Thursday, June 1, 2017

ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI

Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi say với ai?


Đời vắng em rồi say với ai

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu,
Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu.
Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối,
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình,
Này đêm tri ngộ xót điêu linh,
Niềm quê sực thức lòng quan ải, 
Giây lát dừng chân cuộc viễn trình 

Tóc xoã tơ vàng nệm gối nhung 
Đây chiều hương ngát lá hoa dung, 
Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo, 
Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng. 

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay. 
Buồn mưa, trăng lạnh: nắng, hoa gầy 
Nắng mưa đã trải tình nhân thế 
Lưu lạc sầu chung một hướng say. 

Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai. 
Ra đi chẳng hứa một ngày mai. 
Em ơi! lửa tắt bình khô rượu, 
Đời vắng em rồi say với ai? 

Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng 
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang 
Ghé bến nào đây, người hải ngoại 
Chiều sương mặt bể có mơ màng? 

Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không? 
Mà đây lòng trắng một mùa đông 
Tương tư nổi đuốc thâu canh đợi, 
Thoảng gió... trà mi động mấy bông

VŨ HOÀNG CHƯƠNG



Sơ lược tiểu sử:
Vũ Hoàng Chương (5 tháng 5 1916 – 6 tháng 9 1976) là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm.
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập "Ban kịch Hà Nội" cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà Hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.


Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn.
Năm 1959 ông đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Âu châu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.
Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire.
Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.
Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.
(Sưu tầm trên mạng)




No comments: