Monday, January 9, 2017

CÂY PHẢNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

Trong những giờ thực hành nông trại thời ở trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ, khi làm cỏ, thấy mấy thằng bạn cầm cây phảng phát cỏ hay quá, tôi mới mượn làm thử. Cây phảng nặng hơn tôi tưởng tượng và thật khó phát, nhất là một tay phải cầm cù nèo đở cỏ, một tay phát xuống. Cây phảng cong rất khó điều khiển để chặt đứt cỏ. Cà quơ một hồi, thằng bạn nói: "Đưa tao làm cho mau, để mầy chắc tới mai cũng chưa xong".


Thời đó mấy đứa bạn biết tôi là dân ở chợ nên cũng giúp nhiều lắm, thắm thoát mà mấy mươi năm qua thật nhanh. Bây giờ không biết người dân quê còn dùng phảng để phát cò nữa hay không.
Trong các bạn, nếu chỉ ở thành phố hoặc tuổi trẻ thì có thể chưa thấy qua cây phảng. Tôi post bài sau để cho một số các bạn nhớ lại ngày xưa, một số các bạn sẽ biết một dụng cụ làm cỏ mà dân quê đã dùng qua.(LKH)
CÂY PHẢNG ĐẤT PHƯƠNG NAM
Cây phảng còn là kỷ vật của nội tôi, một nông dân miền Tây, râu dài, suốt ngày mình trần, mặc quần ống lửng, lưng vận, tuổi 80 vẫn cầm phảng chẳng khác gì trai tráng lực điền.


Theo cố nhà văn Sơn Nam, thì cây phảng đã xuất hiện ở Nam Bộ cách nay khoảng 200 năm. Hồi trước, vùng này rừng rậm, đầm lầy, cỏ mọc lút đầu người. Dùng dao ngồi chặt cỏ, thì bị ngập nước. Đứng chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để cỏ bị thối, chết luôn. Do đó cần đến một loại dao dài, mà muốn chém cỏ trong tư thế đứng thì cán dao phải cong với lưỡi. Trong lao động sáng tạo, người ta nghĩ ra một loại dao mới. Vậy là cây phảng ra đời.


Nội tôi bảo, muốn có cây phảng ưng ý, trước hết phải chọn được thợ rèn giỏi. Việc chọn gỗ làm cán phảng cũng rất kỳ công, sao cho mát tay cầm, không phồng da. Mài phảng cũng phải có kinh nghiệm, ứng với từng loại cỏ. Cuối cùng là tài cầm phảng. Tay phải cầm phảng, tay trái cù nèo. Tư thế đứng và bước chân phải ăn nhịp, chẳng khác đứng bộ, đứng tấn trong thế nghề võ. Chân trái phía trước, chân phải phía sau, chém nhát thứ nhứt. Bỏ chân sau qua trái, vung phảng lên cao, chân trước qua trái, chém nhát thứ hai. Đi cặp với phảng như vợ chồng là cái cù nèo cong cong. Phảng chém cỏ còn nhùng nhằng, thì cù nèo trợ lực.


Cây phảng từ đời sống lao động đi vào nghệ thuật dân gian bằng điệu lý “Cây phảng” nổi tiếng ở Nam Bộ. Nhớ lúc xưa được theo nội ra đồng, biết tài đàn ông xứ tôi cầm phảng. Những mùa trăng, trai tráng trong xóm lập thành nhóm thi đua nhau trên ruộng gọi là phát cuộc, chế cuộc. Tiếng phảng chém cỏ dưới nước phụp phụp xen trong tiếng hò vè. Tôi được nội giảng giải cặn kẽ, cầm phảng trên vườn, ở ruộng khô chặt cỏ gọi là phát, thế chém phải đi lên; ở ruộng nước, thì gọi là chế, thế chém đi xuống. Hóa ra, người Nam Bộ đơn giản vậy mà gọi tên công việc mình làm cũng rất thâm thúy.
Cây phảng ngày nay đã lùi vào quá khứ như nội tôi đã từ giã cõi đời; nhưng công lao của cây phảng một thời, những giá trị kinh tế, văn hóa và lịch sử của nó cần được lưu giữ muôn đời.
TRẦN HỮU HIỆP
(Sưu tầm trên mạng)