Wednesday, October 4, 2017

LÀM SAO ĐỪNG ĐÓI CỒN CÀO ?


Nỗi khổ tâm ghê gớm của người kiêng cữ để sụt cân chính là cảm giác đói bụng mà không được ăn. Áp lực đó càng bội tăng khi cái đói cồn cào xuất hiện giữa đêm khuya khiến nạn nhân mất ngủ, tay chân bủn rủn, nhắm mắt vẫn thấy bàn tiệc ê hề, nín thở vẫn nghe mùi thịt nướng…! Không lạ gì nếu nhiều nạn nhân phải khóa tủ lạnh rồi nhờ người thân giấu mất chìa khóa! Khỏi nói dông dài cũng hiểu nạn nhân khổ đến thế nào, cũng biết nạn nhân sớm muộn cũng đành phá giới. Khi đó lại càng dễ hiểu tại sao chưa kịp mừng vì mới giảm được vài cân lại trở về chỗ cũ, nhiều khi mập hơn trước mới vừa khổ vừa tức làm sao!
Đáng tiếc vì nhiều người tuy bỏ công theo đuổi chế độ ăn uống kiêng khem nhưng chưa biết vài ‘mánh” để tránh cảnh lúc nào cũng thèm ăn vặt, ăn xế rồi cuối cùng ăn… hết! Thí dụ:
• Đừng cắn răng chịu đói khi sắp lên giường ngủ vì cảm giác đói sớm muộn cũng chiếm ưu thế trong đêm. Nên uống ly sữa đậu nành không đường trước khi ngủ vì món này vừa không nhiều năng lượng vừa chứa chất đạm có tác dụng trấn an hệ thần kinh.

• Đánh răng thiệt kỹ mỗi khi ghi nhận cảm giác đói bụng cồn cào, nhất là trước khi ngủ. Bên cạnh chuyện vệ sinh răng miệng, cảm giác tươi mát trong miệng là phương tiện ức chế tín hiệu gây đói bụng.
• Vài lần trong tuần nên có buổi cơm chiều sớm hơn thường lệ rồi sau đó chỉ uống nước cho đến khi đi ngủ. Cơ thể khi đó phóng thích melatonin cần thiết cho giấc ngủ yên bình nên gia chủ không nằm mơ thấy nhà hàng búp-phê.
• Đừng ăn nhiều tinh bột, nhất là bánh mì vào buổi tối vì đường huyết sau đó dù cao hay thấp đều gây cảm giác đói trong đêm.

• Tập thói quen ăn rau trộn, càng nhiều càng tốt, càng đa dạng đủ màu càng hay, trước khi ăn chén cơm. Thực khách nhờ đó vừa bổ sung sinh và khoáng tố, vừa giảm lượng tinh bột trong khẩu phần mà vẫn no bụng sau bữa ăn.
• Tăng chất xơ trong khẩu phần, thậm chí dùng thuốc bổ sung nếu có khuynh hướng táo bón, để mượn chất này kéo mỡ qua đường ruột thay vì để chất béo được hấp thu vào máu rồi sinh sự.
• Rau cải nên chiếm không dưới 60% trong khẩu phần của người quá mát da mát thịt. Trong số đó, sà lách xoong nên có cho thường trên bàn ăn của người béo phì vì khoáng tố crôm trong món này là nhân tố quan trọng nhờ công năng đa dạng, vừa ức chế cảm giác đói bụng, vừa ngăn ngừa rối loạn biến dưỡng chất đường lại thêm gia tốc phản ứng thoái biến chất béo.

• Đừng dùng món tráng miệng quá ngọt ngay sau bữa ăn nếu đã dư cân. Nhưng cũng không cần bỏ chi cho uổng, Chỉ cần chờ 1-2 giờ sau bữa ăn, sau khi vận động cho đổ mồ hôi, hãy đánh bồi.
• Đừng vừa ăn vừa xem truyền hình vì phim càng éo le hấp dẫn khán giả càng quên nhai. Vì không để ý miếng ăn nên thực khách đồng thời có khuynh hướng tiêu thụ nhiều hơn bình thường. Rối loạn tiêu hóa dẫn đến trục trặc trong khâu biến dưỡng sau đó là chuyện đương nhiên.
• Đừng uống cà phê quá ngọt nhiều lần trong ngày, kể cả với đường dành cho người ăn kiêng, vì đường thật hay đường giả đều hưng phấn phản ứng bài tiết insulin của tụy tạng nhằm hạ đường huyết khiến “ẩm khách” sau đó dễ đói bụng.

Già néo bao giờ cũng đứt dây. Muốn đừng đói cồn cào nhưng nhịn ăn đủ kiểu thì sớm muộn cũng thua ngay trên sân nhà. Khéo hơn nhiều là làm sao lai rai cho đỡ nhớ mà không mập. Đừng quên cảm giác đói không hề xuất phát từ dạ dày!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng