Thursday, June 1, 2017

NGƯỜI CHỢ LỚN ĐI DẠO CHỢ LỚN

Khách tỉnh lên hay khách phương Tây đến Sài Gòn thích đi dạo Chợ Lớn thì đã đành. Nhưng ngay cả người Sài Gòn – Gia Định hay chính người Chợ Lớn cũng khoái đi chơi, đi ăn hay mua sắm ở Chợ Lớn.


Nếu từ chợ Bến Thành xuống khu trung tâm quận 5 quận 6 và một phần quận 8, quận 11, lập tức cả không gian Chợ Lớn dựng cổng chào bằng hai thứ mùi đặc trưng mời gọi khách. Một là mùi thuốc bắc, thuốc nam của khu Lương Nhữ Học – Hải Thượng Lãn Ông, hai là mùi hủ tíu mì và các món chiên xào đúng khẩu vị tửu lầu đường phố – vỉa hè của người Hoa.
Phố thuốc bắc, thuốc nam ở Chợ Lớn
Trước 1975, khu Lương Nhữ Học – Hải Thượng Lãn Ông cũng là phố của các tiệm thuốc bắc, nhưng không bán hầm bà lằng xắn cấu các loại thuốc như thời bây giờ. Dù ai bệnh ho gà, bệnh liệt dương, ung thư thời kỳ cuối… đều có thể đến phố này để chạy thuốc, hết hay chết chưa biết, nhưng chắc chắn loại nào, giá nào cũng có.
Dân làm ăn Chợ Lớn đi qua cửa biên giới Việt – Trung như đi chợ. Một tay chuyên sang Trung Quốc làm cái nghề đặt bao bì giả cho biết, bên đó, anh muốn bao bì hàng cao cấp, làm chất lượng y xì chính hãng giá khác, làm giống hệt nhưng chất lượng thấp giá khác, miễn là anh chịu đặt hàng từ một trăm ngàn cái trở lên thì làm bao bì thuốc thiệt hoặc thuốc giả cho người người ngoài hành tinh họ cũng làm được tuốt luốt.



Một người đàn ông yếu sinh lý, thường dùng loại thực phẩm chức năng có tên Genki 9, mác sản xuất từ Nhật, cho biết: “Đọc báo thấy thuốc không có chút nhân sâm nào tôi mới tá hoả, nhưng mà kỳ, uống cũng thấy khoẻ trong người, hay là tại mình mua mắc tiền nên bị ảo giác”.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cả khu rộng lớn này cũng là nơi chạy thuốc của người nhà nghèo. Chúng tôi gặp một giáo sư vật lý về hưu, ông được bệnh viện chẩn đoán là viêm gan siêu vi C. Ông nói: “Lương hưu của tôi không theo nổi tiền chích thuốc tây, nên nghe lời bạn mà ra đây mua thuốc nam. Chỉ có ba vị là chó đẻ răng cưa, nhân trần, móp gai, nấu uống thay nước lã mà thấy ăn được ngủ được, uống trường kỳ như vậy cầm cự được chừng nào hay chừng đấy, chớ nói hết bệnh thì chẳng biết sao!”.


Có lần, một người bạn Việt kiều Úc nghe dân mạng đồn lá đu đủ đực trị hết bệnh ung thư… bèn điện về nhờ chúng tôi tìm. Chúng tôi kêu trời vì không biết lá đu đủ đực ở đâu mà kiếm cho xuể. Sợ anh buồn, nên chúng tôi ra hỏi cầu may, nhưng ngay tiệm đầu tiên đã được chủ tiệm trả lời sốt sắng: “Anh muốn mua mấy tấn cũng có. Tụi tui hô một tiếng là từ miền Tây cho tới miền Đông, dân gom lá đu đủ đực rần rần”.
Không gian tiếng Hoa và gia vị món Tàu
Vào một buổi xế chiều tháng 4, chúng tôi ghé ăn mì chỉ cá trên đường Cao Văn Lầu, quận 6.  Món ăn này nổi tiếng một thời của người Hoa – Chợ Lớn. Và điều đặc biệt chính là người Hoa ở Chợ Lớn không còn dùng tiếng Hoa để nói chuyện nữa. Quanh khu vực bán mì chỉ cá là những người đàn bà người Hoa già có, trẻ có, họ đang nói chuyện về công việc, chồng con… bằng một thứ tiếng Việt không hề lơ lớ giọng chút nào. Thật khác với Chợ Lớn những năm trước 1975, đi chợ Bình Tây ngày nay hẳn nhiên sẽ mất đi một điều thú vị là nghe tiếng Tiều, tiếng Quảng, tiếng Hẹ hoặc một thứ tiếng Việt xưng ngộ, gọi lị hay chế, hia…


Trở lại với món ăn mì chỉ cá, loại mì mịn như sợi chỉ may, đặc biệt là mì chỉ nấu với loại cá gộc. Từng miếng cá gộc xắt bằng lóng tay cái, thịt cá toàn nạc, thơm mềm. Cô bạn nhà văn NL cùng đi nói với bà bán mì: “Nhà tôi trước cũng ở quận 6, ăn mì chỉ, ăn cháo cá từ nhỏ. Mỗi khi có bệnh bà ngoại tôi không cho ăn món gì khác ngoài mì chỉ, cháo cá, nói là ăn dễ tiêu. Nhưng giờ không biết kiếm đâu mà ăn cho đỡ nhớ”. Bà bán mì chỉ cho biết: “Nhà ngoài góc đường Hậu Giang – Cao Văn Lầu bán rồi dời vô đây mua nhà nhỏ hơn, mất khách nhiều”.
Những người lớn không ai dễ quên mấy cái ghế xếp. Chân ghế bằng sắt, mặt ghế bằng gỗ, đây là một loại ghế chuyên dụng của các xe bán hàng rong ở Sài Gòn – Chợ Lớn và nhiều tỉnh, thành miền Nam Việt Nam ngày xưa. Tuổi thơ tôi luôn thèm được đặt đít lên cái ghế này từ lúc chân chưa chạm đất để mắt ngó tranh kiếng vẽ tích Tàu hoặc cảnh sơn thuỷ, trong lúc chờ ông các chú nấu mì với cái lỗ mũi hít ngào ngạt mùi nước lèo, hành phi, tóp mỡ… và cổ họng nuốt ngược nước miếng là chờ đợi được lên hương sự sống.

Thật khó tin khi cả không gian gốc cội văn hoá Hoa từ một món ăn được mở ra, mà chỉ với một loại xe và ghế được chế để tiện cho khách và tiện cho chủ trong việc bán và ăn rong trên phố.
Chợ Lớn từng một thời là vương quốc của những món ăn ngon với vô số nhà hàng, tiệm ăn nổi tiếng, sáng đèn suốt đêm thì ngày nay, ngay đến những món ngon đặc vị của đô thị này cũng chỉ nuôi sống lây lất những đầu bếp kế thừa các vua bếp từng vang danh. Khi được biết hiện nay cả khu Chợ Lớn chỉ còn duy nhất một tiệm bán loại mì chỉ, thì tô mì chỉ chúng tôi đang ăn vừa có vị rất ngon vừa có vị ngậm ngùi.
Trần Tiến Dũng
Theo TGTT