Wednesday, January 4, 2017

CHỮ “TẶC” TRONG “THỦY, HOẢ, ĐẠO, TẶC”


PHIẾM ĐÀM VỀ CHỮ “TẶC” TRONG “THỦY, HOẢ, ĐẠO, TẶC”

I. “TẶC” CÓ NGHĨA LÀ GÌ ?

“Thuỷ, hoả, đạo , tặc” là nói đến bốn đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng lo ngại và cũng là khó phòng tránh là “nước, lửa, trộm, giặc”.

“Tặc” là từ Hán-Việt  có nghĩa là “giặc, là ăn cướp”:
Hải tặc : cướp biển , kẻ cướp trên biển.
- Không tặc: kẻ cướp máy bay đang bay trên không .
- Lâm tặc: kẻ cướp tài nguyên rừng, thường có hành vi chống lại lực lượng kiểm lâm, chống đối người thi hành công vụ.
- Tin tặc: kẻ dùng kĩ thuật, thâm nhập trái phép vào dữ liệu máy tính của người khác để khai thác hoặc phá hoại.
 Hiện nay, từ “tặc” đang được dùng khá phổ biến và “phần lớn” mang một nghĩa khác:“ trộm, ăn trộm”. Trong khi đó “đạo” mới có nghĩa là “trộm, ăn trộm”“đạo văn” là ăn trộm văn của người khác; “đạo thơ” là ăn cắp thơ của người khác; “đạo nhạc” là ăn trộm nhạc của người khác; “đạo chích” là kẻ cắp, kẻ trộm.

Do hiện tượng “đồng âm” nên trong rất nhiều trường hợp “đạo” lại mang những nét nghĩa khác: “ đạo đức”, “đạo lý”, “tôn sư trọng đạo ”...; “đạo cụ”, “đạo diễn”,...; “độc đạo”, “địa đạo”,...; “đạo Cao Đài”, “đạo Gia Tô”, “đạo Bà La Môn”,...

Hình như người ta "sính" dùng chữ “tặc” đến nỗi: hễ cứ ở đâu xảy ra những hiện tượng tiêu cực có tính chất đồng loạt thì ở đó xuất hiện một thứ “tặc” mới!   

II. “TẶC” XUẤT HIỆN Ở MỌI LÚC, MỌI NƠI 

Tôi xin tạm xếp các loại “tặc” theo A, B, C tương đối để bạn đọc tiện theo dõi.

1. Trước hết là những “tặc” có liên quan đến môi trường, khoáng sản, đất đai: “bụi tặc”;bùn tặc”; “cát tặc”; “dầu tặc”; đá tặc”; “đất tặc”“gạch tặc”;  “khoáng tặc” ; “lửa tặc”;rác tặc”; “than tặc”; “ thiếc tặc”; “vàng tặc”;...

2. Những “tặc” liên quan đến động vật:

Từ những “tặc” mặt đất : “bò tặc”; “cẩu tặc”, chó tặc”; “dê tặc”; dế tặc” gà tặc”; “mèo tặc”, “ngưu tặc”, “trâu tặc”; ...  những “tặc” dưới nước:cá tặc”; “nghêu tặc”; rùa tặc”;“tôm tặc”;... đến cả “tặc” trên không “chim tặc” - kẻ  săn bắt chim trời (và cả bọn trộm cắp “chim nuôi”) .


3. Những tặc” liên quan đến thực vật : “cà tặc”,cao su tặc”; “dưa tặc”; “dừa tặc”; “kiểng tặc” ; “mai tặc” ; “sưa tặc ;...

Nếu miền Nam có “kiểng tặc”  thì Nam Định có “cảnh tặc”Cảnh tặc đại náo đất Thành Nam bọn ăn trộm cây cảnh.

4. Những “tặc” liên quan đến ngành nghề: điện tặc”; lâm tặc; ngư tặc”; “nông tặc;...Trong “ngư tặc” thì có: “cào tặc” (bắt cá bằng lưới cào);... 


5. Trong lĩnh vực âm nhạc thì có cả “ca tặc” (hát “nhép”) lẫn “nhạc tặc”(“đạo” nhạc), kẻ xóa trắng thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam. 

6. Tặc” gắn liền với công nghệ hiện đại: “game tặc”; quảng cáo tặc”;...

7. Xin kể thêm một thứ “tặc” ma quái: “Hàng trăm người dân tại thôn Thá (xã Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã kéo ra cánh đồng của thôn để vây bắt các đối tượng nghi là “mộ tặc” - bọn ăn trộm mộ.


Tất cả các loại “giặc” kể trên  liên quan đến từ “tặc” là có thật và được sử dụng hết sức phong phú và nhiều  nhất là trên lĩnh vực báo chí, phát thanh và truyền hình.

III.  PHIẾM ĐÀM

1. "Tặc" là từ “Hán -Việt” nên thường được ghép với một từ “Hán -Việt” khác: nghịch tặc, phản tặc, hải tặc, không tặc, lâm tặc ...; tặc tử,.. Còn nếu ghép "tặc" với một từ"thuần Việt" như: vàng, cát, dê, mèo,... thì e  không được ổn lắm. Có người khó tính còn khẳng định là không thể ghép được, ghép như thế là “bậy bạ”.

Tôi đọc trong từ vựng tiếng Việt có một loại từ “hỗn chủng”:  ghép “thuần Việt” với từ“Hán- Việt”, ghép “thuần Việt” với “từ ngoại lai” (chủ yếu là mượn từ tiếng Anh và tiếng Pháp), ghép “từ ngoại lai” với từ  “Hán- Việt”,...

Ví dụ: vôi hoá; nhà băng (ngân hàng); ôm kế, vôn kế, ôxi hoá, bê tông hoá,...



Như vậy có nghĩa là vẫn có thể ghép được nhưng không được ghép một cách “tuỳ tiện”mà thôi.

2. Từ “tặc”  trong nhiều trường hợp bị dùng sai nghĩa gốc:

2.1. “Cẩu tặc” là từ ghép “Hán-Việt”, sao không được hiểu là “giặc chó”  mà lại phải hiểu là “ bọn trộm chó” ?

2.2.“ Đinh tặc”, ghép một từ “thuần Việt” với một từ “Hán Việt”, sao không được hiểu là“giặc đinh”, “ bọn trộm đinh”, “bọn cướp đinh” mà lại phải hiểu là “bọn rải đinh”?

2.3. Đặc biệt khó hiểu là “mông tặc”, ghép một từ “thuần Việt” với một từ “Hán-Việt”, sao không  được hiểu là “giặc mông”, “bọn trộm mông”, “bọn cướp mông”,...mà lại phải hiểu là “bọn côn đồ dùng kim tiêm đâm vào mông phụ nữ trẻ ”. 

2.4. Tôi có nghe:

“Khuyển tặc”, viết về  năm con chó cướp ngân hàng.  Lũ“mèo tặc”, nói về sự phá phách của bọn mèo hoang. Nạn “chuột tặc” kể về lũ chuột tấn công sinh viên ở nhà trọ. Cái “tít” này nghe không giật gân, không “HOT” về ba loài vốn không yêu nhau, thậm chí là“khắc tinh” của nhau: “Yêu nhau như chó với mèo”, “Rình như mèo rình chuột”. Ấy vậy mà, có lẽ lại đúng về ngữ nghĩa!


3. Hai loại “tặc” đáng sợ nhất:

Trong các loại “tặc” của họ hàng nhà “giặc”, tôi sợ nhất là: “cà tặc” và “mông tặc”.
“Khiếp thật” !  Tôi cứ tưởng cà chua, cà ghém, cà gai... mới thuộc họ “cà”. Bây giờ “cà phê” (có nguồn gốc từ café trong tiếng Pháp)  cũng là “cà” và bọn trộm “cà phê”  bị gọi là “cà tặc” ???  

Sau “khiếp” là “sợ” , “sợ thật”! “Mông tặc” không chỉ xuất hiện mà còn tái xuất giang hồ ở Long An!

4. Ngày 20/01/2014, xảy ra vụ: thầy trò trường PTTH Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Bình Định“ hỗn chiến” trên bục giảng. Đó là một bài học đau xót của ngành Giáo dục.  Vậy xin các nhà giáo dục, nhất là các thầy giáo (trong đó có tôi) đừng có mà “bạt tai, tát vào má” và tuyệt đối không  được “vụt vào mông” học sinh khi “nổi cơn thịnh nộ”!!!


Hãy yêu thương và tôn trọng “học trò” nếu muốn được “TÔN SƯ” vì “học trò” là “NHẤT”chứ không phải thứ “BA” đâu! Vì hai ngôi “NHẤT, NHÌ” riêng tôi chưa thấy bao giờ 
                                                                                                                                                                        
Tháng 02.2014
                                                                                                Thụy Văn

No comments: