Friday, November 18, 2016

HỒ BA BỂ

Ai đã một lần đến Ba Bể đều không khỏi ngỡ ngàng thán phục trước vẻ đẹp nguyên sơ thơ mộng và huyền bí của một hồ trên núi. Tuy nhiên không ai có thể giải thích rõ ràng vì sao giữa trùng điệp núi đá vôi lại có một vùng nước mênh mông dài hơn 8km thế này.
Truyền thuyết về hồ Ba Bể
Theo truyền thuyết, Đại Hồng Thủy là sự trừng phạt của Thần linh đối với sự suy đồi và độc ác của loài người. Trong biến cố lớn lao đó hầu hết con người đều bị tiêu hủy, chỉ có rất ít những người tốt là được lưu lại. Ở Việt Nam, sự tích hồ Ba Bể cũng liên quan đến sự trừng phạt với con người qua trận đại hồng thủy.
Ngày xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền quay về tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng để xin ăn. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà có mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa.
Bà lão cùi hủi này đến nhà nào xin ăn đều phì phào mấy tiếng đói lắm các ông các bà ơi, nhưng bà lão đi đến đâu cũng đều bị xua đuổi. Người ta sợ bà lây bệnh cùi hủi.
Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, kêu bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều.
Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm, đầu gác lên giường đuôi thò xuống đất. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói:

Đông Puông - Ba Bể ( photo: Bảo Ngọc Phạm)​
Tôi thật sự không phải là người, tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ hai mẹ con nhà cô. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành, đó là một trận đại hồng thủy. Tôi cho hai mẹ con nhà cô gói tro này hãy rãi quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn này. Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà cô cứu người.
Nói xong, bà lão liền biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, gần đó có một cái ống nước bị vỡ và làm cho nước tràn vào làng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ hai mẹ con bà goá kia vì nước dâng tới đâu thì mảnh đất nhà bà lại được nâng cao hơn, bà thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước lập tức biến thành hai chiếc thuyền. Mặc cho mưa to gió lớn,hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người.”
Những chiếc thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể gợi nhớ tới thuyền làm từ mảnh vỏ trấu của mẹ con bà Góa tốt bụng năm xưa (ảnh: kinhtenongthon.com.vn)
Hai mẹ con bà góa nhờ có hai mảnh vỏ trấu làm thuyền bất chấp mưa to nước lớn đã bơi thuyền đi vớt mọi người, rồi chạy thoát lên một mỏm núi. Tại đó, họ dựng một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu.
Còn thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ mênh mông như biển, nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, người địa phương gọi đó là gò Bà Góa.
Ba Bể ngày nay
Ba Bể ngày nay thuộc địa phận xã Nam Mẫu huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 220km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng.Hồ Ba Bể rộng 500 ha, có độ sâu trung bình 17-23m, đáy hồ được phủ một lớp đất sét dày 200m. Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.
Các nhà địa chất thì giải thích rằng, chừng hai trăm triệu năm trước, vào cuối kỷ Cambri, do biến động địa chất của vỏ trái đất, nên đã tạo ra chiếc hồ quý giá. Nhưng có một điều kỳ lạ là từ xa xưa, nước hồ vẫn cứ ngăn ngắt xanh trong như nước mưa, mùa lũ, hai con sông Tà Hán và Chợ Lên có đổ nước đục vào thì vẫn không làm cho nước hồ bị đục đi, cứ như nó đã được lọc ngay từ cửa sông vậy (trong khi sông Văn Úc lại cứ làm cho nước biển Đồ Sơn ngầu lên).
Và mặc dù nằm trên các dãy núi “lưng chừng trời”, địa hình caxtơ với quá nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ, hồ Ba Bể vẫn tồn tại mấy trăm triệu năm qua quả thực là sự nhiệm màu.

Giữa trùng điệp núi đá vôi lại có một vùng nước mông mênh như biển hồ treo trên núi – (Ảnh: sinhthaibabe.com)
Giữa mênh mông của hồ nước, có một hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm giữa hồ 1 Pé Lèng của Ba Bể. Đảo được tạo thành bởi những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau, cây cối trên đảo xanh tốt quanh năm, rễ cây buông xuống ôm lấy những phiến đá, nhìn xa đảo như một hòn non bộ giữa mặt hồ rất đẹp. Với người dân địa phương từ đời này sang đời khác, gò Bà Góa được coi là miếu thờ hai mẹ con người đàn bà tốt bụng năm xưa.

Gò bà góa (ảnh: hoangviettravel.vn)
Mặt hồ trong xanh như ngọc bích, phẳng lặng như tấm gương soi khổng lồ in bóng núi đá, mây trời. Không chỉ mang vẻ đẹp của một hồ giữa lưng chừng núi mà nơi đây còn có hệ thống phức hợp ao, động, thác, khiến Ba Bể trở thành viên ngọc không tì vết nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt.
Từ sáng sớm mờ sương, mặt hồ trắng bạc mênh mông, những chiếc thuyền độc mộc lướt nhẹ như ru, như hiện ra từ miền cổ tích.
Thuyền độc mộc là đặc sản du lịch của vùng này. Gọi là độc mộc nghĩa là cả chiếc thuyền chỉ làm duy nhất bằng một khúc gỗ. Cứ đinh, lim, sến, táu, chai, nghiến mà hạ xuống. Cây to thì được thuyền to. Vì vậy thuyền độc mộc rất dài, mà chiều ngang thì rất hẹp, thường chỉ chở được hai người.

Một vùng trời nước bao la trên mặt hồ Ba Bể.
Từ xa xưa, bà con đã sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và đánh bắt cá trên lòng hồ, nên con thuyền gắn liền với từng người, từng gia đình. Người ta còn cho rằng, sau trận đại hồng thủy vẫn lưu lại trong ký ức, nhớ đến hai mảnh vỏ trấu làm thành thuyền giúp người ta qua cơn hoạn nạn, nên người dân ở đây rất coi trọng chiếc thuyền. Ngay từ bé, lũ trẻ đã được cha mẹ dạy cho làm quen với nước, dạy bơi thuyền và dạy đánh bắt cá. Người phụ nữ Tày Ba Bể chèo thuyền cực giỏi.
Xã Nam Mẫu ngày nay chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống với những ngôi nhà có kiến trúc cổ theo kiểu nhà sàn nằm dựa lưng vào vách núi, soi bóng xuống mặt hồ nước xanh. Người dân nơi đây vẫn còn giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa, phong tục truyền thống như các điệu hát Then, sli, lượn… với những lễ hội mang màu sắc tâm linh: Lễ cầu mùa, cầu mưa, lễ hội đua thuyền độc mộc, lễ mừng thọ cho người già, lễ mừng đầy tháng con…
Người dân nơi đây cởi mở và thân thiện, và có lẽ từ trong ký ức xa xôi của họ họ đều nhắc mình cần phải sống tốt hơn và không được ghẻ lạnh với người bệnh tật khốn khó.

Bản làng bên hồ nước xanh (ảnh: qdnd.vn)
Mộc Lan




No comments: