Sunday, November 13, 2016

HOA SƯA

Một trong những “đặc sản” của mùa thu Hà Nội là hương hoa sữa bay dọc khắp phố phường. Thứ hương thơm khi thì thoang thoảng khi lại ngào ngạt cộng với tiết thu dịu nhẹ của Hà Nội làm ai nấy cũng vấn vương.


Có nhiều bài thơ nói về hoa sữa, tôi có nghe qua bài hát "Hoa sữa -Tình đầu" của Phạm Việt Long, phổ nhạc từ bài thơ "Hoa sữa" của Nguyển Phan Hách, xin chép lại mấy câu:

"Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương, 
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ, 
Hương của tình yêu đầu nhắc nhở, 
Có hai người xưa đã yêu nhau..."
(Nguyễn Phan Hách)

Vậy đó mà hôm nay tôi cảm thấy lạ sau khi xem xong chương trình "Đừng đề tiền rơi", có một câu hỏi làm tôi ngạc nhiên: "Hoa sưa ở Hà Nội có màu gì?". Gợi ý: "Trắng - Hồng - Tím - Đỏ". Lúc đầu tôi nghĩ là viết thiếu đấu ngã (~) bởi vì tôi chỉ biết hoa sữa là đặc trưng của Hà Nội. Người dẫn chương trình nói lại "Hoa sưa" chứ không phải là "Hoa sữa". Tôi chưa từng nghe qua bao giờ, lại phải vào mạng ta bà mà lục nữa rồi. Thế mới biết hoa sưa không chỉ là màu trắng còn màu đỏ nữa đó. Bây giờ cùng nhau tìm hiểu cây sưa là gì nhé qua Wikipedia:





CÂY SƯA

Sưa hay còn gọi trắc thối (danh pháp khoa học Dalbergia tonkinensis Prain), là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu (Fabaceae) được Prain mô tả khoa học lần đầu năm 1901. Loài này từng có thời gian được xếp làm thứ thực vật của loài Dalbergia rimosa (trắc dây)

Là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cao từ 6-12m (cũng có thể cao tới 15m), sinh trưởng trung bình. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán. Vỏ thân cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Cành non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ, mỗi là kép có từ 9-17 lá chét đính so-le trên cuống chính. Lá chét hình xoan thuôn, đầu nhọn hoặc có mũi ngọn, đuôi tròn, mặt dưới phiến lá thường có màu tái trắng. Kích thước lá chét dài từ 6–9 cm, rộng từ 3–5 cm, lá ché đính ở đầu cuống kép thường có kích thước lớn hơn các lá còn lại. Cuống chính và các cuống lá chét không lông, phiên lá chét không lông. Có lá kèm nhỏ không lông, sớm rụng.



Hoa mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông màu trắng, có kích thước 7-9mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2-3. Quả dạng đậu hình trứng thuôn dài, dài 5–7,5 cm, rộng khoảng 2-2,5 cm. Quả chứa 1-2 hạt, mỗi hạt có đường kính khoảng 8-9mm, hình thận dẹp. Quả khi chín không tự nứt.

Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở đai độ cao tuyệt đối dưới 500m. Trong tự nhiên tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa. Chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc (tại đây gọi nó là 越南黄檀 - Hoàng (huỳnh) đàn Việt Nam).


Sưa có tán thưa, hoa trắng và thơm, có thể được trồng làm cây cảnh quan đường phố.




Gỗ Sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối. Gỗ Sưa chỉ dùng phần gỗ lõi cho giá trị kinh tế cao hơn phần gỗ giác. Gỗ sưa thớ mịn, vân thớ gỗ đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Từ những năm 90 của thế kỉ XX, giá trị thương phẩm của gỗ Sưa trên thế giới tăng đột biến do nhiều người Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ Sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.

(Theo Wikipedia)





Các bạn biết không khi tìm hiểu về loại cây này, nó bật ra nhiều điều bí mật khác mà ta chưa từng được biết về loại cây này, cộng thêm nhiều điều kỳ bí xung quanh nó. Nếu các bạn biết được cây sưa mà người Trung Quốc hay gọi là Hoàng Hoa Lê (黃花梨) một đặc sản quý hiếm ở Hải Nam (海南) mà ngày nay chỉ còn dễ tìm được ở Việt Nam mà họ hay gọi là Việt Nam Hoàng Hoa Lê (越南黃花梨). Mời bạn đọc và xem video clip bên dưới:



NGƯỜI TRUNG QUỐC LÀM GÌ VỚI GỖ SƯA?

Một vài năm trở lại đây, khi cơn sốt gỗ sưa dấy lên, cũng là lúc người ta đặt ra hàng loạt câu hỏi về giá trị gỗ sưa. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa ai tìm ra được đáp án xác thực cuối cùng cho câu hỏi này.

Bắt đầu từ năm 2007, cơn "sốt" gỗ sưa bắt đầu bùng phát ở Việt Nam. Lần đầu tiên người ta nghe chuyện gỗ được thu mua theo cân chứ không phải là mét khối. Không những thế, giá của mỗi cân sưa không ngừng tăng lên đến chóng mặt. Từ ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng một kg, chỉ trong một thời gian ngắn, vào thời điểm "sốt" nhất, giá một kg sưa lên đến hàng chục triệu đồng.


Từ đó, đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến cây gỗ sưa mà trước đó, người dân Việt Nam hoàn toàn không biết nó có giá trị đến mức ấy. Bán được giá tiền triệu, thậm chí là trăm triệu, người ta dỡ cả bàn ghế, giường, hoành phi câu đối, thậm chí là cả bàn thờ tổ tiên đi bán.

Rồi khi thu mua hết cả những đồ đạc trong nhà mà cơn sốt gỗ sưa vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu thì cũng là lúc nạn "sưa tặc" được dịp hoành hành. Và cuộc chiến giành giật từng gốc sưa giữa chính quyền nhiều địa phương với những tên "sưa tặc" liều lĩnh cũng bắt đầu.

Chưa hết, cơn sốt gỗ sưa cũng đã tạo nên một phong trào trồng sưa để bán lan rộng khắp nơi. Người ta thi nhau trồng sưa với một khát vọng đổi đời không gì kiềm chế được. Theo thông tin của nhiều tờ báo thì tại Tam Đảo, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc còn có cả một vùng chuyên canh "sưa" khổng lồ.


Có điều, trước câu hỏi vì sao gỗ xưa lại đột nhiên có giá cao đến như vậy thì từ người dân cho đến các nhà khoa học đều lắc đầu. Chỉ biết một sự thật rằng, gỗ sưa được người Trung Quốc trả với giá cực cao và họ mua thật, còn việc họ dùng làm gì thì đến nay vẫn còn là một "câu hỏi lớn chưa lời đáp".

Nhưng cũng vì thế mà không ít những truyền kỳ đầy huyền hoặc về công dụng của loại gỗ sưa này được lan truyền trong dân gian. Người thì nói rằng, người Trung Quốc mua về làm đồ thờ cúng, làm mực in, làm đồ gia dụng,... Kẻ thì lại đồn thổi các đại gia Hồng Kông mua gỗ sưa về để ướp xác, rồi bọn mafia Trung Quốc mua về nghiền thành bột trộn với ma túy để bán... Những thông tin này đã làm cho dư luận thêm nghi hoặc và cơn sốt gỗ sưa chỉ tăng chứ không giảm.

Cũng có người đưa ra giả thiết có vẻ hợp logic và thực tế hơn khi cho rằng, Trung Quốc mua gỗ sưa về để trùng tu lăng tẩm chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh tổ chức vào tháng 8 năm 2008. Thế nhưng cho đến nay, khi Thế vận hội Bắc Kinh đã qua đi, cơn sốt gỗ sưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáp án về công dụng của loại gỗ sưa một lần nữa lại rơi vào bế tắc.


Trước tình hình đó, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã vào cuộc. Vào năm 2007, một đoàn công tác của Viện Khoa học chuyên ngành của Việt Nam đã được cử sang Trung Quốc để tìm hiểu xem người Trung Quốc dùng loại gỗ này làm gì. Thế nhưng kết quả của chuyến công tác trên nước bạn hoàn toàn là con số không khi "phía Trung Quốc họ vẫn giữ bí mật mà chỉ giải thích chung chung là phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo".


Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng lên tiếng phủ nhận với những tin đồn thổi về công dụng của gỗ sưa. Theo Giáo sư Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, thì thông tin loại gỗ này được nghiền thành bột để pha trộn với ma tuý là không có cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng.

Bên cạnh đó, Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện khảo cổ Việt Nam cũng phủ nhận thông tin người ta dùng gỗ sưa để ướp xác. PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết: "Người ta nói dùng gỗ sưa để ướp xác thì tôi không tin bởi nếu dùng ướp xác phải dùng loại cây có tinh dầu thơm, cây sưa không có đặc tính ấy".


Vậy rốt cuộc người Trung Quốc dùng gỗ sưa vào việc gì mà nó lại có cái giá trên trời như vậy?


Mua sưa tiền tỷ, người Trung Quốc vẫn lãi cả chục lần

Đem theo những thắc mắc này, phóng viên VietNamNet chúng tôi tìm gặp những người Trung Quốc mà chúng tôi quen biết, lên các trang mạng Trung Quốc tìm kiếm thông tin và chúng tôi đã phần nào hiểu được vì sao người Trung Quốc lại trả một cái giá cao như vậy cho gỗ sưa.

Theo thông tin chúng tôi tìm được thì cây sưa được người Trung Quốc gọi là Giáng hương hoàng đàn (Jiang xiang huang tan) mọc chủ yếu ở vùng đảo Hải Nam, Trung Quốc. Loại gỗ sưa được người Trung Quốc gọi là gỗ Hoàng hoa lê (Huanghoali).

Trong quan niệm của người Trung Quốc thì đây là một loại gỗ cực kỳ quý hiếm. Tuy nhiên loại cây này sinh trưởng rất chậm. Muốn một cây Hoàng hoa lê có thể sử dụng được phải mất hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm.



Về công dụng, vụn của gỗ Hoàng hoa lê pha với nước uống có tác dụng hạ huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu. Ngoài ra, vì lõi gỗ Hoàng hoa lê rất cứng, hoa văn lại đẹp nên gỗ Hoàng hoa lê là làm các đồ dùng trong nhà như bàn ghế, tủ quần áo, thậm chí là bát đĩa,...
Nhưng nếu chỉ có thế, vì sao các thương nhân Trung Quốc lại trả một cái giá cao ngất trời như vậy để mua từng kilogram gỗ sưa ở Việt Nam? Trên thực tế, có lẽ nhiều người không nghĩ đến rằng, ở Trung Quốc, những đồ dùng được làm từ gỗ Hoàng hoa lê được bán với cái giá còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với giá mà các thương nhân Trung Quốc bỏ ra để mua nguyên liệu "thô” ở Việt Nam.

Vào một website bán đồ dùng làm từ các loại gỗ đỏ (Trung Quốc gọi là Hồng mộc), chúng tôi đã thực sự choáng váng với những cái giá được nhà cung cấp đưa ra. Theo báo giá từ website này, giá của những sản phẩm làm từ loại gỗ Hoàng hoa lê có nguồn gốc từ Hải Nam có giá từ 160 NDT – 5,76 triệu NDT (nếu quy đổi theo tỉ giá ngoại tệ hiện tại, giá của mỗi sản phẩm này vào khoảng 500 nghìn – 16 tỉ VND).

Một chiếc tủ áo được làm bằng gỗ Hoàng hoa lê Hải Nam với kích thước 218x20x50cm có giá 5,76 triệu NDT (16 tỉ VND). Một chiếc ghế dựa mảnh khảnh khá tiết kiệm gỗ cũng có giá lên tới 168 ngàn NDT (tương đương 470 triệu VND).



Tuy nhiên, đó là giá ở thời điểm hiện tại. Ba năm trước, vào khoảng năm 2007, theo những thông tin chúng tôi đọc được, những con số này có thể hơn gấp cả chục lần. Theo một bài báo đăng trên Tân Hoa xã, vào thời điểm đó, giá mỗi kilogam gỗ Hoàng hoa lê lên tới 9.000 NDT (hiện tại tương đương với 25 triệu VND). Chỉ con số này thôi cũng đủ biết, giá của một thành phẩm từ loại gỗ Hoàng hoa lê vào thời điểm đó sẽ lên đến mức nào.

Chúng tôi cho rằng đây chính là lý do vì sao vào năm 2007, các thương nhân Trung Quốc lại ráo riết tìm mua gỗ sưa tại Việt Nam với giá cao như vậy. Nếu tính theo giá ở thời điểm cao nhất này thì việc các lái buôn Trung Quốc bỏ ra 1,3 tỉ VND để mua 300kg (khoảng 4,3 triệu VND/kg) gỗ sưa cũng chẳng có gì là lạ. Vì tính ra, họ vẫn được lãi gần gấp 6 lần (!).
Câu hỏi đặt ra là, vì sao gỗ Hoàng hoa lê ở Trung Quốc lại đắt đỏ đến như vậy nếu nó chỉ dùng để sản xuất đồ dùng trong nhà?

Lê Văn
Theo: Vietnam.net


No comments: