Hôm nay cũng trong "Đừng để tiền rơi" cũng có một câu hỏi gần như vậy:"Người Việt Nam có tục tắm trong ngày 30 Tết Nguyên Đán bằng nước nấu thứ gì?". Gơi ý: "Cây Sả - Lá Mùi - Lá Bưởi". Thì như tôi đã biết trả lời là là bưởi nhưng sai vì người Việt Nam nhất là người miền Bắc chỉ dùng là mùi để tắm.(LKH)
Lá mùi là lá gì? Tra Wikipedia mới biết, lá mùi là từ mà người miền Bắc dùng để gọi "rau ngò". Theo Wikipedia:
"Rau mùi hay còn gọi là ngò, ngò rí, hồ tuy, mùi tui, mùi ta,, ngổ, ngổ thơm, nguyên tuy, hương tuy, là loài cây thân thảo sống hằng năm thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận châu Phi.
Cây có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị. Ở nhiều nước vùng ven Địa Trung Hải, một số nước Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, mùi được trồng quy mô lớn để lấy quả làm thuốc và cất lấy tinh dầu trong công nghiệp làm nước hoa.
Ngoài ra, người ta còn dùng cả rễ và lá làm thuốc. Theo dân gian thì mùi kích thích tiêu hoá và lợi sữa, được dùng để làm cho sởi chóng mọc.
Quả mùi (Fructus Coriandri) thường bị gọi nhầm thành hạt, là quả chín hay sấy khô của cây mùi. Mùi còn được gọi là hồ tuy (胡荽) vì Hồ là tên gọi của Trung Quốc cổ dành cho các nước khu vực Trung Á và Ấn Độ; và tuy là ngọn và lá tản mát. Theo truyền thuyết thì Trương Khiên là người đi sứ Hồ mang loài cây này về.
Tên gọi của mùi trong các ngôn ngữ châu Âu là từ tiếng Latin "coriandrum", tên này lại có gốc từ tiếng Hy Lạp "κορίαννον". John Chadwick ghi chú rằng cách viết theo tiếng Hy Lạp vùng Mycenae - koriadnon "rất giống với tên người con gái Ariadna của thần Minos, và từ đó được viết thành koriannon hay koriandron." (Theo Wikipedia)
PHONG TỤC TẮM LÁ MÙI VÀO CHIỀU 30 TẾT KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ ĐỂ CHO THƠM
Tắm lá mùi vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa nhưng liệu bạn có biết ý nghĩa của việc làm này?
Trong nhiều phong tục người Việt vẫn làm mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tắm nước lá mùi già vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì đến nay.
Theo đó, những bậc cao niên, ông bà trong gia đình thường nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để tắm vào ngày 29 hay 30 tháng Chạp.
Nhưng bạn có thắc mắc rằng, phong tục này hàm chứa ý nghĩa gì không, tại sao lại là lá mùi già mà không phải loại lá nào khác. Hãy cùng đi tìm lời giải ngay sau đây.
Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.
Có lẽ bởi vậy mà hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.
Bên cạnh đó, hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu. Nhiều người lý giải rằng, lý do là bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, rau mùi còn giúp ích nhiều cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, làm dịu cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.
Chưa hết, loại cây này còn có tính sát khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu. Bởi vậy, tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm.
Để có được nồi nước thơm tắm cho cả nhà, bó lá mùi được rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Chỉ cần 2 bó thôi cũng đủ để bạn có nồi nước tắm to, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, dùng cho cả nhà.
Dường như khi tắm thứ nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, muộn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ - chỉ còn lại đó một cảm giác sảng khoái, sẵn sàng đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn.
Nhưng ẩn sau đó, hương thơm của lá mùi già còn khiến cho mỗi người lưu luyến, vấn vương nhớ về mùi hương của cội nguồn, quê hương mình.
Theo Trí Thức Trẻ