Monday, January 9, 2017

NỖI LÒNG ĐẮT KỶ

Có lần tôi có nói cho các bạn biết về con Tỳ Hưu. Những người mê cờ bạc nói đeo hay thờ con này thì "hên" lắm vì chỉ có "vào mà không ra" nhưng đối với con người thật sự: vào mà không ra là bệnh rồi đấy. Bởi vậy hôm nay BS. Hoàng lấy câu chuyện Đắt Kỷ đau bụng mà âm mưu giết thừa tướng Tỷ Cang, chắc chắn ai trong chúng ta với cái tuổi sồn sồn thì nếu không đọc truyện "Phong Thần" thì cũng có coi hay nghe qua cải lương về cốt truyện, phim Tàu hay ít nhất nghe qua trích đoạn vui trên đài phát thanh hay mua băng nhựa ngày trước có tựa :"Đắt Kỷ ho gà" do Túy Phượng, Phi Thoòng, Văn Chung, Việt Hùng,... đóng.


Có lẽ thời đó hệ tiêu hóa và bài tiết của Đắt Kỷ có vấn đề nên mới sinh chứng đau bụng, giả thiệt không ai biết nhưng trong cuộc sống của chúng ta, bệnh chứng như vậy là một vấn đề phải lo lắng. (LKH)

NỖI LÒNG ĐẮT KỶ

“Thấy người sang bắt quàng làm họ” là chuyện thường gặp trong cuộc đời bạc trắng như vôi. Không riêng gì trong lề lối giao tiếp, ngay cả với bệnh tật cũng thế. Nhiều người sẵn sàng thổ lộ niềm đau, rất dễ dàng phơi bày nỗi khổ, nếu cơn bệnh nghe qua có phần nào quí phái sang trọng: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư… Rõ ràng bệnh dễ làm chết người nhưng vẫn được ưu ái trên đầu môi. Ngược lại, không mấy ai cảm thấy thoải mái khi phải than thân trách phận vì bị ghẻ ngứa, hay khó nói hơn nữa, vì bị… táo bón!



Thử bỏ ít phút quan sát người mang rửa chiếc xe gắn máy thân thương. Chủ nhân có thể bên ly cà-phê đá ung dung thưởng thức đoạn phim Anh Hùng Xạ Điêu vào hồi gay cấn, trong khi xe được phun nước rửa sạch như mới! Ra về còn có thêm lon nước tăng lực gọi là quà khuyến mãi. Nhưng mấy ai đã có lần nghĩ lại, đường tiêu hóa một đời tận tụy lúc nào được tẩy rửa cho đúng nghĩa trong khi khung ruột mong manh lại là nơi hứng chịu tất cả độc chất trong cơ thể?! Nếu khung ruột biết nói chắc đã kêu trời nhiều phen khi gia chủ tiếp tay đầu độc cơ thể với thịt mỡ, rượu, cà-phê…
Nếu đồng nghĩa cuộc đời với trường tranh đấu thì lời so sánh sẽ không thấm vào đâu khi áp dụng cho khung ruột. Đoạn cuối của đường tiêu hóa quả thật là chiến trường khốc liệt và sôi động từng giờ. Hai lực lượng vi sinh đối kháng với vô số chủng loại, một bên là thành phần hữu ích cho chức năng biến dưỡng của cơ thể, phía kia là tập thể gây hại đủ điều cho con người, sát phạt liên tục để dành quyền kiểm soát trên từng mm vuông của niêm mạc ruột già. Nếu bên “chánh” thắng thế thì con người khỏe mạnh, yêu đời với làn da trẻ đẹp. Nếu bên “tà” nắm phần chủ động thì khung ruột bị ô nhiễm trầm trọng, vì lượng độc chất thải ra từ lục lượng vi sinh gây hại tích lũy và dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, từ tình trạng dễ bị bội nhiễm, bước qua bệnh ngoài da, thậm chí cho đến ung thư nội tạng! Dấu hiệu báo động thường gặp khuynh hướng táo bón do mất quân bình về môi trường vi sinh trên nền ruột. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi để độc chất lưu lại trong khung ruột lâu hơn mong muốn. Tất cả xảy ra chỉ vì con người bạc bẽo đã nhẫn tâm bỏ rơi thành phần vi sinh hữu ích trên đường tiêu hóa. Nói ngược lại, có thể dự phòng rất hiệu quả nhiều bệnh chứng nghiêm trọng, nếu biết cách tiếp hơi đúng lúc cho cộng đồng vi sinh có lợi.


Nếp nhăn trên trán rất thường khi chỉ vì gia chủ thường phải nhăn mặt, nhíu mày trong cảnh “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Phương án giải quyết chứng táo bón lại không quá phức tạp như định kiến bi quan của nhiều người. Trong nhiều trường hợp có thể tiết kiệm tiền mua thuốc xổ nếu sớm biết cách chủ động kết hợp các công đoạn dưới đây trong chế độ dinh dưỡng:
• Sáng sớm, trước khi điểm tâm, uống khoảng 200-300 ml nước khoáng thật lạnh. Nếu tìm được loại nước khoáng đúng nghĩa thiên nhiên với nhiều Kalium và Magnesium càng hay.
• Uống tối thiểu 1,5 lít nước trong ngày.
• Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần buổi chiều với rau cải, trái cây thay vì thịt mỡ. Nếu vài có vài trái mận Đà Lạt trên bàn ăn càng tốt.
• Mỗi tháng tối thiểu 10 ngày, mỗi ngày dùng một lọ sữa chua, loại có thành phần vi sinh hữu ích như Bifidum hay Lactobaccilus, sau buổi điểm tâm.


Ai đã mê cải lương Hồ Quảng dễ gì bỏ sót điển tích Đắt Kỷ xơi tái trái tim của thừa tướng Tỷ Cang. Tục truyền ái phi sắc nước hương trời của Trụ Vương mắc phải chứng đau bụng lạ kỳ, mỗi lần lên cơn phải lăn lộn như ai cắc cớ lấy kim đâm ruột. Thầy thuốc của vua cũng đành bó tay. Đắt Kỷ bèn tương kế tựu kế, mượn cơn bệnh nan y để thỏ thẻ cùng vua Trụ là muốn chữa được bệnh của thiếp thì phải ăn được món tim người loại có đến chín lỗ! Nàng này sở dĩ “nắm bắt thị trường” giỏi đến thế vì nhờ tin mật báo, chỉ có trung thần Tỷ Cang, không biết vì dị tật bẩm sinh, hay nhờ căn cơ thần tiên, lại có quả tim rườm rà nhiều lỗ. Không nỡ nhìn mỹ nhân ngày ngày rơi lệ héo sầu Trụ Vương hạ chỉ hỏa tốc ép thừa tướng Tỷ Cang phải mổ ngực dâng tim cho người đẹp. Chuyện không kể tiếp sau đó Đắt Kỷ có khỏi bệnh hay không nhưng Tỷ Cang biết đâu đã không mất mạng oan uổng nếu ngoài tài kinh bang tế thế còn có thêm chút kiến thức y học phổ thông về công năng của… vi sinh trong khung ruột!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng