gù gần giống bánh phở, bánh ướt nhưng lại được cuốn thành cuộn dài từ 15 – 20cm

Bánh gật gù được làm từ bột gạo có bề ngoài gần giống bánh phở, bánh cuốn. Thường thì gạo được ngâm qua đêm cho ngấm đủ nước, vớt ra để ráo rồi nghiền thành bột nước. Lúc nghiền bột cho thêm một ít cơm nguội vào để khi tráng bánh vừa phồng xốp, dẻo lại vừa mềm mịn.

Ngày trước khi chưa có máy nghiền như bây giờ, người ta thường xay bột bằng cối đá. Nghe người già bảo bánh xay bằng cối đá có độ dẻo, mềm, ngon hơn so với bột nghiền máy.

Tráng bánh gật gù phải là người làm quen tay mới biết cách pha bột sao cho không đặc và cũng không bị loãng quá. Múc lượng bột vừa phải đổ lên khuôn dàn bột thành hình vòng tròn dày hơn bánh cuốn, mỏng hơn bánh đa, đậy nắp lại chờ khi bánh chín sẽ nở phồng lên, dùng một ống tre lấy bánh ra cuốn thành cuộn dài.


Để bánh không bị dính sát vào nhau, người ta sẽ trải một lớp lá chuối ở dưới. Bánh tráng xong trong, mềm, dẻo mới nhìn đã thèm được thưởng thức.

Thứ nước chấm đi kèm thường là nước mắm cốt (nguyên chất) chưng cùng với mỡ gà, hành phi, ớt. Bí quyết chính là nằm ở miếng mỡ gà béo ngậy, lên màu sánh vàng rất đẹp, tuyệt nhiên không nên dùng mỡ heo hoặc dầu.

Ngày nay nhiều gia đình Tiên Yên vẫn ăn bánh gật gù trong những dịp đãi khách hoặc tiệc cưới hỏi. Thời kinh tế khá giả hơn xưa, nước chấm thường có thêm thịt bằm, hay dùng chung khâu nhục (thịt ba chỉ hầm), thịt chó nấu nhựa mận.


Nếu có dịp đến Quảng Ninh, bạn nhớ ghé vùng đất Tiên Yên thưởng thức bánh gật gù để biết thêm về một món ngon nữa trong bức tranh muôn sắc màu của ẩm thực Việt.

Theo Ihay