Friday, November 25, 2016

BÌNH THỦY TƯƠNG PHÙNG

BÌNH THỦY TƯƠNG PHÙNG
萍水相逢
Chữ "Bình" ở đây tức là bèo. Ý của câu thành ngữ này là chỉ bèo trôi dạt trên mặt nước rồi ngẫu hiên dồn lại với nhau.
Câu thành ngữ này xuất xứ từ "Vương Tử An tập – Đằng Vương Các tự".


Vương Bột, tự Tử An là một nhà văn nổi tiếng thời kỳ đầu nhà Đường, 6 tuổi đã biết viết văn chương, 14 tuổi đã sáng tác thơ ca, 15 tuổi thi đỗ cử nhân.
Năm 676 công nguyên, Vương Bột đi thăm cha làm huyện lệnh ở Giao Chỉ. Khi ngang qua Hồng Đô thì đúng vào lúc đô đốc Diêm Bá Ngư vừa trùng tu xong Đằng Vương Các, rồi quyết định ngày mùng 9 tháng 9 tết trùng dương đặt tiệc mời các văn nhân mặc khách và bè bạn. Ngô Tử Chương con rể ông là một người có tài ba về thơ phú, Diêm Bá Ngư bảo con rể viết sẵn một bài văn để trổ tài trước khách dự tiệc. Vương Bột cũng có mặt trong đám văn nhân này.


Trong tiệc rượu, Diêm Bá Ngư ra vẻ huyền bí mời khách đề tự cho Đằng Vương Các. Mọi người chưa có chuẩn bị nên đều từ chối, duy có Vương Bột cầm bút ngoáy luôn một bài tự nổi tiếng, đó là " Đằng Vương Các tự ". Đám khách xem xong đều tấm tắc khen ngợi, Diêm Bá Ngư cũng vô cùng thán phục và không dám đem bài văn của con rể ra đọc nữa.


"Đằng Vương Các tự" có cấu tứ tuyệt diệu, văn phong khoáng đạt. Trong khi miêu tả về cảnh tiệc tùng, bài văn cũng đã để lộ phần nào lời than vãn về số phận lật đật, sống không gặp thời của Vương Bột: "Quan san nan việt, Thùy bi thất lộ chi nhân? Bình thủy tương phùng, Tận thị tha hương chi khách" (關山難越,誰悲失路之人? 萍水相逢,盡是他鄉之客.). Ý nói là: Quan san ngàn dặm chân mỏi bước, Có ai thương kẻ nhỡ độ đường? Gặp nhau như bèo dạt bờ nước, Mới hay đều là khách tha hương.


Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví với người lạ ngẫu nhiên gặp nhau.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: