Friday, January 6, 2017

BÃI XÀU - THƯƠNG CẢNG NAM KỲ LỤC TỈNH XƯA

Việt Nam ngày xưa có những thương cảng lờn để giao dịch trong nước hay với nước ngoài, thời đó miền Bắc có "Phố Hiến", "Hải Phòng",.. miền Trung có "Hội An", "Đà Nẵng",...nhưng ít ai để ý đế ý đến miền Nam.


Có lẽ miền Nam chắc chỉ có "Sài Gòn", còn vùng Tây Nam bộ là vùng đất khẩn hoang mới, một nơi tập hơp của người Việt, người Miên và người Hoa mà đa số là gốc Triều Châu đến nỗi ca dao có câu:
"Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu"
Gia đình tôi có nhiều ngươi bà con ở khắp các tỉnh ở miền Nam, nhiều ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,..Cái tên Bãi Xàu thường nhe nói nhưng tôi chưa đến qua dù xuống Sóc Trăng nhiều lần. Cho đến hôm nay mới biết Bãi Xàu là một thương cảng quan trọng của Nam bộ ngày xưa.
(Dường như lúc tôi vượt biên, xuống tàu ở bến Ninh Kiều, tàu xuống Sóc Trăng rồi mới ra biển.) (LKH)

BÃI XÀU - THƯƠNG CẢNG NAM KỲ LỤC TỈNH XƯA

Từ thế kỷ 19, đồng bằng Nam bộ đã xuất hiện nhiều khu vực mua bán sầm uất. Đặc biệt tại Bãi Xàu, tức chợ Mỹ Xuyên ngày nay, cũng đã hình thành một thương cảng. Thế nhưng, giờ đây, cái thương cảng đó đã mất tăm theo dòng thời gian.


Về Mỹ Xuyên, đứng trên cây cầu đúc bắc ngang con kinh Chà Và, hướng nhìn về dãy phố trên đường Trần Hưng Đạo - Mỹ Xuyên chỉ còn thấy một vài nhà máy cũ, chành cũ, nền cũ rêu phong.
Bãi Xàu là địa danh của một vùng đất thuộc huyện Mỹ Xuyên, nằm cách TP Sóc Trăng 5 km. Xưa, nơi đây là một trung tâm kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, hội tụ một nền văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer. Đồng bào các dân tộc anh em đã cùng nhau xây dựng đình, chùa, miếu, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo.
Theo dân gian và nhiều nguồn tư liệu từ các nhà biên khảo Vương Hồng Sển, Sơn Nam... thì Sóc Trăng xưa có tên là Ba Thắc - tức Bassac, tên của một vị thần người Khmer. Ba Thắc phát tích từ rất lâu đời, nằm về cuối lưu vực sông Hậu. Đến thế kỷ 17, khi nơi đây còn ngập nước, rừng rậm hoang vu. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, “Sóc Trăng” là phiên âm từ tiếng Khmer Srock Khleang, có nghĩa là kho báu, kho bạc. Năm 1835 vua Minh Mạng mới phê chuẩn thành lập phủ Ba Xuyên với ba huyện Phong Nhiêu (khu vực Bãi Xàu), Phong Thạnh và Vĩnh Định. Đến năm 1957, Ngô Đình Diệm lại ký sắc lệnh nhập hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên.
Gần đây, qua kết quả khai quật của Khoa lịch sử Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì tại Bãi Xàu có một khu di tích khảo cổ lớn nằm ở khu vực đền vua, phía sau kho bạc, gồm nhiều hiện vật như om, bình, lọ, ống, ché, bát, dĩa... thuộc giai đoạn văn minh Óc Eo.
Mạng lưới kinh doanh thương mại ở ĐBSCL trước năm 1945 đa số là người Hoa kiều. Công việc của họ thường là thu mua lúa gạo và hàng nông sản rồi bán lại không những trong khu vực mà còn chở ra ngoài Trung, ngoài Bắc và xuất sang một vài nước Đông Nam Á.


Vào giữa thế kỷ 18, Nam bộ đã xuất hiện nhiều tụ điểm mua bán sầm uất như cù lao Phố (Biên Hòa), thương cảng Sài Gòn, thương cảng Hà Tiên và phố chợ Mỹ Tho. Riêng tại Sóc Trăng, bước sang thế kỷ 19 cũng có nhiều trung tâm mua bán tấp nập như Đại Ngãi (Vàm Tấn), chợ Khánh Hưng, đặc biệt là Bãi Xàu, tên của huyện Phong Nhiêu, nay là Mỹ Xuyên, có diện tích 544,5km2, gồm 1 thị trấn và 15 xã với số dân 185.600 người. Đây là trấn thương cảng mua bán gạo vào bậc nhất Nam Kỳ xưa, nơi có một lịch sử xuất khẩu gạo thật đáng nể. Trong cuốn “Tìm hiểu đất Hậu Giang” nhà văn Sơn Nam có đoạn ghi: Từ năm 1890 - 1934, mỗi năm Nam Kỳ lục tỉnh xuất hơn 1 triệu tấn, cao nhất là năm 1925 (1,4 triệu tấn). Quả là một kỷ lục khiến mọi người phải giật mình. Điều đó cho thấy ông cha ta đã có một quá trình cày sâu cuốc bẩm, chân cứng đá mềm và coi trọng “canh điền vi bản” thật đáng khâm phục.
Theo nhật ký của cố đạo Levavasseur vào năm 1769, thương cảng Bãi Xàu được hình thành nơi sông Ba Xuyên, gần mé sông, ăn thông ra sông Hậu. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán trái cây, rau, gà, vịt, heo. Lúa gạo ở đây thay vì chở lên Sài Gòn rồi mới xuất khẩu, các thuyền chủ hầu hết là người Hoa đã trực tiếp thu mua và bán thẳng cho các ghe buôn từ nước ngoài đến. Cửa sông lúc bấy giờ hơi cạn nên ghe lớn ra vào phải đợi con nước lớn mới vào tận cảng. Có lúc tàu buôn người Hoa vào đậu san sát từ 100 - 150 chiếc loại cà vom hoặc ghe chài để lấy gạo và đường. Mãi cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước, thương cảng Bãi Xàu nằm cặp chợ Mỹ Xuyên vẫn còn được coi là nơi mua bán lúa gạo thuận lợi nhất ở miền Tây.


Theo TS Trịnh Công Lý, Bãi Xàu là trung tâm thương mại lớn của vùng Hậu Giang và là một trong 3 thương cảng lớn của vùng đất Nam bộ xưa. Cuối thế kỷ XIX, Bãi Xàu là trung tâm thị tứ của hạt Sóc Trăng, dân cư khu vực này lên đến 6.000 người. Từ tháng 2 đần tháng 6 bình quân mỗi tháng có 250 ghe thuyền từ các nơi của thương buôn Trung Quốc, Mã Lai, Bắc Kỳ... chở hàng đến như vải sợi, tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá, thuốc bắc ... và chở đi gạo Bãi Xàu cùng một số sản phẩm khác như cá và khô.
* * *
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tuy phương tiện chuyên chở và xay xát lúa gạo xuất khẩu còn lạc hậu nhưng nhiều thương gia đã thực hiện qui trình thu mua, trữ lúa, xay xát, vận chuyển thành “chành”. Theo ông Dương Việt Trung, một cán bộ chuyên ngành xuất nhập khẩu trước đây, cho biết: Ngày xưa, chành Bãi Xàu phát triển trước chành Cái Răng và hoạt động mạnh hơn nhờ gắn bó với ngân hàng. Hầu như các chành lớn đều có mối quan hệ với các bang chành khác và có cả đội tàu thuyền, xe cộ vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các thương lái sẵn sàng luồn lách vào tận vùng sâu, vùng xa để thu mua lúa.


Ông Nguyễn Văn Nhung, 91 tuổi, người Hoa, cho biết vào thập niên 70 của thế kỷ trước, thương cảng Bãi Xàu chính là khúc sông nằm cặp chợ Mỹ Xuyên. Gần đây do lòng sông cạn, đầy bùn nên chính quyền đã cho lấp khúc giữa để xây phố chợ.
Vào thời cực thịnh, thương cảng Bãi Xàu lúc nào cũng “trên bến dưới thuyền”. Dọc theo bờ sông, nhiều nhà máy xay lúa, xưởng cưa, công xi rượu nấu chở sang tận Nam Vang. Ngoài ra còn có chợ búa, quán xá mọc lên rất nhanh. Các nghề phụ như bánh tráng xóm Bà Lèo, nuôi heo bằng hèm nấu rượu cũng phát đạt. Hiện nay, trên đường Trần Hưng Đạo - Bãi Xàu vẫn còn ngôi nhà cũ của nhà máy chà Hội đồng Giáp và công xi rượu nổi tiếng lúc bấy giờ. Có thể nói những nhân vật có tiếng tăm lừng lẫy nhất ở chành Bãi Xàu mà mỗi lần nhắc tên, các vị lão làng đều biết đến như các ông: Quách Thiên Kiều, Huỳnh Yến Truyền, Mã Phước, chủ Son, chủ Mười, Chấn Xương, Bang Xỉa, Bang Củ, Đức Hưng, Nghĩa Thành ...
Ngày nay, tuy thương cảng Bãi Xàu đã chấm dứt vai trò lịch sử của nó, nhưng trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, chúng ta khẳng định rằng thương cảng Bãi Xàu từ xưa đã là nơi mua bán phồn thịnh, mãi dịch cao, thuận buồm xuôi gió, tàu bè vận chuyển tấp nập không những trong phạm vi Sóc Trăng mà còn của cả Đồng bằng sông Cửu Long.


Vùng biển Sóc Trăng có rất nhiều ưu thế để phát triển cảng biển và dịch vụ vận chuyển, kho bãi đường sông, đường biển. Do đó, Sóc Trăng đang có định hướng xây dựng cảng biển và hệ thống cảng, kho trung chuyển, đồng thời hình thành các dịch vụ gắn với cảng, xây dựng khu kinh tế biển và các ngành kéo theo.
Hoài Phương 
(theo báo điện tử Cần Thơ - 28/07/2012)