Sunday, January 8, 2017

TRUYỀN THUYẾT NHẬT NGUYỆT SƠN

Nói đến Tây Tạng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến cung Potala vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng, có thể có người sẽ nghĩ đến món thuốc quí ở đây, món "Đông trùng hạ thảo", có thể nghĩ đến hồ Thanh Hải hoặc những nơi có phong cảnh thảo nguyên hùng vĩ khác...
Phật giáo cực thịnh ở Tây Tạng vào thời vua Tùng Tán Can Bố, có lẽ nhờ ông vua này có 2 người vợ là 2 cô công chúa của 2 nước có đạo Phật cực thịnh, môt là công chúa triều Đường và một là công chúa nước Nepal.


Hôm nay mình sẽ đọc một câu chuyện vể công chúa Văn Thành, một người có lòng từ bi, quảng đại bao dung. (LKH)

TRUYỀN THUYẾT NHẬT NGUYỆT SƠN

Phía đông nam hồ Thanh Hải 青海 có một vùng núi dốc nghiêng, núi nhô thẳng đứng như rừng cây, giống một hàng giáo mác bén nhọn đâm thẳng lên trời, đó chính là Nhật Nguyệt sơn 日月山 nổi tiếng. Nói đến Nhật Nguyệt sơn, phải nói đến một truyền thuyết đẹp.
Vào thời Đường, Tạng Vương Tùng Tán Can Bố 松赞干布 phái sứ giả đến triều Đường cầu hôn. Vua Đường là một vị quân chủ anh minh. Để làm tốt mối quan hệ dân tộc và câu thông kinh tế, văn hoá giữa Hán và Tạng, vua Đường quyết định gã con gái là công chúa Văn Thành 文成 đến Tây Tạng.


Khi công chúa rời kinh thành Trường An, vua Đường và hoàng hậu trao cho công chúa chiếc bảo kính Nhật Nguyệt, dặn rằng:
Con à! Con đi lần này quan sơn vạn dặm, về lại Trường An không phải dễ. Chiếc kính này gọi là Nhật Nguyệt bảo kính, nó là một bảo bối. Nếu con nhớ nhà thì soi vào kính, từ trong kính con sẽ thấy được thành Trường An, sẽ thấy được cha và mẹ.
Công chúa Văn Thành từ biệt cha mẹ lên đường, nàng theo đội nghi trượng rước dâu, ngày đêm đi mãi về phía tây, đi đến hồ Thanh Hải. Công chúa đến bên hồ, trong lòng đau buồn, bởi nhìn thấy nước hồ sắp khô cạn, cây cỏ hai bên hồ thưa thớt, đất đai nứt nẻ, bò dê vì không có nước không có cỏ nên gầy trơ xương.


Công chúa nhìn thấy thế, trong lòng nôn nóng. Nàng ra lệnh cho đội nghi trượng tạm thời dừng bước, tự mình đi khắp nơi tìm nước, nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu. Sau, nàng đến bên một dòng sông, nhưng cách hồ Thanh Hải rất xa, nước không thể chảy đến được ….. Công chúa nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng lấy kính ra, nói rằng:
Bảo kính à! Ta có việc khó xử, kính có thể giúp được không?
Kính đáp rằng:
Được! nhưng không biết công chúa có việc gì dạy bảo?
Công chúa nói:
Ta muốn kính tạo nên một ngọn núi, chặn dòng nước đang chảy về đông này lại.
Kính đáp rằng:
Được. Nhưng tạo ra núi, công chúa sẽ không còn nhìn thấy được Trường An nữa, sẽ không thấy được cha mẹ nữa.


Công chúa Văn Thành nghe đến đó, lòng hơi do dự, nhưng nghĩ đến việc tạo phúc cho dân, liền không chần chừ đem kính dựng trên mặt đất. Trong phút chốc, chỉ thấy ánh sáng lấp lánh, tiếng sấm nổ ra, một ngọn núi lớn cao sừng sững nhô lên ở phía đông nam hồ Thanh Hải. Núi mọc lên giống như một bức tường thành, dòng nước nguyên trước đó chảy về đông, lập tức chuyển dòng chảy về hướng tây bắc. Nước cuộn cuộn không ngừng chảy đến hồ Thanh Hải. Nước hồ tràn đầy, hai bên hồ tươi mát, cỏ đã mọc lên, thảo nguyên biến thành một màu xanh biếc. Từ đó mùa màng tươi tốt, bò dê béo mập, hồ Thanh Hải đã đổi thay. Do bởi bảo kính Nhật Nguyệt biến thành núi, nên gọi là Nhật Nguyệt Sơn; nhân vì các dòng sông lớn ở Trung Quốc đều chảy về đông, riêng sông này lại chảy về tây bắc, nên sông có tên là “Đảo thảng hà” 倒淌河 (sông chảy ngược).


Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
NHẬT NGUYỆT SƠN ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
日月山的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002