Khi chê trách, mắng mỏ một người mà được đánh giá là một kẻ vô dụng, đã chẳng làm được một việc gì có ích mà còn lại làm phương hại đến lợi ích của người khác, người ta hay dùng thành ngữ "ăn hại đái nát" để ám chỉ.
Ví dụ: "Tao là tao từ cái mặt bọn bay. Nhờ bao nhiêu việc mà chả được tích sự gì. Đúng là một lũ ăn hại đái nát"; “Bọn tề dõng chuyên ăn hại đái nát, sách nhiễu nhân dân, thật không xứng là đại diện cho chính quyền”, v.v. Người nào mà được ví như vậy quả là xấu, xấu lắm, chẳng có gì để mà trân trọng, kể cả tư cách và nhân cách. Có lẽ ngữ nghĩa của câu thành ngữ này là rõ ràng, không có gì phức tạp lắm.
Nhưng về mặt ngôn ngữ, câu thành ngữ này đúng là có vấn đề (như các em học sinh đưa ra thắc mắc). Bởi từ "ăn hại" thì ta đã rõ (chỉ biết ăn tàn phá hại, vô tích sự). Nhưng hai chữ "đái nát" ở đây cần phải hiểu thế nào? Có phải hàm chỉ ai đó đái nhiều đến nỗi nát cây, nát cối, nát nhà, nát cửa của người khác không? Hay chỉ là một lối nói cốt cho hiệp vần dễ nghe với hai chữ "ăn hại"? (Thực tế cũng có vế một số câu thành ngữ được cấu tạo bằng sự hiệp vần ngẫu nhiên chứ không theo một logic nào).
Theo dân gian kể lại, ngày xưa, có nhiều chủ nợ cho vay nhưng mãi không đòi được. Nhiều con nợ cứ chây ì, giục năm lần bảy lượt cũng không trả. Chuyện khất nợ cũng có nhiều hoàn cảnh. Có người cố tình tính chuyện chây, "chạy làng trốn nợ" thực (Trong cuộc sống không hiếm những kẻ vay rồi quỵt nợ, không chịu trả mặc dù họ có khả năng). Song cũng có gia đình nghèo túng, làm ăn thất bát mà chưa có tiền, có thóc trả cho chủ nợ (chứ thâm tâm họ đâu muốn thế).
Tuy nhiên, nợ nào cũng là nợ. Vay thì phải trả, đó là lẽ thường ở đời. Cực chẳng đã, có chủ nợ nhờ người đi bắt nợ, xiết nợ (lấy của cải của con nợ, bất luận họ có đồng ý hay không, để trừ vào nợ) cốt đòi cho bằng được (hoặc vớt vát) những gì mình cho vay, cho mượn. Cảnh bắt nợ ngày xưa xảy ra ở nhiều nơi thật thương cảm. Anh Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố đã bị bọn cai lệ đến bắt ra sân đình trói, cho đến khi trả xong nợ mới thôi (Xiết nợ kiểu ấy quả cũng lạ đời!).
Lại có nhiều chủ nợ sai gia nhân, đầy tớ đến tận nhà con nợ để nằm vạ đòi nợ theo kiểu "giang hồ". Họ kéo quân đến ở, chầu chực ngay tại gia. Dĩ nhiên gia chủ phải nuôi cơm họ. Mọi sinh hoạt như ăn ở của hội người này (như ăn uống, bài tiết, ỉa đái...) đều diễn ra ngay trong nhà, rất bệ rạc và bẩn thỉu. Mục đích của đám người xiết nợ này là làm cho gia chủ phải chịu đựng, tới mức "đau đớn ê chề cho coi".
Con nợ chịu không thấu, đến nước phải mau mau tìm đủ mọi cách mà trả nợ cho xong. Quả là một "chiêu" đòi nợ độc đáo, chỉ còn kém mỗi anh chàng Chí Phèo được sai đi đòi nợ (theo lệnh của Bá Kiến), lập tức đến gây sự, sẵn sang rút dao đâm chém ở nhà Đội Tảo trong truyện của Nam Cao ngày trước.
Con nợ chịu không thấu, đến nước phải mau mau tìm đủ mọi cách mà trả nợ cho xong. Quả là một "chiêu" đòi nợ độc đáo, chỉ còn kém mỗi anh chàng Chí Phèo được sai đi đòi nợ (theo lệnh của Bá Kiến), lập tức đến gây sự, sẵn sang rút dao đâm chém ở nhà Đội Tảo trong truyện của Nam Cao ngày trước.
Chính từ sự tích dân gian này mà tiếng Việt có thêm thành ngữ "ăn hại đái nát" với những ngữ nghĩa mà ta đã biết. Sự tình “đến nhà ăn vạ đòi nợ” kiểu này đã lâu không tồn tại trong xã hội nữa, nhưng nó vẫn còn lưu lại dấu vết trong câu thành ngữ mà ta vừa xét.
Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
No comments:
Post a Comment