Sunday, November 27, 2016

GIÀN GỪA - KỲ LẠ MỘT LOÀI CÂY

Nếu như ở nước Anh , Pháp tự hào có các khu vườn mê cung nhân tạo nổi tiếng, thì ở nước ta cũng có một mê cung thiên nhiên kỳ thú với hơn 150 năm tuổi .Điều kỳ lạ là mê cung này hình thành từ một cây duy nhất và nhiều nhánh cành của nó đan xen như một tấm lưới khổng lồ bao trùm lên vùng không gian rộng lớn . Du khách đến đây không những bị thu hút bởi loài cổ thụ này, mà còn tò mò vì những câu chuyện kỳ bí xoay quanh nó như một minh chứng lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của mảnh đất nơi đây.


Một ngày mới trên thành phố Cần Thơ, một thành phố đầy tiềm năng và phát triển, xứng tầm là thủ phủ của miền Tây sông nước,chúng tôi theo quốc lộ 61B, hướng đường đi Vị Thanh, trung tâm hành chính của tỉnh Hậu Giang, đến chân cầu Rạch Sung, nhìn bên tay trái có bảng chỉ dẫn đường vào khu di tích Giàn Gừa. Tại đây, chúng tôi để lại xe 4 bánh , chọn phương tiện nhanh gọn nhẹ , đó là xe ôm , để vào con đường nhỏ hẹp.


Bỏ lại sau lưng sự ồn ào tấp nập của đô thị và tiếng xe cộ náo nhiệt, con đường làng của miền quê sông nước đặc trưng rợp bóng cây xanh, bề ngang mặt đường chỉ tầm đủ rộng để hai xe chạy ngược chiều nhau lách qua. Có lẽ con đường đã quá quen thuộc trong tầm lái của những con người nơi đây, quanh năm sống nhờ vào vùng đất mưa nắng thuận hòa trù phú.

Quan sát từ bên ngoài, khu di tích lịch sử Giàn Gừa ở ấp Nhơn Khánh bao phủ một màu xanh tươi mát, chẳng khác nào công viên cây xanh tự nhiên và lâu đời nhất ở nước ta, nhưng điều đặt biệt nhất là công viên chỉ có độc nhất một cây.

Không ít du khách đã choáng ngợp trước sự “thiên la địa võng” của các nhánh cây vươn dài trải rộng trên mặt đất,và cũng không ít người dám tin chắc rằng, với “những cánh tay khổng lồ” ngoằn nghèo như thế chỉ xuất phát từ một gốc cây, được gọi là “gốc cây cái”, càng không thể phân biệt đâu là nhánh, đâu là rễ.


Chứng kiến giàn gừa chằng chịt bao trùm với diện tích 4.000 mét vuông ở thời trước và nay chỉ còn khoảng hơn 2.700 mét vuông,chúng tôi cảm thấy khó hình dung về thời gian và độ tuổi mà loài cây này đã sống và phát triển, khi biết rằng nguồn gốc của nó ban đầu chỉ là một loài cây nhỏ bé sống bám vào các loài cây khác. Cây gừa, hay chính xác là giàn gừa ở đây còn có tên gọi khác là cây si, thuộc họ Dâu tằm, loài cây cho gỗ lớn với nhiều cành nhánh có đặc điểm vươn dài bám đất. Cây thường phát triển tốt ở những vùng đất ẩm thấp, gần bờ kênh hay sông nước. So với các loài cây khác, loài cây này không đem lại giá trị kinh tế cao nhưng lại có đặc tính sống bền bỉ, bò tỏa ra khắp nơi, đến đâu cây như đánh dấu sự hiện diện của mình đến đó mà không dễ gì bị chặt bỏ, giống như những công cuộc khai hoang lập đất của cha ông người dân nơi đây từ thuở trước.


Trong những cuộc khai hóa đất đai, vùng đất này xưa kia là rừng rậm với nhiều cọp beo, thú dữ và nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí vẫn được lưu truyền trong dân gian, trong đó có cả lời nguyền quanh cây gừa.


Không biết có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng thực tế cũng đã có người chết vì gây ra hỏa hoạn cho cây gừa. Chuyện kể rằng, có người đi làm đồng đã vô tình để tàn thuốc rơi xuống, bén vào lá gừa khô và bốc cháy, hậu quả đã khiến hai người thân của họ đang khỏe mạnh bỗng lăn ra chết. “Thảm họa” chưa dừng lại đó, một thời gian ngắn sau, cả vùng dân cư sống nơi đây bị dịch bệnh hoành hành.

Ngày nay trong khu di tích vẫn còn miếu thờ Bà Cố Hỉ, hằng năm vào ngày 28 tháng 2 âm lịch, tức là ngày trồng lại cây gừa mới sau khi bị cháy và cũng là ngày lập nên ngôi miếu, bà con gần xa ở mọi miền tụ tập về đây dâng hương, dâng lễ vật, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và làm ăn phát đạt.


Có lẽ quan niệm “có thờ có thiêng – có kiêng – có lành” của cha ông trong thời kỳ khai hoang vẫn ăn sâu vào tiềm ức đối với con cháu ngày nay, vì thế lễ hội miếu bà giàn gừa hằng năm vẫn được người dân chú trọng tổ chức, nhưng với một ý nghĩa nhân văn cao cả khác, đó là nhớ ơn về nguồn cội, về cha ông đã có công khai hóa vùng đất và chở che cho họ. Dù chứa đựng nhiều yếu tố ly kỳ huyền bí nhưng thực tế lại là lời nhắc nhở ý thức bảo vệ cây cối, sông nước của người dân nơi đây.

Cây Gừa còn có tên là cây si (tên khoa học Ficus microcarpa), họ dâu tằm. Là loại cây gỗ, cành nhánh to lớn, có thể cao đến 25m. Cây thường phát triển tốt ở những nơi ẩm hoặc có nước thường xuyên như bờ kinh, bờ sông. Ngoài tác dụng trị được nhiều bệnh như: cảm mạo, đau nhức xương khớp,… cây còn hỗ trợ rất tốt cho việc giữ đất, chống sạt lở, tạo bóng mát cảnh quan.

Tháng 4 năm 2013, khu di tích lịch sử giàn gừa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố và 2 tháng sau, giàn gừa được hội thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt nam công nhận là cây di sản việt nam.


Đặt chân vào khu di tích giàn gừa vào những ngày nắng nóng gay gắt, du khách đến đây không những bị thu hút bởi loài cổ thụ này mà còn tò mò vì những câu chuyện kỳ bí xoay quanh nó như một minh chứng lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của mảnh đất nơi đây. Một cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng và không khí dễ chịu mát mẻ vì trên không, những tán gừa, lá gừa đan xen khép kín như tán dù thiên nhiên khổng lồ bao trùm không gian phía dưới. Trẻ con, thanh thiếu niên có thể thử sức len lỏi tìm lối ra trong hàng dãy nhánh gừa đan chen chằng chịt, còn người lớn có thể nhâm nhi, hóng gió bên dưới.

Sự bình yên cứ thế kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

KPVN