Wednesday, November 30, 2016

Ý NGHĨA TÊN GỌI ĐỊA DANH CÁI RĂNG

Nhắc đến Cái Răng là tôi liên tưởng ngay đến câu ca dao:

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền...
...chớ đừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay."


Hồi nhỏ đôi khi cùng gia đình ngồi xe lôi vào Cái Răng ăn nem nướng, và khi ăn nem nướng thì cũng phải thưởng thức luôn món nem chua ở đây. Lớn lên biết đi Cái Răng vì có bạn và có học trò ở nơi này. Lúc còn ở VN điều tất yếu là mỗi năm tiết Thanh Minh là phải vào cúng mả ở nghĩa trang Triều Châu, Cái Răng.
Thời gian trước tôi có sưu tầm được một bài nói về cái tên của Cần Thơ là dịch trại ra từ tên gọi bằng tiếng Miên. Dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận vùng đồng bằng sông nước miền Tây ngày xưa là đất của Miên, nên những địa danh có âm hưởng tiếng Miên cũng không phải là lạ mà sao nầy người VN dịch trại lại theo nghĩa thơ văn mà gọi.
Cái Răng cũng không ngoại lệ, mời các bạn đọc bài mà tôi mới sưu tầm được để có khái niệm mới về cái tên "Cái Răng": (LKH)

Ý NGHĨA TÊN GỌI ĐỊA DANH CÁI RĂNG


Cái Răng là nơi đất tốt, đông dân cư, được lập làng từ thời Minh Mạng. Khoảng 1889 – 1890 người Pháp cho đào tại đây một con kinh, lúc đầu chưa có tên sau đó đặt là kinh/rạch Cái Răng. Về mặt quản lý hành chính, tiên khởi Tòa Bố tỉnh Cần Thơ đặt tại Trà Ôn (làng Thiện Mỹ, tổng Bình Lễ), nhưng chỉ được một năm thì dời về đặt ở Cái Răng (làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo). Sau, do Nghị định của Soái phủ Nam Kỳ ngày 23-2-1876 vùng Phong Phú lập thành tỉnh Cần Thơ, tỉnh lỵ đặt tại đây. Từ đó Trà Ôn và Cái Răng trở thành quận.



Thời khẩn hoang, sinh hoạt đời sống người nông dân còn lẩn quẩn theo phương thức tự cung tự cấp, “ông Táo” lúc ấy chỉ là 3 cục đất, hoặc đá kê chụm lại, bắc nồi trách lên, đem nấu bằng củi đòn, củi chẻ. Phải một thời gian khá dài, cả trăm năm sau, khi mà cuộc sống người nông dân Nam bộ dần đi vào ổn định thì người ta mới thấy có chiếc cà ràng được làm bằng đất xuất hiện, thay thế cho ông Táo thô sơ trước đó. Tất nhiên lúc đầu kiểu dáng chưa mấy khéo, đẹp, có thể rất thô vụng và mau hư bể vì chất đất nguyên liệu có sẵn tại mỗi địa phương không chịu nổi sức nóng của lửa khi chụm. Về sau, do công năng độc đáo của nó, chiếc cà ràng trở thành một loại phương tiện nấu nướng, nó không chỉ hiện diện tại bếp ăn mỗi nhà mà còn theo chân người nông dân vào tận những vùng sâu, vùng xa trong những tháng gắn với mùa vụ. Chưa hết, nó còn là bạn đồng hành với những người nghèo chuyên sống nghề câu lưới, cũng là người bạn thân thiết của giới thương hồ quanh năm lênh đênh trên sông nước.
Nhưng từ đâu mà có chiếc cà ràng với kiểu dáng đáng yêu và trở thành vật dụng gắn bó thân thiết cuộc sống con người như vậy?
Có thuyết cho rằng chiếc cà ràng trước hết người Xiêm sáng tạo, đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia), các lái rỗi người Việt – nói chung là dân thương hồ – làm ăn ở Nam Vang mua dùng, thấy tiện ích nên trong những chuyến về lại quê nhà, lấy đất sét sẵn có ở địa phương, phỏng theo kiểu mẫu mà nặn đắp ra để xài. Song do đặc điểm của loại đất nguyên liệu này không chịu được lửa trong điều kiện nung đất tự do, tức không kiểm soát được nhiệt độ phù hợp nhất định, nên cà ràng làm bằng các loại đất ở đồng bằng đều mau hư, dễ bể. Riêng về đất sét tự nhiên, ngoài ưu điểm mềm dẻo, cũng có những nhược điểm nhất định nếu dùng nó để tạo hình làm gốm thô, nhất là đối với những vật thể mỏng mảnh, vì khi đem nung đốt chúng sẽ dễ bị nứt, nên bị xem là “đất xấu”.
Cho nên chiếc cà ràng chỉ được làm bằng loại đất đặc biệt ở miền núi, tốt nhất là đất lấy ở chân núi Nam Vi, miệt Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) vì nó có tính năng kết dính rất tốt, nên xài bền, có khi vài năm cũng chưa bể, gãy. Chính vì thế nên bà con vùng Xà Tón có điều kiện sản xuất hàng loạt, sỉ cho các ghe thương hồ đem bán tại các chợ lớn, chợ nhỏ, hoặc bán lẻ tận những vùng sâu, vùng xa khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Lộ trình thuận tiện nhất của các ghe này là xuôi theo dòng Hậu Giang, thả xuống “miệt vườn”, “miệt dưới”... mà Cái Răng được xem là “tổng đại lý” mặt hàng này. Cái Răng, cách tỉnh lỵ Cần Thơ 6 km về phía Tây Nam, trên Quốc lộ 1, từ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đi Sóc Trăng. Do thuận lợi việc giao thông thủy, bộ nên sớm trở thành nơi đô hội.


Năm 1897, toàn Cần Thơ có 10 chợ thì Cái Răng là một trong 10 chợ ấy. Vì bán đủ các mặt hàng nông lâm thủy sản nên được xem là chợ chánh, sầm uất hơn cả chợ Cần Thơ, lỵ sở huyện Phong Phú (lúc bấy giờ thuộc làng Tân An, tổng Định Bảo). Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, 1909) mô tả:

Chợ Cái Răng xứ hào hoa
Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh
Có trường hát cất rộng thinh
Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca

Từ lâu, trong dân gian còn có câu hát huê tình:


Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh!

Thời Pháp, Cái Răng từng là nơi sản xuất lúa gạo nổi tiếng nhất trong khu vực. Nhờ có đường bộ rộng rãi, đường sông lưu thông dễ dàng nên hoạt động kinh thương nơi đây phát triển mạnh, vì vậy ở Cái Răng đã sớm có chành lúa, và nhà máy xay xát quy mô, đủ khả năng tiếp nhận lúa toàn cả miền Hậu Giang để chế biến chuyển về Chợ Lớn xuất khẩu. Cần Thơ sớm trở thành xứ “cả cơm lớn tiền”!
Câu hát cũ ghi lại dấu ấn tình hình lúa gạo hàng hóa nơi đây rất nhiều, nhiều đến mức không ít người địa phương đã xem đó là “chuyện thường”:

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê"


Chợ Cái Răng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền nên các ghe cà ràng ở “miệt trên” không thể không đến đây chọn bến cắm sào. Trước ít sau nhiều, nhiều mãi đến mức cà ràng trở thành mặt hàng “ngoại nhập” được người tiêu dùng ưa thích, chiếm tỉ trọng áp đảo, nên bến chợ này được bà con đặt gọi chợ “Cà Ràng” (âm từ tiếng kran hay karan), sau nói trại ra là “Cái Răng”.
Cụ Vương Hồng Sển có ghi trong sách Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nhà xuất bản Văn hóa, 1993) ở mục từ “Cái Răng”, trang 98: "Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi". Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.
Trong tự điển J.B.Bernard, ghi rõ rằng, địa danh rạch Cái Răng là: krêk karan (hay kran), là cà ràng.
Chăng kran, Choeung kran: fourneau portatif Khmer: Cà ràng Miên.
Choeung kran Xiêm: Cà ràng của người Xiêm đem bán chợ Nam Vang.


Thật ra chiếc cà ràng đã từng có mặt trên vùng đất này khoảng 1.500 – 2.000 năm (thế kỷ I đến thế kỷ VI). Chủ nhân của nó là cư dân thuộc nền văn hóa cổ nào đó ở Đồng bằng sông Cửu Long, bởi qua khai quật những di chỉ khảo cổ ở nhiều nơi trong vùng, thí dụ như kết quả khai quật khảo cổ học tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) năm 2000 vừa qua, người ta đã bắt gặp hàng vạn hiện vật, đa phần là những mảnh gốm bể, trong đó nhiều nhất là mảnh bể cà ràng, vòi ấm (siêu), nồi, tô chén, chum vại, lu hũ... Theo các nhà khảo cổ thì cà ràng và vòi ấm (siêu) là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo. Điều đó giúp chúng ta kết luận, cư dân của tầng văn hóa này là các bộ tộc thuộc vương quốc Phù Nam.
Vậy thì, chiếc cà ràng đã là vật dụng thân thiết trong sinh hoạt đời sống con người từ hàng ngàn năm trước. Và ngày nay, như chúng ta đều biết, để phù hợp với những loại chất đốt phế liệu/phế phẩm có sẵn rất nhiều tại từng địa phương, chiếc cà ràng đã dần dần biến mất.
Theo đó, Cái Răng không phải là cái răng trong miệng, mà Cái Răng là cà ràng.

(Sưu tầm trên mạng)

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ (flycam)


No comments: