Gà Tây hay còn được gọi là gà Lôi, đối với tôi thì không có gì lạ vì mấy chục năm trước lúc còn ở Việt Nam thì cũng đã có ăn qua nhiều lần rồi trong những dịp Giáng Sinh ở nhà bạn hay thường là qua nhà thằng bạn bên Tân Quới gần như mỗi cuối tuần. Thời đó qua nhà nó thì gà, vịt xiêm, cá là chuyện nhỏ nhưng đôi khi đàn gà lôi nhà nó bắc đầu đông lên là má nó lại làm thịt cho ăn, lúc đó cái gì cũng ngon và lạ miệng. Qua tới Úc lần đầu ăn gà Tây, nói thật không có cái cảm nhận của khứu và vị giác ngon như trước nhưng cũng tạm như gà thường dù lúc ăn người ta lát miếng ra dĩa chế nước sốt lên như ăn steak. Sau này có đôi lần tôi có mua về quay hay nướng nhưng cũng không thấy ngon lắm.
Gà Tây được người Mỹ ăn nhiều trong dịp lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, ở Úc không có lễ Tạ Ơn nên ăn nhiều trong dịp Giáng Sinh. Lúc này ở Úc Gà Tây bày đầy trong siêu thị dù quanh năm cũng có. Ở RSL mà chúng tôi thường đến mỗi tối thứ Sáu mấy tuần nay cũng thêm vào menu món "Ham and Turkey", thấy vậy chớ tôi cũng chẳng bao giờ order vì tôi chỉ có "độc cô nhất vị món thịt bò "eye fillet hoặc porterhouse với chip & salad". Hôm nay trong lúc tìm tài liệu để post cho các bạn đọc thấy có một bài viết bổ xung kiến thức cho mọi người nên tôi post cho các bạn đọc nè, nhưng trước khi vào bài mình đọc qua Wikipedia trước nhé. (LKH)
Trong tiếng Việt, chúng được gọi là gà tây hay gà lôi vì chúng được du nhập vào Việt Nam từ các nước phương Tây. Gà tây trống có thân hình lớn hơn gà mái. Khi con người đem về thuần hóa để cho chúng trở thành loài gia cầm thì trọng lượng của gà tây trống có thể đạt từ 7,8 kg cho đến 11 hay 12 kg. Trong khi đó, gà tây mái thì có thể trọng nhỏ hơn, chỉ khoảng 3 cho đến 4 kg.
Ngoài thiên nhiên, gà tây có thể bay như thiên nga hay ngỗng trời, nhưng khi được thuần hóa, chúng có thân hình quá nặng nề nên không thể bay dù chỉ một đoạn ngắn. Và ngoài thiên nhiên, gà tây chỉ có một loại là màu đen, nhưng sau khi được thuần chủng và lai tạp, chúng có thêm một loại trắng và bông.
Gà tây trống khi đạt đến tuổi trưởng thành là khoảng 10 tháng, vì chúng có thể trọng lớn. Còn gà tây mái trưởng thành sớm hơn, khoảng 8 tháng tuổi. Gà tây con rất khó nuôi, nhưng khi chúng được 2 tháng tuổi, chúng sẽ lớn rất nhanh. Gà tây trống khi trưởng thành, có thể xòe đuôi ra, trong giống như một con công vậy, gà tây mái cũng có thể làm được, nhưng rất hiếm thấy. Khi trời vừa sáng, gà tây trống thường xòe đuôi, ve vãn gà mái, để đáp lại, gà mái cũng xòe đuôi, nhưng nhỏ hơn gà trống.
Thịt gà tây thường được người Mỹ và người các nước Phương Tây dùng cho các món nướng và ngày nay, chúng được dùng nhiều cho lễ Tạ ơn hay những buổi tiệc gia đình.
Tâm Sự Của Gà Tây
Từ khi tiếp xúc với người Pháp vào hậu bán thế kỷ XIX người Việt mới biết dòng họ chúng tôi, một loài cầm vũ to lớn hoàn toàn xa lạ với họ. Họ gọi chúng tôi là Gà Tây nghĩa là gà từ Pháp đem qua.
Chúng tôi không biết anh Phượng (Hoàng), chị Loan to lớn và đẹp đẽ như thế nào chỉ biết rằng trên mặt đất hiện nay chỉ có Gà Tây chúng tôi và tộc Khổng Tước là loài cầm vũ to lớn biết xòe đuôi nhảy múa và ca hát vang dội.
Gà Tây chúng tôi và các anh chị Khổng Tước (Công) đều cùng gia đình Phasianidae.
Tên khoa học của các anh chị Khổng Tước là Pavo critatus.
Tên khoa học của Gà Tây chúng tôi là Meleagris gallopavo và Meleagris ocellata.
Quê hương gốc của chi tộc Meleagris gallopavo thuần hóa nuôi trong các nông trại hay sống hoang dã trong rừng lá Bắc Mỹ và Mễ Tây Cơ.
Chi tộc Meleagris ocellata gốc ở bán đảo Yucatan, Đông Nam Mễ Tây Cơ.
Người Âu Châu mới biết Gà Tây chúng tôi vào thế kỷ XVI sau khi các nhà chinh phục Tây Ban Nha đem dòng họ chúng tôi từ lục địa Mỹ Châu về Tây Ban Nha và quảng bá khắp lục địa Âu Châu. Người Việt Nam biết chúng tôi vào cuối thế kỷ XIX. Có sự ngộ nhận của các thương nhân người Anh về hình dạng và nguồn gốc giữa Gà Tây chúng tôi với một loài chim Guinea. Các thương nhân này giao dịch với các quốc gia ở miền đông Địa Trung Hải thời đế quốc Ottoman nên họ gọi tiền nhân chúng tôi là Turkey bird, điểu tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó người Anh gọi dòng họ chúng tôi là Turkey, tên của xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ Turkey có nghĩa là Ấn Độ!
Người Do Thái gọi chúng tôi là Tarnagol rodu tức là Gà Ấn Độ.
Người Pháp gọi Gà Tây nữ là Dinde (Dinde âm từ d’Inde: từ Ấn Độ) và Gà Tây nam là Dindonhay Coq d’Inde: Gà trống Ấn Độ. Ở điểm này có thể người ta lẫn lộn về chữ ‘Indian’ với hai nghĩa khác nhau:
1. Indians là người Ấn Độ tức Hindus ở xứ India mà người Pháp gọi là Inde tức East Indies
2. Indians chỉ người Da Đỏ ở Mỹ Châu do sự hiểu lầm của Christopher Columbus khi đặt chân lên Tân Lục địa nhưng vẫn tưởng mình đã đến Ấn Độ nên gọi những người mà ông gặp là Indians (người Ấn Độ). Đó là vùng West Indies (Tây Ấn) không có liên hệ địa lý, chủng tộc hay tôn giáo gì với Ấn Độ cả.
Người Mã Lai cho rằng Gà Tây gốc ở Hòa Lan nên gọi đó là Gà Hòa Lan như người Việt Nam tưởng đó là gà gốc ở Pháp (Tây) vậy. Đúng hay sai tùy theo cách nhìn của mỗi dân tộc trước một vật mới lạ. Người Trung Hoa há không gọi trái cà chua (cà to-mat) là Tây Hồng Quả (Xihonggua)?
Về hình hài Gà Tây chúng tôi giống Khổng Tước. Gà Tây nam to lớn và đẹp hơn Gà Tây nữ. Đặc điểm này cũng được tìm thấy nơi dòng Khổng Tước. Gà Tây nam và Khổng Tước nam đều có đuôi dài tựa như cái quạt to khi xòe ra. Khổng Tước nam ăn mặc đẹp đẽ, sặc sỡ và sang trọng hơn Gà Tây nam chúng tôi nhiều. Gà Tây nam chúng tôi chỉ mặc quần áo đen có vài chấm trắng chớ không có màu sắc xanh, vàng lấp lánh như quần áo rực rỡ của anh chị Khổng Tước, những người bà con sang trọng và quí phái của gia đình Phasianidae chúng tôi. Ở Ohio người ta nuôi Gà Tây ăn mặc quần áo trắng toát. Hàng năm người ta tuyển một Gà Tây nam trắng toát này để gởi lên thủ đô Washington cho Tổng Thống Hoa Kỳ cử hành Lễ Tạ Ơn. Phần lớn các anh Gà Tây được ‘tiến cung’ đều chết vinh quang trong nhà bếp của tòa Bạch Ốc. Cũng có khi anh Gà Tây ‘tiến cung’ này được sự khoan hồng của Tổng Thống.
Gà Tây nuôi trong nông trại mập mạp, nặng cân nên không bay được. Gà Tây rừng có tuổi thọ từ 3 đến 4 tuổi. Họ biết bay để ngủ trên cành cây cao ban đêm. Sự dinh dưỡng trong trạng thái hoang dã không đầy đủ. Họ ăn các loại hột, trái cây, trái sồi, côn trùng, loài bò sát v.v. Họ thường xuyên bị đe dọa bởi rắn, chồn cáo, chó sói v.v. Kẻ thù đáng sợ của các anh chị này là các thợ săn. Ngày nay Gà Tây rừng hầu như không còn bao nhiêu ở Hoa Kỳ.
Gà Tây nam, nữ 08 tháng tuổi thì bắt đầu làm công tác truyền giống để sinh sản. Vào mùa bắt cặp Gà Tây nam dùng thuật khiêu vũ bằng cách xòe đuôi và thét to để gọi tình. Tiếng kêu gọi tình của Gà Tây nam rất to đến nỗi ở cách xa cả cây số vẫn nghe được. Gà Tây nữ sinh từ 10 đến 18 trứng. Trứng ấp 30 ngày mới nở. Ngày nay, vì nhu cầu cần nhiều thịt dòng họ Meleagrischúng tôi, các nhà chăn nuôi ở Âu- Mỹ không cần sự hiện diện của các Gà Tây nam trong công tác truyền tử lưu tôn. Đa số các anh ấy bị lưu đày sang nước khác hay sớm được đưa vào các lò sát sinh để ‘được giải thoát’. Người ta chỉ giữ vài anh Gà Tây khỏe mạnh để lấy tinh trùng để thụ thai nhân tạo (artificial insemination) cho các Gà Tây nữ. Phương pháp này cướp quyền truyền giống và lạc thú nam - nữ của dòng họ Meleagris chúng tôi nhưng có lợi cho loài người vì đảm bảo các trứng đều có tròng và nở ra Gà Tây con đông đảo hầu đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của loài người. Một chị Gà Tây có thể có từ 100 đến 120 con. Nhiệm vụ của các chị ấy là đẻ trứng mà thôi. Việc ấp trứng có máy ấp đảm nhận.
Gà Tây cân nặng từ 3 ki-lô đến 12 ki-lô thì được bán ra thị trường. Gà Tây trưởng thành cao lối 65 cm, dài 1m tính cả đuôi. Hai cánh xòe ra lối 1.5 m.
Gà Tây nam có màu sắc hơn Gà Tây nữ. Cổ Gà Tây nam dài, có tích đỏ. Màu da cổ thay đổi từ xám, xanh, trắng đến đỏ. Da cổ đỏ khi Gà Tây nam xung động hay buồn giận chuyện gì.
Trong trạng thái hoang dã xã hội Gà Tây là xã hội đa thê. Các anh Gà Tây không có trách nhiệm và bổn phận gì khi các chị Gà Tây đẻ trứng và ấp trứng. Khi trứng nở ra con, các chị Gà Tây phải chăm sóc và dạy dỗ con cho đến khi chúng có thể tự túc trong việc mưu sinh và tự bảo vệ mình.
Gà Tây được nuôi trong các trại chăn nuôi sống gò bó trên một không gian chật hẹp nhưng đầy đủ tiện nghi. Nào là đèn điện sáng choang. Nào là nước lọc tinh khiết. Các anh chị được bảo vệ sức khỏe đầy đủ để ngăn ngừa bị trái hay bị cảm cúm. Người ta cho chúng tôi ăn thức ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Họ không sợ chúng tôi bị dị dạng béo phì. Ngày nào cũng có người đến dọn dẹp phòng của chúng tôi, châm nước cho chúng tôi uống, cho chúng tôi uống thuốc để ngừa bịnh và chữa bịnh. Mấy anh Khuyển phải canh gác cho chúng tôi ngủ. Bọn Chồn cáo không dám lân la gần nơi chúng tôi sống. Nhưng cuộc đời nào phải là bức tranh nhung lụa. Khi chúng tôi ăn 45 ki-lô thực phẩm thì có anh, chị Gà Tây cân nặng 10 ki- lô thịt kể cả lông. Có anh, chị cân nặng đến 15 ki- lô. Đó là lúc chúng tôi được đưa lên xe chở đến lò sát sinh. Vì vậy đừng hỏi về tuổi thọ của chúng tôi. Nói một cách dễ hiểu chúng tôi khó sống sau khi ăn hết 45 ki- lô thực phẩm mà loài người ban cho chúng tôi.
Gà Tây sống hoang dã thiếu thốn mọi mặt: ăn uống thiếu thốn, thiếu chất dinh dưỡng; thiếu thuốc men; không ai chăm sóc; thiếu mọi tiện nghi vật chất; ăn uống không đảm bảo vệ sinh; tối phải ngủ trên cây bỏ con cái ngủ dưới đất bị rắn rít, chồn cáo, chó sói... không ngừng đe dọa. Các anh chị ấy có đôi chân và cánh khỏe để chiến đấu và thoát hiểm trong quá trình đấu tranh sinh tồn trong rừng xanh. Địa bàn sống của họ không có ranh giới. Họ có thể di chuyển bao xa cũng được. Họ có thể chết vì rắn, chồn cáo, chó sói, gấu... trong trường hợp kém may mắn nào đó. Ngoài ra họ không biết gì về tuổi thọ của họ trong khi chúng tôi biết được ngày loài người hành quyết chúng tôi. Đó là lúc chúng tôi ăn hết 45 ki- lô thực phẩm của họ.
Tuổi thọ lý tưởng của các anh chị Gà Tây rừng là 03 hay 04 tuổi. Quí vị cho là quá ngắn ngủi chăng? Tuổi thọ của chúng tôi thực sự ngắn hơn tuổi thọ của các anh chị Gà Tây rừng rất nhiều. Dù là Gà Tây rừng hay Gà Tây nuôi trong trại dòng họ Meleagris chúng tôi đều là nạn nhân của loài người. Các anh chị Gà Tây rừng bị các thợ săn của loài người bắn giết vô tội và để khoe tài thiện xạ của mình đến nỗi bây giờ phải báo động Gà Tây rừng hầu như tuyệt chủng!! Không tuyệt chủng sao được? Địa bàn sống của họ càng ngày càng thu hẹp khiến họ càng sống gần với kẻ thù của họ nhiều hơn. Các chị Gà Tây rừng sinh sản khó khăn. Họ gục ngã vì thời tiết băng giá, mưa sa bão táp, bịnh tật, vì chồn cáo, chó sói, vì các thợ săn của loài người.
Người Âu- Mỹ nuôi và ăn thịt dòng họ chúng tôi nhiều hơn người Á Châu và Phi Châu. Dòng họ chúng tôi rất khó nuôi vừa tốn kém thức ăn bổ dưỡng vừa mất thì giờ chăm sóc sức khoẻ của chúng tôi. Theo số thống kê, năm 2014 thế giới sản xuất 5,63 triệu tấn thịt Gà Tây. Hoa Kỳ sản xuất gần 50% tổng số thịt ghi trên tức 2.65 triệu tấn lớn hơn tổng số thịt Gà Tây của toàn lục địa Âu Châu: 1.92 triệu tấn. Mức sản xuất thịt Gà Tây ở lục địa Á Châu là 0.11 triệu tấn so với 0.12 triệu tấn trên lục địa Phi Châu.
Các nước Âu- Mỹ theo đạo Christ ăn thịt Gà Tây vào những ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và Lễ Giáng Sinh (Christmas) hàng năm. Vì vậy ở Việt Nam các trại chăn nuôi Gà Tây được tìm thấy ở những nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo. Người Việt Nam dùng thịt Gà Tây chúng tôi để nấu cà ri. Họ thích nấu cà ri bằng thịt Gà Tây nam có tích đỏ lòng thòng trên cổ. Trong những bữa ăn đêm Giáng Sinh người ta thường ăn Gà Tây quay. Ở Việt Nam không có đủ phương tiện quay gà to lớn người ta phải nhờ các lò quay heo ướp, tẫm và quay trong lò quay heo. Người Âu- Mỹ ăn Gà Tây quay hay hầm. Gà Tây được tẫm gia vị, nước cam vắt và dồi đủ các loại hột trước khi quay hay hầm để ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn. Người Việt Nam là giống người đến Hoa Kỳ chậm trễ nhất so với các sắc dân khác trên thế giới (1975). Họ có vẻ xa lạ với những ngày truyền thống và thức ăn ở Hoa Kỳ. Họ gọi ngày Thanksgiving là Lễ Gà Tây vì vào ngày đó người ta ăn Gà Tây. Quí vị biết không, vào ngày Giáng Sinh năm 2009 riêng nước Anh đã giết gần 8 triệu dòng họ Meleagris của chúng tôi.
Loài người nghiên cứu về dòng họ chúng tôi kỹ lắm. Họ nói trong 100 grams thịt của dòng họ Meleagris chúng tôi có:
- 24.6 mg protein
- 10mg Ca, 28 mg Mg
- 206 mg Ph
- 293 mg K
- 49 mg muoi
- 1.2 mg Zinc v.v.
Bổ dưỡng như vậy hèn gì họ không gia tăng sản xuất thịt Gà Tây sao được? Mỗi năm trị giá thịt Gà Tây ở Hoa Kỳ xê dịch từ 5 đến 10 tỷ Mỹ kim.
Người ta dùng thịt Gà Tây nghiền nhuyễn để làm ham hay lát mỏng để làm bacon thịt Gà Tây. Loài người hay nói:
Đói cho sạch,
Rách cho thơm.
Chúng tôi, hậu duệ của Gà Tây dòng Meleagris, không biết làm sao rách mà thơm được. Chúng tôi phải kiếm người Việt Nam để học hỏi về chuyện này. Gà Tây chúng tôi mạnh dạn nói rằng dòng họ Meleagris chúng tôi:
Sống phong trần
Chết thơm tho.
Phong trần vì từ ngày mới nở thành Gà Tây con cho đến khi chết chúng tôi chỉ có một bộ đồ. Khi chết loài người tẫm vào người chúng tôi nào là hành, tiêu, tỏi, ớt, bột ngũ vị hương. Cám ơn mấy anh chị Hành, Tỏi, Tiêu, Ớt. Khi còn sống chúng tôi mổ phá các anh chị vậy mà các anh chị không oán hận chúng tôi. Khi chúng tôi chết các anh chị không rời chúng tôi một gang tấc lại còn rủ thêm vài anh chị xa lạ từ bên Tàu qua để đưa tiễn chúng tôi. Đó là các anh chị:
- Hồi hương Illicium verum
- Quế Cinnamomum zeylanicum
- Hồ tiêu mộc Tứ Xuyên (Sichuan) Zanthoxylum simulans
- hột thì là Anethum graveolens
- đinh hương Eugenia aromatica.
Giới giang hồ nấu nướng ở Việt Nam gọi họ là Ngũ Vị Hương một cách kính trọng.
Theo chân người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chúng tôi đến Âu Châu và được dân chúng địa phương tiếp đón nồng hậu. Khi họ giết dòng họ chúng tôi để mừng ngày Giáng Sinh họ trân trọng ướp xác chúng tôi bằng những loại hương liệu miền Địa Trung Hải như:
- hương thảo (rosemary) Rosmarinus officinalis
- nguyệt quế Địa Trung Hải Laurus nobilis
- thì là Ba Tư Carum carvi
- có cà ri Trigonella foenum- graecum
- rau húng Địa Trung Hải Thymus vulgaris.
Gà Tây chúng tôi được sự an ủi tiêu cực vào giây phút cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi của mình dẫu biết rằng loài người quí vị vì quí vị chớ có phải vì Gà Tây chúng tôi đâu. Quí vị càng vui, dòng họ Meleagris chúng tôi càng buồn vì cảnh giết chóc hàng loạt bằng những phương tiện tinh vi của quí vị. Quí vị tranh đấu cho Nhân Quyền. Chúng tôi không biết làm cách nào để bảo vệ Thú Quyền nên đành phải chấp nhận định số mong manh của mình trong vũ trụ khắc ghi những định luậtt bất biến:
Khôn sống, dại chết.
Mạnh được, yếu thua.
Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng
Chúc tập thể loài người một ngày Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh vui vẻ, an lành. Quí vị đừng ăn quá nhiều thịt của dòng tộc Meleagris chúng tôi để phải bị chứng bội thực và cũng đừng uống quá nhiều rượu để rút ngắn cuộc đời và sớm theo chúng tôi. Quí vị giết chúng tôi bằng dao bằng máy chém, lột lông chúng tôi bằng cách nhúng thân thể chúng tôi vào nước sôi hay lột lông chúng tôi bằng máy. Chúng tôi không than phiền chi cả vì 7 tỷ nhân loại có ai binh vực hay thương xót sự đau đớn nghiệt ngã của chúng tôi. Vậy tôi cũng xin quí vị đừng rên than khi bị bịnh rằng tại vì ăn thịt dòng họ chúng tôi mà quí vị phải đi nằm bịnh viện.
Cám ơn sự thông hiểu của quí vị
Trưởng tộc dòng Meleagris trên thế giới.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.